Ký ức tết Hà Nội thời bao cấp

0
918

Điều lo lắng nhất của mỗi gia đình khi Tết đến gần là làm sao mua được hết các tiêu chuẩn gạo, thịt và “tiêu chuẩn Tết”. Tiêu chuẩn Tết cũng chẳng có gì nhiều: một hộp mứt thập cẩm đồng loạt cho cả nước, đựng trong cái hộp bìa mỏng manh xấu xí, vài lạng đậu xanh để gói bánh chưng, hình như mỗi người được thêm lạng thịt và cuối cùng là một bánh pháo tép. Xếp hàng ở các ở các loại cửa hàng khác nhau mua cho hết các tiêu chuẩn là nỗi lo lắng đầu tiên và lớn nhất của mỗi gia đình khi Tết đến.

Bánh chưng là nỗi lo lắng thứ hai. Bánh chưng hồi đó rất quan trọng, là một món ăn ngon được chờ đón và là chủ lực trong mấy ngày Tết. Khách đến chơi cũng mang bánh chưng ra mời và nhà nào “có khả năng” (từ chỉ nhà giàu) gói được cái bánh chưng ngon, nhiều đậu, thịt thì rất tự hào và là chủ đề bàn tán cho bạn bè, khách khứa trong nhiều ngày sau đó. Hồi đó không có ai làm bánh chưng để bán và một gia đình thì cũng không thể làm cả một nồi bánh chưng. Vì vậy thường là mấy gia đình chung nhau luộc một nồi bánh chưng. Bánh nhà ai nhà nấy gói, đánh dấu riêng, chiều 29 mang đến một nhà có sân, có một cái nồi to (hoặc mượn ở đâu đó), bắc bếp củi lên nấu và thay nhau canh suốt đêm, đến sáng hôm sau thì chín. Mãi sau này, khi “kinh tế thị trường” bắt đầu phát triển, mới có các cửa hàng bán nước sôi nhận luộc bánh chưng thuê vì họ có sẵn nồi và bếp than. Bây giờ chắc nhiều bạn trẻ không thể hình dung ra được những cửa hàng bán nước sôi, nơi có một bếp than và cái nồi nước sôi sùng sục suốt ngày có vòi ở dưới, khi cần bạn có thể xách phích ra mua một phích nước sôi về dùng.

Vì thế mà bận rộn nhất mấy ngày giáp Tết là chuẩn bị gói bánh chưng. Mua lá dong, rửa lá, thái thịt rồi ướp nước mắm, hạt tiêu, ngâm và đãi đậu xanh. Tôi đã từng có những buổi sáng ngồi còng lưng đãi đậu xanh cho thật sạch vỏ, rồi lại ngồi gói. Bao giờ cuối cùng cũng vét chỗ gạo, thịt đậu còn sót làm một hai cái bánh dậm nho nhỏ để ăn ngay sau khi vớt từ nồi ra (các bánh to phải để cúng, không được ăn).

Ngoài tiêu chuẩn Tết chính thức của nhà nước cho, các cơ quan bao giờ cũng cố gắng lo thêm cái gì đó cho cán bộ, nhân viên. Phòng Hành chính hoặc phòng Đời sống (có cơ quan có hẳn thứ phòng này chuyên lo tìm kiếm mua bán các loại hàng hóa quanh năm) tỏa đi khắp nơi, liên hệ với mọi mối quan hệ để mua lợn, bò, gạo nếp, thuốc lá. Tôi nhớ có năm, cơ quan lo được cho mỗi phòng một con lợn sống. Ngày 29 Tết cả cơ quan nhộn nhịp chọc tiết làm thịt lợn. Lợn làm xong được chia ra thành từng phần theo số người trong phòng, cả thịt, xương phải tương đối đều. Sau đó bắt thăm cho công bằng, phần ai người đó bỏ vào túi nilông, lòng lợn và tiết canh thì làm bữa liên hoan cuối năm. Không khí rất nhộn nhịp vui vẻ và đầm ấm khác hẳn không khí cơ quan bây giờ mặc dù lĩnh thưởng Tết tiền triệu. Đến lúc chia tay, xe đạp người nào cũng đeo lỉnh kỉnh túi thịt, túi gạo ra về.

