Hà Nội giai đoạn 1873-1888 (5)

0
748

BTKUXH – Hướng về đại lễ 1000 năm Thăng  Long – Hà Nội, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch nội dung quyển sách “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” của tác giả André Masson viết về Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 để chúng ta hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của thành phố qua góc nhìn của một nhà nghiên cứu phương Tây. Quyển sách do Nhà Xuất bản Hải Phòng biên dịch và ấn hành.

Chương 1: Trường Thi (tiếp theo và hết)

Hà Nội là trung tâm của thi cử xưa nhất của Đông Dương và trong Văn Miếu người ta có thể thấy các bia kỷ niệm các kỳ thi từ 1442 đến 1780. Năm 1876, ngoài trường thi Hà Nội còn có các trường thi ở Huế, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa và Nam Định. Trường thi Hà Nội dành cho thí sinh các tỉnh Bắc Ninh, Sơn Tây, Cao Bằng, Lạng Sơn và Tuyên Quang.

Cuộc thi bắt đầu vào ngày 1-10. Ngày hôm trước, các cáo thị báo cho thí sinh biết chỗ thi và cửa vào. Trước đó, các thí sinh phải mang một số giấy đủ viết ba bài luận tới Thành Hà Nội. Số giấy này sẽ trả lại cho thí sinh vào buổi sáng kỳ thi dưới dạng vở được ký trước.

Sáng tinh mơ ngày trọng đại, ngay từ canh ba, tức khoảng một giờ sáng người ta bắt đầu thúc trống cái để mọi người chuẩn bị. Ngay lập tức, các thí sinh, lẫn lộn trong đám người xem, đổ tới Trường Thi, tới trước hàng lính vây quanh trường. Vào giữa canh năm, tức là khoảng bốn hay năm giờ sáng, các quan giám khảo cùng với tùy tùng tới các cửa khác nhau. Sau đó là gọi tên thí sinh kèm theo lục soát người nghiêm ngặt tại lối vào. Mỗi thí sinh mang theo một chiếu lều bằng lụa hoặc bằng cói, bánh, gạo, chè, mực nho, một hoặc hai chiếc bút và một chiếc đèn. Sau khi mọi người vào hết, các cửa được đóng lại, và các quan giám khảo họp nhau ở nhà thập đạo, nằm giữa khu thi, để yết đề thi. Vào buổi chiều, các thí sinh làm xong bài dần dần kéo nhau ra qua cửa giữa nhưng những người cuối cùng chỉ rời trường thi vào lúc nửa đêm.

Kỳ thi thứ hai được tiến hành vào ngày 1 và kỳ thi thứ ba vào ngày 21 cùng tháng với những nghi thức như kỳ một. Do bị loại liên tiếp nên số thí sinh chỉ còn hơn năm trăm thay vì bốn, năm nghìn ban đầu. Trong ngày công bố kết quả, diễn ra năm ngày sau kỳ thi cuối cùng, người ta công bố tên của năm mươi tú tài mới và hai mươi lăm cử nhân mới.

Sau kỳ thi văn, diễn ra kỳ thi võ cũng ở Trường Thi. Nhưng lúc này, lãnh sự Kergaradec đi thám sát vùng thượng lưu sông Hồng nên, ngày 25-1-1877, viên tiểu đoàn trưởng Billès, người tạm giữ quyền lãnh sự trong thời gian ông vắng mặt, có thể yên tâm báo cho phủ đô đốc rằng, “Hà Nội đã hoàn toàn trở lại yên tĩnh”[1]. Các kỳ thi võ gồm có thi cử tạ, đánh kiếm, đánh giáo và trả lời một số câu hỏi về chiến thuật quân sự[2].

Các thư từ của tòa lãnh sự Pháp tại Hà Nội còn giữ được cho chúng ta biết kỳ thi hương lại được tổ chức ở Trường Thi vào năm 1879 và lôi cuốn hơn bảy nghìn thí sinh nhưng không cho biết chi tiết về kỳ thi. Kỳ thi này phải là kỳ thi cuối cùng của Trường Thi Hà Nội. Thực vậy, các kỳ thi hương ở Bắc Kỳ bị bãi trong thời gian diễn ra chiến dịch từ năm 1882 tới 1885 và mãi tới năm 1886 Paul Bert mới cho mở lại kỳ thi hương nhưng từ đó về sau chỉ được tổ chức ở Nam Định.

