Hồi ức một quận chúa – Kỳ 3: Người sáng lập Hội Lạc Thiện

0
900
Quận chúa Hồ Thị Hạnh - Ảnh: Gia đình Hồ Đắc cung cấp

Sau ngày ngồi lên ngôi báu, Khải Định ngỏ lời cầu hôn với tiểu thư Hồ Thị Chỉ con gái Thượng thư Hồ Đắc Trung, và với tình thế bắt buộc không thể khác, Hồ Thị Chỉ buộc phải vào cung nhận danh hiệu “Ân phi” (nhị giai phi). Thượng thư Hồ Đắc Trung trở thành “quốc trượng” (cha vợ vua) uy quyền rất lớn.

Kỳ 2: Bản án xét xử Vua Duy Tân
Kỳ 1: Mối tình đầu của vua Duy Tân

Ông lần lượt được phong Đông các Đại học sĩ, tước Khánh Mỹ quận công, đứng vào hàng “tứ trụ” dưới triều Khải Định và cả Bảo Đại sau này. Tuy nhiên ông vẫn giữ thói quen sinh hoạt giản dị, chân thành, không lợi dụng quyền thế chèn ép người khác để tư lợi. Các con ông cũng được hưởng vinh hoa, phú quý theo tước hiệu của cha: các con trai được gọi là “công tước”, con gái là “quận chúa”, song tất cả đều được giáo dục theo nền nếp gia phong: hiếu thảo với cha mẹ, anh chị em thương yêu nhau…

Điều đặc biệt là trong bối cảnh đất nước bị Pháp xâm lược đặt dưới chế độ thuộc địa, các con của ông cả trai cũng như gái đều được giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các con trai của quận công, trừ ông Hồ Đắc Khải tốt nghiệp Nho học và ra làm quan lên đến Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư bộ Hộ, 5 vị còn lại đều chăm chỉ học hành và lần lượt được quận công cho đi du học ở Pháp. Dù sống ở Pháp nổi tiếng phồn hoa, xa xỉ nhưng các sinh viên Hồ Đắc vẫn giữ nếp sống giản dị, tiết kiệm, dồn sức học hành đều đỗ đạt cao, và sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đã lột xác đi theo cách mạng và trở thành những nhân sĩ, trí thức nổi tiếng dưới chế độ mới: tiến sĩ luật khoa Hồ Đắc Điềm, giáo sư – tiến sĩ y khoa Hồ Đắc Di, kỹ sư mỏ-địa chất-nhà giáo Hồ Đắc Liên, tiến sĩ dược khoa Hồ Đắc Ân…

Bốn quận chúa thì ba đã lấy chồng môn đăng hộ đối. Riêng quận chúa Hồ Thị Hạnh – con gái út – từ nhỏ đã có tư tưởng, chí hướng khác thường. Năm 15 tuổi sau khi người chị kề vào cung làm Ân phi Khải Định, Hồ Thị Hạnh đã nghỉ học ở trường Đồng Khánh để phụng dưỡng cha mẹ và tự học, nghiên cứu nhiều sách báo kể cả sách, báo nước ngoài để trau dồi kiến thức. Hồ Thị Hạnh sớm có năng khiếu học ngoại ngữ: giỏi chữ Hán, thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh. Cô đã đọc nhiều sách nói về cách mạng Pháp, Nga, Trung Quốc và rất hâm mộ Gandhi ở Ấn Độ.

Những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ trước, ở kinh thành Huế, Hồ Thị Hạnh đã tham gia hoạt động xã hội bên cạnh một số nhân vật có xu hướng cách mạng như Hải Triều, Trần Thị Như Mân… Quận chúa cùng bà Đạm Phương (1) đứng ra tổ chức Hội Nữ công lúc đầu ở Thừa Thiên, sau lan ra nhiều tỉnh ở Trung kỳ tập hợp phụ nữ nghèo dạy nghề, cổ động cho phong trào đấu tranh giành nữ quyền. Quận chúa sáng tác bài thơ được phổ cập rộng rãi trong giới phụ nữ lúc bấy giờ có những câu: “Nữ công sáng lập tại Thừa Thiên – Kinh tế nâng cao bước nữ quyền – Gánh vác giang sơn thân gái Việt – Duy trì nòi giống đất thần tiên…”. (2)

Để gây dựng quỹ Hội và biểu dương số nữ nghệ nhân có tay nghề giỏi, quận chúa tổ chức “đấu xảo” hàng hóa thủ công mỹ nghệ do chị em làm ra. Quận chúa còn mở cửa hàng có biển hiệu “Nam hóa” ở Huế làm nơi bán hàng thủ công mỹ nghệ của Hội và nhận đơn làm hàng cho nhiều người nước ngoài. Người Pháp không ưa gì những hoạt động của quận chúa mà họ cho là “bài ngoại”, có xu hướng “Gandhi” ở Việt Nam.

