Kinh tế bao cấp: Vừa xem vừa chảy nước mắt

0
855

Đoàn người xếp hàng rồng rắn trước cửa hàng lương thực xen lẫn những hòn đá được đánh số ghi tên, rồi cả xô chậu, gạch ngói… khiến người xem có cảm giác mua được cân gạo thật khó nhọc.

Bếp tận dụng làm chuồng nuôi lợn. Ảnh: V.P

Ông Vũ Trần Cường vừa tham quan triển lãm “Hà Nội thời bao cấp” vừa thốt lên: “Thời bao cấp, người ngành lương thực có quyền thế kinh khủng”.

Thời kỳ bao cấp (1960-1985) được coi là một thời bi tráng, cũng là bài học đắt giá về quy luật phát triển của xã hội. Mới mở cửa nhưng triển lãm đã đón rất nhiều khách tham quan, từ cụ già gần trăm tuổi đến những em nhỏ cấp I, Việt kiều lẫn người nước ngoài. Vợ chồng bác Vũ Trần Cường sống tại Khu đô thị mới Định Công, hôm qua mới nghe tin có triển lãm sáng nay quyết tâm đến xem bằng được. Ngắm “hòn đá xếp hàng” nhỏ xíu trong tủ kính có tên Xuân Hải, số 127 (số của sổ mua hàng), ông Cường cho hay nhà ông có tới 2 cái xô được dùng với chức năng tương tự.

Nhìn bức ảnh phân phối bát sứ Hải Dương, bà vợ ông xúc động kể, hồi những năm 1978 cả cơ quan 200 người mà chỉ có 30 cái bát. Mua được rồi, người ta quý nó đến nỗi cất luôn hoặc để trưng bày hẳn trong tủ kính chứ không dám đem dùng.

Tâm sự về cảnh mua bán khó khăn thời kỳ những năm 70, bà Lê Thị Thắng, 64 tuổi, số 11 ngõ 31 Vĩnh Phúc cho hay một hôm vừa ra đến chợ Đồng Xuân có 5 chị phe vé đến vây xung quanh, người nói ô này mua đậu, ô kia mua mắm rồi hỏi mua phiếu í ới. Đang lơ ngơ họ giằng béng mất tờ phiếu, miệng hô “công an đến”. Mất phiếu coi như mất thực phẩm, không có tiền mua, mà nếu có tiền cũng khó mua vì người ta bán giấu diếm, đâu đàng hoàng như bây giờ.

Ông Xuân, nhà số 2 ngõ 1 Kim Mã cũng không giấu được cảm xúc khi nhìn các hiện vật. “Sáng dậy thật sớm, vợ đi làm ca sáng dặn tôi ở nhà bế con đi gửi và cầm tem phiếu xếp hàng. Gửi được con xong ra đến nơi, xếp hàng đến 30 người, mình đứng cuối cùng. Đến 15 người thì hết hàng thế là mọi người lại lục tục ra về. Buổi trưa thì lại xếp hàng mua cá, và còn phải nhờ người xếp hàng ở chỗ khác mua hộ ít rau. Tất cả đều phải xếp hàng, từ mua đậu, rau, mỡ, mắm… Cực lắm!”, ông Xuân bồi hồi.

Thời bao cấp khiến những khách thăm quan nước ngoài ngạc nhiên. Gabby, khách du lịch đến từ Mỹ tâm sự: “Qua đó tôi hiểu được con người VN đã phải trải qua cuộc sống vất vả, khó khăn thế nào. Tôi hy vọng, lịch sử sẽ không lặp lại với các bạn”.

Lớp trẻ học hỏi

Xem triển lãm, khách tham quan trẻ tuổi nhận thấy trong nền kinh tế bao cấp mọi thứ được tận dụng đến cùng cực: vỏ lọ pênixilin đựng mì chính, cổ áo rách may lộn lại, phòng bếp ngăn một nửa để nuôi lợn…

Ông Nguyễn Việt Cồ, Chủ tịch Hội chống lao và bệnh phổi VN, đưa cả cháu nội tới xem với tâm niệm “để cho thế hệ trẻ được “ôn cố tri tân”, biết được những khổ cực của lớp trước và trân trọng giá trị những gì mà chúng được hưởng ngày hôm nay”.

Nguyễn Phương Linh, lớp Văn Giáo dục công dân K29, trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội cho biết, mỗi khi bố mẹ kể chuyện ngày xưa cô thường nghĩ “ối dào các cụ cứ nói quá”. Đến đây mới thấy một phần những ngày gian khó. Cô gái trẻ nhận xét, cung cách bán hàng thời bao cấp tưởng như không còn tồn tại nhưng trên thực tế, ở nhiều nơi cảnh cơm hàng cháo chửi khách vẫn song hành cũng văn minh thương mại thủ đô. Biểu hiện rõ nét nhất là những buổi tối nóng nực, mua được que kem Tràng Tiền người ta vẫn phải xếp hàng chen chúc.

Triển lãm mở cửa đến tháng 12. Bảo tàng Dân tộc học VN cho biết mọi hiện vật đóng góp vẫn tiếp tục được tiếp nhận. Địa chỉ: Bảo tàng Dân tộc học VN, đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: (04) 8360350; 7562192 quay số 47, fax: (04) 8360351.

Việt Phong – Hà Vy (VnExpress)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.