Khi dân chúng bắt đầu đi vào cuộc sống ổn định, xét thấy với hoàn cảnh hiện tại rất thuận lợi cho việc thành lập một giáo xứ, các linh mục lúc bấy giờ đã đệ trình lên Đức Cha giáo phận Sài Gòn xin thành lập giáo xứ Đồng Lách. Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã ban sắc để Đồng Lách được trở thành giáo xứ. Các cha đã cho hai giáo khu, mỗi bên tiến cử hai chức sắc, có văn hoá và đạo đức tốt để các Ngài thành lập Ban Đại diện xứ. Sau khi đã có Ban Đại diện xứ, cha già giáo cho đúc một quả chuông rộng sáu tấc, trị giá 32.000 đồng. Quả chuông này thay cho chiếc mâm xe tải đã dùng lâu nay. Mỗi ngày ba lần sáng trưa chiều, tiếng chuông thánh thót, vang vọng khắp vùng Đồng Lách, làm tăng thêm lòng sốt mến của người giáo dân. Quả chuông này được sử dụng cho đến năm 1970 mới được thay bằng một gác chuông bằng sắt cao sáu mét.
Chuông nhà thờ (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Để việc đi lại sinh hoạt giữa người giáo dân trong xứ được dễ dàng, các linh mục đã cho đắp con đường nối liền hai giáo khu, và một con đường khác nối liền con đường cuối làng với con đường xe bò đi khu vực Lò Than và Suối Sao. Nhờ có các con đường này, công việc đi lại làm ăn của người dân được dễ dàng. Trong giai đoạn này, giáo xứ gặp rất nhiều khó khăn về tinh thần cũng như vật chất. Dân trí thấp, của cải nghèo nàn, đôi khi thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng không ít đến đời sống của người dân. Linh mục quản xứ đã lập toà khấn, thường xuyên tổ chức các tuần khấn tam nhật, cửu nhật. Giáo xứ cũng tổ chức rước cung nghinh Đức Mẹ từ giáo khu Đông Hải về nhà xứ. Hàng loạt những băng rôn căng ngang đường, nhắc nhở tâm hồn các tín hữu hãy sống phó thác, hãy đặt niềm tin, lòng trông cậy nơi Đức Mẹ. Với lòng tin của mình, người dân tin rằng mình đã nhận được nhiều ơn lành từ những lời khấn hứa.
Qua Ban Đại diện xứ, hai cha tổ chức cho các gia đình sắm mỗi gia đình một cây cột cờ bằng gỗ, được sơn phết hẳn hoi. Mỗi cột có trang bị một cái đèn chai và một lá cờ Hội thánh. Các ngày lễ trọng hoặc rước kiệu thì đem chôn cột cờ chung quanh Thánh Đường và trên đường rước. Niềm tin và lòng sốt mến của người giáo dân trong giáo xứ rất cao, được thể hiện qua những cuộc rước liên giáo khu. Những bàn tay khéo léo thi đua nhau trang trí cho giáo khu của mình. Họ dựng cột đèn, giăng những dây cờ nhiều màu sắc chung quanh nhà thờ và dọc theo đường rước bên phần đất của giáo khu mình. Họ bện những cọng rơm thành nùn rồi kết thành những con rồng, con phụng, con lân, con ly, hoặc thiên thần, sau đó kết lại và dựng lên thành những cổng chào tuyệt mỹ. Họ còn dùng nhiều cây nứa bó lại với nhau, phần gốc thì lớn, rồi nhỏ dần. Trên đầu cùng là một cây nứa thẳng đứng được trang bị dây kéo và một lá cờ Hội thánh thật lớn. Rồi họ dựng lên giữa sân nhà thờ để chào mừng cuộc rước.
Năm nào cũng vậy, dịp lễ Giáng Sinh, giáo xứ tổ chức cho các gia đình làm hang đá. Giáo xứ tổ chức cho các thiếu nhi được lãnh quà Giáng Sinh, dù chỉ là ít cái kẹo do cha già giáo ban tặng cũng đủ làm cho các thiếu nhi có niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh.
