Nhật ký Sài Gòn 1975 – Ngày 1.7 – Hai tháng sau giải phóng

0
853

NHẬT KÝ SÀI GÒN 1975
(trích)
Đinh Bá Anh dịch

1.7.1975
Hai tháng sau giải phóng

Tháng thứ hai đã trôi qua kể từ khi Mặt trận Giải phóng tiếp quản Sài Gòn. Nhiều thứ đã trở thành chuyện bình thường, cho dù mới đó ít lâu là chuyện không thể tin được. Hình ảnh thành phố ngự trị bởi bộ đội miền Bắc với quân phục màu xanh và các chiến sĩ của Mặt trận Giải phóng. Hầu hết những người này không sở hữu gì khác ngoài bộ quân phục và vũ khí. Nhưng vũ khí mạnh nhất của họ là niềm xác tín rằng họ đã chiến đấu vì lẽ phải. Với chút ngỡ ngàng, họ phải thừa nhận rằng chính họ cũng khó lòng cưỡng lại sự cám dỗ và của cải vật chất của thành phố Sài Gòn. Họ cũng lượn tới lượn lui các chợ như dân Sài Gòn. Một chợ bán đồng hồ đeo tay đã hình thành từ khi người ta biết bộ đội thích đồng hồ. Món hàng hấp dẫn thứ hai là đài bán dẫn. Có những chiến sĩ giải phóng giờ cảm thấy tự hào khi mua được một cái đài đĩa hiệu Akai ở chợ đen. Bộ đội cũng tràn ngập các phường, khóm. Họ tạo thành lực lượng chính kiểm soát các khu dân cư, vì các lực lượng dân sự đã trở nên chẳng còn ý nghĩa gì cả.

…………………………

Diện mạo người Sài Gòn cũng chỉ mới thay đổi rất ít. Thực ra người ta cũng nghe nói Hội Thanh niên, Học sinh và Sinh viên của Mặt trận Giải phóng kéo dài váy của một số cô gái mặc mini-jup và có đưa ra một số quy định về ăn mặc, như chiều rộng của quần khi mặc áo dài, tuy vậy mốt khoét eo áo dài từ chế độ cũ vẫn còn phổ biến. Chỉ có ít người theo mốt mới: áo bà ba đen và giày cao su làm từ lốp ô tô (đã xuất hiện cả loại cho trẻ em). Cũng có lời khuyên không nên mặc theo mốt mới vì các lực lượng chống cộng vẫn hoạt động.

Sự kỳ vọng vào cách mạng đã mệt mỏi phần nào. Những lá cờ của miền Bắc và của Mặt trận Giải phóng, những lá cờ mà người ta phải treo ra trong những ngày đầu tiên, thì vẫn còn đây – nhưng đã bị nắng gió làm cho bạc đi, có những cái đã gần như trắng bệch. Những lá cờ màu đỏ của Trung Quốc thì đã biến đi êm thấm từ lâu, bởi vì với chính quyền cách mạng – và với cả thiểu số người Hoa nữa – thì Việt Nam phải là Việt Nam. Nhưng con số các trụ sở hành chính thì tăng đáng kể. Càng ngày càng xuất hiện nhiều biển chỉ trụ sở hành chính ở các phường, khóm.

Về nhật báo, Sài Gòn bấy nay chỉ có một tờ duy nhất: Sài Gòn Giải phóng. Ngoài ra cũng có báo Quân đội Nhân dân và báo Nhân dân từ Hà Nội. Nhưng chỉ có vài điểm bán nhất định là có báo từ miền Bắc. Thời gian qua đài phát thanh được mở rộng phát trên nhiều tần sóng khác nhau. Nhưng chúng tôi ít nghe thấy nhạc radio từ các nhà hàng xóm. Ầm ĩ nhất là tiếng rè rè của loa phát thanh từ trụ sở phường mỗi khi có dịp gì đó, ra thông báo hoặc chỉ thị mới, dạy hát hay giảng chính trị trước đám đông. Các giờ giảng chính trị này thường có phần dành cho việc ăn năn hối hận về quá khứ của những người dân trong phường. Chị bếp của chúng tôi tự hối lỗi về việc trước đây đã làm việc cho người Mỹ. Cán bộ cách mạng khuyên chị hãy quên tất cả nghệ thuật nấu ăn của người Mỹ đi. Chị thấy rằng bộ đội không biết việc, nghĩa là họ làm việc mà không có kế hoạch và phương pháp gì hết. Đây là sự hiểu lầm, bởi rốt cuộc tất cả các ý định đều được thực hiện như có sự dẫn dắt của một bàn tay bí mật nào đó. Hôm qua có thông báo về việc tiêm chủng lần hai sẽ được tiến hành ở khóm chúng tôi – tuy hơi muộn, nhưng vẫn còn kịp. Buổi tối, bộ đội hỏi chúng tôi có thể cho họ sử dụng một số phòng được không, vì hiện tại nhà y tế khóm 4 được dùng chứa pháo. Tất nhiên chúng tôi đồng ý. Trong buổi tiêm chủng hôm nay chúng tôi còn được nhận thêm một mũi phòng bệnh hạch. Số người đến tiêm ít quá nên ngày mai sẽ phải làm tiếp.

(còn tiếp)

Walter Skrobanek

Xem một số trích đoạn khác của nhật ký tại đây.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.