Mộ hợp chất Cầu Xéo (Long Thành – Đồng Nai)

0
1136
“Đây là một quần thể kiến trúc mộ hợp chất còn giữ được gần như nguyên vẹn hình hài nguyên thủy và thuộc loại hiếm có trong loại hình di tích kiểu này từng được chúng tôi nghiên cứu ngay trên đất Biên Hòa – Gia Định và ở cả Nam Bộ xưa. Di tích này chứa đựng các di tồn mang dấu ấn chung của dạng mộ hợp chất quý tộc Việt thời Trung và Cận Đại – những đặc trưng chung từng được giới Khảo cổ học phát hiện khi khai quật các ngôi mộ hoàng tộc thời Lê – Nguyễn ở miền Bắc Việt Nam”, PGS.TS Phạm Đức Mạnh – Trưởng đoàn khai quật, chia sẻ.
* Ông có thể cho biết những chi tiết cụ thể nào chứng minh di tích mộ Cầu Xéo là dạng mộ hợp chất quý tộc Nam Bộ?
– PGS.TS Phạm Đức Mạnh: Di tích Cầu Xéo có nhiều chi tiết trang trí, phối trí và kiến trúc mang đặc trưng của kiến trúc mộ quý tộc Nam Bộ; với các trụ cổng hình búp sen (hay “đuốc thiêng”), các chân bàn thờ bia – thờ thổ địa – bình phong kiểu “chân quỳ”, các tượng tròn linh thú chầu bên bàn thờ Thổ Thần, các bức thạch họa trên bình phong tiền – hậu rất sinh động, với hình chim thú và hoa lá đa dạng (long, lân, quy, phụng, nai, cây đa – cây si, vân mây cách điệu…), có cả  di tồn Hán Nôm quý hiếm trên bia, cặp câu đối và thơ phú, với các motype trang trí kiến trúc mộ phần chỉ thấy ở nơi yên nghỉ của các mộ ông, các vị tiền hiền dòng dõi “danh gia” quyền quý của xứ Nam Bộ xưa. Ngoài các biểu tượng “Rồng – thái dương & Phụng – Thái âm” trong “Tứ linh” tượng trưng cho thiên hạ thống nhất thái bình thịnh trị, vạn sự như ý, quang minh và quyền uy, cao quý và cát tường, kỳ thú lân – nghê trong tượng trưng cho Thiếu âm là vật báo hiệu điềm lành hỉ sự, may mắn, trường tồn trong tín ngưỡng dân gian Phương Đông, phổ cập vào thời Nguyễn trên các ấn bạc và ngà, trong kiến trúc trang trí từ cung đình ở bình phong (cung Trường Sanh, lăng Cơ Thánh), lăng Tự Đức, giá treo chuông khánh, bệ đạp chân ngai vua, trên bờ mái, nóc cung điện Thái Hòa, sân chầu Thế Miếu; đến dân gian: tam quan chùa, trụ biểu đình làng, bình phong đình, miếu phủ đệ… Lân – nghê ứng với qui (Thiếu dương) tượng trưng vũ trụ với mái cong vòm trời, bụng phẳng mặt đất biểu hiện trường tồn, thanh cao, thoát tục, cũng có hình tượng trên ấn “Quốc Mẫu chi bảo”, trên Chương Đỉnh thời Minh Mạng, “trên đền đội bia, xuống chùa cõng hạc” chuyển tải các thông điệp văn hóa tri thức và văn hóa tâm linh.
Ngôi mộ cổ bắt đầu được khai quật (Hình chụp lại từ tư liệu của PGS.TS. Phạm Đức Mạnh) – Nguồn: Internet
* So với các lần khai quật mộ hợp chất cổ ở Nam bộ trước đây, di tích mộ hợp chất cổ Cầu Xéo có gì độc đáo, thưa ông?
