Khôi phục lại giá trị của “thời bao cấp” (kỳ 3)

0
1078
Xã hội hóa sản xuất văn hóa (The Socialization of Cultural Production)
Bảo tàng Dân tộc học mở cửa năm 1997, cùng năm Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra Nghị định số 90 nhằm khuyến khích các tổ chức văn hóa tìm thêm tài trợ bên ngoài để bổ sung cho nguồn trợ cấp của nhà nước. Sự ra đời của nghị quyết này không phải là điều bất ngờ. Nguồn trợ cấp từ phía nhà nước cho các tổ chức văn hóa, bao gồm khoảng 120 bảo tàng và 7.300 di tích văn hóa và lịch sử của cả nước đã giảm đi đáng kể từ khi giai đoạn Đổi mới bắt đầu. (1). Tuy nhiên, nghị quyết này đã nêu rõ rằng về mặt ý tưởng, nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa có thể tận dụng các cơ hội do nền kinh tế thị trường tạo ra. Trong khi một số đã làm được điều này, thì phần lớn các nghệ sĩ và tổ chức văn hóa trước đây chỉ sống bằng trợ cấp nay gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm thêm các nguồn thu từ du lịch, hoạt động thương mại, và tiền tài trợ từ các đại sứ quán và các quỹ (Lodstone và Doling 2000). 
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. (Ảnh: minh họa-Nguồn: Internet)
Mặc dù Đảng Cộng sản đánh giá cao tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa, hiện có rất ít nghiên cứu về lý do vì sao có người trong lĩnh vực này thành công, trong khi đó một số khác vẫn hoạt động trì trệ – có thể những sự khác biệt này một phần được coi là hậu quả của các yếu tố thị trường. Những yếu tố thị trường này chắc chắn đóng một vai trò quan trọng, dù là chúng không mang sắc thái khách quan và vô cảm (impersonal) đến mức như các nhà kinh tế tân tự do đã giả định. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng Nghị định 90 không chuyển giao hoàn toàn mọi trợ cấp cho các hoạt động văn hóa cho các cá nhân, công ty, các quỹ xã hội như đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu. Thay vào đó, Nghị định 90 kêu gọi “xã hội hóa” việc sản xuất văn hóa, đồng nghĩa với việc kêu gọi có hiệu quả các nguồn lực cá nhân và tập thể hiện có, cùng với việc tìm thêm các nguồn tài chính mới (Visiting Arts 2008).
Sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận này khá quan trọng vì nó đề cập đến một lĩnh vực nơi mà những ý tưởng và thực hành của thời kì trước đổi mới – trong trường hợp này là các phong trào thi đua – vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới các chính sách hiện thời được đưa ra và thực hiện ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong khi chưa ai có thể dám chắc được tính bền vững lâu dài của cách tiếp cận nhằm tìm cách khơi dậy các kĩ năng kinh doanh và nhiệt huyết của các cá nhân nhưng đồng thời kìm hãm chúng, cách tiếp cận này đưa ra một vấn đề lớn hơn: Làm thế nào để những lý tưởng về sự bình đẳng của quá khứ cách mạng có thể hòa hợp được với những bất bình đẳng về kinh tế xã hội đang dần dần xuất hiện trong một xã hội đang thương mại hóa (2).
