Thế là tôi đã đi Tây (phần 2)

0
902

BBT: Khi gửi bài hồi ký “Thế là tôi đã đi Tây”, bác Trần Thắng có chia sẻ với BTKUXH rằng: “Lúc đầu tôi chỉ định tâm sự với con cháu và người thân trong nhà. Nhưng khi gặp Bảo tàng Ký ức Xã hội, tôi thấy như gặp một người bạn mà mình có thể chia sẻ nhiều về những gì đã qua”.

Mời quý bạn đọc chia sẻ với bác Trần Thắng câu chuyện đi học Liên Xô của mình.

THẾ LÀ TÔI ĐàĐI TÂY (kỳ  02)

Hồi ký: Trần Thắng
_____________________________________

Phần 1

BTKUXH – Vào khoảng tháng 6, hai đoàn đi Học viện Thông tin và Học viện Hải quân ở Leningrat được hình thành. Tôi ở đoàn học tác chiến điện tử trong thông tin do anh Vinh phụ trách, ngoài ra còn có thiếu tá Huấn ở Cục quân lực, thiếu tá Thạo ở BTL Phòng không, đại úy Toàn và một đại úy nữa ở BTL thông tin, có đại úy Phùng Thanh Đà ở Cục vật tư, thượng úy Dũng ở phân viện TCĐT, tất cả là 8 người. Đoàn này đi học theo kế hoạch chuẩn bị người cho việc hình thành ngành TCĐT trong quân đội ta.

Đoàn do anh Vinh phụ trách, còn thành viên có 2 nhóm, nhóm đã học ở Liên Xô trước đây như Vinh, Huấn, Thạo, Dũng, Toàn và nhóm học trong nước như Thắng, Đà và một cậu ở thông tin…Trong nhóm học ở Liên Xô về có cậu Dũng và cậu Toàn là còn thông thạo tiếng Nga nên sẽ làm phiên dịch trong học tập cho đoàn. Cậu Dũng dịch kỹ thuật và cậu Toàn dịch chiến thuật. Sau khi hình thành tổ chức, đoàn có kế hoạch tập huấn về kiến thức TCĐT tại B10, Viện kỹ thuật quân sự. Một khối lượng kiến thức lớn được nạp gấp rút, trong đó có các kinh nghiệm TCĐT trong chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ là phong phú và khá hay. Tôi tiếp thu cũng không mấy khó khăn vì nền tảng kỹ thuật và chiến thuật của tôi đã khá vững. Ngoài việc học, việc được trao đổi nhiều nhất là chuyện “làm ăn” trong chuyến đi này. Tôi để ý thì mọi người truyền cho nhau nhiều kinh nghiệm và nhiều tin đồn. Nhưng thực ra ai cũng có những suy tính riêng, những “bài tủ” rất khó chia sẻ. Rồi trong 8 người cũng chia ra vài phe nhóm. Ông Vinh, ông Đà chơi một mình. Hai cậu thông tin cặp kè nhau. Nhóm tôi, có Huấn, Dũng, Thạo khá gắn kết và chia sẻ nhau nhiều chuyện.

Ngoài thời gian tập huấn kiến thức, chúng tôi lo chuẩn bị cho chuyến đi. Có 3 mảng phải chuẩn bị: mảng làm thủ tục và lĩnh quần áo tư trang do tài chính cho mượn. Cũng rất nhiêu khê về thủ tục, đi lĩnh ở kho khá xa, và sửa chữa sao cho mặc vừa. Tôi hồi đó khá gày gò ốm yếu, quần áo chữa mãi mà mặc vào “vẫn là đồ đi mượn”. Mảng chuẩn bị đồ “đút lót”: Cho giáo viên để có điểm tốt, cho khoa để còn xin cái này cái nọ, cho hải quan để dễ trót lọt nếu được gửi thùng hàng… Đồ cho mảng này chủ yếu là rượu “Lúa mới”. Mảng thứ ba là mình sẽ mang gì đây? Phải trao đổi dò hỏi rất nhiều… để cuối cùng “gút” lại là mấy quần bò, mấy áo phông, đồng hồ gì, túi cói loại nào… đó là những thứ gần như là thông dụng nhất. Lúc đó Radio cassette là mặt hàng có giá trị rất cao, nhưng cả ta và Liên Xô đều cấm. Vậy mà cậu Dũng vẫn mang sang được một cái mà không ai biết, hóa ra bạn cậu ta ở Liên Xô có một đường dây lo cho cả hai đầu trót lọt. Tới Matxcova, khi cậu lấy ra đưa cho bạn, chúng tôi sững sờ và vô cùng cảm phục.

Tôi cũng cố gắng chuẩn bị. Phần đóng góp chung là mua khoảng 20 chai Lúa mới. Phần riêng thì tôi mua được 3 cái quần bò, 10 cái áo phông là cạn vốn. Nghe nói chỉ được mang 1 quần bò, 3 áo phông nên tôi khá lo lắng. Anh em truyền kinh nghiệm: mặc vào người vài cái là ổn. Chúng tôi khởi hành cuối tháng 8, trời thu Hà Nội nóng kinh hoàng, không hiểu sao lúc đó lại đủ sức mang được cả đống ấy trên người.

Theo kế hoạch 1/9 khai giảng, vậy chậm nhất chúng tôi phải có mặt ở Leningrat là 30/8. Mọi người bàn và xin đi từ 20/8 và không hiểu sao cũng đi được. Ra sân bay Nội Bài chúng tôi “khệnh khạng” (do mặc vài bộ quần áo vào người) vào làm thủ tục. Xếp hàng, mở rộng va li, túi xách ra để khám. Tuy có “làm việc” trước với hải quan nhưng vẫn lo lắng. May sao, mấy nhân viên hải quan chỉ đi lướt qua, thỉnh thoảng cúi xuống xem xét rất “nghiêm túc” rồi cho qua. Mọi người thở phào khoan khoái và ra hiệu báo tin vui cho vợ con đang cũng lo lắng đợi chờ. Cuối cùng mọi gian lao khổ ải cũng qua, chúng tôi đã ngồi trong chiếc máy bay IL76 to lớn và nóng như nồi hơi, hình như máy bay không có điều hòa không khí thì phải. Phải gấp rút trút bỏ mấy bộ đồ ra không thì chết ngất mất. Trong máy bay hầu hết là người Việt: lưu học sinh; cán bộ đi học, đi công tác như chúng tôi; một vài khách người Nga; còn lại đa phần là công nhân xuất khẩu lao động. Trong cái nóng hầm hập, tiếng chuyện trò, gọi nhau í ới, chạy đi chạy lại như cái chợ… Rồi cũng đến giờ bay, máy nổ ầm ì, máy bay chạy lấy đà và lao vút lên không. Cái lao vút đó đã đưa tôi vào ngay cơn say, choáng váng chóng mặt ghê gớm, người lạnh toát nhưng mồ hôi vẫn túa ra, khổ sở vô cùng. Tôi nằm lịm đi không ngóc đầu lên được. Không biết bay bao lâu, tôi nằm im chịu trận, giá ngủ đi một giấc có lẽ hay, nhưng khốn nạn không sao ngủ được dù mắt vẫn nhắm nghiền. Tới giờ ăn, tôi chịu không ăn nổi vì nghe mùi đồ ăn là đã nôn nao muốn ói ra rồi. Rồi hạ cánh tiếp dầu ở đâu đó.

Khi hạ cánh cơn chóng mặt lại càng dữ và tôi nôn thốc nôn tháo, bao nhiêu đồ ăn từ hôm trước ra sạch, sau đó là dịch dạ dày đắng nghét. Tiếp dầu xong, máy bay cất cánh, cơn say mới chồng lên cơn say cũ, quả thực tôi chỉ muốn chết đi cho rồi. Đi Tây thế này thà ở nhà quách cho xong. Lại mấy tiếng nằm lịm cho tới khi hạ cánh ở sân bay Matscova.

Cũng phải đứng dậy mà đi, phải lấy và mang hành lý ra đợi họ đón. Chỗ đợi không có 1 cái ghế nào, mà tôi thì vẫn say và ói liên tục. Tôi đành liều ngồi cạnh thùng rác và cứ há mồm cho các thứ nó chảy ra. Thật quá thảm hại. Mãi cả tiếng sau, mới có người đến đón. Tất cả lên 1 chiếc xe ca. Vừa ngồi xuống và xe chạy thế là tôi lại rơi vào trạng thái say và ói, tôi cứ gục đầu trên tay vịn và ói thẳng xuống sàn xe… Rồi cũng tới chỗ nghỉ tạm qua đêm. Tôi nằm vật xuống và chìm vào giấc ngủ nặng nề. Sáng hôm sau có thông báo là chiều sẽ lên tàu hỏa đi Leningrat. Tôi vẫn phải nằm và không ăn uống được gì.

Toàn bộ các phần của bài viết “Thế là tôi đã đi “Tây”” tại đây

Trần Thắng

(còn tiếp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.