Nhật ký điền dã: chuyện về đời sống công nhân (12)

0
1013

BTKUXH – Nhìn vào đời sống công nhân hiện nay, có lẽ những công nhân Việt Nam trước đây cũng không thể lường hết những khó khăn mà công nhân ngày nay đang gặp phải. Nếu như trước kia người công nhân Việt Nam còn có “hậu phương” là mảnh vườn, miếng đất… phòng kế mưu sinh thì người công nhân ngày nay đa phần phải rời xa quê hương đến tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong sự bơ vơ, thiếu thốn… và hành trang của họ chỉ là cuộc sống tạm bợ của lớp nghèo thành thị. BTKUXH xin chân thành cảm ơn tác giả Kim Liên đã chia sẻ tư liệu nhật ký điền dã về đời sống công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu các loại hình và cách thức tập hợp thanh niên công nhân vào sinh hoạt tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh do ThS. Nguyễn Đức Lộc làm chủ nhiệm đề tài. Đây là những trang nhật ký được tác giả ghi lại vào tháng 03/2008, chúng tôi xin lần lượt đăng các bài của tác giả tạm lấy tên là: “Những câu chuyện về đời sống công nhân”.

Chủ nhật ngày 23 tháng 07 năm 2008 (tiếp theo)

Sau khi xin lỗi các bạn công nhân vì sự có mặt trễ nại của chúng tôi, chúng tôi lập tức bắt đầu vào cuộc thảo luận nhóm, thì thấy các bạn trong Đoàn Thanh niên vào ngồi chung nhóm thảo luận với các bạn công nhân. Tôi đã ra ngoài “hội ý” nhỏ với Hương – Bí thư Đoàn Khu phố 2 về việc sự hiện diện của các bạn Đoàn Thanh niên trong nhóm thảo luận thì các bạn công nhân sẽ không thật sự cởi mở, và không thoải mái để bộc lộ các suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của họ, vì thế để đảm bảo yếu tố khách quan cho buổi thảo luận tôi đề nghị Hương cho các bạn Đoàn Thanh niên ra ngoài và Hương đã đồng ý với điều đó và lúc đó, bản thân tôi cứ nghĩ đó là lẽ hết sức bình thường chứ không ngờ nó lại dẫn đến một rắc rối về sau.

Buổi thảo luận nhóm được bắt đầu bằng công cụ cây vấn đề, các bạn công nhân thảo luận khá sôi nổi và đã đưa ra các nguyên nhân cũng như hệ quả của vấn đề “hoạt động tập thể không thu hút công nhân tham gia” như sau:

– Các nguyên nhân khiến hoạt động tập thể không thu hút công nhân tham gia:

+ Ban Giám đốc chưa quan tâm sâu sắc công nhân “người ta chỉ quan tâm đến mình có đến làm việc cho họ hay không thôi chứ không quan tâm gì đến cuộc sống của công nhân”.

+ Bận việc nhà => không có thời gian để tham gia việc khác “đi làm cả tuần, chỉ có ngày chủ nhật được nghỉ ở nhà để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo”.

+ Cách thức tổ chức hoạt động chưa thu hút => các hoạt động chưa thực sự bổ ích và thiết thực => công nhân không tin tưởng, sợ sệt nên không muốn tham gia.

+ Bận việc riêng “đôi khi chủ nhật hay đến nà họ hàng, đến nhà bạn bè, rủ bạn bè đi chơi”.

+ Lãnh đạo không thu hút được công nhân tham gia => chưa liên kết, tập hợp được công nhân.

+ Tính cách nhút nhát => không tự tin khi nói chuyện trước đám đông “tụi em ở quê lên nên vẫn còn nhát lắm, gặp đông người tự nhiên thấy không tự tin lắm, nên ngại tham gia là vậy’.

+ Thời gian làm việc quá nhiều “thời gian tăng ca quá nhiều, chỉ có Chủ nhật được nghỉ làm mà thôi, muốn tranh thủ ngày Chủ nhật để ngủ cho khỏe, hôm sau đi làm tiếp”. “Đi làm mệt nên tinh thần không thoải mái lắm, chỉ muốn được nghỉ ngơi thôi”.