– Di tích mộ hợp chất cổ Cầu Xéo còn có nhiều điểm rất độc đáo lần đầu tiên được biết đến ở Nam Bộ và ở cả Việt Nam. Ví như, chữ “Hoàng” ở chân bia đá cát ghi dấu phần đầu mộ; áo quan có cặp khoen sắt tròn dùng xỏ dây khi hạ huyệt, minh tinh phủ tấm thiên thêu nhiều hoa cúc, lớp phủ áo quan dầy lá sen, lớp thủy ngân mỏng rắc phần đầu và lớp hạt lạ rắc cuối, chân gác trên gối da đen và bàn chân còn mang hài gấm thêu kim tuyến chỉ vàng… Lớp thủy ngân rắc đầu thi hài mộ Cầu Xéo là độc tố acid tính mạnh và có khả năng được người xưa dùng để diệt khuẩn giống như phát hiện của Hữu Đức ở mộ hợp chất Tân Đồ (Tứ Xuyên) thời Minh còn xác ướp liệm trong 50 áo quần và chèn gối đệm, trong thực quản, mật và bao tử người chết còn chứa tới 390gr thủy ngân. Ngoài ra, còn có không ít điểm lạ khác ở mộ nữ quý tộc Nam Bộ lần đầu tôi được thấy; ví như nấm mồ mộ nữ không bé nhỏ như các mui luyện “mu rùa” (hay “nửa trứng úp”) thường thấy ở Cù Lao Phố (Đồng Nai) hay ở Quận 2, Tp. HCM mà lại bề thế đồ sộ như hình “voi phục” của các ngôi mộ quý ông Nam Bộ từng khảo cứu ở Cù Lao Phố, Cái Bè (Tiền Giang) và trong khuôn viên Đại học Y – Dược Tp.HCM. Cặp tượng phù điêu gắn bên hông bình phong hậu mang motype trang trí không phải hình phượng (như mộ bà Võ Thục Nhân đường Pasteur, Quận 3) mà lại là hình rồng – theo các motype quen thuộc “lưỡng long triều Dương”, “lưỡng long triều Nhật”, “lưỡng long chầu Phúc” của nghệ thuật trang trí cung đình lăng tẩm Nguyễn, còn thấy ở nhiều quần thể mộ táng ở Cù Lao Phố… Cặp tượng linh thú (nghê hay kỳ lân cái) chầu ban thờ Thổ Địa Cầu Xéo phối trí trên bờ bao hướng vào ban thờ bia mộ, chứ không phải các tượng nghê, kỳ lân thường thấy trên bờ bao, bình phong, trụ chữ kim, hay chầu cửa mộ dưới đất ở Cù Lao Phố; mộ Tiền quân thống chế Nguyễn Văn Tồn (Vĩnh Long) hoặc mộ Công hầu Võ Di Nguy (Quận Phú Nhuận, Tp.HCM).
* “Lớp phủ áo quan dầy lá sen có tác dụng giữ xác lâu phân hủy hơn”, ông nghĩ sao về quan điểm này? 
– Việc phủ dầy lá sen trên thi hài người quá cố ở Cầu Xéo là điều chưa từng thấy trong các mộ hợp chất đã khai quật ở Nam Bộ và Việt Nam đã gợi lên nhiều câu hỏi thảo luận của những người mục kích. Có người nghĩ rằng việc đắp lá sen nhằm góp phần “giữ xác” lâu phân hủy như gợi ý của GS.TS Đỗ Tất Lợi, bác sĩ Quan Thế Dân và các nhà dược liệu học khác về tác dụng của lá sen (hà diệp) dùng trong y học cổ truyền Việt Nam từ lâu đời. Có người giải thích theo ý nghĩa tâm linh liên quan đến tín ngưỡng coi là sen có tác dụng “an thần” vỗ về giấc ngũ nghìn thu của người quá cố. Ngoài tác dụng khoa học khả dĩ ấy, chúng tôi liên tưởng đến “liên hoa” trong tám biểu trưng giáo Phật (cùng với xa luân, liên, loa, thiên cái, bảo cái, bảo bình, song ngư) và “bát bửu” có thể hàm chứa ý nghĩa giúp người quá cố hướng đến cõi Tịnh Độ với hạnh phúc an vui vĩnh hằng, chứ không bị cái chết ngắt đoạn như đời “bể khổ” này. Mối liên tưởng về niềm tin siêu hình xa vời cũng còn là giả thiết đẹp về những gì người đang tại thế ước mơ cho người “thác về” vĩnh hằng an nghỉ ?…
* Đoàn khai quật đã xác định được khung tuổi chung của di tích mộ hợp chất cổ Cầu Xéo chưa, thưa ông?
– Mộ hợp chất Cầu Xéo mang nhiều nét đặc trưng của chính loại hình mộ kiểu này ở Nam Bộ (Việt Nam) với đa phần di sản dàn trải trong khung tuổi của hai thế kỷ 18-19. Mẫu quách gỗ sao mộ Cầu Xéo phân tích Carbone 14 tại Trung tâm Hạt nhân Tp. HCM cho kết quả niên đại: 270 ± 40 BP (năm 1680) và khung tuổi chung của di tích này có thể tin cậy vào cuối thế kỷ 17 – đầu thế kỷ 18. Đây cũng là niên đại C14 xưa nhất trong các di tích mộ hợp chất hiện biết ở Nam Bộ, xưa hơn các mộ quý tộc từng khai quật ở Tp.HCM hàng thế kỷ (cụ bà Trần Thị Hiệu ở Xóm Cải, mộ cụ bà đường Nguyễn Tri Phương, Chánh thất Tham tri Bộ Hộ Võ Thục Nhân đường Pasteur, mộ Huỳnh Công Lý ở Vườn Chuối…).
* Xin cám ơn và chúc ông dồi dào sức khỏe.
(1)  Đoàn công tác gồm: PGS.TS Phạm Đức Mạnh (Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM, Trưởng đoàn), ThS Nguyễn Hồng Ân (Sở VH, TT & DL Đồng Nai) cùng các ông bà: Phan Thị Thịnh, Nguyễn Đăng Thắng, Nguyễn Trí Nghị (Trung tâm Bảo tồn Di tích & Danh thắng tỉnh Đồng Nai), Quách Thị Ngọc Hương (Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Long Thành), Đỗ Đình Truật, Nguyễn Chiến Thắng (Tp. HCM).
Đ.L thực hiện

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.