Chuyến khám phá Sài Gòn lý thú

0
1000

BTKUXH – Có thể nói tôi đã ở cái đất thành phố này hơn 3 năm rồi, ấy thế mà đây mới là dịp đầu tiên tôi dành cả buổi tối để khám phá một phần của nó, chợ đêm Sài Gòn. Tin tức chợ đêm sắp đóng cửa xôn xao cả tháng nay khiến không ít người tiếc nuối.

Có thể báo chí đã khám phá ra một hay nhiều bất lợi khiến chợ đêm không thể không dẹp, và thậm chí đây không phải là đợt đầu tiên đưa tin chợ đêm sẽ bị dẹp. Cũng may nhờ có loạt tin tức này mà nhóm Màu Dân tộc nảy ra ý định chụp ảnh chợ đêm Sài Gòn trước khi những hình ảnh này không còn nữa.

Có lẽ tôi cũng hơi vô tâm khi đã sống ở đây hơn 3 năm mà chưa một lần ghé chợ đêm, nhưng tôi đã đi ngang qua và biết rằng chợ đêm Bến Thành thật sôi động. Và không muốn bỏ qua cơ hội khám phá khu chợ về đêm này, chính vì thế, tôi đã dẹp mọi việc tối nay để tham gia cùng các bạn trong nhóm Màu Dân tộc để “chu du” khắp chợ.

Chuẩn bị cho chuyến đi

Mục đích chính của nhóm là ghi lại các khoảnh khắc mình bắt gặp được qua hình ảnh. Bên cạnh đó, nhóm chúng tôi cũng có nhà quay phim nghiệp dư để lưu giữ lại những khoảnh khắc sống động qua các đoạn phim ngắn. Theo lời anh trưởng đoàn dặn “Mọi người ai có máy ảnh thì mang đi, nhớ sạc pin cẩn thận”, tôi cũng vậy, tối qua tôi đã sạc đầy pin và sẵn sàng cho buổi tối hôm nay. Mới đầu tôi hơi lo, cũng muốn đi chơi theo kế hoạch: 6 giờ tối có mặt ở công viên 23 tháng 9, sau đó đi chụp ảnh chợ, rồi đi ăn một món rất “nổi tiếng” mà bình dân, đặc biệt rất hợp túi tiền sinh viên là tàu hủ đá, mỗi ly 5 ngàn, và cuối cùng là kết thúc chuyến đi lúc 8 giờ tại quán chè “không biết tên” ở quận 2. Kế hoạch thật rõ ràng. Nhưng thú thật, đây cũng không phải lần đầu tiên tôi đi chơi buổi đêm như vầy, nên tôi nghĩ chắc không về 8 giờ được đâu. Chính vì thế tôi rất lo chuyện xe cộ, “Không biết lúc đó còn xe bus không?”. Hỏi phó nhóm thì tôi nhận được câu trả lời rất hồn nhiên “Em cứ đi đi, sẽ có người cho mượn xe đạp về, mà giờ đó (8 giờ) chắc vẫn còn xe bus mà”. Lời nói đó làm tôi yên tâm đi cùng nhóm. Tôi cũng không ngờ chúng tôi chia tay nhau lúc gần 10 giờ 30 khuya, bể kế hoạch, và đến đó tôi mới biết chiếc xe đạp tôi mượn về nhà là xe của phó nhóm. Hi, một buổi họp mặt, có làm có chơi thật ý nghĩa.

Hành nghề nào…

Hôm nay tôi cũng quen thêm được một số bạn mới học báo chí, học du lịch… Sau khi tụ họp nhau và tìm chỗ gửi xe xong thì chúng tôi họp nhau ở tại chợ đêm khoảng 7 giờ kém 15, sau đó chia ra hai tốp chụp ảnh. Như đã nói, tôi chuẩn bị máy ảnh khá kỹ, nhưng vì thiếu máy nên tôi đưa cho bạn trong nhóm mượn và tôi không chụp tấm nào cả. Mới đầu cũng nghĩ “giờ mình làm gì đây ta?”, nhưng có lẽ không có máy cũng có cái hay của nó.