Một việc nữa cũng quan trọng, phải lo là chuẩn bị cái xe đạp để đi chơi Tết. Thanh niên ngày ấy hầu như ai cũng biết sửa xe đạp. Trước mấy ngày Tết, ngả cái xe ra, tháo tung các ổ bi, rửa dầu hỏa sạch sẽ rồi lắp vào, bôi đầy mỡ mới. Nan hoa, ốc vít được kiểm tra, siết chặt lại kỹ lưỡng. Xích thì tăng lên cho nó khỏi chùng. Các thứ hỏng hóc khác cũng được sửa kỳ hết. Sau đó lau sạch sẽ toàn bộ xe, cái khung xe bằng sắt đã long sơn và rỉ hoen thì chỉ có mỗi cách là dùng dầu hỏa lau, trông nó cũng bong bóng lên một ít. Cái xe hồi đó là cả một tài sản và công cụ không thể thiếu nên được chăm sóc hết sức kỹ lưỡng. Có người “đi làm nhà nước” gần hết đời mới được tiêu chuẩn mua một cái xe đạp mà phải qua một đợt bình bầu, xem xét rất kỹ lưỡng.

Cả Hà nội hồi đó chỉ có một chợ hoa hàng Lược. Nhà nào cũng cố mua lấy hai cành đào: cành to thì cắm ở chỗ tiếp khách, cành nhỏ cắm trên bàn thờ. Chiều 30, đàn ông con trai thì lo dọn dẹp lau nhà cửa (được cái nhà hồi đó cũng hẹp chỉ 20m2 là to nên dọn cũng nhanh), phụ nữ thì lo làm cỗ cúng. Hai mâm cỗ cúng tối 30 và sáng mùng một không bao giờ bỏ được.

Tiêu chuẩn vải cả năm hình như chỉ mỗi người 5 mét. Vì vậy thanh niên bao giờ cũng để dành đến Tết mới bắt đầu diện. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác sau khi dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, bắt tay vào là bộ “củ” (từ dùng để gọi bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất). Chắc chắn là chúng tôi là cẩn thận, nâng niu và mất thì giờ hơn bây giờ nhiều. Cái quần kaki thôi nhưng phẳng lỳ, ly quần sắc như dao cạo! Những cái bàn là thời Pháp cũ, băng sắt nặng chình chịch, rải vỏ chăn ra để quần áo lên trên mà là, không có cầu là như bây giờ. Đôi dép nhựa Tiền phong nếu được mua trong năm cũng phải để dành đến Tết, còn nếu không trước Tết phải kiểm tra lại, gia cố những chỗ sắp bị đứt. Hà nội có hồi nở rộ các hàng chuyên hàn dán dép nhựa, đồng phục của cả nước (trước đó thì là dép cao su). Giầy thì chỉ có cán bộ cao cấp, ngoại giao hoặc những anh đi Tây về mới có.

Phải nói là cái thời gian khổ ấy lại có rất nhiều cảm giác sung sướng. Vì thiếu thốn mọi thứ nên khi có được cái gì là sướng đến hàng tháng!!! Cái bữa ăn tối ba mươi được cả nhà hồi hộp chờ đón và ăn rất ngon lành. Vì quanh năm ăn uống có gì đâu, thiếu chất nên cảm giác đói triền miên. Ngồi trước một mâm cỗ có thịt gà rán, thịt gà luộc, bánh chưng, bát bóng, bát măng, trẻ con người lớn mặt mày đều rạng rỡ. Đến giờ, ngay cả khi dự những bữa tiệc rất thịnh soạn và đắt tiền trong các khách sạn 5 sao, tôi không bao giờ có được cảm giác ăn ngon như ngày ấy nữa. Phần do tuổi tác nhưng tôi chắc các bạn trẻ bây giờ cũng không có được cảm giác ăn ngon như chúng tôi ngày xưa trong một bữa cỗ.

Cái cảm giác sung sướng nữa mà tôi còn nhớ là khi ăn xong bắt đầu đóng bộ đi chơi. Khoác cái áo sơ mi vải pôpơlin, cái quần kaki mới là xong hồi chiều,… vào thấy người khác hẳn, “nhớn” hẳn lên, đẹp trai hẳn lên, tự tin hẳn lên nhưng đi đứng thì rón rén vì sợ làm mất nếp quần áo! Bây giờ, mặc cái sơ mi Pierre Cardin 500 000đ, bộ comple gần chục triệu cũng thờ ơ không sướng được như hồi ấy.

Cả Hà Nội tối ba mươi đổ về quanh hồ Hoàn kiếm là chỗ đi chơi duy nhất. Pháo nỗ râm ran suốt từ 7,8 giờ tối. Tiếng pháo nổ và mùi khói pháo cùng với mùi hương là những cái tạo nên không khí đặc thù ngày Tết chắc chắn sẽ phải khôi phục lại. Không có tục hái lộc nên cây cối không bị phá phách như bây giờ. Cũng không có ca nhạc, hàng quán gì quanh hồ, chỉ đi và ngắm nhau thôi. Mà cũng có gì lạ để ngắm đâu. Quần áo, giấy dép, xe cộ hầu như mọi người đều giống nhau chỉ có vài ba loại. Vì Hà nội thời đó vắng nên tuy người đổ về đông nhưng gửi xe, đi dạo cũng không chen chúc, chật chội gì.