Ngoài thời gian phục vụ cho thi cử, Trường Thi còn được dùng vào các việc khác, nhất là phát chẩn gạo, một việc hiện nay vẫn tồn tại nhưng chi tiết hồi đó còn ít được biết. Các bức thư của lãnh sự Kergaradec cho phép chúng ta lấp kín chỗ thiếu đó và hình dung ra cảnh xót xa diễn ra ở cửa Trường Thi trong thời gian đói: “Cứ năm ngày một, các ăn mày của thành phố và các vùng lân cận, một đội quân thực sự, chen nhau tới các cửa của Trường Thi. Người ta cho từng người một vào và mỗi người nhận ở lối vào một ít gạo khoảng nửa ký lô; sau đó tất cả chín cửa cùng mở ra để mọi người rút đi. Chút gạo bố thí nhỏ nhoi vừa đủ một ngày chỉ phát cho phụ nữ, trẻ em, người già và những người tàn tật; những người đàn ông có vẻ còn kiếm sống được đều bị lính xua đuổi. Việc xua đuổi rất kiên quyết nhưng lần phát chẩn cuối cùng vẫn còn 22000 người tới nhận. Chỉ riêng con số này có thể cho ta một khái niệm về sự khốn cùng Hà Nội tặng chúng ta vào thời điểm đó”[3].

Với sự dè dặt, vài dòng trên đã nói lên nhiều những đau khổ dân chúng Bắc Kỳ phải chịu trước khi có sự can thiệp của quân Pháp. Những con số do ông Kecgaradec cung cấp, những bằng chứng vô tư, không thể bị nghi ngờ và tập hợp thư từ của ông chứng tỏ ông không bao giờ viết cho đô đốc thống đốc (chỉ Thống đốc Nam Kỳ- chú thích của người dịch) mà không kiểm tra cẩn thận độ chính xác của các thông tin nhận được.

Những ai ngẫu nhiên nhìn vào công việc của các quan An Nam sẽ thấy vào lúc nhiều người khốn khổ chết đói ở Hà Nội thì gạo lại thừa mứa ở các tỉnh khác vì việc lưu thông gạo bị cấm ngặt. Nghiên cứu những nguyên nhân dẫn tới nạn đòi, vị lãnh sự của chúng ta viết ngày 18-6-1880: “Lý tưởng của một viên tuần phủ là giá cả rẻ trong địa hạt của mình trong khi đắt đỏ ở địa hạt bên cạnh. Đó là dấu hiệu của sự cai trị tốt, của sự cai trì nhân từ. Những chuyện như vậy nằm trong phong tục của xứ này. Các phong tục này dựa trên những châm ngôn cổ và chắc là sẽ kéo dài như chính chính quyền của các quan lại.”[4]

Đầu năm 1882, khi có vấn đề gửi quân tới Hà Nội để tăng cường, người ta nghĩ tới Trường Thi và viên đại úy công binh phụ trách nhà cửa trình bày trong một báo cáo[5] ngày 18-1 rằng các ngôi nhà cũ trong Trường Thi có thể chứa được hai đại đội và dễ dàng nhận thêm hai đại đội nữa bằng cách xây dựng các nhà lá trong phần đất trống. Viên đại úy kết thúc báo cáo: “Tôi phải thêm rằng địa điểm Trường Thi đang ở trong tình trạng vệ sinh tồi tệ: nó bị các bãi lầy vây quanh, sát với nghĩa địa và nằm bên trại hủi. Tôi không thể tin rằng người ta lại chọn địa điểm này vào năm 1875”.

Những kết luận trên ít được để ý và Rivière thích đóng quân trong khu Nhượng địa trừ đại đội phòng thủ ở khu Hoàng cung từ ngày 25-4-1883. Nhưng vào quý 2 năm 1883, sự gia tăng quân số buộc ông ta phải theo dự án ban đầu. Giao kèo cung cấp thợ và vật tư cần thiết được giao cho nhà thầu khoán người Tàu Yuen-Tay để xây dựng các lán cho tiểu đoàn ở Trường Thi và một tiểu đoàn ở trong Thành Hà Nội. Phải dựng 32 lán loại 6x20m, 8 lán loại 6x12m và 2 lán loại 11x69m bằng gỗ và gạch với nền lát bằng gạch Bát Tràng vuông[6]. Nếu căn cứ theo các hồi ký chiến dịch đã được xuất bản thì tiện nghi của các ngôi nhà này cũng tạm được[7].

Chiến  dịch kết thúc, Trường Thi ra sao dưới sự bảo hộ của người Pháp? Cần phải cung cấp một nhiệm sở thích hợp cho nhiệm sở triều đình là ông Nguyễn Hữu Độ, Tổng đốc Hà Nội và sau đó là Kinh lược Bắc Kỳ. Như trình bày trong hồi ký[8] của Bonnal, trú sứ tại Hà Nội, việc trả lại cho ông Độ chỗ ở cũ trong thành Hà Nội sẽ đặt ra những khó khăn cho giới quân đội. Đầu tiên, một ngôi nhà lớn ở phố Hội truyền giáo (rue de Misson, nay là phố Nhà chung – chú thích của người dịch) được trao cho ông ta sử dụng; sau đó, vào năm 1886, người ta quyết định xây cho ông ta một dinh trong Trường Thi.

Dinh được dựng trong khu thi của thí sinh tại vị trí bãi cỏ ngày nay phải đi qua từ đường Borgnis Desbordes (nay là đường Trường Thi – chú thích của người dịch) để vào tòa nhà của Thư viện trung ương. Còn chính tòa nhà này chẳng qua chỉ là dinh thứ hai của Nha Kinh lược được xây dựng lại vào năm 1896 sau dinh thứ nhất ít lâu.

