Nhật ký điền dã: chuyện về đời sống công nhân (5)

0
1147

BTKUXH – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng không thể lường hết những khó khăn mà công nhân ngày nay đang gặp phải. Nếu như trước kia người công nhân Việt Nam còn có “hậu phương” là mảnh vườn, miếng đất… phòng kế mưu sinh thì người công nhân ngày nay đa phần phải rời xa quê hương đến tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong sự bơ vơ, thiếu thốn… và hành trang của họ chỉ là cuộc sống tạm bợ của lớp nghèo thành thị. BTKUXH xin chân thành cảm ơn tác giả Kim Liên đã chia sẻ tư liệu nhật ký điền dã về đời sống công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu các loại hình và cách thức tập hợp thanh niên công nhân vào sinh hoạt tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh do ThS. Nguyễn Đức Lộc làm chủ nhiệm đề tài. Đây là những trang nhật ký được tác giả ghi lại vào tháng 03/2008, chúng tôi xin lần lượt đăng các bài của tác giả tạm lấy tên là: “Những câu chuyện về đời sống công nhân”.

Những câu chuyện về đời sống công nhân: Phần 5

Thứ sáu ngày 04 tháng 07 năm 2008

Như kế hoạch đã định, tại mỗi quận phải thực hiện 4 cuộc, bao gồm 2 PRA và 2 thảo luận nhóm. Mỗi quận sẽ có 2 phường và ứng với hai phường là 2 khu phố được chọn để khảo sát. Do tính chất tổ chức nên những ngày đầu thu thập thông tin định lượng tôi và Phúc phụ trách phường Linh Xuân và phường Linh Trung do Phước và Hiệp phụ trách. Vì đã quen thuộc với địa bàn khu phố 3 và khu phố 4 ở phường Linh Xuân nên tôi thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm người để tổ chức thảo luận nhóm và làm PRA. Trong khi đó, do một số lý do nên ở giai đoạn thu thập thông tin định tính Phước, Hiệp và Phúc không thể tham gia tôi đã phải “ôm sô” hết địa bàn Thủ Đức, cũng may tôi đã nhờ được một người làm cộng tác cho tôi. Vì không nắm rõ địa bàn phường Linh Trung nên tôi đã gặp Phước để hỏi xem ai là người có thể liên lạc được ở địa bàn đó, được Phước cho biết là chú Dân, về sau hỏi Hiệp thì được biết chú Dân là tổ trưởng khu phố 4. Sau khi đã hỏi được những thông tin cần thiết phục vụ cho việc tập hợp công nhân, nên hôm nay tôi xuống khu phố 4 phường Linh Trung để tìm hiểu tình hình và cũng là để gặp chú Dân.

Vừa xuống đến khu chế xuất Linh Trung, tôi lân la hỏi người đi đường thì biết được mình đang đứng ở địa bàn khu phố 4. Thật là may mắn quá. Tôi đi bộ để tìm nhà người dân để hỏi xem nhà chú Dân ở đâu, tôi thấy có một nhóm công nữ đang đi phía trước, tôi nghĩ là họ có thể biết được thông tin tôi đang cần, nên tôi tiến tới bắt chuyện làm quen với một bạn trong nhóm đó. Ồ, thật thú vị khi bạn nữ tôi hỏi lại ở cùng quê với tôi nhưng khác xã, tôi đã không nhầm khi đoán các bạn nữ đó là công nhân nhưng chỉ là công nhân học việc, đây là hôm đầu tiên họ đến công ty để học việc, tôi hỏi làm ở công ty nào thì bạn cười: “cũng không biết công ty đó tên gì nữa, không nhớ”. Tôi hỏi vô đó họ phỏng vấn những gì, thì bạn cho biết những thông tin như: tại sao lại biết công ty này tuyển người mà xin vào? Cho biết mức lương (lương chính thức là 1.270.000), làm việc theo ba ca, công việc chính của công ty là làm về các linh kiện điện tử. Nói đến đây thì tôi biết công ty mà bạn gái đó đang học việc là công ty Nissei, tôi hỏi có đúng vậy không thì bạn gái đó gật đầu xác nhận. Tôi hỏi về chỗ ở thì bạn nói là được ở khu lưu trú dành cho công nhân. Tôi hơi tiếc vì nếu như bạn đó ở trọ bên ngoài thì tôi còn có thể đến tìm hiểu và trò chuyện, nhưng ở lưu xá thì người ngoài không thể vào được.

