Trẻ em bãi giữa sông Hồng qua phim Thảo nguyên xanh tươi”

2
1498

7 em nhỏ từ 10 đến 15 tuổi đã cùng nhau thực hiện các cảnh quay ghi lại cuộc sống trên thuyền của mình và 20 hộ dân ở Bãi giữa sông Hồng. Với các em, cuộc sống của một ngôi làng nổi chỉ có 20 hộ dân không chỉ sự nghèo khó và vất vả mà còn thắm đượm tình yêu thương. Nơi mà ai ai cũng lắc đầu tạm bợ lại được các em coi là chốn thiên đường.

Họ và tên thật: Phan Ý Ly
Tên thường gọi (nickname): Ly
Địa chỉ e-mail: phanyly@gmail.com
Nghề nghiệp: Làm phim độc lập, Chuyên gia về sử dụng nghệ thuật trong phát triển cộng đồng.
Vài nét tự bạch: Là một chuyên gia về sử dụng nghệ thuật trong phát triển cộng đồng, các dự án của Phan Ý Ly chú trọng vào việc thúc đẩy đối thoại trong cộng đồng thông qua các loại hình sáng tạo như sân khấu, phim, âm nhạc… Phan Ý Ly đã thực hiện những dự án của mình tại nhiều quốc gia: Anh, Kenya, Thái Lan và Philippines. Tại Việt Nam, Ly là người khởi xướng dự án Sân khấu Nháp (2006), dự án trẻ em làm phim “Cuộc đời của tôi – Cách nhìn của tôi” (2007), lớp học “Điên”, “Cuồng” (2009). Hiện nay, Ly đang đạo diễn một bộ phim tài liệu nằm trong chương trình “Lần đầu làm phim với Discovery” và là giám đốc của Life Art – một doanh nghiệp xã hội chuyên sâu về phát triển nhân cách qua quá trình sáng tạo.

Thành phần đoàn làm phim:

Đạo diễn: Trần Thu Hiền (10 tuổi), Nguyễn Thị Tâm (15 tuổi), Lê Thu Hà (12 tuổi), Trần Phương Thảo (12 tuổi), Nguyễn Đăng Bắc (12 tuổi), Nguyễn Thị Nhung (14 tuổi) và Nguyễn Thị Tuyết (14 tuổi).
Biên kịch: Trần Thu Hiền, Nguyễn Thị Tâm, Lê Thu Hà, Trần Phương Thảo, Nguyễn Đăng Bắc, Nguyễn Thị Nhung và Nguyễn Thị Tuyết.
Quay phim: Trần Thu Hiền, Nguyễn Thị Tâm, Lê Thu Hà, Trần Phương Thảo, Nguyễn Đăng Bắc, Nguyễn Thị Nhung và Nguyễn Thị Tuyết.
Sản xuất: Phan Ý Ly
Dựng phim: Phan Ý Ly

Thông tin về Thảo nguyên xanh tươi (2007), 41 phút 26 giây, Phan Ý Ly và 7 em nhỏ.
“Em thấy mình là hoa hồng nhỏ
Bay giữa trời làm mát ngày qua..”

Nội dung: “Khi nhắc đến bãi giữa sông Hồng, những người trên phố chỉ nghĩ đến kim tiêm, rác rưởi… và cho rằng người ở đây chỉ toàn dân trộm cướp, nhưng thật ra không phải vậy…”

7 em nhỏ từ 10 đến 15 tuổi đã cùng nhau thực hiện các cảnh quay ghi lại cuộc sống trên thuyền của mình và 20 hộ dân ở Bãi giữa sông Hồng. Với các em, cuộc sống của một ngôi làng nổi chỉ có 20 hộ dân không chỉ sự nghèo khó và vất vả mà còn thắm đượm tình yêu thương. Nơi mà ai ai cũng lắc đầu tạm bợ lại được các em coi là chốn thiên đường.
Hãy trải nghiệm cuộc sống ở Bãi Giữa sông Hồng qua con mắt của các em. (Ái Văn)

Nội dung giao lưu:

Imagine: Chị làm thế nào để các bạn ở tuổi ương ương dở dở lại chấp nhận tham gia dự án và làm được bộ phim giàu cảm xúc thế này? Rồi gia đình các bạn ấy nữa?

