Ký ức thời bao cấp: “Thế là tôi đã đi Tây” (1)

0
1142

BBT: Khi gửi bài hồi ký “Thế là tôi đã đi Tây”, bác Trần Thắng có chia sẻ với BTKUXH rằng: “Lúc đầu tôi chỉ định tâm sự với con cháu và người thân trong nhà. Nhưng khi gặp Bảo tàng Ký ức Xã hội, tôi thấy như gặp một người bạn mà mình có thể chia sẻ nhiều về những gì đã qua.(…) Hồi đó không có điều kiện và thời gian để chụp ảnh nên chỉ có duy nhất tấm ảnh chụp khi kết thúc khóa học. Tôi cũng chỉ giữ được một cái nồi áp suất thôi. Còn tất cả ra bã rồi còn đâu”.

Mời quý bạn đọc chia sẻ với bác Trần Thắng câu chuyện đi học Liên Xô của mình.

THẾ LÀ TÔI Ã ĐI “TÂY” – kỳ  01

Hồi ký: Trần Thắng
_____________________________________

BTKUXH – Năm 1983, tôi tham gia công trình T83 của Cục Tác Chiến, sang năm 1984 mọi việc cũng đã tạm ổn. Một hôm, tôi gặp anh bạn Phùng Hưng học Bách khoa Hà Nội với tôi, lúc này đang làm việc ở văn phòng BTTM. Anh to nhỏ với tôi: “Sắp tới có một lớp bổ túc 6 tháng ở Học viện Thông tin liên lạc của Liên Xô về tác chiến điện tử -TCĐT và một lớp bổ túc 6 tháng ở Học viện Hải quân Liên xô, tao với mày cố kiếm 1 xuất đi để còn có cơ hội “cứu nước, cứu nhà”. Hồi này việc đi nước ngoài có nhiều mục đích “sâu xa” lắm. Tôi cũng muốn đi một chuyến. Thực ra tôi cũng đã đi nước ngoài, đó là năm 1971 khi hành quân vào Nam, tôi có đi qua Lào và đóng quân ở Campuchia hơn 1 năm. Nhưng đi nước ngoài theo nghĩa là “đi Tây” thì chưa bao giờ. Lúc này chúng tôi đã vợ con đùm đìa rồi, đi 6 tháng là vừa, đi lâu quá cũng chán. Nhất là kinh tế đang quá khó khăn, đi Tây một chuyến có khi đổi đời nên tôi khá háo hức. Ông bạn Hưng xoay trở thế nào không biết nhưng trong đoàn đi Học viện Thông tin có 2 người của Cục Tác chiến là anh Vinh và tôi. Anh Vinh lúc này là đại tá 3 sao (hồi này quân đội ta theo Liên Xô bỏ cấp thượng tá 3 sao nên mấy ông thượng tá được là đại tá), ở phòng Quân chủng và sẽ được “cơ cấu” làm trưởng phòng “Tác chiến điện tử” của Cục trong tương lai. Còn tôi là thiếu tá trợ lý kỹ thuật của phòng Sở chỉ huy. Tôi mới về phòng năm 1982 và công việc ở đây rất phù hợp với tôi, tình cảm anh em trong phòng cũng rất tốt, nhất là với anh Tâm trưởng phòng nên khi quyết định đi học bổ túc tác chiến điện tử tôi khá phân vân. Tôi trao đổi với anh Hưng: đi chuyến này về chắc chắn tôi phải chuyển sang ngành TCĐT, mà đi khỏi phòng SCH và công việc ở đó tôi thật sự không muốn. Anh Hưng nói: “Có cơ hội, cứ đi đã, về tính sau. Không đi chuyến này làm sao cải thiện được kinh tế gia đình”. Quả thực vợ chồng tôi đang khó khăn, vì mới ra ở riêng nhà cửa không có, vợ chồng con cái đang ở chung với 4 người nhà ông anh vợ trong một căn phòng 14m2 ở Kim Liên. Vợ tôi đang dạy ở Khoa Dệt – May Đại học Bách khoa HN và đang xin nhà của trường, có khả năng sẽ được phân một gian nhà 3x6m mái lợp giấy dầu và vách ngăn bằng cót ép, ở nhà kiểu này thường có chuyện quanh năm nằm cạnh vợ hàng xóm vì hai nhà kê 2 giường sát nhau, cách 1 tấm cót mỏng, nhà này vợ nằm sát vách, nhà kia chồng nằm sát vách nên mới có chuyện vậy. Các nhà ở đó đang lên kế hoạch xây lại, nhà trường sẽ cho ngói lợp còn đâu phải tự lo. Vậy là chuyện lo tiền xây nhà trông chờ cả vào chuyến đi Tây này đây.

The la toi da di Tay
Gia đình tôi

Tôi cũng xin nói thêm thế này, năm 1977 tôi ở Quân Đoàn 4 ra Bắc và về công tác ở Viện kỹ thuật thông tin BTLTT, cuối năm 1977 tôi lấy vợ. Lúc này ở nhà bố mẹ tôi chỉ có hai vợ chồng tôi ở cùng. Cuối năm 1978, vợ tôi sinh cháu đầu. Chiến tranh đã lan rộng ở biên giới phía Nam và biên giới phía Bắc đang cực kỳ căng thẳng. Tôi rất bận và phải đi công tác suốt. Sang năm 1980, 1981 các em tôi lần lượt về, đứa từ nhà máy chuyển về HN, đứa đi học ở Bungari về, đứa từ đơn vị về tập trung đi học văn hóa. Nhà tôi trở nên đông đúc. Ngoài nhà tôi, bố tôi còn 1 “bộ sậu” gồm thư ký, lái xe, cấp dưỡng, cần vụ đều ở cả đấy. Vợ chồng tôi quyết định xin bố mẹ cho ra ở riêng để giảm tải cho cả nhà vì chúng tôi hy vọng mình có đủ tiêu chuẩn xin nhà nhất. Chúng tôi thu xếp ở tạm cùng với vợ chồng anh Hào. Năm 1982, tôi về phòng Sở chỉ huy Cục tác chiến. Tôi bắt đầu tìm hiểu việc xin nhà ở đơn vị và thấy có lẽ còn rất lâu mới được vì lúc đó tôi mới là đại úy. Nhưng vợ tôi lại có triển vọng. Sau khi vợ tôi làm đơn xin nhà, tôi làm đơn xác nhận đơn vị chưa cấp nhà, trường đi kiểm tra chỗ vợ chồng tôi ở nhờ… đến khoảng đầu năm 1984, trong danh sách cấp nhà của trường, vợ tôi có tên. Thật mừng vô kể.

Toàn bộ các phần của bài viết “Thế là tôi đã đi “Tây”” tại đây

Trần Thắng

(còn tiếp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.