Bình thường nếu có giây phút nào dừng lại, có lẽ tôi chỉ có thể nhìn lại thời gian trong vòng một ngày, nhiều nhất là một tháng. Tuy nhiên, có những điều làm cho cái bình thường ấy xáo trộn. Có những sự kiện, những con người, những câu nói hay bài viết…thỉnh thoảng có sức làm cho tâm trí tôi quay về với một thời xa hơn và thời xa nhất có lẽ là tuổi ấu thơ của mình. Ai cũng có một tuổi thơ và chắc chắn ai cũng có một hay nhiều kỉ niệm trong cái tuổi thơ ấy. Tôi cũng có những kỉ niệm tuổi thơ của riêng mình nhưng do không thể nào nhớ nổi các chi tiết nên bộ phim về tuổi thơ ấy cứ đứt quãng và chập chờn. Tôi vẽ lại bức tranh tuổi thơ của mình không bằng các kí ức còn ghi nhớ được mà qua lời kể của người khác, những tấm hình còn để lại và những thói quen của tôi ngày hôm nay.
“Tôi vẽ lại bức tranh tuổi thơ của mình không bằng các kí ức còn ghi nhớ được mà qua lời kể của người khác, những tấm hình còn để lại và những thói quen của tôi ngày hôm nay.” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Tôi được ba mẹ kể cho biết rằng hồi đó, trong xóm, tôi rất được cưng vì hình như vào thời gian đó, tôi là đứa con nít đầu tiên. Nếu tính họ hàng hai bên thì đúng tôi là đứa con, đứa cháu đầu tiên thật. Ba tôi là con trai trưởng nên tôi là cháu gái đầu tiên bên họ nội. Mẹ tôi là con gái thứ ba nhưng dì của tôi có con đã đi xa còn cậu thì chưa có con cái nên tôi cũng là đứa cháu duy nhất lúc bấy giờ bên họ ngoại. Trong xóm (hồi nhỏ tôi ở dưới nhà nội) không hiểu sao cũng không có con nít. Thế là tôi nghiễm nhiên được mọi người thương nhất và cứ thế là tranh nhau bế tôi. Mẹ tôi kể hồi ở dưới nhà nội, có khi mẹ còn không được bế tôi (trừ khi tôi khóc, mà tôi lại ít khóc), thường thì các cô và cả mấy chú hàng xóm hay chơi với tôi. Bây giờ, mỗi lần về quê, đi ra đường, khúc quanh quanh nhà nội thế nào cũng có người gọi lại nói hay hỏi vài câu: “Sao trông lớn thế này?” “Con đang học gì thế ?” hay “Có nhớ cô/chú không?”. Câu nào tôi cũng trả lời được trừ câu hỏi có nhớ những người này không. Tôi có cố nhớ cũng không nhớ được, lúc đó tôi mới hai ba tuổi, rồi họ kể cho tôi nghe ngày xưa chú/cô đã từng bế tôi. Mà nhìn lại tôi lúc đó cũng có đẹp gì cho cam. Tôi xem lại những tấm hình tôi chụp lúc đó, thấy mình không bằng một góc so với các cô bé bây giờ. Nói chung là mập ú và tròn quay như con lật đật, mắt thì tít lại, tóc thì loăn quăn… Thế mà mẹ tôi bảo ba tôi thích tấm hình đó lắm. Hồi ba tôi xa nhà lên Tánh Linh, ba thường lấy tấm hình đó ra xem để đỡ nhớ tôi. Lúc bé, tôi cũng có một tấm hình “khỏa thân” như ai. Tấm hình chụp kỉ niệm tôi được một năm tuổi, trông lúc đó, tôi bò trên sàn như một đứa con trai.
Tôi ở dưới nội đến năm hai tuổi thì ba mẹ cất nhà ở riêng. Kể về cảnh “con dâu mẹ chồng” của mẹ tôi là một câu chuyện dài khác, nếu có dịp tôi sẽ kể sau. Nhà mới của gia đình tôi lúc bấy giờ nằm gần nhà ngoại và các cậu, các dì. Giống như lúc tôi ở dưới nội, khi ở gần nhà ngoại tôi cũng được yêu thương và chiều chuộng như lúc ở bên nội. Dì tôi (con út của ngoại) lúc đó đảm nhận việc trông nom tôi, suốt ngày chơi với tôi. Dì tôi nghỉ học sớm, mới học đến lớp chín đã nghỉ vì chứng bệnh đau đầu và tay run không cầm được viết. Mẹ tôi nói, chơi với tôi Dì cũng khuây khỏa đi phần nào.
