BTKUXH – Đi điền dã (xuống địa bàn dân cư để nghiên cứu trong một khoảng thời gian dài) là một công việc quan trọng của nhà nhân học – dân tộc học. Đây cũng là một hoạt động bắt buộc trong chương trình đào tạo của ngành học này. Bạn An Vu (Vũ Ngọc Xuân Ánh, sinh viên lớp Nhân học 07, ĐH. KHXH&NV TP.HCM) cũng đã có một chuyến đi đầu đời như thế trong một dự án nghiên cứu về văn hóa biển tại xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Kỳ 1: “Chóng mặt” trong buổi tập huấn
Kỳ 2-a: Đời sống cư dân vùng biển Bến Tre
Kỳ 2-b: Đời sống cư dân vùng biển Bến Tre
Kỳ 3: Đời sống tôn giáo – tín ngưỡng ở Bến Tre
BTKUXH – Tôi cảm thấy rất vui vì được tiếp xúc với những người dân chân chất nơi địa phương này. Nhìn chung, trình độ học vấn của họ thấp, họ chỉ hết cấp 1, số người học xong cấp hai và cấp ba chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng họ thật sự là những con người thật thà, tốt bụng. Cô H (44 tuổi) tâm sự rằng cô rất thích đi học, khi còn nhỏ cô bị buộc phải nghỉ học khi cô mới học xong lớp hai để ở nhà phụ gia đình làm bún. Cô vừa cười vừa kể rằng: Cô thường xuyên chuyền vở, một lọ mực và một cây viết ra cửa sổ để bạn mang lên trường trước, còn cô trốn mẹ đến lớp sau. Mỗi lần về, cô toàn bị mẹ mắng. Nhưng đến hết lớp hai, do gia đình nghèo nên cô bị buộc phải nghỉ học. Tuy vậy, cô nhất quyết xin mẹ học và cô cũng được học hết lớp bốn. Cô kể vui, thời xưa, các cụ thường suy nghĩ: “Học cao làm gì đặng biên thư cho trai”. Cô có hai người con trai, một anh 28 tuổi đã lập gia đình, còn một anh 25 tuổi. Đời mình không được học, nên cô vẫn khuyên con cái học đến nơi đến chốn, nhưng các anh chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ học, vì thấy bạn bè cùng trang lứa cũng nghỉ học để đi cào (đi đánh cá ngoài khơi). Cô rất muốn cho các con cô trở thành những cán bộ nhà nước, hay thầy giáo, cô giáo chứ không hề muốn con cái làm nghề biển, vì nghề này phải sống xa gia đình, và nghề này phụ thuộc vào thời tiết nhiều, nên không ổn định.
Đa số con trai ở vùng đất này học đến cấp hai với khoảng 13, 14 tuổi là đã nghỉ học hết để đi biển, còn con gái nghỉ học để đi “làm khô” (chế biến cá khô). Tôi cũng có nói chuyện với em H (16 tuổi). Em là một cô bé dễ thương, và thông minh. Em kể rằng em mới nghỉ học năm ngoái, khi đó em học lớp 10. Mẹ em muốn em nghỉ học để phụ mẹ làm khô vì gia đình khó khăn. Gia đình em có sáu người, chị gái lấy chồng ở riêng nên không giúp mẹ nữa, còn cha và hai anh đều đi cào. Cuộc sống gia đình bấp bênh, nên mẹ mua thêm cá ở ngoài cảng về làm khô. Vì có một mình mẹ nên mẹ em làm ít và thu nhập được khoảng gần một triệu một tháng. Tôi thật sự bất ngờ với thành tích học tập của em: từ lớp một đến lớp chín, em đều là học sinh giỏi và luôn thuộc tốp ba học sinh nhất lớp. Chỉ khi sang lớp 10, thấy gia đình khó khăn, nên một tuần em chỉ đi học hai buổi còn nghỉ ba buổi để ở nhà phụ mẹ. Cuối cùng, em quyết định nghỉ học để đi làm khô cho một cơ sở chế biến lớn ở ngoài cảng để phụ thêm tiền cho gia đình. Sáng sớm, em phải đạp xe đi ra cảng, và tối 6h em mới về. Và còn rất nhiều gia đỉnh nghèo đến nỗi con cái phải nghỉ học không vì phụ gia đình (do còn quá nhỏ) thì cũng vì không có tiền đi học nữa. Thậm chí, khi tôi hỏi về mong muốn của cha mẹ đối với việc học hành của con cái “Ông bà muốn cho con học đến hết lớp mấy?” thì cô H (42 tuổi) nói: “Nhà tôi còn không đủ ăn, chắc cho nó học đến hết lớp 5 biết chữ thôi”, hay chị H chia sẻ “Tôi chẳng nghĩ đến chuyện này, mong muốn thì cũng có được đâu”.