Mặc dù đây không phải là một vấn đề riêng của Việt Nam – các nước tự coi là xã hội chủ nghĩa, các nước ở thời kì xã hội chủ nghĩa hậu kỳ, cũng như các nước ở thời kì quá độ xã hội chủ nghĩa đều phải đối mặt với vấn đề ở dạng này hay dạng khác – nó vẫn tạo ra những thử thách cụ thể do cơ cấu và nội dung của ngôn từ theo chủ nghĩa quốc gia mà Đảng Cộng sản Việt Nam xem là thiêng liêng. Bất chấp những thay đổi mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới sau cuộc chiến tranh chống Mỹ (1959-1975), những trần thuật chính thống về quốc gia vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào những thứ không thay đổi như bản sắc dân tộc, dân tộc Việt Nam là một, hay truyền thống chống xâm lược, những thứ đã được tồn tại từ bốn thiên niên kỷ nay (Pelley 1995:2002). Tôi không muốn nói rằng những chủ đề này, vốn đã giúp Đảng Cộng sản xác định vị trí lịch sử và đạo đức của mình sau một hàng dài các anh hùng dân tộc, nay không còn quan trọng hay không cần được phân tích nghiên cứu kĩ lưỡng. (Những chủ đề này vẫn quan trọng, ở cách nó đối thoại với những hiểu biết về quá khứ) (3). Tôi muốn nhấn mạnh rằng những chủ đề và những hy sinh cá nhân đã được coi là chính thống, thì ngày nay có vẻ trở nên ít được quan tâm và có ý nghĩa đối với những người Việt Nam sinh ra sau những cuộc chiến tranh của thế kỷ XX vì họ không trực tiếp phải trải nghiệm những gian khổ đó (4). Nói một cách khác, những cuộc chiến tranh này đã tạo thành một phần quan trọng trong “lịch sử” đất nước, nhưng nó không nhất thiết là mối quan tâm của giới trẻ hiện nay như đối với những người đã sống qua thời kỳ đó. Sự khác nhau giữa các thế hệ này ngày nay được thể hiện rất rõ ở các bảo tàng. Như Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội nhận định: “Chúng ta cần lịch sử để tôn trọng và không lãng quên quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta cũng đồng thời phải quan tâm đến việc phát triển kinh tế. Chúng ta muốn nhìn tới tương lai […]. Chúng ta quên hết mọi thứ để kết bạn cho tương lai (trích trong Schwenkel 2004:267). Vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa vì hầu hết các bảo tàng chưa nâng cấp những trưng bày nặng tính mô phạm (didactic) về “đất nước” cho dù những người quản lý chúng tôi luôn luôn mong muốn thu hút nhiều người xem trong và ngoài nước đến với những trưng bày thường xuyên và đặc biệt ở bảo tàng của họ (Sutherland 2004l; Hương Lê 2007; Nguyễn Thị Tuyết 2007:75-6). Khi chúng tôi hỏi các nhân viên bảo tàng lý do tại sao họ không sửa đổi, câu trả lời là một danh sách dài các lý do khiến họ không thể mở rộng những hiện vật họ trưng bày cho công chúng và cả cách họ trưng bày những hiện vật này. Họ giải thích rằng vì những lý do đó, những cố gắng để đổi mới cách quản lý và hoạt động của bảo tàng đã chỉ giới hạn trong việc sửa lại những tòa nhà cũ và tăng thêm độ chính xác của những chú thích kèm theo hiện vật. Tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ. Điều này có nghĩa những khó khăn ngăn trở việc thay đổi ở các bảo tàng không chỉ đơn thuần là lý do chính trị hoặc tài chính như vẫn được nêu. Một trong những trường hợp ngoại lệ đó là bảo tàng Dân tộc học.
Bảo tàng Dân tộc học được xây dựng với mục đích trưng bày văn hóa và lịch sử của 54 dân tộc ở Việt Nam. Mục đích của những gian trưng bày là để củng cố quan điểm về khối đại đoàn kết, thường được diễn tả Việt Nam là một nước có nhiều dân tộc. Trong khi đã rất thành công trong cả hai mục đích trên, bảo tàng cũng đã nỗ lực thay đổi cách cung cấp những kiến thức về các dân tộc, bao gồm cả dân tộc Kinh, được tích lũy và giới thiệu cho khách tham quan. Bảo tàng đã sử dụng chủ yếu hai phương pháp: nỗ lực trong việc hợp tác nghiên cứu kết hợp với trải nghiệm cá nhân của những bảo tàng trưng bày khác và tìm mọi cách để chuyển tải giá trị của những “di sản văn hóa phi vật thể” cho khách tham quan (Proschan 2005; Brown 2005). Cả hai phương pháp này đều đã thành công. Số lượt người đến thăm bảo tàng đã tăng từ 37.000 năm 1998 đến 163.000 năm 2005, phần lớn là người Việt Nam (5). Ý nghĩa lớn hơn của hai phương thức này là chúng khác hẳn những gì thường thấy tại các bảo tàng khác. Tôi sẽ đi sâu về vấn đề này trong phần sau của bài viết, đặc biệt là những thách thức trong việc trưng bày từ khía cạnh dân tộc học những nét văn hóa quá quen thuộc. Nhưng trước khi làm như thế, chúng ta cần phải đặt những vấn đề có ý nghĩa biểu tượng này vào trong bối cảnh lớn hơn – một bối cảnh có thể giúp chúng ta nối liền ngành bảo tàng học với việc nghiên cứu so sánh nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Chủ nghĩa xã hội và khu liên hợp trưng bày (Socialism and its Exhibitionary Complex)
Vào thế kỉ XIX, những tủ kính trưng bày đồ cổ do giới thượng lưu Châu Âu sưu tầm đã dần dần nhường chỗ cho các triển lãm công cộng có quy mô lớn và những bảo tàng đồ sộ. Nhà sử học Tony Bennett (1995), người đã ghi chép lại sự chuyển biến quan trọng này, mô tả sự xuất hiện của những không gian xã hội mới và những cách vận hành theo quy ước trong phạm vi những không gian này như một “khu liên hợp trưng bày” (exhibitionary complex). Bằng thuật ngữ này ông không chỉ ám chỉ cách các bảo tàng trưng bày hiện vật cho người xem mà còn cách người xem, khi đi qua những không gian trưng bày đó, bộc lộ bản thân mình. Hai quá trình có liên quan này đã giúp cho lớp công chúng (trung lưu) thấy rõ mình, đồng thời hình thành các hình thái ứng xử trong giao tiếp xã hội và các chuẩn mực cho các giao tiếp này.