Bán bong bóng ở chợ đêm. Ảnh: Quốc Việt

Tôi lang thang xem người ta dọn đồ ra bán, thật nhiều mặt hàng: quần áo, đồ mỹ nghệ, hàng ăn…

Một người bạn ở Nghệ An

Tôi dừng lại ở một quán ăn bên đường, và bắt chuyện với một bạn trai, bạn là người tiếp viên của quán, bạn S. S sinh năm 1988, hơn tôi một tuổi, mới đầu gọi tôi là chị, không biết có phải nhìn mình già quá không, nhưng sau thì gọi là bạn. S quê ở Nghệ An, vùng Cửa Lò. Nghe đến Nghệ An, tôi vội hỏi “Quê bạn có bị lụt không?” S làm cho mình mừng vì quê S ở trên cao không bị ngập. S từ quê lên thành phố đã 6 tháng rồi, lên đây để học nghề làm tóc, cả ngày học nghề, tối thì đi phụ quán ăn này từ 6 giờ tối đến 12 giờ khuya, lúc đó cũng là lúc dẹp quán. S tiết lộ với tôi rằng chợ đêm này mang lại cho người dân thu nhập cũng khá cao, riêng quán của S làm mỗi tối thu nhập cũng phải gần 30 triệu, và chủ yếu là khách nước ngoài ghé ăn. Tôi hỏi S có biết ở đây sắp bị dẹp không? S cũng thật thà trả lời “Ở đây ai cũng biết, báo chí đăng rùm beng mà, ở chợ người ta kháo nhau nên cả chợ biết rồi.” S còn nói: “Ở đây người ta bán với nhau rồi thân nhau, hay nói chuyện với nhau lắm, có khi mình gặp đồng hương nữa.” Có thể thấy nơi đây cũng là một nơi để mọi người tương trợ lẫn nhau, có thể không về mặt vật chất mà về mặt tinh thần. Tôi không hề thấy vẻ mặt lo lắng của S khi tôi hỏi đến chuyện dẹp chợ, điều đó làm tôi ngạc nhiên. Nên tôi hỏi tiếp: “Thế chợ dẹp rồi bạn có lo lắng bị mất việc không?” Đúng như suy nghĩ của tôi, S không hề lo lắng vì S định 1 tháng nữa học làm tóc xong sẽ về quê mở tiệm, và không làm ở chợ đêm nữa. Nhưng S cũng nói hơi tiếc vì ở đây trả lương khá cao, chỉ làm 6 tiếng buổi tối mà S nhận được một tháng là 2,5 triệu. Nói chuyện một hồi với S, tôi chia tay bạn.

Cụ già bên đường

Cụ già bán xoài bên đường. Ảnh: Quốc Việt

Tôi đi tiếp thì nhìn thấy một cụ già ngồi bên đường, vẻ mặt rất buồn, bên cạnh cụ là hai rổ xoài lớn, và vài loại trái cây khác, có vẻ như xoài là chính. Tôi ghé qua hỏi chuyện cụ xem cụ già như vậy rồi thì có biết gì về chuyện chợ sắp bị đóng cửa không? Cụ đã trả lời cho tôi rất rõ ràng: “Cả cái chợ này ai cũng biết cách đây cả tháng rồi, trên mạng nói nhiều lắm, qua tết là người ta đóng cửa rồi.” Tôi ngạc nhiên, vì cụ đã già rồi, khoảng ngoài 70 rồi, vậy làm sao cụ biết được thông tin qua mạng đó, trong khi cụ nói ban quản trị chợ không hề nói gì. Cụ đã giải đáp thắc mắc trong đầu tôi, và nói “Tôi già rồi, không biết xem mạng, nhưng cái cậu này [chủ hàng bên cạnh] nói”. Tôi cũng tò mò muốn biết suy nghĩ của cụ khi biết tin này, thì cụ cho tôi hay: “Khi đó bán sẽ ít hơn, thay vì tôi bán từ sáng đến khuya thì tôi về sớm hơn, khoảng 6 giờ”. Thấy có mình cụ bán, tôi cũng thắc mắc không biết ai sẽ dọn hàng cho cụ, cụ có con cái không. Khi trả lời tôi câu này, vẻ mặt cụ trông buồn rười rượi: “Tôi có cả bảy đứa, mà đứa nào cũng lo cho nó hết rồi, sáng tôi dọn ra, tối tôi dọn về chứ ai dọn cho tôi. Tôi thuê xe ôm chở”. Rồi cụ còn bực tức nói: “Đừng nhắc đến tụi nó [con của cụ] nữa.” Tôi thấy cụ không vui nên không dám hỏi tiếp nữa. Đúng là tìm hiểu mới thấy, chợ Bến Thành nơi có rất nhiều người giàu có, sang trọng, trong nước có, ngoài nước có, nhưng bên cạnh đó cũng không ít số phận đáng thương, thèm khát sự yêu thương, thèm khát cuộc sống đầy đủ.