Nsx. Phan Ý Ly: Trước khi thực hiện dự án, Ly đã xuống Bãi Giữa cùng một chiếc máy quay du lịch để làm quen với các em. Buổi gặp gỡ ban đầu chỉ đơn giản là để trò chuyện, làm quen, và “ướm hỏi” xem các em có thích thú với việc học cách quay phim không. Các em đã khá tò mò với chiếc máy quay du lịch và khi được động viên tìm hiểu chiếc máy và hướng dẫn qua, các em tỏ ra khá tự tin và tỏ ý mong muốn được tham gia khoá học “quay phim”.

Buổi gặp gỡ đầu tiên này chỉ có Ly và các em nhỏ, đây cũng là cơ hội để Ly được trò chuyện với bác Trọng, lúc đó là tổ trưởng của xóm nhà nổi. Bác Trọng đã cho Ly và dự án nhiều lời khuyên hữu ích trong việc thuyết phục bố mẹ các em nhỏ cho con tham gia dự án.

Mai Hoa: Bộ phim quay trong thời gian bao lâu? Tổng kinh phí cho bộ phim này?

Nsx. Phan Ý Ly: Bộ phim được quay từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2007. Bọn mình đã được 10,000 USD tiền tài trợ từ Ngân hàng Thế Giới, nhưng nếu “quy ra thóc” cả công sức của các bạn tình nguyện viên cũng như những cống hiến của mọi người trong dự án, tổng số kinh phí đầu tư sẽ tương đương với 30,000 USD.

Vân Liêm: Chị có thể chia sẻ một vài kỉ niệm buồn vui trong quá trình làm phim không?

Nsx. Phan Ý Ly: Kỷ niệm vui thì không kể xiết, mình nhớ là đã khá bất ngờ và xúc động khi một buổi sáng đến Bãi Giữa dạy học như thường lệ, được các em mời ngồi để “xem bọn em gửi tặng chị một món quà”. Lúc đó bọn nhỏ phân công nhau, hai đứa căng chăn ra làm “phông”, một đứa núp đằng sau “phông” để kể chuyện, và bốn đứa khác dùng bít tất cũ thập thò trên cái phông để làm con rối, vở “Thị Màu lên chùa”. Diễn xong, các em rất hí hửng và còn dặn mình “nếu ngày nào chị cũng xuống đây thì sẽ được xem bọn em biểu diễn…”

Mai Ka: Khi xem lại bộ phim của mình, có điều gì mà các em tiếc nuối vì chưa kịp kể?

Nsx. Phan Ý Ly: Trong quá trình làm phim, các em đều có thời gian ngồi cùng nhau để xem lại hình đã quay từ hôm trước. Trong lúc xem, chính các em sẽ đưa ra nhận xét, đánh giá về chất lượng hình cho nhau, từ nội dung cho đến cỡ cảnh…v.v., đồng thời các em cũng luân phiên nhau ngồi chép lại danh sách các cảnh đã quay. Từ những cảnh đã quay này, các em bàn bạc và thống nhất xem đã đủ cảnh hay còn cần quay tiếp. Lời bình cũng là do bảy em cùng viết bảy bản khác nhau, sau đó được biên tập (chỉ bớt, không thêm) để ghép lại thành một bản lời bình duy nhất. Được sự đồng ý và “thoả mãn” của bảy đạo diễn, Ly bắt tay vào biên tập phim.

Bản nháp đầu tiên được chiếu cho các em xem trên máy laptop, trong một chiếc thuyền, và đây là lúc các em đưa ra những lời góp ý, nên thêm bớt… cảnh nào. Sau khi sửa theo ý các em, bản nháp hai được tổ chức chiếu cho tất cả những người dân ở xóm thuyền nổi, trong một ngôi nhà khá rộng ở Bãi Giữa. Buổi trình chiếu này nhằm mục đích lấy ý kiến của “khán giả” và cũng là “diễn viên” thân thuộc nhất của bộ phim. Thực chất khi chiếu xong, nhiều người dân đã khóc vì nhìn thấy cuộc sống của mình trên phim, qua mắt nhìn của chính con em mình. Mình còn nhớ một người đã sợ những cảnh quay này sẽ khiến họ gặp phiền hà với chính quyền, nhưng bác Được (bố của Tuyết), đã đứng lên và nói với mọi người “Đây là sự thật, và chúng ta không có lý do gì phải sợ sự thật”.