Được xây dựng theo sơ đồ và dưới sự điều hành của Nha Kinh lược, “dinh” thứ nhất là một ngôi nhà khá hiện đại, lợp ngói Tàu, sân trong có bể, núi non bộ và các chậu hoa. Mặt ngoài sơn các màu tươi. Khách vào đại sảnh, nơi tiếp khách chính của quan kinh lược, có thể chiêm ngưỡng “những bức trướng bằng lụa thêu câu đối, các bức tranh sơn mài Bắc Kỳ màu đỏ, bàn ghế chạm khắc, sơn son thếp vàng.

Ngay sau khi công trình hoàn thành và trước khi tới ở trong tòa nhà mới, quan Kinh lược giao tòa nhà cho những người tổ chức Triển lãm Bắc Kỳ lần thứ nhất diễn ra tại Trường Thi trong hai tháng ba và tư năm 1887. Khu đất, nơi trú chân của những người lính Pháp đầu tiên tới Bắc Kỳ, dùng làm nơi trưng bày đầu tiên về sự sang trọng của khu phố theo kiểu châu Âu ở Hà Nội. Mô tả cuộc triển lãm này[9] sẽ vượt quá giới hạn của chúng tôi vạch ra. Chúng tôi chỉ xin ghi lại quang cảnh chung của khu triển lãm theo lời kể của một khách thăm: “Khi khách tới trước Trường Thi theo một đại lộ rộng lớn đặt tên là đại lộ Paul Bert, ngay lập tức đập vào khách là vẻ vui tươi của những bức tường trắng được bao quanh bằng những chậu hoa cảnh duyên dáng và những thảm cỏ… Khi qua cửa, cảnh trí thật quyến rũ. Một lối đi ộng, hai bên trồng các cây như trà, cam, chanh, đào… và hoa như thược dược, cúc, hồng… Suốt con đường này,  các cây nhiệt đới và ôn đới hòa với nhau rất nghệ thuật và phong phú. Con đường dẫn tới một ngôi chùa trông ra cánh đồng[10].

Kết thúc giai đoạn nghiên cứu đề ra, chúng tôi sẽ không đi sâu vào những sự chia cắt liên tiếp hoặc những thay đổi của Trường Thi: 1893, xây dựng Sở Hiến binh trong một phần của khu giám khảo; 1897, dinh Kinh lược được nhượng lại cho Phòng Thương mại (Chambre de Commerce); 1898 và 1900, thành lập và mở rộng Trường dạy nghề (Ecole Professionnelle) tại phần Nam của Trường Thi.

Thay đổi cuối cùng trong những thay đổi đó là sự ra đời trong Trường Thi một địa chỉ gợi nhớ vinh quang của quá khứ văn học của nó: khu thi, lần lượt là dinh Kinh lược và Phòng Thương mại, năm 1919 trở thành Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (Direction des Archives es des Bibliothèques de l’Indochine). Thư viện trung ương nằm tại vị trí của nhà Thập đạo cũ, nơi ngày xưa các thí sinh tới chép đề và nộp bài vào cuối buổi thi. Tại đây, các sinh viên ngày nay, những người thừa kế các nho sĩ ngày xưa, tới nơi xưa để tham khảo các kiến thức khoa học tây phương.


[1] Hồ sơ Các Đô đốc số 12998, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[2] Xem P. Pasquier, l’Annam d’autrefois, 1907, trang 120 – 122.

[3] Hồ sơ Các Đô đốc số 13033, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương, thư ngày 30-4-1880.

[4] Hồ sơ Các Đô đốc số 13036, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[5] Hồ sơ Các Đô đốc số 10631, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[6] Hồ sơ Trú sứ Bắc Kỳ số 7600, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[7] F. Garcin, Au Tonkin pendant la conquête. Thư của một trung sĩ ngày 21-5-1884, trang 44.

[8] R. Bonnal, Au Tonkin, notes et souvenirs, 1925, trang 130.

[9] Người ta tìm thấy các chi tiết của cuộc triển lãm này trong một loạt bài của tờ Tương lai Bắc Kỳ (l’Avenir du Tonkin) trong các số từ ngày 19-3 đến 23-4-1887. Cái “đinh” của triển lãm là đoạn đường sắt Decauville dài mấy trăm mét. Người An Nam nô nức tới xem và sự vui thích của họ “không thể nào tả được”. Trong đoạn phóng sự ta thấy đại úy Joffre được giao nhiệm vụ thiết kế khu nhà và trong số các vật trưng bày có pho tượng Tự do cầm đuốc chiếu sáng quảng trường Thế giới, nay là quảng trường Neyret. Chiếc cổng của Sở Hiến binh hiện nay cũng là một kỷ niệm của cuộc triển lãm này. Cổng được xây theo thiết kế của đại úy Roques.

[10] P. Vial, Nos premières années au Tonkin, 1889, trang 137

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.