Gia đình trí thức Hà Nội (kỳ 4)

0
1053
Tôi ngạc nhiên không ngớt về sự hiểu biết cặn kẽ của ngay cả những người rất trẻ về những điều như ngày tháng năm sinh, kết hôn, và qua đời của người họ hàng gần và họ hàng xa, cũng như những chi tiết như ngày họ tham gia phục vụ cách mạng và đi học nước ngoài. Điều gây ngạc nhiên không kém là họ biết cả những chi tiết cụ thể về gia đình và đường công danh của những người quan trọng khác trong giới trí thức, nhất là thầy cô giáo cũ và người đỡ đầu về nghề nghiệp của cha mẹ họ. Tôi cũng kinh ngạc với niềm vui rõ ràng mà họ có vào những dịp kể chuyện cho tôi, với những lời đùa cợt sinh động và những giây phút tình cảm u uẩn hơn và đau buồn hơn [1].
Gia đình được xem là một lãnh vực mà người ta lựa chọn và hành động sáng suốt chứ không phải là người ta chỉ đi theo lối mòn của những chuẩn mực truyền thống và những cơ cấu gia trưởng phụ quyền. 
(Ảnh: minh họa – Nguồn: Internet)
Những câu chuyện mà những người Hà Nội cung cấp thông tin cho tôi đã thuật lại tập trung vào những điều như hoàn cảnh kết hôn thời chiến của cha mẹ hay ông bà họ khi còn là thanh niên trẻ phục vụ trong hàng ngũ Việt Minh trong ngành y và trong công tác tuyên truyền. Họ cũng đề cập đến tình bạn lâu bền được những thanh thiến niên tôi rèn với những gia đình nông thôn mà họ sống cùng trong những năm kháng chiến chống Pháp do phải đi tản cư theo cha mẹ vốn là cán bộ Đảng ra “vùng giải phóng” (liên khu) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Như tôi đã nêu ở trên, điều nổi rõ là cả hai chuyện này đều là hai chủ đề nổi bật trong sách báo chính thống về đời sống trí thức với tư cách là mẫu mực cho cả quốc gia nói chung. Điều đó cũng đúng với những bản tiểu sử cá nhân đầy tôn kính mà nhiều gia đình trí thức Hà Nội soạn ra để vinh danh những tiền nhân xuất sắc đã phụng sự quốc gia. Những tác phẩm viết như vậy rất nhiều lần đề cập đến một thực tế rằng những người này với tư cách là y bác sĩ, học giả, nhà khoa học và nghệ sĩ của thế hệ Việt Minh thời chiến chính là những người tạo ra hôn nhân hiện đại dựa theo tình cảm, trong đó cả vợ cũng như chồng đều biết chữ, được đào tạo nghề nghiệp và làm việc phục vụ quốc gia, và con cái họ được trang bị để sống cuộc sống hữu ích tương tự như vậy, vốn thường trong cùng một ngành hay trong lĩnh vực liên quan (ví dụ: Nhiều tác giả (2002), Nguyễn Kim Nữ Hạnh (2003)).
Tuy nhiên, người ta cũng nói nhiều về những danh nhân trí thức này với tư cách là những người cống hiến cho các tập thể khác nữa, kể cả sự gắn bó với nơi làm việc, đơn vị quân đội và trường học hay với lứa sinh viên cùng trường đại học. Một điều toát lên từ những tường thuật như vậy là đối với một tấm gương mẫu mực về tinh thần hiện đại xã hội chủ nghĩa, gia đình được xem là một lãnh vực mà người ta lựa chọn và hành động sáng suốt (dù gia đình không phải luôn được trải nghiệm như thế), chứ không phải là người ta chỉ đi theo lối mòn của những chuẩn mực truyền thống và những cơ cấu gia trưởng phụ quyền. Việc xây dựng những cuộc hôn nhân hiện đại mẫu mực là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong câu chuyện về thành tích cách mạng này. Một điều nữa là để sự gắn bó với gia đình của mỗi người được trải nghiệm như là một tập hợp các quan hệ hướng ngoại được chủ động xây dựng và rèn giũa, truyền thống và bản sắc gia đình mà người ta kế thừa phải tương thích với những nhu cầu của cách mạng, thông qua sự gắn bó với các tập thể xã hội then chốt khác. Ở đây tôi muốn nói tới những loại tập thể được chấp thuận tại các nước xã hội chủ nghĩa, tức là những người bạn đồng khóa và các tổ chức đồng nghiệp, nơi người ta tạo dựng và duy trì sự gắn bó theo tinh thần đồng chí và vì mục đích tiến bộ.
