Tôi bước đi dọc con đường Lê Duẩn. Vừa đi tôi vừa nhớ lại mẩu chuyện mà tôi đọc cách đây đã khá lâu. Câu chuyện đại ý là một cậu bé nhà nghèo thương người, mỗi lần cậu đi bộ ra chợ với mẹ thì cậu ta lại chạy đến bà ăn xin ngồi đầu đường đặt những đồng tiền vào cái nón rách của bà và mỉm cười sau tiếng cảm ơn của bà cụ. Khi lớn lên một chút cậu đi xe máy ngang qua chỗ bà cụ, cậu dừng xe và thảy những đồng tiền vào cái nón rách ấy rồi lại chạy vụt đi làm cho kịp giờ. Khi cậu thành đạt hơn, cậu đi xe hơi về thăm quê, vẫn bà cụ ngồi đó, già yếu hơn. Cậu chạy xe hơi ngang qua, thấy bà cụ, cậu chạnh lòng thương nhưng rồi cũng cho xe chạy đi, cậu tự nhủ: “Thôi thì để cho những người đi bộ, xe đạp, xe máy giúp vậy“. Tôi thầm nhủ: “phải chăng cuộc sống ngày càng phát triển, tình người ngày càng thấp đi?. Liệu có bao nhiêu người như cậu bé kia?” Người đi xe hơi thì tự nhủ để người đi xe máy giúp, người đi xe máy lại an ủi lòng mình rằng đã có người đi xe đạp dừng lại cho tiền, người đi xe đạp lại dành cái “vinh dự” ấy cho người đi bộ. Mà bây giờ liệu còn mấy người đi bộ đâu? Ngoài kẻ đi bộ bất đắc dĩ như tôi thì chỉ có vài ông Tây ba lô đi bộ hoặc một vài người hối hả tan ca khỏi văn phòng.
Ngoài đường, những chiếc xe máy, xe hơi nhộn nhịp. Những chiếc xe máy hàng hiệu lao vun vút trên đường, một vài chiếc taxi hay xe buýt tấp vào lề đón khách. Lâu lâu tôi lại giật mình nghe tiếng còi cứu thương lao vun vút như chạy đua với thời gian để cứu lấy một hơi thở đang thoi thóp do tai nạn giao thông. Tôi đi ngang qua tòa nhà Hội nghị Quốc gia. Trước cửa tòa nhà, tôi thấy rất nhiều người trong trang phục chỉnh tề hối hả bước vào. Tôi thầm nghĩ chắc hôm nay có hội nghị gì quan trọng lắm đây. Tôi ngỡ ngàng trong ít phút rồi mỉm cười khi tấm bảng treo ngay dưới dòng chữ “Nhà Hội nghị Quốc gia” là tấm bảng đỏ “Thành hôn”. Nhìn sâu vào trong sân khấu là bức rèm xanh có hình cô dâu chú rể tên Quốc Dũng và Kim Thoa. Nhìn kĩ lại,tôi thấy cô dâu và chú rể đang đứng trước cửa tiếp khách. Chắc đây là đám cưới có tầm quan trọng như kiểu Công chúa Huyền Trân lấy vua Champa để củng cố quan hệ ngoại giao nên mới được tổ chức ở tòa nhà quan trọng này.
Hình ảnh trên đường tôi gặp nhiều nhất có lẽ là hình ảnh những bác xe ôm. Mỗi khi thấy tôi là các bác lại ngoắc lại hỏi đi không? Công viên 30-4 hôm nay cũng không nhộn nhịp lắm. Có lẽ là trời mới mưa xong nên không khí hơi lạnh hoặc là chưa đến “giờ vàng” chăng? Đi bộ tôi mới thấy được mái tóc màu bạc của người lao công áo cam ba sọc vàng lúc nào cũng che đầu, mặt mũi, tay chân kín mít, đang đẩy cái thùng rác nặng nề. Đi bộ mới thấy (và mới dám) đứng lại nhìn anh cảnh sát giao thông một tay nhìn vào bằng lái, một tay rút tiền trong xấp giấy tờ của hai thanh niên vượt đèn đỏ ngay ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai-Cách mạng tháng 8. Tôi bắt đầu thấy “đuối” hai chân mặc dù đã ngồi ở công viên 30-4 nghỉ một lúc. Ở đây có hai tuyến xe buýt đi ngang qua nhà tôi ở gần Công viên Lê Thị Riêng vẫn còn chạy đến 9h. Tôi bỗng giở chứng, tôi tiếp tục đi bộ để thu vào tầm mắt nhiều cái thú vị của Sài Gòn mà nhiều lúc tôi không để ý. Nhưng trước khi đi tiếp tôi phải nghỉ chút đã. Tôi ngồi nghỉ ở tượng đài Thích Quảng Đức ở đoạn giao Nguyễn Đình Chiểu-Cách mạng tháng 8. Hôm nay ở đây không có nhiều người ngồi. Chỉ có một đôi bạn trẻ ngồi nói chuyện ở khu vực gần sát tượng đài. Phía dưới, gần đường, chỉ có bốn đứa trẻ đang đùa giỡn. Tôi ngồi đấm hai chân cho đỡ mỏi. Ngó qua bên phải, tôi đã thấy một bé gái ngắt một bông hoa sen màu đỏ cầm trên tay chạy đến chỗ mấy bạn và nói:”Ăn cái lá non bên trong đi“. Tức thì ba đứa trẻ còn lại nhao nhao lên hỏi:”Ở đâu vây?” “Hái chứ đâu, đây nè“. “Vậy đi hái đi“. “Xem bảo vệ đâu?“. “Tao xí cái kia“. “Ngoài kia còn cái đẹp lắm kìa, mà xa quá“. “Để tao, hái hết đi chứ“. “Ê, ngắt hoa thả xuống nước đẹp lắm mày ơi.“
Đến ngã Tư Điện Biên Phủ-Cách mạng tháng 8, tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ khoảng 55 tuổi hòa vào dòng người đang đứng chờ đèn đỏ. Người phụ nữ trong bộ đồ cũ kĩ, khuôn mặt hiền từ, đau khổ. Mái tóc rối của bà đã nhuốm bạc, được cột qua loa bằng chiếc thun nhỏ. Bà đeo trên vai chiếc giỏ da bạc màu. Bà đứng trước xe của một cậu thanh niên, một tay bà đấm lưng ra hiệu có vẻ đang bị đau lưng, một tay chỉ lên phía trước có vẻ muốn xin quá giang đến phía trước. Có lẽ, bà ở dưới quê lên thăm con, lỡ đường hay bị mất trộm gì đó không còn tiền nên xin đi quá giang. Tôi nghĩ thế nên chú ý đến bà. Bạn sẽ hành xử thế nào? Biết đâu người phụ nữ ấy là mẹ của một bạn nào đó đang đọc bài viết này? Và cũng biết đâu, một ngày nào đó má tôi cũng lên thăm tôi và bị rơi vào trường hợp ấy? Tôi hi vọng có những tấm lòng rộng lượng biết bao. Ấy vậy mà người thanh niên mỉm cười ái ngại rồi lắc đầu nguầy nguậy. Đèn xanh bật, chàng thanh niên phóng xe lao vút, bà lọt thỏm giữa dòng xe. Thanh niên ngày nay dường như đang đóng cửa trái tim mình lại. Tôi không hiểu vì sao anh ta không cho bà ấy đi nhờ? Anh ta sợ một bà già kè dao vào cổ cướp của giết người ư? Hay không cùng đường? Tôi nghĩ nhanh qua chợt tìm được một câu trả lời biện hộ dùm anh ta. Có lẽ do anh ta không có nón bảo hiểm nên sợ công an bắt. Ừ thì cứ cho là không có nón bảo hiểm đi. Tôi vẫn thấy khó chịu khi chứng kiến cảnh ấy. Tôi cũng bước nhanh qua đường kẻo hết đèn. Bỗng một điều gì đó khiến tôi đứng khựng lại. Tôi đứng bên kia đường quay lại để xem bà sẽ ra sao? Tôi đi bộ cũng đã mỏi. Tôi cũng đã muốn ngồi lên xe buýt để đi một mạch về nhà. Nay lại có thêm người phụ nữ này, có lẽ tôi sẽ đề nghị bà ấy lên xe buýt cùng với tôi. Tôi không quá giàu có nhưng cũng đủ tiền để trả tiền xe buýt cho bà. Tôi đứng quan sát một lát, vẫn với những cử chỉ khốn khổ, đáng thương ấy, bà nài nỉ những người khách qua đường cho bà đi nhờ. Có người lắc đầu lia lịa, có người mủi lòng. Có anh thanh niên không chở bà đi được nhưng móc ví ra cho bà tiền đi xe ôm hay taxi gì đó. Tôi cũng hân hoan và cảm thấy cuộc đời còn đẹp vì những tấm lòng ấy. Rồi tôi thấy những người sau đó cũng cho bà tiền đi xe. Gần năm phút cũng có cả chục người cho bà tiền. Chắc bà cũng đủ tiền đi xe. Tôi thấy bà đã vào ngồi ở cây cột điện ven đường. Thấy vậy, tôi cũng đã yên tâm hơn bước đi. Tôi hân hoan quay lưng bước tiếp con đường về nhà, trong lòng hồi hộp với những niềm vui tương tự phía trước.
Khai Tâm