“Này Bin, mày hâm à, mày câm à, sao mày làm rách sách của chị”, nghe con gái 7 tuổi nói với cậu em trai, chị Loan giật mình, bảo: “Sao con lại nói với em thế”. Cô bé tỉnh bơ: “Con học trong truyện Tấm Cám đấy”.
Xem lại cuốn truyện tranh cổ tích Việt Nam chính mình vừa mua cho con mấy hôm trước, chị Loan tá hỏa, đúng là trong truyện có đoạn mụ dì ghẻ đã chửi Tấm tương tự như vậy: “Tấm, mày hâm à, mày câm à, sao mày đâm thủng cái mâm…”. Không những thế, trong truyện còn có những lời thoại rất “hiện đại” như: “thấy chết liền”, “bái bai”, “Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hãy dùng dầu gội… kẻo về dì mắng”…
Đọc xong cuốn truyện của con, chị Xuân lắc đầu ngao ngán: “Sao người ta có thể viết những lời như thế cho trẻ con đọc”, rồi cấm cô con gái đọc quyển này và không được học những lời nói “vớ vẩn” trong đó.
Chị Hoàng (Gia Lâm, Hà Nội) cũng giật thót mình khi nghe cậu con trai gần 7 tuổi đọc cho nghe câu chuyện cổ tích Mai An Tiêm (do Nhà xuất bản giáo dục đưa ra), với những chi tiết… lạ lùng như: Mai An Tiêm bắn voi, vợ anh thì dùng sắc đẹp dụ dỗ cá, còn cậu con trai thì chơi với hổ, rồi được mẹ dặn “chừng nào chán thì cho mẹ nấu cà ri”…
Trong chuyện còn có những câu thoại rất “thời thượng” như: “Anh nói đó nha” (vợ An Tiêm nói với chồng) hay “hàng hiếm mà ông anh” (An Tiêm nói khi bán dưa cho khách).
Còn chị Trà (Mỹ Đình, Hà Nội) khi thấy những dòng chữ “Đả đảo mèo gian ác”, “mèo là đồ chó”, “mèo nó đểu giả lắm”… đã vội vàng gấp sách lại, không dám kể tiếp cho cô con gái nghe câu chuyện cổ tích mình vừa mua về.
Chị Trà cho biết, vốn thích đọc sách, nên ngay khi cô con gái hơn một tuổi chị đã hay mua những cuốn truyện tranh về chỉ cho con xem và đọc cho bé nghe. Đến nay, con gái đã được gần 3 tuổi, chị thường dẫn cả con đi chọn sách cùng. Hôm trước, thấy cuốn Truyện cổ tích “Đeo nhạc cho mèo” có hình vẽ rất đẹp, nội dung ngắn, lại xoay quanh những con vật mà bé biết nên chị mua luôn.
“Mình không ngờ truyện cổ tích mà lại có những ngôn ngữ chửi rủa nghe phát sợ như thế. May mà con bé nhà mình chưa biết đọc, chứ không thì…”, chị Trà kể.
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ đọc sách cùng con (Hà Nội) cho biết, truyện cổ tích gần gũi với đặc trưng tư duy của trẻ, cho trẻ cái nhìn về thế giới theo kiểu của chúng, khiến chúng không hề cảm thấy xa lạ hoặc kinh ngạc, không có những phản ứng kiểu như: “Vớ vẩn! Không có thật!” hay “Cáo thì làm gì biết nói!”.