Tất nhiên tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện kể về những gian nan vất vả, mất mát và đau buồn: nỗi đau phải bỏ lại những người thân già yếu tại Hà Nội khi di tản lên liên khu; những nếm trải mệt mỏi đến kiệt sức vì xếp hàng tem phiếu những năm “bao cấp”; nỗi lo rằng đứa con giỏi giang có thể không đáp ứng được tiêu chuẩn phân phối ngặt nghèo để đạt được một suất đi học đại học nước ngoài đáng mong ước; nỗi khổ vì không ngớt phải xa cách và chia ly. Nhưng cả ở hai cung bậc vui buồn, trong hầu hết các trường hợp người ta đều nhấn mạnh những tình tiết về việc cấp dưỡng vật chất và nuôi dưỡng trong thương yêu: niềm tự hào với việc con thi đỗ; những dịp cha mẹ đã từ nơi chiến trường nguy hiểm trở về thăm nhà với những vật hiếm và tuyệt diệu. Những vật đó trở thành của quý: một chiếc bút ngoại; một cuốn từ điển Larousse được trang trí bằng hình ảnh các cá nhân mà cha mẹ và thầy cô giáo ở liên khu vẫn nói tới như là những danh nhân và anh hùng nổi tiếng mà một đứa trẻ hiện đại cần biết và trân trọng – như Beethoven, Victor Hugo, Marie Curie, Picasso. Những điều đó đến từ một thế giới bên ngoài mà thanh thiếu niên được dạy là họ sẽ cần nắm vững sau khi giải phóng thành công. Coi đó là biểu hiện của tri thức “thực dân” thì không công bằng vì người ta [những người từng bị trị trong chế độ thực dân] có thể trưng dụng mạnh mẽ tri thức này [cho những mục đính khác] [2]. Việc đó cũng sẽ không nhận ra được ý thức về một không gian thế giới [rộng lớn] hơn là không gian thực dân hạn hẹp mà học sinh phổ thông liên khu được khuyến khích vươn tới khi các em hát những bài đoàn và đội ca, và khi các em nghe – tại lớp học và tại các cuộc họp Đảng vào ban đêm – về thế giới xã hội chủ nghĩa bên ngoài trong đó Việt Nam và cuộc cách mạng của đất nước được các đồng chí nước ngoài khâm phục và ca ngợi.
Ngay những người nhớ rằng mình đã từng đốt sách Pháp văn sau năm 1952, thời điểm cấm dạy thứ tiếng của thực dân ở vùng liên khu, vẫn coi việc họ biết tiếng Pháp là một vốn liếng thích hợp đối với con em cách mạng. Khi học ở nhà và từ những giáo viên từng tốt nghiệp trường lycée thì tiếng Pháp vẫn là một ngôn ngữ của tính hiện đại và quyền lực: “langue des révolutionnaires, de modernité” (ngôn ngữ của người cách mạng, của tính hiện đại), đó là lời nói của một người mà tôi gọi là Tiến sĩ Trần, một nhà khoa học xã hội Hà Nội bây giờ suýt soát 70 tuổi. Ngay ở những nơi mà các hình thái cụ thể của vốn văn hóa như tri thức về tiếng Pháp hay tiếng Nga không còn giá trị sử dụng và trao đổi đáng kể, thì trong những câu chuyện kể riêng cá nhân và cả chính thống nữa, nó vẫn là một vốn liếng tinh thần, là sản phẩm của kỹ năng và năng khiếu để đạt được những mục đích mà tất cả mọi người đều khâm phục [3]. Tiến sĩ Trần tự hào kể lại những lời tiếng Pháp đầu tiên mà hồi bé ông nói với một người Pháp ở vùng liên khu, đó là những từ ông nghe những chiến sĩ Việt Minh gác một tên lính bị bắt làm tù binh bảo hắn: “Haut les mains!” (Giơ tay lên!).
Giống như nhiều người đương thời với ông từ trường dự bị đại học danh tiếng ở Thanh Hóa tại vùng liên khu IV, Tiến sĩ Trần học tiếng Nga những năm sau chiến tranh và đi học tại Liên Xô; em trai ông vào Đảng sau khóa đào tạo về toán tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cha mẹ họ, cả hai từng là học sinh trung học Pháp (lycéen) tại Hà Nội thời trước chiến tranh, đều là cán bộ Việt Minh. Trong số những câu chuyện gia đình mà họ thích kể có câu chuyện về bà mẹ họ, một người thông thạo tiếng Pháp, khéo léo giao thiệp với lính Pháp ở các trạm kiểm soát dọc những con đường nguy hiểm mà họ đi khi bà và hai cậu con trai di tản từ Hà Nội ra vùng liên khu ở đầu cuộc kháng chiến. Tôi được kể rằng bằng việc phát âm chuẩn tiếng Pháp với những người lính lịch sự với phụ nữ một cách ngây thơ, mẹ Tiến sĩ Trần đã khiến người ta tin vào mẩu chuyện để cứu mạng sống của mình, trong đó bà thể hiện mình như một cựu học sinh trường trung học Pháp đáng kính của một gia đình “trung thành” với người Pháp, và đang cùng con đi về quê chồng một cách hoàn toàn vô tội. Thậm chí mấy sĩ quan Pháp còn xưng hô là “vous” (bà) với bà chứ không dùng lối nói suồng sã “tu” (mày).