Mặc dù Bennett dựa nhiều vào những tác phẩm của Foucault về vai trò của kỷ luật (discipline) trong việc điều tiết xã hội hiện đại và các thành viên của xã hội đó, nhưng nhận xét có chiều sâu của ông không chỉ giới hạn trong bối cảnh văn hóa hay lịch sử mà ông mô tả: trong trường hợp này là các thành phố đang trong giai đoạn công nghiệp hóa một cách nhanh chóng ở các nước tư bản tại Châu Âu và Bắc Mĩ nửa sau thế kỷ XIX. Điều này không có nghĩa là những phạm trù và những cách thực thi kỷ luật mà ông dựa vào để xây dựng lập luận của mình có thể được áp dụng một cách phổ biến cho các bối cảnh khác mà không cần sự điều chỉnh hoặc không có một số điều kiện (Chakrabarty 2000; Dirilik 2006). Tuy nhiên, sự lan rộng của bảo tàng trên khắp thế giới đã chứng tỏ “khu liên hợp trưng bày” có nhiều thành tố, tương tự như những biểu hiện khác của chủ nghĩa quốc gia tầm thường (banal nationalism) (Billig 1995), làm cho nó có thể vượt qua rào cản văn hóa và ý thức hệ một cách dễ dàng, để rồi được định hình theo cách phù hợp với địa phương (Anderson 1991).
Đáng tiếc rằng chưa có ai viết một lịch sử tinh tế về quá trình này cũng như những hình thái pha trộn hỗn hợp mà quá trình này đã sản sinh ra trong những bối cảnh hậu thuộc địa khác nhau. Chỉ riêng việc thiếu vắng những nghiên cứu về lĩnh vực này đã là một chủ đề thú vị. Trong bài viết này tôi chỉ muốn đưa ra một vài gợi ý về một số mặt mà những ai quan tâm đến lĩnh vực bảo tàng học cũng như chủ nghĩa xã hội có thể nghiên cứu tiếp. Ví dụ, có hay không một “khu liên hợp trưng bày” có tính chủ nghĩa xã hội – khác hẳn với những khu liên hợp ở những bối cảnh tư bản chủ nghĩa? Hay đó chỉ là một khẳng định khoa trương về sự khác biệt (Denton 2005)? Nếu một “khu liên hợp trưng bày” có tính xã hội chủ nghĩa như vậy có tồn tại, những phương pháp kỷ luật (disciplinary techniques) dùng trong các bảo tàng này khác thế nào so với phương pháp được sử dụng tại các nước tư bản; và một nghiên cứu đối chiếu về những khác biệt đó bộc lộ điều gì về cách mà những hình thức trật tự và chuẩn mực ứng xử ở nơi công cộng được sản sinh ở cả hai môi trường này (6).