Về mặt cảm xúc, những câu chuyện cổ tích kể về thế giới kỳ lạ, bứt ra hẳn với thế giới hiện đại hàng ngày trẻ vẫn tiếp cận, không cho trẻ những thông tin cụ thể mà cho trẻ cảm nhận được thế giới bên trong của nhân vật. Tính cách nhân vật, những hành động khắc họa tính cách ấy, đem lại cho trẻ khái niệm về cách hành xử của cá nhân trong xã hội. Chẳng hạn, sự độc ác, hay ghen ghét đố kỵ của mẹ con cô Cám, tính ích kỷ của vợ của ông lão đánh cá, tính tham lam của người anh trong truyện Cây khế, tính hèn nhát của Lý Thông, lòng trung thực, chính trực của Thạch Sanh…
Xuất phát từ góc nhìn như thế, tiến sĩ Thụy Anh cho rằng, truyện cổ tích càng “cổ” càng tốt, càng hoang đường, càng có ngôn ngữ riêng xây dựng nên một thế giới riêng, đặc trưng cho những tích truyện xa xưa kỳ lạ, dành riêng cho những nhân vật không có thật… càng có được hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ đối với sự tiếp nhận của trẻ. Vì vậy, không có lý do chính đáng nào đòi hỏi truyện cổ tích phải mang hơi thở của thời đại trẻ đang sống, các nhân vật phải có lời thoại hiện đại, buông tuồng, suồng sã… như trong một số cuốn truyện hiện nay.
“Khi tiếp xúc với những văn bản như thế, trẻ dễ bắt chước những câu cú ngô nghê, bất hợp lý, trí tưởng tượng của trẻ sẽ bị kìm kẹp, vốn từ vựng bị nghèo đi, thế giới lung linh trong trẻ về những điều xa xôi thần kỳ bị tàn hại”, chị Thụy Anh bày tỏ.
Chị cho biết, khi chọn sách cho con, chị luôn đưa ra các tiêu chí là phải sạch, hay và đẹp.
“Buồn thay, tiêu chí ‘sạch’ lẽ ra không phải có ở đây, giờ lại là tiêu chí đầu tiên cho việc lựa chọn ấn phẩm thiếu nhi! Cũng như rau quả đang bị phun thuốc sâu, ngâm tẩm chất hóa học, thì sách cũng đã và đang bị đưa vào nhiều điều có hại cho nhận thức của trẻ”, chị bộc bạch.
Theo chị, một điều cần lưu ý nữa là sách phải hợp độ tuổi của trẻ. Chẳng hạn, với các bé dưới 3 tuổi, nên lựa chọn những cuốn sách cỡ to, giấy không quá bóng và quá trắng, màu sắc sáng đẹp nhưng không quá nhiều màu, ảnh hưởng đến thị lực cũng như sự tiếp nhận về màu sắc của bé, hình ảnh phải rõ, sắc nét, con gì ra con đấy chứ không theo trường phái “mù mờ, trừu tượng”…
Ngoài ra, việc chọn sách cũng nên dựa vào sở thích của trẻ. Ví dụ, đứa bé đang rất mê khủng long, đương nhiên sẽ để ý đến những ấn phẩm viết về loài vật này. Nắm được con đang thích gì, mơ ước gì – cũng là một bí quyết để bố mẹ quản lý và định hướng việc đọc của con một cách mềm mại, không áp đặt.
Nhà giáo dục cho rằng, khi biết con đọc những tác phẩm không phù hợp (truyện tranh bạo lực, truyện có nội dung, cách diễn đạt không phù hợp…), bố mẹ không nên phản ứng lộ liễu, thô bạo như phát biểu ngay: “Mấy cuốn này vớ vẩn, độc hại” trước mặt trẻ, cấm trẻ đọc, hoặc xé rách và vứt vào sọt rác. Điều đó chỉ làm tăng sự tò mò, thích thú tìm hiểu của trẻ.
Khi đó, phụ huynh nên tạm thời “lờ” đi những cuốn sách vô bổ, đồng thời, cố gắng cũng đánh lạc hướng trẻ, bằng cách kiếm cho bé những ấn phẩm lôi cuốn hơn. Lần này thì bố mẹ hãy dành chút thời gian cùng đọc với con, tấm tắc thể hiện sự thích thú của mình. Đến khi trẻ thực sự quan tâm đến bộ sách hay cuốn sách mới ấy thì chúng ta có thể bí mật cất đi những truyện không đủ tiêu chí kia.
Vương Linh
Nguồn: VnExpress