Thời bao cấp: Chuyện của anh kỹ sư Nông nghiệp

0
1164
Nếu không viết lại đôi điều, có thể nhiều bạn trẻ không hình dung nổi thời Bao cấp như thế nào? Ông bà cha mẹ mình đã sống ra sao?
Thời kỳ ấy chủ yếu diễn ra ở miền Bắc và tác động sâu sắc đến đời sống xã hội, đặc biệt là đời sống người làm công ăn lương.
Hãy lấy hình ảnh đời sống một gia đình anh kỹ sư nông nghiệp nọ để tìm hiểu những gian khổ ngày ấy… Đó là giai đoạn khoảng năm 1970 đến 1980, anh công tác ở Bộ Nông nghiệp Hà Nội, vợ dạy học ở Hải Dương. Thời kỳ này lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, phương tiện đi lại, dụng cụ học tập không được bán tự do, tất cả phải mua bằng tem phiếu, số lượng nhiều ít tùy thuộc vào mức lương. Ví dụ một người lương trung bình một tháng được mua 13 kg gạo, 2 lạng rưỡi thịt, 10 quả trứng, nửa ký đậu phụ… Số lượng này được in thành tem và phát tại cơ quan làm việc. Không ai được phép bán các mặt hàng này ngoài thị trường. Nếu bắt được, bị đưa lên đồn công an giải quyết… Anh kỹ sư kia phải để dành các thứ phiếu ấy, không dám ăn nhiều. Rồi thứ bảy cuối tuần anh đem phiếu ra cửa hàng mua thực phẩm, mang về cho vợ con. Anh phải đi rất sớm để xếp hàng. Vì tại nơi bán, người ta đã xếp rổ, rá, cục gạch, miếng gỗ… dài tít để chờ đến lượt vào mua. Mua được thực phẩm bằng tem phiếu rồi, anh phải quay về cơ quan làm việc. Đến năm giờ chiều, anh mang gói hàng quý kia ra bến ô tô, lại xếp hàng để mua vé về quê. Ở đây người ta xếp hàng còn dài gấp mười lần chỗ mua thực phẩm. Nhiều hôm không mua được vé, anh lại ôm gói hàng về nhà ngủ, để sáng sớm hôm sau lại ra bến ô tô xếp hàng, mang gói hàng về cho vợ con. Niềm vui lớn nhất là tết đến cơ quan chạy mua được gà, phân phối cho mỗi người được một con. Anh vui mừng ôm con gà công nghiệp ra bến, chen chúc giữa dòng người đang xô đẩy, hung dữ để mua vé lên ô tô về gia đình.
                           (Mua hàng thời bao cấp, Nguồn: Internet)
Thời ấy xe đạp, kể cả phụ tùng xe không bán tự do, phải mua tại cơ quan. Ví dụ cơ quan khoảng 100 người thì một năm được phân phối hai chiếc xe đạp, mười bộ xăm lốp, xích líp… Vì thế phải họp bình xét từng năm một xem ai được mua (mỗi người chỉ được mua một thứ, nếu lấy xích líp thì khỏi xăm lốp!). Có người cả mười năm mới đến lượt. Nếu mãi không đến lượt thì coi như đi xe “căng hải” cả đời! Trong cơ quan, anh nào có xe đạp coi như giàu có “oách nhất”.
Bạn anh, một kỹ sư xây dựng kể lại: “Hồi ấy xung phong đi chiến trường Lào, anh được phân phối hai kg đường. Anh không dám ăn để ngày chủ nhật mang về cho vợ. Không may khi về nhà, vợ con lại đi sơ tán khóa cửa, anh đành bọc kỹ hai kg đường vào ba lô, tiếp tục lên đường sang Lào công tác. Hàng tháng, anh leo đèo lội suối, lăn lóc ở rừng, vẫn không dám đụng đến  một hạt đường, để mấy tháng sau được về nhà, lại mang hai kg đường ấy về cho vợ con!”.
Lại nói đến sữa, thời ấy chỉ những người có con nhỏ mới sinh mới được mua hai, ba hộp sữa theo tem phiếu, trẻ em thiếu sữa thường xuyên! Còn để nấu ăn, chất đốt cũng được mua bằng tem! Vợ chồng anh kỹ sư mua than bằng tem, hàng tháng ra hồ lấy bùn về trộn với than cám, nhào nặn thành từng cục bằng nắm tay, mỗi bữa cho vào lò tôn một đến hai cục nấu ăn. Xỉ than thải ra không bỏ đi, anh để dồn một đống, chủ nhật về nghỉ, anh vớt bùn dưới hồ lên, nhào trộn với xỉ, đóng thành những viên gạch không nung, phơi ngay trước hè nhà. Sau một năm, anh dùng gạch đó tự xây nhà cấp bốn, rộng 20 mét vuông, mái lợp lá cho bố mẹ, vợ con ở.
Nói đến gian khổ của thời kỳ bao cấp, không bút nào tả hết. Song có một điều kỳ lạ là vợ chồng anh sống rất khỏe, ít ốm đau bệnh tật, lại rất lạc quan yêu đời. Ai cũng đạt thành tích cao trong công việc, được mọi người yêu mến, tín nhiệm. Như bao người Việt thời kỳ ấy, anh chị tháo vát, có nhiều sáng kiến khi gặp khó khăn. Hai từ bi quan, chán nản hầu như không tồn tại.
 
Tái bút: Để các bạn nghe cho vui, thời bao cấp có một bài thơ vui thế này.
            Một yêu, anh có may ô[1],
            Hai yêu, anh có cá khô để dành,
            Ba yêu, anh khá đẹp trai,

            Có Fa vơ rít[2], có đài đeo hông!!

 

[1] Áo ba lỗ.
[2] Xe đạp của Tiệp.
Triệu Hân,
TP. Hồ Chí Minh, năm 2011

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.