Nhà xưa phố cũ

0
812
Niềm tự hào chính đáng và cũ xưa của người “Hà Nội gốc” phần nào đã phai nhạt đi khi trào lưu xây nhà cao trong khu 36 phố phường cuối cùng đã biến đổi gần như trọn vẹn phố cổ Hà Nội – thành phố trật hẹp ngập tràn biển hiệu và xe xích lô, đủ các cao độ nhà.
Công tác bảo tồn phố cổ Hà Nội có thể nói suốt vài chục năm trời chỉ thu được kết quả là phục hồi ngôi nhà 87 Mã Mây như địa chỉ giới thiệu không gian sinh sống cuối thế kỷ 19 của đất Thăng Long-Hà Nội. Nhưng dù sao đi nữa, tinh thần phố cổ của đất kinh kỳ vẫn còn đâu đó, trong những nếp chùa lẩn khuất giữa nhộn nhịp phố phường, trong nếp nhà rêu phổ sâu hẳn vào ngõ, trong các tấm bia ghi công đức Thành hoàng của những đình Hàng Bạc, Hòe Nhai, Kim Liên…, cộng thêm nét sống, cách sinh hoạt cũng rất kinh kỳ của các gia đình gốc gác sinh sống nhiều đời. Phố cổ Hà Nội chỉ còn trong lời thơ Phú Quang và tranh vẽ của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhưng thay vào đó, trên khắp giải đất Việt Nam, thoảng hoặc ở nơi nào đó thật bất ngờ, ta bỗng gặp lại những dãy phố còn nguyên vẹn hình hài từ một đến hai thế kỷ, đẹp mơ màng trong giấc ngủ bình yên.
Nam Định là một ví dụ điển hình. Chẳng xa xôi gì, ngay cạnh nhà thờ mái vòm nổi tiếng, gần Thư viện tỉnh là một góc đường có chum si già rủ rễ, khiêm nhường chiếc ghế cắt tóc để từ đó dẫn tới những nếp nhà hai tầng cũ xưa, cũ như chính tiếng còi tầm nhà máy dệt. Chỉ cách Hà Nội hơn một giờ xe chạy, nhưng thủ phủ Nam Định vẫn hút hồn người bởi những dãy nhà liên hoàn hai tầng lợp ngói, tường quét sơn vàng, cửa gỗ cũ có ken môn đã xám xanh màu thời gian. Cuộc sống thay đổi theo hướng hiện đại giàu sang ở khu trung tâm, quanh chợ Rồng, còn tỏa về các hướng vẫn là những khuôn cửa trổ ra vỉa hè có một vài quầy bán bánh kẹo, nước trà xanh, thuốc lá lẻ, mà điển hình của chủ nhân vẫn là các bà cụ chẳng biết đã trải qua bao xuân tới thu về, da đồi mồi, mắt tinh anh, đầu vấn khăn, răng nhuộm đen nhức, tuy hay lẩn thẩn kể chuyện đời xưa nhưng chẳng bao giờ tính nhầm một đồng tiền. Phố cũ ở Hưng Yên đã đi vào ngạn ngữ “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” thì không được nguyên hồn cũ, bởi con đường nối từ ngã ba Phố Nối vào thủ phủ mới của tỉnh đã kéo theo trào lưu xây nhà mới, biến dãy phố trầm mặc vào bậc nhất miền Bắc cách đây hơn 10 năm vào dĩ vãng. Địa danh Phố Hiến ngày nay chỉ còn quyến rũ khách phương xa tới.

Một vài hình ảnh về phố cổ:

(Nguồn: Internet)
Nhưng ngược lên miền thượng du, khách viễn phương đôi lúc phải bàng hoàng vì vẻ đẹp cũ kỹ, hoang sơ của các nếp nhà cổ Đồng Văn-Hà Giang hay trên đường lên Trùng Khánh-Cao Bằng. Không khó khăn lắm để hiểu sự sang giàu của các dãy phố này, thời xa xưa, khi lịch sử đôi lúc đã tạo nên vai trò thương mại trọng yếu cho các địa danh miền biên viễn. Với bề dày làm du lịch trên nền tảng văn hóa thâm trầm của hàng trăm năm bồi đắp, Hội An đã tạo được “đêm rằm phố cổ” và sau này thắp đèn lồng gần như liên tục mọi ngày cuối tuần, rằm, đầu tháng âm lịch… Còn Đồng Văn, với vị trí xa xôi, đã thật sự có một cuộc cách mạng về tư duy khi lập được đêm đèn lồng hút khách phương xa. Những căn nhà hai tầng vách đất, những dãy phố của người Tày, Nùng, Hoa, Kinh, tuy khác nhau về văn hóa nhưng đều chung quê hương bản quán, những khuôn cửa gỗ còn dán tranh thờ Môn Thần, chẳng biết từ ngày Tết năm nào… trong ánh mặt trời đã có sức hút riêng, vào buổi đêm càng toát ra chất kì bí dưới ánh đèn lồng hư ảo. Bởi vậy, từ hai, ba năm trở lại đây, địa danh Đồng Văn-Hà Giang đã trở nên thân thuộc với giới du lịch, các tay máy ảnh, những trái tim thích khám phá vẻ đẹp xa xôi. Trở vào miền Trung, tất nhiên ai cũng biết tới vẻ quyến rũ, đắm say của phố cổ Hội An, những dãy nhà thắp đèn lồng mơ màng soi bóng xuống sông Hoài, những chiếc giếng vài trăm năm tuổi có nguồn nước ngọt ngào, tiếng rao văng vẳng đêm khuya… Hội An thì vẫn vậy, càng ngày càng thành điểm đến yêu thích của du khách, và chính vì số lượng khổng lồ du khách hàng năm không ngừng tăng lên mà đã hóa thân từ tầm thị xã lên thành phố. Nhưng đông khách quá cũng không hẳn là điều hay, và chắc hẳn các nhà quản lý đang phải tìm phương thức cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa cổ. Đành rằng mỗi đêm lễ hội tại khu vực gần sông vẫn ca bài chòi, trong các nếp nhà cổ người dân vẫn tụ họp đọc thơ, đánh cờ… trong ánh đèn lung linh nhưng chất rêu cũ của một Hội An xa xưa đã nhạt đi nhiều lắm. Trong khi đó, các nếp nhà trong khu Đại Nội ở Huế thì vẫn có chất cổ kính của riêng mình. Không còn nhiều nhà rường, không còn quá nhiều khu vườn u tịch, nhưng không gian Huế, nhất là ở khu dân cư phía sau các cửa Quảng Đức, Thượng Tử, Đông Ba… đi vào, dãy phố ẩn mình dưới tàn cây cho tới nay vẫn mang dáng dấp trầm lắng của khu cận kề Hoàng Thành với luật lệ xưa quy định đầy khắt khe về xây nhà không được cao quá tầm kiệu vua đi.
Xa hơn về phía Nam, dù là vùng đất cư trú của người Việt mới có tuổi hơn 300 năm, nhưng không phải vì thế mà không có những dãy phố mang hồn xưa dáng cũ. Mỹ Tho là một ví dụ. Từng được mang danh hiệu “Mỹ Tho đại phố”, thành phố nhỏ xinh kề cận sông Tiền ngày nay còn lưu giữ các ngôi nhà tuyệt đẹp mang dáng dấp thuộc địa, tường quét vôi vàng, mái lợp ngói, hai tầng hoặc một tầng nhưng đều có kiểu giáng đặc trưng của miền nhiệt đới với hiên rộng, mái thoải thấp để ngăn cái nóng vào nhà. Hình ảnh nhà cổ này ta còn bắt gặp ở nhiều đô thị miền Nam, nơi còn lưu giữ dấu ấn của các nhà quy hoạch rất giỏi của chính quyền thực địa. Hàng cây cao vút bên đường phố Cần Thơ, dãy nhà cổ hai tầng ven sông ở Hà Tiên, những căn nhà cổ kính ở Sa Đét… nơi nào cũng xứng đáng để ghi lại hình ảnh trong ống kính, bởi chẳng ai dám cam đoan chúng sẽ trường tồn theo thời gian. Phố cũ nhà xưa trên khắp đất nước thì còn nhiều, nhưng vấn đề đặt ra là con người nơi đó liệu có đủ tình yêu để gìn giữ cho các thế hệ sau hay không thì vẫn là câu hỏi đầy nan giải.
(Tạp chí Di sản của Hàng không Quốc gia Việt Nam, tháng 5-6 năm 2010) 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.