Cô bán trái cây “chạy”

Tôi định sẽ không hỏi nữa, tôi hơi buồn vì thấy nét mặt không vui của cụ già hơn 70 tuổi đó. Đáng lẽ, tuổi đó phải là tuổi được phụng dưỡng, được chăm sóc chu đáo, an hưởng tuổi già, vì cả đời đã cống hiến cho con cái rồi, nhưng mà…

Nhưng không hiểu sao, tôi lại muốn để hỏi thăm một cô bán trái cây “chạy”. Cô dắt xe đạp đi khắp nơi bán chôm chôm và nhãn. Tôi lại hỏi thăm thì biết cô vô Sài Gòn cũng lâu rồi, cỡ 6 năm, nhưng khoảng 2 hay ba tháng lại về quê ở Quảng Nam một lần để thăm chồng con. Nhắc đến quê, cô kể cho tôi nghe ở quê cô, nhà cửa bị ngập hết, bà con thì phải chống chọi với trận lụt kinh hoàng. Tôi thấy thương cô ghê. Cô có một người con gái 13 tuổi, “Mình cố gắng làm để gửi tiền cho con đi học”, cô nói. Khi tôi hỏi tiền lời, cô cũng thật thà chia sẻ: mỗi ngày cô lời khoảng 50 hoặc 60 ngàn, có ngày bán được thì được 100 ngàn. Cũng khổ, đi cả ngày mà cô chỉ lời được như vậy. Cô nói rằng ở quê thì làm ruộng thôi, mà đợt này lũ ngập hết thì chẳng làm được gì, nên lên đây, mà lên đây thì lại không có nghề gì, nên chỉ “buôn thúng bán bưng”. Tôi dừng cuộc trò chuyện ở đây, vì đúng 7 giờ 30 mọi người đã hẹn nhau trước quán Phở 2000, nhưng không phải ăn phở mà để chụp hình nhóm và kéo nhau đi ăn món phó nhóm quảng cáo là tàu hủ đá.

Thành phố nhìn từ phà Thủ Thiêm. Ảnh: Quốc Việt

Đúng là nếm thử mới biết được món đó “ngon, bổ, rẻ”, thích thiệt. Anh Bình, trưởng nhóm bị mắc bệnh “thích quay phim”, nhưng cũng nhờ thế mà chúng tôi có được những đoạn phim để nhìn lại của một buổi tối đi cùng nhau. Sau tàu hủ đá, cả nhóm kéo nhau đi bộ qua quận 2, để tự thưởng cho mình những ly chè ở quán “không biết tên”. Để qua được quán chè mà trưởng nhóm quảng cáo, chúng tôi phải đi qua phà ở bến Bạch Đằng. Phải nói rằng giây phút đó không thể quên, vì đây là lần đầu tiên tôi được đi phà ở bến Bạch Đằng. Chúng tôi không về được 8 giờ rồi, mưa như trút nước, trong khi đợi trời tạnh chúng tôi túm tụm lại kể chuyện cười cho nhau nghe, rồi cùng nhau thể hiện bài hát “Con chim non” bản tiếng Việt và tiếng Anh vừa mới được dịch xong. Hi, đúng là “người tính không bằng trời tính”, mưa mãi mưa mãi, vậy là bể kế hoạch, nhưng tôi cảm thấy mình tràn ngập niềm vui. Chắc khoảng 9h30, chúng tôi rút quân, mặc dù ngoài trời vẫn mưa.

Tôi và anh Việt mượn xe đạp anh phó nhóm về. Cuối cùng cũng đến được nhà, giờ đã là 11h40 rồi. Một buổi tối thật đẹp, thật nhiều kỷ niệm.

00:57h, 22/10/2010

Anh Vu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.