Tiến sĩ Trần rất thích câu chuyện này về việc dùng ngôn ngữ của những kẻ thực dân để làm tấm hộ chiếu hộ thân và một phương tiện để làm lạc hướng tai mắt xoi mói của người Pháp. Tất nhiên đây là chuyện về việc đạp đổ câu chuyện mang tính chất thực dân suốt bao lâu nay người ta vẫn kể về những người được gọi là “có tiến bộ” (évolué). Thuật ngữ này của ngôn từ phát triển theo tinh thần thuyết Darwin mới đã được sử dụng ở các nước thuộc địa Pháp để chỉ những người thành thạo nghệ thuật ngôn từ và cách ứng xử của giai cấp thực dân; và một sự thành thạo được cho là sẽ làm cho người ta gắn bó với sứ mệnh văn minh khai hóa của những kẻ thực dân[4]. Bây giờ ít người trẻ ở Hà Nội biết tiếng Pháp, nhưng rõ ràng rằng tất cả những người tham gia nghe kể câu chuyện này đều hiểu những điều toát lên từ câu chuyện. Những trao đổi như vậy cho thấy cuộc sống không ngừng theo thời gian của một gia đình trí thức như một tập thể liên tục tiếp sức sống cho mình thông qua việc trao truyền và sử dụng kỹ năng trí tuệ.
[1]     Về những vấn đề xoay quanh việc thừa nhận nội dung cảm xúc trong các cuộc gặp gỡ ở thực địa, xin xem Beatty 2005. Những cuộc tranh luận của các nhà nhân học về giá trị của các câu chuyện đời trong nghiên cứu dân tộc chí đã tập trung nhiều vào các câu chuyện cá nhân hơn là kể chuyện gia đình thuộc loại mô tả ở đây (nhưng xin xem Werber 1991). Cũng có rất nhiều phân tích trong nhân học về những bất bình đẳng trong đời sống gia đình, về việc phụ nữ và thành viên trẻ hay tương đối trẻ bị đối xử một cách áp đặt hay bị bạo hành, phải chịu chấp nhận những quy ước và kỷ luật mà những thành viên khác áp đặt. Những điều này xảy ra trong những nước Á châu cựu thuộc địa cũng như ở những nơi khác. Nhiều người mà tôi có dịp nói chuyện, nhất là những phụ nữ lớn tuổi đã sống qua những năm khốn khó sau khi thống nhất đất nước năm 1976, đã nói một cách cảm động và hùng hồn về những đớn đau và những áp lực trong đời sống gia đình mà họ đã trải nghiệm. Có cả những nam giới đã phải hy sinh những mong muốn cá nhân về học hành và sự nghiệp, và những hy sinh này là một chủ đề quan trọng trong những câu chuyện kể riêng hay những câu chuyện kể khi có mặt của người khác, về quan hệ anh chị em và trải nghiệm những năm đầu sau đám cưới của họ. Vì thế, khi tập trung trong bài viết này về những khía cạnh chia sẻ cho nhau và hỗ tương của đời sống gia đình, tôi không có ý ủng hộ một cái nhìn ngây thơ về gia đình như là một lãnh vực đầy những hoà thuận và nụ cười. Trong những bài khác của tôi đã được xuất bản, tôi đã ghi chép về những căng thẳng và mâu thuẫn với người trong thân tộc mà những người nam và nữ cung cấp thông tin cho tôi đã úp mở đề cập đến. Tôi cũng đã ghi nhận cảm nhận bất hạnh của họ khi bị soi mói và đồn đại liên tục vì họ là những người có danh vọng và phải đương đầu với những thái độ mâu thuẫn về việc làm cách nào một người hiện đại xã hội chủ nghĩa không vị kỷ có thể nêu cao những đức tính của gia đình và quốc gia (Bayly 2007). Nhưng viết về vấn đề quan hệ quyền lực trong gia đình trong bài này thì sẽ đi xa khỏi những quan tâm chính của bài về những khía cạnh khác của đời sống trí thức, những khía cạnh mà tôi thấy nổi bật và lan toả rộng rãi trong khi làm thực địa ở Hà Nội. Những khía cạnh này bao gồm những vốn vật chất và tinh thần mà người ta đã nói đến như là những người chia sẻ ký ức tập thể mà tôi tìm hiểu trong bài này. Dù các nhà nhân học có học hỏi nhiều đến mức nào từ việc quan tâm đến những đau đớn được nói ra hay không được nói ra, những đau đớn của những người trải nghiệm những thiệt thòi và bị mất quyền lực, người làm thực địa kỹ lưỡng không thể không nhận ra những cảnh huống mà trong đó cảm giác đoàn kết được coi trọng và là một phần cũng rất đáng kể của thực tại, dù là người trong cuộc đã phải trả giá cao về mặt cá nhân để đạt được mức độ đoàn kết này. Trong vài trường hợp, việc nhấn mạnh đến việc người ta phải chịu đựng và thua thiệt trong những cảnh huống như gia đình phản ánh nhiều về những bận tậm và trải nghiệm của người đi thực địa, hơn là về bối cảnh [của cộng đồng hay xã hội] được nghiên cứu.
