Đầu lân – Một góc nhìn văn hóa (kỳ 2)

0
1513
Nghệ nhân và nghề làm đầu lân
Người nghệ nhân mà chúng tôi tiếp xúc là một người Việt gốc Hoa. Theo lời kể của chú, gia đình chú đã di cư sang Việt Nam và mang theo nghề thủ công làm lân truyền thống. Đây là nghề thủ công đã được gia đình chú làm từ ba, bốn đời nay. Chú đã học nghề làm đầu lân từ năm mới lên mười tuổi, mãi đến khi mười ba tuổi chú mới bắt đầu làm được đầu lân hoàn chỉnh. Lúc học làm khung sườn, tre phải được chọn và chuốt thật kĩ. Các tỉ lệ, tuy không dùng thước, vẫn phải đúng. Đây là một khâu quan trọng trong quá trình làm đầu lân vì nó là bước cơ bản để tạo ra hình dáng đẹp cho đầu lân. Sở dĩ cần phải tỉ mỉ đến khắc khe như vậy là vì trước đây, múa lân không phải là một hình thức giải trí hay múa nghệ thuật trong các dịp hội hè, đình đám. Múa lân lúc bấy giờ là một hoạt động tín ngưỡng dân gian. Và vì vậy nó bao hàm yếu tố niềm tin, thần thánh hóa trong đời sống tín ngưỡng của con người. Thế nên cũng dễ hiểu vì sao làm công việc này lại đòi hỏi thời gian học nghề lâu vậy.
Hằng năm, ngày cúng tổ nghề vẫn được các nghệ nhân tiến hành vào tháng 7 âm lịch. Mặc dù đây chỉ là một nghi lễ được diễn ra trong nội bộ của những gia đình làm nghề đầu lân, nhưng nó có một ý nghĩa thiêng liêng đối với họ, đặc biệt khi họ đang sống xa quê hương.
Khi tiếp xúc với chú, chúng tôi cảm nhận được nơi chú một niềm tự hào rất lớn về nghề thủ công truyền thống này. Đối với chú, mặc dù để làm ra một con lân phải tỉ mỉ và mất rất nhiều thời gian, còn với công nghệ hiện đại, nước ngoài có thể sản xuất được hàng loạt sản phẩm giống nhau, nhưng lân làm theo phương thức truyền thống luôn được đánh giá cao vì qua sản phẩm, người khác có thể cảm nhận được cái hồn và sự tâm huyết của người nghệ nhân. Đó là một nghề truyền thống đã được đúc kết và truyền lại qua nhiều thế hệ chứ không đơn thuần là chỉ dựa vào kĩ thuật mà có thể làm được như nhiều người thường nghĩ. Có vài người ở Australia qua đây xem chú làm lân rồi mua về, phân tích học cách làm. Sau đó, họ sản xuất hàng loạt đầu lân bằng nhựa cho trẻ em bên đó chơi. Điều này không có nghĩa là họ đã nắm được những cái tinh tuý nhất của nghề làm đầu lân, vì theo chú họ chỉ có thể sản xuất hàng loạt, cái nào cũng giống cái nào, trong khi mỗi đầu lân đều có những nét đặc trưng riêng không dễ bị bắt chước.
Qua những lời nói của chú, chúng tôi nghĩ chú đang kéo về mình tất cả vinh quang của con người lao động. Lao động của chú gắn liền với miếng cơm manh áo, nhưng cũng gắn với cảm hứng nghệ thuật, vốn là thứ đắt giá. Bởi không phải lúc nào con người, dù là nghệ nhân bậc thầy, cũng luôn có sẵn nó bên người.
Hay nhìn từ góc độ khác, phải chăng chú đang bênh vực cho quyền lợi của một giá trị văn hóa mà chỉ có những người trong lớp bình dân như chú bảo vệ? Nếu nó đúng sự thật thì đó là cuộc đấu tranh giữa các quan niệm trong việc thỏa mãn nhu cầu con người.
Tuy vậy, nghề làm đầu lân cũng đặt ra cho người nghệ nhân nhiều thách thức trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày vì đây là một nghề mang tính thời vụ. Khách ở các tỉnh đặt làm đầu lân vào các dịp tết nguyên đán, tết trung thu, hay các dịp cúng kiến,… là chủ yếu. Với mỗi đầu lân làm theo đơn đặt hàng của khách, chú được khoảng hai triệu tùy theo kích thước và chi phí nguyên liệu. Ngoài làm đầu lân, chú còn có nghề tay trái là sửa ống nước để có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi và kiếm bát cơm hàng ngày. Điều này làm chúng tôi lo ngại cho tương lai của nghề sẽ bị mai một nếu như giá trị tinh thần không còn được quan tâm trong xã hội.
“Lân làm theo phương thức truyền thống luôn được đánh giá cao vì qua sản phẩm, người khác có thể cảm nhận được cái hồn và sự tâm huyết của người nghệ nhân.” (ảnh do nhóm tác giả cung cấp).
Đầu lân trong dòng chảy văn hoá
Nhìn vào một số khác biệt của lân ngày nay so với lân ngày xưa, chúng ta có thể nhận thấy sự thay đổi của cách thức làm lân cũng như nhận thức về nghề lân.
Trong cách thức làm đầu lân, ngày xưa, khung chữ D làm bằng tre hay mây nên thường nặng và rất cồng kềnh. Vì vậy, diễn viên múa lân trước khi học múa phải học võ. Ai biết múa lân tức là đã biết võ. Theo quan điểm của người xưa, người múa lân đại diện và thể hiện sức mạnh cho cả cộng đồng. Bây giờ, người múa lân không còn là những người biết võ vì họ múa lân đơn giản chỉ để giải trí và góp vui trong các buổi lễ hội, lễ khai trương, lễ tết để tăng thêm niềm vui và cầu mong sự sung túc. Chính vì thế, chất liệu làm đầu lân đã được thay đổi từ tre sang khung nhôm, nhẹ hơn rất nhiều so với trước.
Trong trang trí lân, màu chủ đạo của một con lân cũng có ý nghĩa riêng. Chẳng hạn, màu đỏ tượng trưng cho sung túc, màu vàng tượng trưng cho tiền bạc,… Nhưng ngày nay, các nghệ nhân  thường làm theo màu mà khách hàng yêu cầu. Cả việc trang trí họa tiết cũng gần như vậy, ngày xưa, thị trường chưa có các loại vải màu đẹp, sơn phun, kim sa, các loại sợi len mịn nhiều màu nên đầu lân rất giản dị, chủ yếu là dán giấy màu chứ không đẹp như bây giờ. Làm lân bây giờ cần nhiều phụ kiện hơn. Chẳng hạn, mắt lân giờ được gắn đèn để khi chớp mắt hay khi múa vào ban đêm sẽ gây chú ý nhiều hơn. Đuôi lân được đính kim sa dọc theo đường viền cũng với mục đích như vậy.
Tất cả những thay đổi về mặt hình thức đó chỉ để làm cho lân được đẹp hơn nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng. Điều này chứng tỏ văn hóa làm nghề lân không phải đang biến đổi như nhiều người vẫn nghĩ, nhưng đó là một sự liên tục của văn hoá trong quá trình thích ứng với sự phát triển của xã hội.
Nhóm tác giả

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.