Ngày lễ Phục Sinh thì bao giờ cũng được tổ chức theo nghi thức truyền thống. Từ ngày thứ Năm cho đến hết ngày Chúa Nhật, hầu như mọi người đều gác công ăn việc làm lại để tham dự đầy đủ các nghi thức của giáo hội, cũng như nghi thức truyền thống. Mọi người cùng nhau lo dọn vệ sinh khu vực sân, trang trí trong và ngoài Thánh Đường, làm nhà tạm, làm hang đá bằng cây lá rừng. Hang có lối vào quanh co, phải quỳ và lết bằng đầu gối từ xa mới đến được mồ Chúa. Tuy vậy, trẻ con thì chịu khó hôn chân Chúa hơn người lớn vì nó bốc được nhiều nả hơn. Nhân dịp mừng lễ, những người có bàn tay khéo léo còn được ban đại diện xứ nhờ lập ra vườn địa đàng với cây cối, ông bà Adam, Eva, cùng rất nhiều các loại con thú khác nhau. Trong vườn, con thú được người ta quan tâm nhất vẫn là con rắn khổng lồ đã cám dỗ ông Adam và bà Eva. Cách thức tổ chức như trên đã cuốn hút được các thanh niên, thanh nữ đua nhau tập ngắm đứng, tập dâng hạt và học theo nghệ thuật tổ chức của các bậc cha anh; từ đó giúp họ có khả năng truyền đạt cho các thế hệ sau.
Các linh mục coi sóc giáo xứ lúc bấy giờ luôn quan tâm và đặt nặng về công việc giáo dục văn hoá đi đôi với giáo lý, để mở mang trí tuệ cho lớp người sau, vì đa số cha mẹ của họ đều thất học. Thời gian đầu năm 1957, ông phó Đaminh Phạm Văn Rong đã lập một phòng học tại nhà riêng của mình, để thầy Phạm Thanh Khôi dạy văn hoá cho các học sinh của ấp Lộ Đức II cho đến khi cha cố Thụ qua đời. Thời gian sau, thầy giáo Đaminh Đinh Văn Lộng dạy tại trường của giáo xứ ở cuối nhà thờ. Năm 1961, thầy giáo Lộng đi Hố Nai. Tiếp đến, thầy giáo Đaminh Vũ Văn Rồng tiếp tục công việc dạy học. Các học sinh lớp ba, lớp tư thì sang Đông Hải học thầy giáo Hát. Học sinh lớp trên nữa thì phải ra Ngọc Đồng, hoặc Thánh Tâm. Năm 1964, khi các học sinh tiểu học của hai giáo khu, cùng với làng người Nùng mỗi ngày một đông, ông phó Phạm Văn Rong làm trưởng ấp đã xin được quận Đức Tu hai gian trường học, kinh phí dự trù 40.000 đồng, nhưng không có khu đất nào thuận tiện. Ông chánh trương Đinh Đức Nghinh đã hiến giáo xứ một thửa đất rộng 200 mét vuông, cách hậu nhà thờ 100 mét về phía tay trái để xây phòng. Từ đây, giáo xứ có thêm hai phòng học, mỗi phòng rộng 25 mét vuông, tường xây bằng gạch xi-măng, lợp tôn fibrô cement. Thầy giáo dạy ở đây đầu tiên là ông giáo Vũ Văn Thuyên. Từ 1969, thầy Đỗ Tiến Xuyên được cha cố Nhật mời dạy.
Chính phủ lúc bấy giờ cũng cấp cho hai ấp một máy phát điện công suất lớn chạy bằng dầu diesel, do ông Lý phó trưởng ấp Đông Hải vận hành. Các gia đình trong ấp chỉ được bắt một bóng “tube” loại ngắn. Điện được dẫn từ Đông Hải về ấp Lộ Đức theo con đường liên ấp bằng những cây cột bằng gỗ cóc (loại gỗ chôn xuống đất lâu không khô héo). Cứ cách một cột lại có một bóng tube để việc đi lại giữa hai giáo khu vào buổi tối được sáng sủa. Qua đó hai nhà thờ cũng được hưởng nhờ nguồn ánh sáng này. Mỗi ngày máy chỉ chạy mấy tiếng đồng hồ vào buổi sớm và buổi tối mà thôi.
Theo Đức Khương
Các bài viết liên quan: