Nghe tin ông bạn Bắc Giang muốn về Hà Nội mở một trưng bày thú vị gồm toàn đồ dùng nhà quê, tôi hơi bị bất ngờ. Thì ra cái anh thợ ảnh ngày nào kiêm luôn nhà sưu tập nghiệp dư, mà cổ vật của ông gồm toàn những thứ vứt đi hoặc bỏ xó ở miền thôn dã…
“Bảo tàng hồn quê” …
Mạnh gọi bộ sưu tập của mình như vậy. Ngay tại ngôi nhà đồ sộ kiêm hiệu ảnh Vinh Hoa lớn bậc nhất thành phố ngày xưa có tên là Phủ Lạng Thương, nhà sưu tập hồn quê này đã dành phần lớn không gian cho việc lưu giữ các hiện vật lịch sử của nhiều thời… Nhìn cảnh tấp nập khách khứa đến làm ảnh, chụp ảnh, cảnh làm việc khẩn trương của hàng chục nhân viên, người quản lý… tôi không hiểu nổi vì sao ông chủ của nó lại thích rong ruổi để lôi về những là thúng mủng, quang gánh, cối đá, bình vôi, điếu lào, cuốc xẻng, dao rựa, đục bào… Hình như giữa cái tư cách ông chủ hiệu ảnh Vinh Hoa với cái tư cách nhà sưu tập đồ nhà quê chẳng ăn nhập gì với nhau. Thế mới lạ. Một bên là kinh doanh nhộn nhịp, một phía là phiêu du lãng đãng với tình yêu di sản nước nhà. Vậy mà bên nào cũng phát triển tốt, thì càng lạ.
“Bảo tàng” của Mạnh không chỉ một mà hai cơ sở. Bên cái nhà bỏ không cách hiệu ảnh dăm chục thước, anh dành toàn bộ gian ngoài bày đủ thứ có được. Đấy như một cái kho hiện vật. Mạnh bảo chưa có không gian riêng nên các thứ mang về xếp đấy đã. Phải nói rằng nhà sưu tầm nghiệp dư này rất chịu khó. Từng cái bát ăn cơm, cái cối ngoáy trầu nhỏ xíu, đến cái cối xay bột bằng đá nặng vài tạ… anh đều cất công tìm kiếm đưa về bảo quản. Những cái nồi đồng, mâm đồng, rồi xanh, rồi ấm, rồi bàn là bằng đồng đủ cả. Một loại đồ vật được Mạnh nhắc đến nhiều nhất và có mặt nhiều nhất trong bộ sưu tập là… đèn. Những cái đèn cầy đủ kiểu bằng đồng, bằng chai, có cấu tạo hình dáng khác nhau được Mạnh nâng niu nhất. Anh bảo đấy là thứ thắp sáng cho con người trong những đêm dài vô tận. Không có nó, một nửa thời gian đời người xưa chìm vào bóng tối. Bao nhiêu người nên quan, nên nghiệp nhờ học dưới ánh sáng của trí tuệ… Toàn bộ sân sau ngôi nhà này anh dành cho các đồ dùng bằng đá. Hàng trăm cái cối đá từ cối giã gạo đến cối xay bột… Những chiếc cối qua bao nhiêu thời gian qua bao bàn tay sử dụng xay giã hạt gạo thảo thơm nuôi ta khôn lớn đến hôm nay mòn vẹt, bị vứt chỏng chơ như vật thừa trong các làng quê giờ được anh thuê xe chở về chăm chút, lau rửa thành hiện vật của một thời xa vắng…
Bao nhiêu chum vại, thứ dụng cụ đựng nước ăn từ xa xưa cùng với nồi đất chĩnh, chọe có nguồn gốc từ khắp xứ về quây quần trong vườn Mạnh. Rồi thì bình vôi. Hàng trăm chiếc bình vôi đủ kích cỡ, niên đại, màu sắc, gốm – sứ thứ mà bây giờ không mấy người dùng đến đã được anh tậu về xếp hàng vào tủ. Vết thời gian còn đọng lại trong từng lớp vôi cho biết đã có bao nhiêu cơi trầu đã được têm, để cùng với cau làm đỏ môi bao nhiêu người, bao nhiêu ký ức xưa đã từng được chứa trong đó. Rồi thì hàng chục con chó đá lớn nhỏ, tư thế khác nhau vốn thường bị bỏ chỏng chơ ở các đầu làng, hay bờ ao được đưa về đứng cùng nhau trong sưu tập chó đá. Anh tâm sự: “Xưa chó đá tạc ra để ở cổng có lẽ để giữ nhà, giữ đình. Nay nhà nông thôn “bê tông hóa”, đình làng hiện đại hơn, có vẻ không ai quý chó đá nên nó bơ vơ góc đường, bờ bụi. Thương cái con vật gắn bó với người này quá. Tha về để đấy cho vui mắt, và cũng để đỡ xót xa cho những đồ vật gắn bó với con người một thời nay bị phụ bạc…”.
Ngôi nhà lớn bên dưới là hiệu ảnh, các căn gác ba tầng còn lại anh dành cho đồ vật sưu tầm. Đó là những món gốm sứ gia dụng quý hiếm, những cây đèn cầy, bộ đồ hút thuốc lào như điếu bát, điếu ống cổ. Đặc biệt tại đây có những hiện vật quý hiếm mà các bảo tàng lớn trong nước mơ ước. Anh kể: “Trong một lần đi chụp ảnh vào Yên Thế, đang lang thang đến các gia đình người dân tộc chơi chợt thấy một cây mác đen sì rất đẹp được người dân đem thái rau lợn. Họ bảo nó có từ đời ông để lại. Hỏi đây là dao gì, họ bảo không phải dao mà là… mác. Mác để làm gì? Để đánh giặc, của nghĩa quân Đề Thám đấy. Chủ nhà còn khoe còn cây kiếm trẻ con đang đem chơi kia cũng là kiếm của Đề Thám. Nghe thế, tôi run hết cả người. Chao ôi! Cụ Đề Thám đánh Tây, cả nước biết. Lịch sử chả học suốt, thế mà hiện vật lại bị đối xử thế này đây. Vậy là tìm cách đổi bằng mấy kiểu ảnh lưu niệm, có thứ trả ít tiền, mua bằng được đem về…” .
Lên tầng thượng là quang cảnh của một nông thôn xưa cũ. Nơi đây trưng bày đủ thứ lỉnh kỉnh mà bà con nông dân muốn vứt đi cho… đỡ vướng. Mấy đôi quang gánh mạ, mấy cái giỏ bắt cua, cái lờ đơm cá, cái vó cất tép, cái nơm, cái dũi. Còn đây bộ cối xay lúa, bộ cối đá giã gạo còn nguyên vẹn, chỉ có cái cối thì mòn vẹt theo năm tháng. “Cái cối xay từ nghìn đời nay xay nắm thóc”. Rồi nong nia, giần sàng, thúng mẹt… Còn đây cái chạn bát bằng tre bị thải ra, may chưa bị vứt vào lửa. Cái chạn bát gợi nhớ thuở nào mỗi khi đi đâu về đói bụng ta thường chạy đến mở ra tìm đồng quà tấm bánh mẹ phần ta, lại có lúc tiện tay vét ít cơm nguôị, hay vơ củ khoai luộc nguội ngắt, đặng đỡ đói lòng. Đứng nơi đây ta cảm thấy ấm áp như đang về lại không gian thôn quê một thuở…
Và tâm huyết của người yêu quý di sản văn hóa Việt
“Ba mươi năm, kể từ năm 1978 khi đến chụp ảnh nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở Phù Khê, Bắc Ninh, khi nhìn thấy những vật dụng đơn sơ ngày trước như cái vóng, chiếc chõng tre, cái nong cái thúng… trong ngôi nhà xưa bỗng trở nên thân thuộc khi nó thành kỷ vật trưng bày. Vậy tại sao mình không đi sưu tầm tất cả những thứ ấy để giữ lại cho bảo tàng nông thôn? Nghĩ là làm, không cần ai ủng hộ, không sợ ai ngăn cản. Có những thứ mà không đem về cất giữ thì sẽ không bao giờ thấy nữa. Xã hội phát triển, đổi thay nhanh quá. Bao nhiêu đồ dùng, bao nhiêu công cụ sản xuất, sinh hoạt cũ bị loại ra khỏi đời sống con người hiện đại. Và chỉ có bảo tàng mới là nơi chúng tồn tại, nơi chúng được bảo vệ và lưu giữ giá trị…” – Mạnh tâm sự như vậy khi tôi hỏi về ý tưởng làm bộ sưu tập lạ lùng này.
Điều làm Mạnh yên tâm là tất cả những thứ anh có đều là “thứ của nợ” ai cũng muốn vứt đi. Anh không đi sưu tầm đồ thờ trong đình chùa như nhiều người vẫn làm và không bao giờ bị ám ảnh bởi thần linh ma quỷ như có người nói. Vâng! Cái sự đa đoan với văn hóa dân tộc và tình yêu với thôn quê dân dã mà anh lặn lội mấy chục năm để có bộ sưu tập vô giá… Điều đáng quý là Mạnh không phải là người buôn đồ cổ. Anh sưu tầm để giữ lại cho hậu thế, cho bảo tàng như một nghĩa cử với lịch sử dân tộc.
Hành trình của Mạnh là đi ngược về quá khứ, tìm những đồ vật thời xa vắng để lại cho mai sau. Mơ ước của Mạnh là khi có tiền sẽ đầu tư một khuôn viên có ngôi nhà Việt cổ làm nơi trưng bày hiện vật về đời sống nông thôn xưa. Rồi có dịp sẽ về Hà Nội mở một cuộc trưng bày mang tên “đồ nhà quê”. Đi, và đi không để lại lời nhắn đi đâu, nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Mạnh lại lên đường rong ruổi. Anh sợ không kịp để lưu giữ ký ức và những tháng năm đã qua của đất nước mình. Không dùng điện thoại di động. Đó là một nguyên tắc của Mạnh để những người cần đồ cổ không thể liên lạc được với chủ nhân bộ sưu tập hồn quê. Mạnh khoe ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11 vừa rồi anh chính thức nhận thẻ Hội viên Hội di sản Bắc Giang. Trong ngày hội di sản, nhiều hiện vật của anh về nông thôn đã được bảo tàng tỉnh mượn để trưng bày. Giờ thì tôi hiểu vì sao Nguyễn Quang Mạnh gắn đời mình vào cái việc đi tìm những món đồ quê và định mở “Bảo tàng hồn quê”.
Bắc Giang, một ngày đông – 2007
Tân Linh
Nguồn: An Ninh Thủ Đô