Con đường trước mặt nhà tôi bây giờ là đường 3/2. Tuy nhiên, cho đến bây giờ nó vẫn hay được người ta gọi là “đường đất mới”. So với các con đường khác thì nó đúng là mới thật. Hồi nhà tôi mới cất nhà, dường như trong xóm lúc đó là ngôi nhà đầu tiên gần con đường mới này. Xung quanh lúc bấy giờ chỉ có các gò đất và ao rau muống chứ không nhiều nhà như bây giờ. Sau này, khi các gia đình khác chuyển đến (thường là các nhà giàu), họ xây nhà hai ba lầu đầy kín con đường. Ngôi nhà của chúng tôi một cách tự nhiên bị đẩy lùi vào sâu trong hẻm. Tuy nhiên, đó là chuyện đường xá, nhà cửa chật chội của ngày hôm nay. Còn ngày xưa, khi chưa có ai đến định cư ở vùng đất này, điều làm tôi bận tâm nhiều nhất lúc bấy giờ là không có ai chơi với mình. Tôi thường loay hoay chơi đồ hàng một mình, tự nói chuyện với búp bê, tự nặn đất làm bánh rồi cũng tự bán bánh. Thời gian đầu mới chuyển đến đây, tôi cứ chơi nghịch một mình trong cái xóm vắng tanh con nít. Mãi đến sau này, khi một số gia đình khác chuyển đến tôi mới có bạn. Tuy nhiên, thời gian tôi cứ chơi một mình trước đây ảnh hưởng đến tôi khá nhiều. Về mấy cái trò chơi mang tính tập thể tôi luôn cảm thấy lung túng, thường là không biết chơi. Điều đó thường làm các bạn khác chán khi chơi với tôi. Nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi rất thích chơi trò cô dâu chú rể, mặc dù lúc nào tôi cũng đóng vai phụ dâu. Kệ, được chơi là thích rồi.
Khi ở ngoài với bạn, để được đi chơi chung, tôi hơi nhún nhường vậy thôi chứ còn về nhà thì tôi cứng đầu vô cùng. Tôi nhớ hồi năm học lớp một, mẹ tôi đã mua cho tôi một cái nón. Tôi không thích cái nón đó nên nhất định không chịu đội. Mẹ hỏi lí do, tôi không biết phải nói cái gì cho chính đáng bèn nói trên lớp không có chỗ cất nón. Mẹ chỉ cho tôi chỗ để có thể cất nón nhưng chỗ nào tôi cũng nhất định không chịu. Thế là cuộc giằng co giữa hai mẹ con diễn ra, căng thẳng đến nỗi làm kinh động đến hàng xóm. Mẹ nhất định bắt tôi mang cái nón đó vì sợ tôi bị nắng khi đến trường còn tôi thì nhất định không chịu mang chỉ vì không thích. Tôi cũng biết mình không có lí do gì để không đội nó theo ý mẹ thế là tôi dùng chiêu cuối cùng là khóc. Vậy mà mẹ không hề nhượng bộ, mẹ kéo tôi đến trường để chỉ cho tôi chỗ nào tôi có thể cất cái nón của mình. Còn tôi thì vừa khóc vừa cố bám vào một ai đó hay một cái gì đó để không chịu đi….cuối cùng thì tôi thắng mẹ nhưng bây giờ thì lại thấy mình thua cuộc. Mẹ nói hôm đó mẹ muốn xem tôi lì lợm đến mức nào mà không ngờ tôi có thể lì đến thế. Tuy nhiên, vì tôi cũng biết lỗi của mình nên lần sau tôi thường vâng lời mẹ ngay từ đầu. Thỉnh thoảng, nếu thấy tôi có “cứng đầu” chuyện gì đó, mẹ thường hay bóng gió nhắc lại chuyện cũ để tôi nhớ mà suy nghĩ lại.
Tôi với mẹ thì thế, cứ hay thích chứng tỏ mình, còn với ba thì khác, lúc nào cũng thấy được cưng chiều như công chúa. Ba chưa bao giờ đánh tôi một roi nào. Tuy nhiên, ba tôi biết cách để tôi không hư. Ngay từ nhỏ, chưa bao giờ ba tôi áp đặt, bắt tôi phải làm một cái gì. Ba thường xem tôi muốn cái gì trước rồi sau đó từ từ định hướng cho tôi. Cuối cùng thì tôi cũng theo ý ba thôi nhưng cứ loanh quanh như vậy khiến tôi lại cảm thấy thích. Sau này, khi học về tâm lí trẻ, tôi mới biết đó là cũng là một cách dạy trẻ. Muốn trẻ lắng nghe và hợp tác với mình, trước hết cần phải công nhận cảm xúc của trẻ, sau đó mới chỉ ra cho trẻ những chọn lựa để trẻ có thể quyết định trong tâm trạng được tôn trọng.
Ngọc Lưu