+ Công đoàn không quan tâm nhiều đến công nhân => ít khi tổ chức các hoạt động cho công nhân tham gia “Công đoàn chỉ tổ chức văn nghệ, thể thao vào mấy ngày lễ, có những công ty không tổ chức bất cứ cái gì cho công nhân…”.

+ Các tổ chức chưa tìm hiểu sâu đời sống công nhân vì số lượng công nhân nhiều nên ít có cơ hội gặp trực tiếp công nhân “chỉ toàn thấy ở trên nói xuống chứ có thấy người ta tìm hiểu ý kiến của công nhân phản ánh lên đâu…”.

=> Nguyên nhân chính khiến các hoạt động không thu hút công nhân tham gia: Ban Giám đốc chưa quan tâm sâu sắc công nhân, thời gian làm việc quá nhiều.

– Hệ quả của việc không tham gia các hoạt động tập thể:

+ Không hiểu biết xã hội => lạc hậu “ không nắm bắt được các thông tin thì mình dễ trở nên lạc hậu, ai nói gì cũng không biết, cũng kỳ lắm”.

+ Đời sống tinh thần đơn điệu, tẻ nhạt => trầm cảm “cuộc sống ngày nào cũng như ngày nào cũng chán lắm, tham gia hoạt động thì có bạn có bè nó vui hơn, chứ ngày nào cũng như vậy thì ngán lắm”.

+ Mất cơ hội phát triển bản thân => không phát hiện được tiềm năng của bản thân “nhiều khi mình tham gia một cuộc thi hát nào đó, mình được người ta biết đến thì sao… hay là nếu như mình tham gia một cuộc thi kể chuyện chẳng hạn, mình có thể biết được mình có khiếu kể chuyện hay không…”.

+ Ít cơ hội giao lưu, kết bạn => không có thêm nhiều bạn mới “quen biết nhiều bạn bè thì vui, hỏi hỏi được nhiều thứ”.

Từ những nguyên nhân trên cũng cho tôi thấy được cuộc sống của người công nhân có quá nhiều nhân tố cản trở để họ có thể thực hiện được những điều mình thích mà đơn giản ở đây là việc tham gia những hoạt động mang tính chất giải trí, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Thế nhưng, mong muốn đơn giản của họ không thể thực hiện được vì nhiều nguyên nhân khác nhau, bắt nguồn từ khâu tổ chức cho đến các lý do khác khiến công nhân không thể tham gia các hoạt động tập thể. Đó thực sự là một thiệt thòi cho người công nhân, bởi vì có một số công ty không quan tâm nhiều đến đời sống của công nhân, cái họ quan tâm chỉ là lợi nhuận do công nhân mang lại cho họ là bao nhiêu, nếu nhiều thì “trúng mánh” nếu lỗ thì gây áp lực, bắt chẹt công nhân.

Sau cùng là công cụ biểu đồ Venn, lúc này không khí có vẻ chùng xuống vì lúc này đã khoảng hơn 18 giờ nên các bạn công nhân có vẻ đói bụng và mệt mỏi, nhưng sau một lúc tranh luận cũng đưa ra được các thông tin sau:

Gia đình vẫn là tổ chức quan trọng nhất và có tác động mạnh mẽ nhất đối với công nhân cho dù hiện tại họ sống xa gia đình, thế nhưng gia đình vẫn đóng vai trò trung tâm trong cuộc đời của họ, chỉ có gia đình là nơi để họ được an ủi, động viên, khích lệ hay sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn.

Ban Giám đốc, Công đoàn cũng đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của người công nhân nhưng lại không thực sự là tổ chức được công nhân yêu thích vì công nhân đã không được làm việc ở môi trường như họ mong muốn. Ban Giám đốc công ty là nơi trả tiền lương cho sức lao động của người công nhân bỏ ra, nếu không có Ban Giám đốc công ty thì họ sẽ không có công ăn việc làm, không có tiền để trang trải cho cuộc sống nhưng chính sách của công ty cũng có nhiều bất cập khiến công nhân khó có thể chấp nhận. Nói cách khác, quan hệ của công nhân với Ban Giám đốc công ty như là mối quan hệ cộng sinh, cả hai cùng có lợi, và chỉ đơn thuần là mối quan hệ mang tính chức năng chứ không phải là tình cảm. Không chỉ là Ban Giám đốc công ty mà những tổ chức, cá nhân khác thuộc về công ty đều được công nhân đánh giá bằng những màu sắc không thiện cảm, công ty chỉ là nơi để công nhân có được công việc và thu nhập trang trải cho cuộc sống nhưng không phải là nơi công nhân yêu thích mặc dù đó là nơi có tầm quan trọng đối với công nhân.

