Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ cuối: Ngày sau Đổi mới…

0
1022
“Đêm trước Đổi mới” mọi chuyện còn được kể như không tưởng tượng được. Vậy mà sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, sau bao nhiêu tranh đấu, ngày sau Đổi mới đã ló dạng trên quê hương Việt Nam. Năm 1986 đã đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Đổi mới theo đúng nghĩa của nó đã mang lại cho đất nước một bộ mặt hoàn toàn mới. Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột này, một lần nữa làm cho một số bộ phận dân chúng cảm thấy khó chịu, đặc biệt là những người ở Bắc.

Chú T kể, hồi mới mở cửa, ở ngoài Bắc, nhiều người người ta còn chửi. Ông Nguyễn Văn Linh hồi đó bị nghe người ta chửi không phải là ít. Cố gắng “mở cửa” cho được tự do thì lại bị chửi. Chuyện nghe thật vô lí nhưng nghĩ lại có lẽ do lúc đó một số người cảm thấy họ bị mất thăng bằng, hay đúng hơn là họ không còn nơi để nương tựa.

Ngày trước, ngoài Bắc hầu hết đều là dân cán bộ, gần như nhà nào cũng có chế độ. Mặc dù cuộc sống nghèo khổ nhưng họ lại quen với việc được nhà nước “bao cấp”,  đến tháng thì được phát gạo cho ăn… Thế nên đến lúc “mở cửa”, phải tự lực cánh sinh thì họ bắt đầu chửi. Về việc này, chú T ví dân miền Bắc lúc bấy giờ như con gà công nghiệp. Cái gì cũng được nuôi, cho ăn, cho uống, đến lúc thả ra phải tự sống thì không biết phải làm nghề nghiệp gì để sống. Còn dân miền Nam thì như con gà thả vườn khi thả ra còn biết tự kiếm sống, biết kế thừa những cái do chế độ cũ để lại. Vì thế các ngành nghề của người dân miền Nam cũng đa dạng hơn rất nhiều.

Dù sao, với thời gian khoảng cách này không phải là không rút ngắn hay xoá bỏ được, sớm hay muộn thì người Việt Nam cũng đều nhận ra đất nước cần phải được đổi mới. Những trang sau đó của lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó là đúng đắn. Cái quan trọng là niềm tin của con người dành cho nhau và cho đất nước. Tin rằng, chỉ cần đất nước thực sự thống nhất, chỉ cần lòng người có thể thấu hiểu và đoàn kết với nhau thì không có khó khăn nào mà Việt Nam không thể vượt qua.

“Sớm hay muộn thì người Việt Nam cũng đều nhận ra đất nước cần phải được đổi mới” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet


1986-2011, tôi nhìn những con số này và chẳng thấy có bất kì sự gặp nhau nào. Tuy nhiên, giữa chúng khoảng cách đã là 25 năm. 25 năm không phải là một chặng đường quá dài nhưng là một con số đáng để người ta phải nhìn lại. Những câu chuyện đã kể của những người đã khuất và những câu chuyện của cả những người vẫn còn. Những câu chuyện ấy mai đây sẽ được kể cho những thế hệ tiếp nối. Qua những câu chuyện về cuộc đời ấy, mong sao lòng người gặp được nhau. 25 năm không chỉ để quay đầu nhìn lại mà còn là để kéo các thế hệ gặp nhau và để lịch sử làm tròn sứ mạng của nó. Sứ mạng của việc truyền thụ và sứ mạng của việc học hỏi. Tôi có thể nói gì với con cháu về những gì đã xảy ra, tôi có thể học hỏi được gì từ những việc được nghe lại. “Bao cấp, Đổi mới” – hai từ ngắn gọn đó như hai mặt của một tờ giấy và tờ giấy ấy viết trong nó lịch sử của rất nhiều người. Tôi tự hỏi mình sẽ đọc lại lịch sử và những gì xảy ra trước và sau 25 năm ấy như thế nào?

Ngọc Lưu 
Các bài viết liên quan: 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.