Đặt vào hoàn cảnh của mình, nếu là tôi có lẽ tôi đã đầu hàng, đã bỏ cuộc từ lâu rồi. Ảnh: Nguyễn Thị Tuyết Mai |
Em có cái tên thật đẹp mang lại cho người khác cảm giác thoải mái và dễ chịu biết mấy, Nguyễn Thị Nhung. Em sinh ra ở miền sơn cước thuộc thôn Nghi Xuân, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương của non xanh nước biếc Nghệ An. Sống cùng với mẹ trong căn nhà nhỏ được nhà nước và bà con lối xóm giúp đỡ cất cách đây vài năm. Nằm ở giữa một khu đất vắng nhà, vắng người, đi bộ mấy chục phút mới thấy có nóc nhà, xung quanh chỉ toàn là cây rừng. Tôi đã thực sự thấy lo lắng khi cả đi xe cả buổi mà chỉ bắt gặp có mấy chú mục đồng, mọi thứ đều thưa thớt, vắng vẻ đến đáng sợ. Chợt lo lắng khi nghĩ đến em, buổi tối ở xóm em chỉ lác đác những ngọn đèn dầu le lói, không biết sẽ có bao nhiêu hiểm nguy rình rập. Mọi vật đều bị chìm trong bóng tối đặc quánh thật đáng sợ. Tôi được nghe những bà cụ trong xóm kể trước kia hai mẹ con em ở trong căn nhà làm từ lá cây, mỗi lần bão về là nó bị lật tung. Hai mẹ con em lại lật đật đi xin hàng xóm cho ở nhờ. Những ngày như thế cuộc sống của hai mẹ con em đã thiếu thốn biết chừng nào.
Nghe em kể về cuộc sống những năm tháng qua của em và mẹ một cách thản nhiên vốn như nó vẫn thế, trong lời nói của em chẳng hề có một câu than vãn hay trách móc. Không hiểu sao khóe mắt tôi cay cay, rồi nước mắt cứ chảy, tôi khóc lúc nào không hay. Khóc vì sự hồn nhiên con trẻ trong em, khóc vì niềm tin sống của em thật đáng ngưỡng mộ và khiến một người như tôi khâm phục. Khóc vì lý do tại sao đất nước chúng ta lại còn những con người như em, những gia đình nghèo khổ như gia đình em. Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người ta sống với nhau cũng ít tình cảm đi, thậm chí là vô tâm hơn.
Có nhiều lần, tôi xem ti vi hay đọc báo, thấy người đi qua đi lại thờ ơ với em bé bị ô tô đâm nằm bất tỉnh trên đường. Thấy người ta vì tiền mà coi thường sức khỏe, thậm chí sinh mạng của người khác. Vì tiền mà có thể quay lưng lại với cả bố mẹ, anh chị em… những người thân thiết máu mủ. Tuy biết đó cũng chỉ là mặt trái của xã hội hiện đại, của lối sống nhanh thời buổi kinh tế thị trường.
Nhưng cuộc đời vẫn còn nhiều tấm lòng tốt, họ cũng sống có nhân đức, trách nhiệm, biết yêu thương và quý trọng mọi người. Ví như, có ông bố đã nuôi những đứa con chẳng phải dứt ruột đẻ ra khôn lớn, trưởng thành mà không chẳng cần báo đáp.
Em cũng là một tấm lòng nhân hậu mà tôi biết và có một cuộc sống đã kinh qua những bất hạnh của đời người. Mẹ em là bà mẹ đơn thân nên khi sinh ra em bị người ta gọi là “con hoang”. Tuổi thơ của em đầy những khó nhọc, năm em lên 3 tuổi mẹ em bị lao lực nặng rồi bị liệt từ đó. Vì tuổi trẻ mẹ em đã lao động nặng quá nhiều lại không có thời gian nghỉ ngơi. Mẹ em càng ngày càng yếu, hoàn toàn không thể đi lại, việc ăn uống cũng trở nên khó khăn. Mọi gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai bé bỏng của em. Hằng ngày em đi cấy thuê, cuốc ruộng, gặt lúa, trồng rau, trồng sắn…làm bất cứ việc gì mà người ta gọi chỉ mong có chút tiền mua thuốc chữa bệnh cho mẹ và có chút gạo nấu cháo cho mẹ ăn. Có khi họ trả cho khoai vụn, lạc lép, may lắm thì được ít gạo, cũng có khi thương tình họ cho 5 ngàn, 10 ngàn. Chỉ thế thôi cũng đủ làm mẹ và em thêm ấm lòng. Buổi tối, em lại dành thời gian chỉ bài cho các mấy bé nhỏ trong xóm, cũng là niềm vui giúp hai mẹ con em bớt cô quạnh trong những ngày tháng khó khăn.
Chẳng nề hà bất cứ việc gì, em làm tất cả mọi việc nhà nông, cố gắng cật lực từ sáng sớm đến tối khuya, không có thời gian nhưng em học vẫn giỏi. Mỗi chiều đi làm thuê em lại mang theo cuốn vở để ôn bài.
Không có tiền mua xe đạp nên hằng ngày em vẫn đi bộ hàng chục cây số đến trường. Tôi lại thấy thật chạnh lòng khi nhìn những đứa trẻ ở thành phố, được sinh ra trong gia đình khá giả có đầy đủ điều kiện. Chúng có cơm ngon để ăn, quần áo đẹp để mặc, rồi chúng sống ích kỷ chỉ biết mình và hình thành lối sống hưởng thụ. Nghĩ đến em mà tôi ứa nước mắt, nhớ rằng mỗi ngày em chỉ ăn khoai với sắn chấm tro. Đắng lòng khi nghe em kể: có được ít gạo em dành để nấu cháo cho mẹ, mẩu khoai thừa người ta cho em dành dụm chỉ dám ăn từng ít một. Em hái rau rừng về ăn, cái thứ rau nấu lên chan chát, thật khó nuốt về luộc lên ăn qua ngày này tháng khác. Vậy mà em khen nó ngon “ngày nào em cũng ăn mà không thấy chán”.
Tôi đã nghĩ bao nhiêu lần rồi tự hỏi mình, hồi nhỏ tôi bỏ cơm nhà đòi hỏi bố mẹ đủ thứ trong khi nhà tôi cũng chẳng khá khẩm gì mấy. Thấy thật khâm phục nghị lực và sức sống của em, trải qua tuổi thơ chẳng dễ dàng gì. Em phải chịu đựng những thiếu thốn về vật chất và những tổn thương về mặt tinh thần. Những ngày đi học em chẳng bao giờ có một đứa bạn thân. Em sống tách biệt với các bạn trong lớp, vì chẳng ai hiểu nên cũng chỉ biết trêu chọc em. Người lớn còn cũng tò mò và muốn biết khuyết điểm, những mảnh tối của người ta để mà dè bỉu người khác. Dù vậy nhưng em vẫn luôn tươi cười luôn mạnh mẽ trước những khó khăn thử thách của cuộc sống. Và tôi vẫn nhận thấy sự trong sáng, ngây thơ của tuổi 17 ẩn chứa ở nơi em.
Có những lúc em muốn bỏ cuộc, muốn lang thang phiêu bạt khắp nơi nhưng thương mẹ, em lại cố gắng dũng cảm, nỗ lực để sống mỗi ngày bình thường như bao nhiêu người khác. Có những lần mẹ em giận vì mình trở thành gánh nặng cho em, rồi tự làm tổn hại bản thân mình nhưng em không cho mẹ làm thế, em không muốn mình côi cút trên cõi đời này. Em ước mong một ngày gia đình được đoàn tụ, em được sống trong vòng tay của cả bố và mẹ. Chưa một lần từ khi sinh ra được nhìn thấy mặt bố, em chỉ ước một ngày em được sống trong sự bao bọc, chở che của người bố. Mong được gọi tiếng “bố” một lần trong đời, em vẫn thầm ngưỡng mộ những người có đầy đủ mẹ cha, đầy đủ tình yêu thương gia đình.
Chỉ mong sao cho “chân cứng đá mềm”, em của tôi có thể bước tiếp con đường tương lai đầy những chông gai và khó khăn. Dù vất vả, cực nhọc bao nhiêu em vẫn cố ráng vượt qua tất cả chỉ với một mơ ước chữa khỏi bệnh cho mẹ, vào đại học và trở thành bác sỹ. Nhưng con đường phía trước có lẽ sẽ rất nhiều thử thách, khó khăn, nhiều chông gai và đầy cạm bẫy, làm sao em đủ sức lo nổi cho cả mẹ và bản thân. Ước mơ vào đại học của em liệu có thể thực hiện được hay không?