Có thể nói những gia đình mà tôi vừa nói trên là những gia đình khó khăn, không có tiền cho con đi học. Nhưng thật trớ trêu, vì có một trường hợp gia đình muốn cho con đi học nhưng không có đủ chỗ ở trường học cho các em. Nhà chị H (40 tuổi) có ba con gái: một em đang học 12, một em học hết lớp 9, một em đang học lớp 3. Chị chia sẻ với tôi trường hợp của H (15tuổi) – em học hết lớp 9 thì phải nghỉ học. Năm vừa rồi, em vừa thi đậu tốt nghiệp cấp II, nhưng phải thi thêm một kì thi tuyển sinh vào lớp 10. Ở địa phương này chỉ có ba trường cấp III: Phan Thanh Giản, Phan Ngọc Tòng, và Sương Nguyệt Ánh. Cả ba trường này chỉ chứa được 1000 học sinh, trong khi mỗi năm ở địa phương có khoảng 2000 học sinh từ lớp 9 lên lớp 10. Vì thế H là một trong 1000 trường hợp phải nghỉ học vì thiếu trường học.
Cũng lang thang trong con đường nhỏ của ấp An Thới, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tôi và hai anh chị cùng nhóm ghé vào một tiệm tạp hóa nhỏ để nghỉ ngơi, uống nước, lúc đó là khoảng 12 h trưa. Trong tiệm có một bàn bida, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên đó là những khách hàng đang chơi bida là năm bé trai đều dưới 10 tuổi. Thấy tôi đến gần hỏi thăm, các em thay đổi những tư thế thục bida như muốn biểu diễn cho tôi xem. Trông rất điệu nghệ! Trong nhóm có em học lớp một, có em học lớp hai, và lớn nhất là học lớp ba, cũng có một em đã nghỉ học. Có em mới về đến nhà, cất cặp, cởi áo rồi để trần qua đây chơi bida liền. Khi được hỏi “Làm sao các em biết chơi trò này?”, thì các em kể rằng: khoảng bốn, năm tuổi là cả nhóm đã qua đây xem các anh lớn chơi, nên bây giờ các em rành lắm rồi, từ cách chơi, luật chơi đến cách tính điểm… Tuy đây là một vùng đất còn nghèo, vẫn còn rất nhiều nhà lợp lá dừa, và cũng hiếm thấy tiệm tạp hóa thế này. Nhưng có thể sau vài năm nữa, khi tôi có dịp quay trở lại đây thì nơi đây sẽ khác giờ rất nhiều. Và cũng có thể thú vui như các “game” trên Internet sẽ không còn xa lạ với các em nhỏ nơi vùng đất biển này nữa.
Trẻ em chơi bida ở xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Anh Vu
Trên đây chỉ là một vài nét về đời sống người dân vùng biển ở hai ấp An Thới và An Thựng, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, mà chúng tôi khảo sát. Có lẽ do hạn hẹp về thời gian, và hạn chế của bản thân nên còn nhiều điểm khác của địa phương nơi đây mà tôi chưa khai thác được. Mong rằng tôi sẽ còn có dịp để quay lại nơi đây. Một vùng biển với những con người chân chất, thân thiện và nhiệt tình.
Bến Tre, 27/8/2010
Anh Vu