Người Công giáo di cư – Kỳ 6: Vật lộn với cuộc sống mưu sinh

0
861
Ngay từ những ngày đầu bước chân vào Đồng Lách, người giáo dân đã phải đối mặt với cuộc sống rất vất vả. Trước mắt họ là một cánh đồng đầy ắp cỏ dại. Họ được trang bị cho trâu, bò, cày, bừa, dao phát cỏ, cuốc, liềm… Bổn phận của họ là phải tìm ra được của ăn ở đó để mưu tìm sự sống. Người đông, đất chật, họ phải phá thêm nương rẫy, biến những mảnh đồi đá thành ruộng, nếu không cũng phải làm sao thả được hạt lúa xuống để có thêm lương thực. Bất luận thanh niên hay phụ nữ, già hay trẻ, họ đều phải chấp nhận cuộc sống chân lấm, tay bùn, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Sau khi cày bừa cấy hái xong, họ phải tranh thủ trồng thêm ít hoa màu phụ. Rồi họ lại quay sang làm cỏ lúa, cũng như tìm cách chống chọi với bọn thú rừng thích phá hoại mùa màng như heo, khỉ, những đàn chim két, chim ri, nhất là từ khi cây lúa đơm đòng cho đến khi lúa chín. Tuỳ theo loại lúa, người nông dân phải chờ đợi từ sáu đến tám tháng mới được thu hoạch. Nếu thời tiết thuận lợi, thì sau khi đổ tô cho chủ ruộng và trả nợ khoản vay ăn làm mùa thì nông dân còn được chút đỉnh để dự trữ. Nếu thời tiết không thuận lợi thì kể như không còn gì. Tất cả mọi công việc trên đồng ruộng họ đều phải làm bằng đôi tay và sức lực của mình. Đôi khi cánh đồng ở rất xa như ở Lò Than, Suối Sao, sau khi thu hoạch họ cũng phải gánh về nhà, sau đó dùng tay mà đập lấy lúa. Rơm thì được phơi khô và chất đống làm lương thực cho trâu bò.
Những lúc nông nhàn hoặc mùa khô, người ta lại vác dao, vác cưa lên rừng cắt cây làm củi thước, rồi dùng xe bò chở về để bán cho lò gạch, hoặc làm củi chẻ, bó lại để bán cho thương lái chở về thành phố. Vì thế, rừng mỗi ngày một lùi xa.
Khi đã hết cây lớn, người ta đi tề lại gốc cây, chặt cây bé vác về làm củi.
Nông nhàn lên rừng cắt củi cây
Nắng gắt da mặt đỏ hây hây
Mồ hôi ướt sũng đôi tà áo
Còng lưng vác nặng tấm thân gầy!  (Đ.K)
Những người không muốn lên rừng, họ đi đào đá xanh, đập nhỏ rồi bán cho thương lái chở đi làm đường. Không bao lâu người ta phát hiện là đá non nên không mua nữa. Những người khác lại đi Bắc Hải đào đá cây, đá đỏ. Đá sập chết người lại nghỉ hết. Một số thanh niên nam nữ đi làm cho lò gạch, họ làm đất, hoặc đóng gạch kiếm sống qua ngày.
Để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, những ngừơi phụ nữ chân yếu, tay mềm rủ nhau đi làm hàng sáo. Mỗi buổi trưa, họ băng đồng sang làng người Nùng, đong lúa gánh về xay, giã, dần, sàng. Sáng họ lại gánh ra chợ Thái Bình (Hố Nai) để bán. Những người làm nghề này, mỗi ngày họ phải đi bộ ít nhất 10 cây số với một gánh nặng trên vai.
Theo Đức Khương
Các bài viết liên quan:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.