Những cá nhân, tổ chức ngoài công ty được công nhân chọn những màu sắc tốt diễn ra sự yêu thích của họ cho dù những cá nhân, tổ chức đó không tác động, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của công nhân.

Nhìn chung, không khí buổi thảo luận thực hiện công cụ cây vấn đề và biểu đồ Venn diễn ra khá tốt, các bạn công nhân trao đổi, tranh luận sôi nổi hơn so với các nhóm công nhân ở phường Linh Xuân mà tôi gặp trước đó, điều đó cũng góp phần rất lớn làm nên thành công cho hai công cụ PRA đó. Tuy nhiên, có những thông tin các công nhân đặt ra và được họ suy xét, cân nhắc quá kỹ vì sợ ảnh hưởng không tốt đến công ty họ đang làm việc và địa phương họ đang tạm trú thành ra nhiều lúc không khí của buổi thảo luận diễn ra rất mệt mỏi và kéo dài thời gian một cách không thực sự cần thiết, nhưng dù sao cũng thông cảm cho họ các công nhân, họ tự bảo vệ chính mình giữa “nơi đất khách quê người” thì điều đó cũng là hợp lý, không thể trách cứ họ được.

Sau khi buổi thảo luận nhóm kết thúc chúng tôi tiếp tục tiến hành một cuộc thảo luận nhóm khác có kết hợp với công cụ phân loại ưu tiên, nhóm nữ công nhân này được lấy từ Câu lạc bộ Nữ thanh nhà trọ do các cô bên Hội Phụ nữ chịu trách nhiệm chính.

Chúng tôi quyết định thực hiện công cụ phân loại ưu tiên trước vì nhà bên cạnh đang có đám cưới nên mọi người hát hò rất ồn ào không thể tiến hành ghi âm được, nên phải chuyển qua làm công cụ phân loại ưu tiên trước và có lẽ sẽ dời buổi thảo luận nhóm tập trung vào lần sau.

Không khí tranh luận của mọi người ở đây còn sôi nổi, thân thiện và cởi mở hơn nhóm công nhân trước nhưng vẫn có một số người không chịu nói. Một số vấn đề ưu tiên đã được thống nhất sau khi thảo luận:

Nhìn vào bảng phân loại ưu tiên mới thấy nhu cầu được nâng cao đời sống vật chất thì quan trọng hơn là đời sống tinh thần, thật không sai khi nói câu “có thực mới vực được đạo”. Tăng lương dường như là mong mỏi cấp bách, cần thiết cho cuộc sống của người công nhân trong thời buổi kinh tế lạm phát như hiện nay.

Bảng phân loại ưu tiên trên cũng cho thấy một thực trạng chung của các công ty hiện nay là chưa quan tâm nhiều đến đời sống của công nhân, Công đoàn thì chưa làm đúng vai trò và trách nhiệm của mình, Ban Giám đốc thì bóc lột sức lao động của công nhân đến kiệt quệ khi tăng ca liên tục, mặc dù tăng ca thì công nhân sẽ có thêm thu nhập (công nhân nào cũng muốn tăng ca để có thêm thu nhập) nhưng hiện nay chính công nhân lại quá mệt mỏi với những giờ tăng ca của công ty, mong muốn của họ là được giảm giờ tăng ca vì tăng ca là việc các công ty bắt buộc công nhân phải tăng ca, không phải là công nhân muốn tăng ca thì tăng ca, không tăng ca thì thôi. Việc bắt buộc tăng ca của các công ty không khác nào ép buộc công nhân lao động dù rằng họ không muốn. Đó không phải là chính sách nhân đạo.

Vậy là cuối cùng hai cuộc thảo luận nhóm cũng khép lại một cách thành công và tốt đẹp, và chúng tôi dự định là tuần sau sẽ tiến hành một cuộc thảo luận nhóm tập trung vì tình hình lúc nãy không thể tiến hành được.

Kim Liên
(học viên Cao học ngành XHH, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.