Ba ngày Tết chỉ đi thăm nhau là chính. Mồng một là họ hàng, các ngày sau là bạn bè. Tuyệt đối không có lệ biếu xén trước Tết (mà cũng chẳng xoay đâu ra cái gì mà biếu). Đi chơi thăm hỏi nhau cũng thoải mái đầu óc vì cả nước hoàn cảnh sống như nhau, chẳng phải đố kỵ, tủi hờn gì trước cảnh thành đạt, giàu sang của người khác.

Ngày đầu tiên đi làm cũng dành chúc Tết và kéo nhau cả phòng đi thăm từng nhà một. Mà toàn đi bằng xe đạp. Có bao thuốc Tam đảo được phân phối trước Tết cũng để dành nguyên trên bàn thờ để sau Tết tiếp khách cơ quan. Tình cảm đồng nghiệp trong sáng vô tư, giúp được gì nhau là giúp. Vì hồi ấy, trưởng phòng cũng không hơn nhân viên được bao nhiêu, vị trí nào trong cơ quan thì cũng hưởng lương như nhau chẳng có lộc lá gì. Do đó mà âm mưu, thủ đoạn, đố kỵ, tranh giành không có đất mà phát triển. Những chuyện lặt vặt thì tất nhiên là có, nhưng không có những vụ dữ dội như bây giờ.

Tôi còn có một kỷ niệm sâu sắc về Tết những năm chiến tranh. Hồi đó các trường đại học sơ tán về nông thôn. Tôi không ở nhà tập thể của lớp mà tìm vào trong xóm xin ở nhờ nhà một người dân. Cần phải nói rõ “ở nhờ” đây đúng nghĩa là “nhờ”: không tiền nong, quà cáp gì hết, chỉ có tấm lòng người dân thương “các chú sinh viên” mà thôi. Gia đình tôi ở nhờ có đến tám người con mà cũng đâu có rộng rãi gì. Một ngôi nhà tranh ba gian hai trái nhỏ nhỏ. Họ dồn cả nhà lại nhường cho tôi một gian.

Tết năm đấy sau khi ăn Tết ở nhà lên, tôi được liên hoan với cả nhà một bữa. Bác chủ nhà trịnh trọng vào trong buồng bê ra một liễn mỡ, lấy đũa móc từ trong đó ra một miếng thịt đã rán chín khoảng nửa lạng và bảo: “Để phần chú suốt từ trong Tết đấy. Phải ngâm vào đây mới giữ được”. Mà đã nói phần chú là của chú. Suôt bữa cơm tôi không sao bảo được bọn trẻ con ăn lấy một miếng. Bạn phải biết là dân thành phố thì còn có tiêu chuẩn thịt hàng tháng, nông thôn tuyệt đối không. Chất đạm hàng ngày của họ là con cá, con tôm bắt được trong ao, trong ruộng (không ai nuôi tôm, cá như bây giờ). Nhà có nuôi gà cũng chỉ dám giết thịt vào ngày giỗ. Cái miếng thịt lợn để phần tôi suốt hai tuần tôi nghỉ Tết ấy trích từ tiêu chuẩn của cả nhà, đến Tết hợp tác xã mổ lợn tập thể chia cho, phần rán lấy mỡ để dành cho cả năm, phần để ăn chắc cũng chỉ được hai bữa Tết. Mà nhà họ tám đứa con lít nhít, thiếu ăn, gầy còm. Miếng thịt nhỏ bé, bình thường ấy nặng hơn cả núi.

Còn nhiều những chuyện khác đại loại như thế làm cho tôi, một người Hà Nội gốc, các cụ đã nhiều đời ở Hà Nội, đến bây giờ vẫn giữ trong tâm khảm sự kính trọng vô bờ bến với những người nông dân chân chất, hiền lành nhưng có một nhân cách và tình người không gì sánh được.

Kể lể chuyện ngày xưa như vậy, không có nghĩa là tôi bảo bây giờ toàn những điều xấu xa cả đâu. Gần đây, tôi có một việc liên quan đến nhiều người giải quyết. Và tôi đã sửng sốt khi phát hiện ra rằng giữa cái thời buổi đồng tiền ngự trị khắp nơi này vẫn còn khá nhiều người tốt, sống và làm việc theo lương tâm. Cái tốt bây giờ khó khăn hơn cái tốt ngày xưa, nhất là với giới công chức: vì làm điều tốt bạn có thể phải chịu tai tiếng oan, gánh nhiều điều phiền toái, bị mất nguồn thu nhập,.v.v. và v.v

zz36
thành viên diễn đàn nguoihanoi.net

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.