Khủng hoảng bản sắc tộc người, nhìn từ vấn đề tảo hôn ở người Bahnar

0
1386
Truyền thống của ngành nhân học là chú ý đến đời sống xã hội và sinh học của con người. Các nhà tư tưởng như Hannah Arendt, Michel Foucault, và Karl Polanyi có nói sự hiểu biết về các vấn đề trong nghiên cứu nhân học đều có tính cụ thể trong từng giai đoạn lịch sử. Gần đây, các nhà nhân học cho rằng, chúng ta đang ở trong một giai đoạn có nhiều biến đổi sâu sắc đến đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của con người. Các vấn đề trong nghiên cứu nhân đã và đang gắn liền với những phạm trù về cuộc sống và giá trị của cá nhân hay tập thể trong các xã hội đang gặp thách thức do sự can thiệp của các yếu tố kĩ thuật, chính trị và đạo đức.v.v trong bối cảnh “toàn cầu hoá” và của “địa phương”.

Trong chuyên đề hôm nay, Thạc sĩ Phạm Thanh Thôi, giảng viên Khoa Nhân học sẽ giới thiệu một bút ký về sự thay đổi xã hội trong cộng đồng người Bahnar ở Tây Nguyên hiện nay.
Tác giả và người Bahnar ở làng Dakra, xã Lơ Pang, 07/26/2009

Tôi đã sống tại hai xã Lơ Pang và Kon Thụp (Mang Yang – Gia Lai) hơn một tháng(**). Vấn đề tảo hôn (kết hôn khi còn chưa đến tuổi thành niên) ở người Bahnar những tưởng vẫn là câu chuyện tập quán từ xa xưa nhưng hiện đang chịu tác động của những biến đổi trong các giá trị xã hội, đặc biệt, về sự cố kết cộng đồng.
Mất tục cà răng
Những người Bahnar lớn tuổi vẫn nhắc về tập tục cà răng. Ngày xưa, con trai, con gái Bahnar lớn lên, khi đã có thân hình khỏe mạnh và làm tốt được hết các công việc như cha mẹ (con gái dệt vải, giã gạo, lấy nước kiếm củi, trồng tỉa, bẻ măng…; con trai đan gùi, đẽo cây làm nhà, săn bắt thú rừng, làm thịt trâu, heo mỗi khi có cúng tế…), thì cũng là lúc họ được cà răng. Về mặt cộng đồng, đây là sự kiện xác nhận một cá nhân đã đủ trưởng thành, họ có thể nghĩ đến việc kết hôn và mong muốn kết hôn của họ lúc này được cha mẹ, người làng đồng tình và có trách nhiệm giúp đỡ họ gầy dựng một gia đình mới.
Đối với cá nhân những cô gái, chàng trai, cà răng là một thử thách về khả năng chịu đựng (của một người trưởng thành) nhưng là chuyện được mong chờ, vì ngoài việc hai hàm răng trở nên bằng phẳng, sạch đẹp, họ còn cảm thấy tự hào vì “được giống như ông bà mình”, theo cái nghĩa tiếp nối truyền thống, bản sắc của người Bahnar.
Nhưng đó là chuyện xưa. Ông Mik ở làng Chưp nói rằng vào cuối thập niên 1970, có những người đến từ bên ngoài cộng đồng người Bahnar, họ coi phong tục cà răng là lạc hậu, đem lại sự đau đớn. Đã có một số người Bahnar vì cà răng mà bị bắt đi lao động ở nông trường nên sau đó, không còn ai dám cà răng nữa. Mất tục lệ này, trong cộng đồng người Bahnar có những ý kiến khác nhau. Những người trẻ ngày nay cho rằng “thời xưa lạc hậu, giờ ai còn cà răng nữa! Ai cũng giống người Kinh cả rồi…”, trong khi một số người cao tuổi vẫn có cảm giác mất mát, vì “mất tục cà răng cũng là mất đi sự chứng nhận đối với người trưởng thành, và trên thực tế, lớp trẻ gần như không còn tiêu chí quy định của cộng đồng về thời điểm được phép kết hôn”, theo một già làng.
Người viết bài này từng có những buổi quan sát tình hình đăng ký giấy khai sinh tại làng Đak Pơnan hồi tháng 7-2009. Hầu hết các cặp cha mẹ trẻ đã có từ 1-2 con nhưng không có giấy chứng nhận kết hôn (do lúc cưới chưa đủ tuổi theo Luật Hôn nhân – Gia đình nên không khai báo). Cũng có rất nhiều em nhỏ đã ba, bốn tuổi nhưng cha mẹ lại chưa tròn 20! Các già làng xác nhận tình hình kết hôn ở độ tuổi 15-16 là phổ biến và khác với ngày xưa, nhiều thanh niên Bahnar ngày nay tuy đã kết hôn nhưng chưa có sự trưởng thành về mặt xã hội.