Hoặc, để tiếp tục theo đuổi các câu hỏi so sánh này ở một mức độ khác, khi nào thì nhu cầu xác định một “bản sắc quốc gia” thống nhất và chặt chẽ được xem là quan trọng hơn những nỗ lực tạo ra một tổ hợp trưng bày có tính xã hội chủ nghĩa và khi nào thì được xem là không quan trọng bằng những nỗ lực này? Nếu những cơ chế được sử dụng nhằm tạo ra những thể hiện tuân thủ (trật tự) ở môi trường đô thị khác với những cơ chế ở môi trường nông thôn (Reid và Crowley 2001), thì sự hiểu biết của chúng ta về một chủ nghĩa xã hội thực sự tồn tại và những chủ thể mà nó tạo ra có cần phải thay đổi để chúng ta có một phân tích tinh tế về những cách thực hành kỷ luật ở những bối cảnh khác nhau này kết nối (hay không kết nối) ra sao? (7) Và cuối cùng, những thực hành này đã thay đổi thế nào từ khi nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Trung Quốc và Việt Nam sụp đổ và/hoặc được cải tổ (Thomas 2001; Yurchak 2003)? Tuy việc phân tích đầy đủ các câu hỏi nêu trên nằm ngoài phạm vi của bài viết này, chúng cũng tạo ra một cái khung cho những thảo luận sau đây về các hiện vật mà Bảo tàng Dân tộc học đã sử dụng trong trưng bày đặc biệt về “Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp”, cũng như những cuộc tranh luận lớn hơn mà những câu hỏi này gợi ra.
(1) Sau nhiều năm quên lãng, tài trợ của Chính phủ bắt đầu tăng vào năm 2003 và 2004. Tuy nhiên, nguồn tài trợ cho lĩnh vực này vẫn chỉ chiếm chưa đến 2% ngân sách quốc gia (Visiting Arts 2008).
(2) Những can thiệp của Chính phủ cùng với sự tăng trưởng kinh tế trong suốt một thập kỷ đã góp phần làm giảm tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam xuống còn một nửa (ADB 2008). Tuy nhiên, những vùng nghèo đói vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi. Hơn nữa, chỉ số Gini – thường dùng để đo mức độ mất cân bằng trong thu nhập – đã dần dần tăng lên từ 0,345 năm 1990 đến 0,37 năm 2004 và 0,432 năm 2006, với 20% giàu nhất chiếm đến 49,3% tổng số thu nhập. Do phần lớn tăng trưởng tập trung vào khu vực đô thị, sự mất cân bằng giữa đô thị với nông thôn và giữa các vùng trên cả nước càng lớn (Tổng cục Thống kê 2007:135-136). Chiến lược Toàn diện về Xoá đói Giảm nghèo và Tăng trưởng và Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội (2006-2010) đã được đưa ra để đối mặt với những thách thức này (Viện Khoa học Xã hội 2007).
 (3) Việc này ít nhất đòi hỏi một nỗ lực viết sử mà không thiên vị quan điểm xem “quốc gia” Việt Nam luôn luôn tồn tại như một tập thể thống nhất và chặt chẽ, trong khi tập thể này cũng đã thay đổi theo thời gian (Duara 1995; Taylor 1998).
 (4) Nhiều người đã đóng góp cho triển lãm tại bảo tàng Dân tộc học cũng như những khách tham quan lớn tuổi tôi có dịp phỏng vấn cho biết sự khác biệt giữa các thế hệ làm cho thế hệ trẻ Việt Nam khó lòng hiểu được đời sống hàng ngày cách đây ba mươi năm. Để xem thêm về những ý kiến khác của giới trẻ Việt Nam, xem Marr và Rosen (1998); Drummond và Thomas (2003); Ministry of Health et al. (2005).
(5) TS. Nguyễn Văn Huy (Phỏng vấn 7/7/2006).
 (6) Nghiên cứu thêm về lĩnh vực này cũng nên mở rộng sang cả các lĩnh vực khác trong cuộc sống hàng ngày khi mà công dân xã hội chủ nghĩa được kỳ vọng có một cách ứng xử bề ngoài đặc thù, ví dụ diễu hành ngày 1/5, Kỷ niệm ngày quốc khánh, đi thăm lăng, họp Đảng… Xem thêm Crowley và Reid (2002).
 (7) Về lĩnh vực này, Hà Nội sẽ là một nghiên cứu tình huống rất thú vị, khi thành phố trải qua quá trình “nông thôn hóa” trong thời bao cấp. Như trưng bày ở BTDTH đã cho thấy rõ, rất nhiều người sống trong các khu tập thể đã biến một phần nhà tắm của họ thành nơi để nuôi lợn kiếm thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn hàng ngày. Kinh tế phụ ở thành thị giống và khác ở nông thôn thế nào, xem Trương Huyền Chi (2001) về những hoạt động buôn lậu. Bùi Sỹ Căn (5/2007) có kể lại một câu chuyện cười về một người đàn ông đã chở lậu 1 con lợn 60kg vào thành phố bằng cách nguỵ trang nó là một người bị ốm đang cần đưa đi bệnh viện gấp.
        (Còn tiếp)
Ken MacLean
Người dịch: Hương Ly
Nguồn: Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận Nhân học

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.