Tạm biệt nhóm bạn công nhân tôi dừng lại ở một quán tạp hoá nhỏ ven đường đối diện với trạm xe bus số 93. Tiếp chuyện tôi là một người phụ nữ hơn 30 tuổi, khuôn mặt sắc sảo, nhìn tôi không mấy thiện cảm. Tôi hỏi cô xem nhà chú Dân – tổ trưởng khu phố 4 – ở đâu. Thì cô nhìn tôi dò xét và hỏi ngược lại tôi tìm nhà chú Dân để làm gì, và dĩ nhiên tôi phải giải thích tại sao tôi đến đó, cô còn hỏi tôi sinh viên trường nào, rồi tìm hiểu công nhân để làm gì, tìm hiểu công nhân chỉ có nhà báo để viết báo thôi chứ làm gì có ai mà tìm hiểu, tôi nói cho cô là tôi không phải nhà báo, tôi chỉ là sinh viên đi thực tập rồi về viết báo cái nộp cho thầy cô chứ không phải là viết bài gởi báo, rồi cô còn hỏi tôi có giấy tờ giờ để chứng minh không. Lúc này thì thực sự tôi hơi “đơ” vì thái độ rất kịch liệt của cô khi mà cô chỉ là một người dân (đâu phải là chính quyền) mà hơn nữa tôi chỉ hỏi cô là nhà chú Dân ở đâu mà thôi, chứ tôi đâu có làm gì đến mức độ cô phải nói với tôi như vậy. Cô khinh khỉnh nhìn tôi: “đời bây giờ thật, giả khó phân biệt, giả thì nhiều, nhiều khi có giấy tờ mà cũng chưa chắc là thật nữa”. Tôi bị “sốc” và tự ái khi nghe những lời nói đó, nhưng tôi vẫn mỉm cười nói với cô rằng: “cô cảnh giác, nghi ngờ như vậy cũng đúng thôi, đâu phải ai cũng thật, cô tin hay không là tuỳ cô mà, trước đây con cũng bị mấy người tiếp thị lừa nên con biết cô đang nghĩ gì mà”. Cô im lặng không nói gì. Tôi hỏi tên cô thì cô lắc đầu: “cô không cho biết tên, số điện thoại cô cũng không cho ai biết hết, cho người ta biết tên lỡ may lát nữa lại đi ra nói bà này, bà kia nói này, nói nọ, phiền phức lắm; hỏi nhà ai thì cô chỉ chứ hỏi cô thì cô không nói”. Tôi chỉ còn biết cười mà thôi “tuỳ cô”.

