Việc hiếu nghĩa của người Khmer (kỳ 6)

0
921
Quan niệm báo hiếu trong tâm thức người Khmer ở Trà Vinh.

Đối với những người Khmer ở Trà Vinh, từ khi được sinh ra cho đến khi đi tu học (đối với nam), lập gia đình, sinh con đều có những bổn phận nhất định được ghi lại trong kinh sách của nhà chùa. Bổn phận theo cách hiểu của người Khmer đó là những nhiệm vụ mang tính tự nhiên và hiển nhiên. Ở mỗi vị trí khác nhau con người phải thực hiện những bổn phận khác nhau.


Bổn phận theo cách hiểu của người Khmer đó là những nhiệm vụ mang tính tự nhiên và hiển nhiên. 
(Ảnh minh họa-Nguồn: Internet)
Bổn phận theo tiếng Khmer có nghĩa là Phia-ra-ci, đó là những điều được quy định khi con người bước vào những vị trí xã hội khác nhau. Cụ thể là bổn phận của cha mẹ đối với con cái; bổn phận của con cái đối với cha mẹ; bổn phận của trò đối với thầy; của thầy đối với trò; của nhân dân đối với người đứng đầu phum sroc, bổn phận của người đứng đầu phum sroc đối với nhân dân…
Có năm điều nói về bổn phận của con cái đối với cha mẹ đó là:
-Người con phải biết chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ để cha mẹ khỏe mạnh, đặc biệt là khi cha mẹ đau ốm lại càng phải tận tâm chăm sóc. Không được làm những việc khiến cho cha mẹ phiền lòng.
-Phải biết phụ giúp công việc cho cha mẹ. Con cái không được lười biếng.
-Phải biết gìn giữ nòi giống, con trai và con gái đến tuổi trưởng thành là phải lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái.
-Phải biết giữ gìn tài sản cho cha mẹ mình. Bản thân người con phải tự biết chi tiêu cho hợp lý, không được chi tiêu lãng phí tài sản của cha mẹ.
-Khi cha mẹ đã chết cần phải biết cầu siêu cho cha mẹ mình, để vong hồn cha mẹ sớm được siêu thoát, đầu thai.
Tuy nhiên, bên cạnh những bổn phận của con cái đối với cha mẹ thì còn có bổn phận của những người làm cha mẹ đối với con cái của mình cũng được quy định rõ ràng. Về bổn phận của cha mẹ đối với con cái cũng có năm điều:
-Phải dạy bảo con cái làm những điều tốt đối với tất cả mọi người, tránh làm những điều xấu.
-Dạy bảo cho con cái biết kính trên nhường dưới. Tức là đối với ông bà, cha mẹ, anh chị thì luôn luôn phải kính trọng, đối với em trai, em gái, hay những người nhỏ tuổi hơn thì luôn phải nhường nhịn.
-Khi con cái đã lớn, đã đến tuổi đi học, thì phải tạo điều kiện cho con cái đi học. Đối với con trai thì ngày xưa phải được đi tu để học. Bây giờ đối với con trai và cả con gái đều phải được đi học, dù học chữ Khmer hay chữ phổ thông.
-Khi con cái đến tuổi trưởng thành, đối với con trai thì phải kiếm vợ cho con, đối với con gái thì phải chấp thuận cho con lập gia đình.
-Khi đã lập gia đình, nếu các con ra ở riêng thì cha mẹ phải góp vốn cho con để xây dựng nhà cửa và có vốn làm ăn. Vốn ở đây tùy thuộc vào cha mẹ, nếu cha mẹ giàu thì có thể là tiền bạc, nếu nghèo khó thì có thể là cây, lá, dụng cụ gia dụng trong nhà. Nhưng nếu con cái không ra ở riêng mà vẫn tiếp tục ở với cha mẹ thì cha mẹ vẫn còn bổn phận dạy dỗ cho con cái làm những điều lành, tránh những điều xấu.
Bên cạnh những bổn phận giữa cha mẹ và con cái còn có những bổn phận khác gắn liền với vị trí của con người trong cộng đồng. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu ra những bổn phận của con cái đối với cha mẹ và của cha mẹ đối với con cái từ đó làm rõ hơn về khái niệm “báo hiếu”.
“Báo hiếu” hiểu theo tiếng Khmer có nghĩa là Ka-ta-nhu, là việc thực hiện bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Để thực hiện những bổn phận của mình, người con không chỉ phải nắm chắc những bổn phận đối với cha mẹ mà còn phải biết về những bổn phận của cha mẹ đối với bản thân mình. Giúp cha mẹ thực hiện bổn phận đối với con cái cũng là một việc làm có hiếu với cha mẹ, bởi vì đã làm điều tốt làm cha mẹ vui lòng.
Ví dụ như việc người Khmer quan niệm rằng, đi tu trong chùa là một việc làm báo hiếu, vì người con đã giúp cho cha mẹ thực hiện bổn phận dạy dỗ con cái đã nêu trong kinh phật. Hay việc những người con vào chùa trong Lễ thuyết pháp để nghe thuyết giảng về phong tục tập quán của cộng đồng cũng chính là việc làm có ý nghĩa báo hiếu. Bởi đi nghe thuyết pháp cũng chính là việc làm nhằm học hỏi những cách ứng xử đúng đắn trong cộng đồng, do vậy sẽ làm cha mẹ vui lòng và cũng làm cho bổn phận dạy dỗ con cái của cha mẹ được trọn vẹn.
(Còn tiếp)
Nhóm tác giả

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.