[2]     Về việc dùng từ điển để tước đoạt quyền lực của người bề dưới, xin xem sự phê phán của Amin (1989) đối với cuốn Glossary of Indian Peasant Life (Danh mục từ trong đời sống nông dân Ấn Đô) ở thế kỷ 19, coi đó như công trình loại bỏ nhiều từ nói lên tri thức [của nông dân] về cái hiện đại. Để có một tường trình về sự hình thành bản sắc trí thức “hậu thực dân” thông qua việc đi học ở các trường tinh hoa, xin xem Srivastava 1998. Suy nghĩ của tôi về đồ đạc cá nhân trong bối cảnh gia đình dựa trên cuộc trưng bày mang tính chất đột phá “Hà Nội thời bao cấp” của Giáo sư Nguyễn Văn Huy và đồng nghiệp tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Tôi cũng dựa vào công trình về văn hóa vật chất trong môi trường xã hội chủ nghĩa và hậu xã hội chủ nghĩa của Humphrey (2002) ở Mông Cổ
[3]     Những người cung cấp thông tin cho tôi thuộc lứa tuổi già hơn thì tỏ ra rất thích thú vì đã biết và nhớ tiếng Pháp mà họ học được trước cuộc kháng chiến hay ở trường vùng liên khu, và người ta coi việc học được và sử dụng nó là nhờ sự chăm sóc đầy tình thương yêu của cha mẹ và của những người thầy yêu nước. Tất nhiên việc nắm vững tiếng Pháp đi liền với việc làm chủ tiếng Việt và với sự hào hứng của họ về di sản văn học và nghệ thuật tiếng Việt. Họ cũng thích thú với vai trò người quan sát trước cuộc vật lộn của tôi để học tiếng Việt trong khi khuyến khích học trò và con cháu họ thể hiện kỹ năng ngoại ngữ, và bình luận phê phán về tiếng Pháp và tiếng Việt của tôi, chỉnh sửa cách tôi phát âm và bàn luận cách chọn từ cùng cách dịch. Trong các cuộc tụ họp gia đình mà tôi dự, điều rất thường thấy là có mặt dăm bảy người với hiểu biết sơ đẳng về ít nhất ba hay nhiều thứ tiếng: Nga, Hoa, Pháp, Ba Lan, Rumani, Đức hay Tiệp, và đôi khi cả tiếng Bồ Đào Nha mà những người đã từng đi chuyên gia ở Mozambique và Angola học được.
[4]     Homi Bhabha (1984) sử dụng thuật ngữ “ngụy trang bằng cách hòa màu cho mình giống với môi trường”, và việc đó nêu cho ta thấy nỗi sợ và căng thẳng bộc lộ trực tiếp hay gián tiếp trong bối cảnh thực dân, ví dụ nỗi lo rằng những người dân “bản địa” sẽ dùng kiến thức để chế nhạo và gây mất ổn định cho chính quyền thực dân, song họ bị nhạo báng là “những kẻ bắt chước” và vô bản sắc. Đây không phải là điều người Hà Nội nói về các bậc lão thành nói tiếng Pháp của họ, những người mà vốn văn hóa đã tích lũy được của họ là vốn quý, và những người yêu nước và cách mạng sử dụng kỹ năng hiện đại này vì mục đích rất vô tư, không vị kỷ.
(Còn tiếp)
Susan Bayly
Người dịch: Phạm Văn Bích
Người hiệu đính: Trương Thị Thu Hằng và Lương Văn Hy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.