Cuối cùng tôi hỏi lại cô lần cuối về nhà chú Dân, cô nói rằng: cô là người nằm trong bộ máy của khu phố này nhưng trong khu phố này không có ai tên Dân, và cô khẳng định với tôi là chắc chắn như vậy. Lúc này thì tôi bắt đầu hoang mang về thông tin của mình khi mà chính miệng người địa phương cho biết không có tên người tôi muốn gặp. Tôi gọi điện cho Phước, nhưng Phước không bắt máy, tôi cũng không hiểu sao mấy hôm nay tôi gọi cho Phước mà Phước không bắt máy, không biết là bận hay là “sợ” nói chuyện với tôi. Tôi đành gọi điện cho Hiệp để xác minh một lần nữa thông tin, Hiệp cũng hơi ngạc nhiên khi nghe tôi nói không có ai là tổ trưởng khu phố 4 mà tên Dân hết, tôi hỏi Hiệp có chắc không thì Hiệp nói chắc là tổ trưởng tổ 4, để Hiệp hỏi lại Phước xem. Tôi rất bất ngờ về điều này, sau đó tôi quay qua hỏi cô xem có ai tổ trưởng tổ 4 tên Dân không, thì cô nói là không có. Đến nước này thì tôi cũng không biết là thông tin mình đang có là đúng hay sai nữa. Tôi lại gọi cho Hiệp nhưng máy đang bận, lát sau Hiệp nhắn tin cho tôi nói là chú Dân tổ trưởng tổ 4, khu phố 2. Lúc này thì tôi thật sự “sốc”. Sao lại có thể có một sự nhầm lẫn như vậy được???
Đến lúc này thì tôi chỉ còn cách là cười trừ, xin lỗi vì hỏi “nhầm địa chỉ”. Sau đó, tôi bắt xe bus đến khu phố 2 theo lời dẫn đường của một anh thanh niên. Hội đồng nhân dân phường Linh Trung nằm ngày trong khu phố 2, trên đường Kha Vạn Cân. Để thuận lợi cho việc tìm đường đến tổ 4, khu phố 2, tôi vào phường hỏi mấy người dân phòng, thì được họ hướng dẫn cho con hẻm vào khu phố 2. Đó là một con hẻm khá dài (đường Linh Trung). Trên đường đi tôi hỏi người dân thì được họ hướng dẫn là “cứ đi thẳng con đường này có lẽ cuối đường là tổ 4 vì ở đây là tổ 1 rồi”. Tôi đi ngang qua một trường trung học với cảnh tượng đập vào mắt tôi là rất nhiều người đang tụ tập trước cổng trường để chờ đợi con em họ đang thi đại học, đây là một cụm thi của trường đại học Nông Lâm. Đi thẳng tiếp con hẻm, tôi nhận thấy ở đây cũng khá là phát triển chủ yếu là sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, ở khu phố này có nhiều nhà trọ nhưng những nhà trọ ở đây không chỉ dành cho công nhân mà còn dành cho sinh viên, bởi vì trên đường đi tôi thoáng nhìn thấy những chiếc áo thể dục của các trường: ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật, ĐH Ngân Hàng, … thậm chí là cả ĐH Hồng Bàng. Chứng tỏ thành phần dân nhập cư của khu phố này cũng khá phá tạp vì có nhiều thành phần khác nhau. Trên đường đi tôi luôn hỏi thăm để xác định xem mình có đi đúng hướng hay không, có người tôi hỏi thì họ biết đây là tổ mấy, có người thì lại không biết. Đi từ xa thấy hai ông bà già đang nói chuyện với nhau tôi “bay” vào hỏi đường luôn, tôi hỏi ông lão thì ông nói – giọng nói nghe phảng phất chất giọng người Huế hoặc Quảng Trị (tôi đoán vậy)- “đây là tổ 9 rồi, tổ 4 phải đi ngược lên, đến ngã tư thì rẽ qua con đường đá, tổ 4 là tổ của bà ni (chỉ bà lão đang đứng cạnh), nhà thằng Dân ở đối diện với nhà thờ Hiển Linh, nhà thờ Đạo á”. Tôi đi theo sự chỉ dẫn của ông lão và tôi cũng tìm được con đường đá mà ông lão nói. Cuối cùng thì sau bao nhiêu con đường ngoằn ngoèo, tôi cũng đã đến được nơi cần phải đến – đó là nhà chú Dân. Nhà chú Dân có một cái quán cafê, tôi vào thẳng quán cafê thì gặp một người đàn ông trung niên đang ngồi xem ti vi, tôi tiến lại gần hỏi xem ngừơi đàn ông đó có phải là chú Dân hay không. Đúng như tôi dự đoán đó là chú Dân, tổ trưởng tổ 4, khu phố 2. Tuy nhiên, không như những gì tôi tưởng tượng, đó là một ngừơi đàn ông có khuôn mặt lạnh lùng, hình như việc gặp tôi là một điều “xui xẻo” đối với chú, điều đó thể hiện qua thái độ lạnh lùng và dửng dưng của chú khi nói chuyện với tôi, khi nói chuyện với tôi chú luôn “dán” mắt vào cái ti vi trước mặt và coi như là không có sự hiện diện của tôi, điều đó khiến tôi cảm thấy bị không được tôn trọng. Tôi trình bày sự việc tại sao tôi lại có mặt ở đây mà không phải là Phước và Hiệp, nhưng khi tôi đề cập đến việc nhờ chú giúp đỡ để tập hợp công nhân thì chú nói rằng, lên liên hệ với phường chuyển qua chỗ khác đi vì chú dạo này chú bận rất nhiều việc, chú chuẩn bị phải về quê. Tôi ra sức thuyết phục nhưng rồi tôi nhận thấy không thể “lay chuyển” được con người “sắt đá” đó nên tôi xin phép ra về.

Bầu trời xám xịt, những hạt mưa đang lất phất bay, tôi đi nhanh ra trạm xe buýt, lòng rối bời vì hôm nay gặp quá nhiều chuyện “ngoài dự kiến”. Có lẽ lại phải thay đổi kế hoạch thực địa thôi. Ngày hôm nay đã dạy cho tôi nhiều bài học đắt giá. Tôi ra về trong sự mệt mỏi và chán chường, cơn mưa chiều lại ập xuống như cố tình làm tăng thêm sự bức bối, mệt mỏi trong tôi lúc này.

Kim Liên
(học viên Cao học ngành XHH, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.