Trùm mật thám Pháp ở Huế mời quận chúa đến để cảnh cáo. Bằng tiếng Pháp trôi chảy, quận chúa đã nói rõ tôn chỉ, mục đích của Hội Nữ công và dõng dạc chất vấn: “Kiếm công ăn việc làm cho phụ nữ nghèo là có tội sao? Xin các ông cho tôi bằng cớ phản động và tôi xin chịu tội”. Bọn chúng buộc phải thả quận chúa về nhưng không quên răn đe: “Nếu không nể mặt cụ Thượng (Thượng thư Hồ Đắc Trung) thì chúng tôi bắt cô rồi!”. (3)

Với sự gợi ý của cụ Thượng, quận chúa thành lập Hội Lạc Thiện chuyên làm các công tác từ thiện. Với vốn tiếng Pháp lưu loát và uy tín của mình, Hồ Thị Hạnh đã mời được bà Toàn quyền Pháp nhận làm chủ tịch danh dự cho Hội và nhiều phu nhân quan chức cao cấp, thương gia người Pháp, người Việt đứng tên hội viên. Hội Lạc Thiện không những có uy tín rộng mà còn có nguồn tài chính dồi dào để tổ chức các đợt cứu trợ cho đồng bào gặp thiên tai, dịch bệnh…

Năm 1931, được tin đồng bào bị tàn sát trong cuộc nổi dậy “Xô Viết Nghệ Tĩnh”, bà Đạm Phương họp Hội Nữ công gấp để bàn việc cứu tế. Quận chúa xác định: chỉ có Hội Lạc Thiện mới đảm nhận nổi việc này và xung phong nhận trách nhiệm tổ chức cứu tế. Ra đến Nghệ An, quận chúa đã trực tiếp gặp các quan chức đứng đầu tỉnh cả người Pháp và người Việt để thuyết phục họ cho phép Hội Lạc Thiện tổ chức cứu tế với lý do nhân đạo. Kết quả đợt cứu tế đoàn của Hội Lạc Thiện đã cấp tiền mua quan tài chôn cất cho hàng chục tử sĩ, cấp hàng viện trợ cho hàng trăm gia đình bị mất người thân đang lâm vào cảnh thiếu đói…

Được trực tiếp chứng kiến cảnh đau thương của người dân, quận chúa rất xúc động đã sáng tác bài thơ Thấy cảnh tang thương, có những câu: “Lam Giang sóng cuộn trăm dòng lệ – Hồng Lĩnh tro vùi những nắm xương…”. “Bài này cụ Đạm Phương khen hay mà không dám cho ai nghe. Chỉ có bà Đốc Tạ là mẹ của Tạ Quang Bửu đọc…”. (4) Mãi sau năm 1975, bài thơ này mới được đăng trên một tờ báo của Phật giáo với bút hiệu Diệu Không. (Còn tiếp)

Trúc Diệp Thanh
Nguồn: Thanh Niên, 6/2009

(1): – Đạm Phương: nữ sĩ Đạm Phương (1881-1947) là bà Nguyễn Phước Đồng Canh, vợ của ông Nguyễn Khoa Tùng. Bà là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Huế nửa đầu thế kỷ XX.

– Hải Triều: Nguyễn Khoa Văn, con của ông Nguyễn Khoa Tùng và bà Đạm Phương. Hải Triều là nhà lý luận Mác-xít trước Cách mạng Tháng Tám 1945.

– Trần Thị Như Mân: (1907-1992) giáo viên trường nữ học Đồng Khánh, sau này là phu nhân nhà sử học Đào Duy Anh.

(2, 3, 4): Trích hồi ký của sư bà Diệu Không, sách Đường thiền sen nở (NXB Lao động – 2009)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.