Mai Hoa: Đã 3 năm kể từ khi bộ phim ra đời. Cuộc sống của người dân ở khu dưới chân cầu Long Biên đến giờ đã những thay đổi nào đáng kể?

Nsx. Phan Ý Ly: Từ sau khi bộ phim ra đời, đã có nhiều đoàn thể, tổ chức… liên hệ với dự án để đến thăm và thực hiện các chương trình với cộng đồng người dân ở Bãi Giữa. Ly vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các em nhỏ và được biết rằng từ sau khi bộ phim được biết đến, các em không còn gặp sự nghi ngờ, phân biệt đối xử của những người “trên phố”. Ngược lại, các em dễ dàng được mọi người nhận ra là “những đứa trẻ làm phim”. Bố mẹ các em cũng chia sẻ cảm giác tự hào về những người con của mình, cũng như xoá được mặc cảm về hoàn cảnh sống của chính họ. Một người bạn của mình bất ngờ cho biết, người quét dọn trong văn phòng của chị một ngày mang tặng văn phòng một đĩa DVD Thảo Nguyên Xanh Tươi và nói “Đây là bộ phim nói về nơi em ở…”. Mình nghĩ hành động này nói lên được sự tự tin và lòng tự trọng của những người dân nơi này.

Bình Nguyên: Là người có kinh nghiệm trong việc dùng nghệ thuật để phát triển nhân cách, theo chị, làm thế nào để các em tiếp cận với nghệ thuật một cách hào hứng nhất?

Nsx. Phan Ý Ly: Mình quan niệm “nghệ thuật” ở khái niệm sơ khai nhất: đó là phương tiện biểu đạt tâm tư, cảm xúc, nguyện vọng, quan điểm… của người nghệ sỹ. Với các em nhỏ hay với bất cứ ai, quy tắc của mình là tạo mọi điều kiện để các em được bày tỏ, thể hiện mình, và được lắng nghe. Sự bày tỏ này được làm cho dễ dàng hơn, phong phú hơn khi ta không giới hạn nó trong lời nói hoặc chữ viết mà còn sử dụng nhiều hình thức khác như nhạc, vẽ, chuyển động, kịch, trò chơi, tưởng tượng… Trẻ em luôn có nhu cầu được khám phá và thể hiện bản thân, nếu mình tạo điều kiện để các em thực hiện được những nhu cầu này một cách thoải mái và an toàn, mình nghĩ không khó để có được sự hào hứng từ các em.

Lam Khê: Hiện nay các em đang làm gì? Em Tâm đã đi học đầu bếp chưa? Mọi người ở khu bãi giữa có còn nhớ đến bộ phim của các em không?

Nsx. Phan Ý Ly: Tâm, một trong bảy em nhỏ làm phim, hiện đang theo học khoá 14 của Trung tâm dạy nghề nhân đạo Koto, hiện Tâm đang được thực hành tiếng Anh, học nghề phục vụ quầy bar, được tiếp cận với môi trường giáo dục chất lượng và có thể nói cuộc đời Tâm rẽ sang trang mới sau khi tốt nghiệp Koto. Ở Trung tâm dạy nghề nhân đạo Koto, Tâm đã chọn chuyên sâu về phục vụ Bar thay vì nấu bếp. Khi được hỏi, em giải thích “vì em thích được thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khác nhau, mà nếu làm ở trong bếp thì em sẽ không được như vậy.”

Trung tâm dạy nghề Koto cũng đã tổ chức một buổi nói chuyện dành riêng cho các ông bố bà mẹ ở Bãi Giữa về cơ hội và thủ tục đăng ký cho con theo học miễn phí tại Koto, hàng năm các em ở Bãi Giữa sẽ có thêm một lựa chọn, một cánh cửa mở rộng để các em có thể tự tin bước tiếp.

Nếu có thời gian, mời bạn xuống thăm các em tại Bãi Giữa để trải nghiệm một bộ phim 4D! Quãng thời gian làm việc tại Bãi Giữa, được sống cùng các em và các cô bác ở đây là một kỷ niệm khó quên của mình, mình nghĩ những người dân ở đây cũng luôn ấn tượng và tự hào về tác phẩm do con em mình đã sáng tạo nên.

Phim Thảo nguyên xanh tươi

Phần 1/4
Phần 2/4:
Phần 3/4:
Phần 4/4:
Theo yxineff

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.