Thit trâu, bò, heo do gia đình chuẩn bị để chia đều cho các hộ trong làng PơYầu, Lễ kết hôn của Klot va Sai- 07/24/2009

Từ “nhà sàn” sang “nhà ống”

Trong không gian văn hóa vật chất của người Bahnar, nhà sàn là nơi sinh hoạt của mỗi hộ gia đình; nhà rông là không gian văn hóa của mỗi làng, nơi diễn ra các sự kiện liên quan tới các phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng. Đây còn là nơi tụ họp, ngủ lại của các chàng trai chưa lập gia đình.
Về đêm, từ nhà rông, thanh niên bắt đầu đi tán tỉnh các cô gái trong không gian nhà sàn của các hộ gia đình. Khi đêm xuống, mỗi nhà sàn thường có ba bếp lửa hồng. Hai bếp lửa hai đầu là nơi sưởi ấm của cha mẹ, ông bà và các cặp vợ chồng chưa tách hộ. Những cô gái đến tuổi trưởng thành thường nằm ở bếp giữa, họ mong chờ và được phép đón tiếp bạn trai đến chơi. Nhiều cặp tỏ ý thích nhau và hàn huyên tâm sự đến khuya, có khi đến hừng sáng. Người con trai nằm đối diện với người con gái qua bếp lửa dưới sự “giám sát” của người nhà từ phía hai bếp lửa hai đầu.
Tuy nhiên, từ hơn 15 năm trở lại đây, loại hình nhà ống xây bằng vật liệu mới như xi măng, sắt, gạch, tôn, ngói đã tăng lên với số lượng lớn. Đó là kết quả tích lũy từ việc trồng và bán cây bời lời và khoai mì cao sản. Nhà ống bằng tường gạch theo cách sống văn minh được ngăn ra thành nhiều phòng để “đảm bảo sự riêng tư”. Cũng vì thế mà các cặp trai gái yêu nhau ít bị giám sát hơn, được tự do hơn. Sự kiểm soát và kiềm chế các hành vi tình dục của đôi nam nữ chỉ còn phụ thuộc vào bản thân họ và luật tục xử phạt còn hay mất của mỗi làng!

Từ khi người Bahnar có nhiều nhà ống, nhà sàn chỉ còn là nơi yên tĩnh của người cao tuổi, nó không còn phản ánh mối quan hệ và sự kiểm soát đa chiều, liên thế hệ nữa. Sự lỏng lẻo trong giáo dục, kiểm soát của cha mẹ đối với con cái là một thực tế. Phòng kín của nhà ống là nơi “quyến rũ” những trai gái (cả ở tuổi thiếu niên) hẹn hò và ngủ qua đêm. Nhiều người Bahnar cho rằng đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc thanh thiếu niên kết hôn sớm.

Vấn đề quyền sử dụng đất
Qua tiếp cận với nhiều trường hợp cụ thể, chúng tôi nhận diện tình trạng tảo hôn ở người Bahnar trong hai thập niên vừa qua còn phản ánh câu chuyện về quyền sử dụng đất đai. Trước năm 1986, người làng Lơ Pang và Kon Thụp chủ yếu khai thác các giá trị kinh tế từ rừng. Đất đai canh tác chưa trở thành vấn đề gây lo lắng cho mỗi cá nhân. Việc kết hôn sớm hay muộn không do yếu tố đất đai chi phối. Nhưng từ đầu thập niên 1990 đến nay, quyền sử dụng đất canh tác (theo các chương trình 132, 134, QĐ167…) được căn cứ trên tiêu chí “hộ gia đình”. Xuất phát từ chỗ này, các thanh thiếu niên sợ lập gia đình muộn sẽ không còn đất làm ăn, và họ kết hôn sớm để có cơ hội sử dụng đất, sớm tích lũy tài sản nuôi con cái.
Bên cạnh đó, sự phát triển về kinh tế giữa các hộ và giữa các làng không đồng đều. Trong khi một số thanh thiếu niên có cơ hội tiếp cận với các loại quần áo, dép nón thời trang, đồng hồ đeo tay, xe gắn máy, điện thoại di động… thì một số khác lại không. Kết hôn, nhận đất cho họ cảm giác được sở hữu, tự lập cuộc sống.
Vấn đề kết hôn sớm và cuộc sống sau hôn nhân của những người Bahnar trẻ đang nảy sinh những thách thức mới cho cộng đồng. Ông Mir, người làng Groi cho biết “tình trạng trai cưới vợ chưa lâu đã chán, bỏ đi, để con cái cho mẹ nó nuôi. Những nỗi vất vả trong cuộc sống gia đình, xung đột trong đời sống vợ chồng, giữa cha mẹ, con cái, dâu rể ngày càng nhiều hơn. Những nơi còn giữ luật tục phạt (cúng trâu, heo) đối với các trường hợp vi phạm trong hôn nhân càng khiến nhiều gia đình nghèo thêm!”.
Có thể thấy, khi không còn giữ được những giá trị cố kết cộng đồng theo cách cũ, nhiều người Bahnar trẻ đang “chơi vơi” trên con đường tiếp xúc các giá trị văn hóa – xã hội mới. Và trên con đường ấy, những giá trị nào làm nên bản sắc người Bahnar ở Tây Nguyên hiện nay?
__________
(*) Giảng viên Khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

(**) Thuộc dự án nghiên cứu “Những biến đổi kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng người Bahnar tại huyện Mang Yang, Gia Lai” do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Đại học KHXH&NV, TPHCM) chủ trì; Tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ.

Phạm Thanh Thôi 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.