Nhân Học là một sự trải nghiệm

0
932

Những ngày đầu đông với cơn gió heo may nhè nhẹ đem đến cho tôi một cảm giác sảng khoái, dễ chịu. Đường phố tập nập xe cộ. Trên cao, nắng chiếu qua tàn lá nhẹ nhàng rải những tia nắng đầu tiên vào dòng người ngược xuôi đang hối hả đến sở làm. Các em nhỏ được cha mẹ chở đến trường. Sinh viên từ các ngả đường đổ về giảng đường Đại học. Đã bao năm qua, không khí buổi sớm ở Sài Gòn vẫn nhộn nhịp, sôi động, cuốn hút lòng người như thế.
Năm năm là một khoảng thời gian không quá dài đối với một đời người. Nhưng đối với tôi, nó là một quá trình học tập và khám phá đầy thú vị về những trải nghiệm văn hoá của các tộc người anh em trên đất nước Việt Nam yêu dấu. Vì sao tôi có được sự khám phá tuyệt vời đó? Đó là do tôi đã và đang được tiếp cận với một ngành học mang đậm nét văn hoá – ngành Nhân học.
Tôi đã học được những gì, ở đâu và như thế nào? Đó là những ngày 3C “cùng ăn, cùng ở và cùng làm với người bản xứ”. Cùng thầy cô, bạn bè thực hiện những chuyến đi ¬-khám phá miền đất lạ, nơi có những nét văn hoá bản sắc độc đáo mà tôi và những ai yêu mến ngành Nhân học cần phải tìm hiểu, phát huy và gìn giữ.
Ba lô trên vai ra đi, hành trang là những kỹ năng, những lời dạy của thầy cô – người truyền lửa niềm đam mê Nhân học trong tôi, cùng những kinh nghiệm từ bài học thực tế, những giá trị tạo nên con người. Cơ bản vẫn là nguyên tắc 3C và 5Wh+1H (Who, What, Where, When, Why and How?) Nhà Nhân học phải luôn đặt ra cho mình những câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Tại sao? và Như thế nào? Sau đó, lý giải ngọn nguồn của từng vấn đề một cách toàn diện và sâu sắc dưới góc nhìn của Nhân học. 
Đó là những chuyến điền dã 5-7 ngày tại miền sơn cước trên cao nguyên Di Linh – Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng. Quang cảnh trước mắt tôi là những cánh đồng bắp cải tươi xanh, những vườn cà chua chín đỏ trĩu cành. Những chiếc nhẫn bạc để trang sức; cách làm gốm truyền thống và nguyên liệu thảo mộc để ngâm một ché rượu cần từ bàn tay khéo léo, tài hoa của các chàng trai và cô gái dân tộc Churu đã tạo nên những giá trị quý báu, những góc nhìn mới lạ mà tôi và các bạn đã ghi nhận được sau mỗi chuyến đi. Là vốn kiến thức quý báu mà chúng tôi học được từ những trải nghiệm rất thực từ những ngày cuối năm lạnh lẽo của Giáng sinh 2009 và những ngày cận tết Dương lịch năm 2010. 

Chuyến đi Churu của khóa Knh07. Ảnh: CF

Buổi sớm ở miền sơn cước rất khác với miền đồng bằng Nam bộ quê tôi. Sương phủ dày đặc che mờ lối đi. Cái lạnh không thể chịu nổi đối với một đứa con gái gầy còm như tôi vốn chỉ quen sống với khí hậu hiền hoà dễ chịu. 
Đến trưa, ánh mặt trời gay gắt rát bỏng cả da. Sương bay là đà như những đám mây phủ trắng cả núi đồi khi hoàng hôn đến. Đêm về, bạn có thể khẽ đưa tay chạm vào và nâng mây lên được. Tất cả những điều đó tạo cho tôi cảm giác rất lạ. 
Vào buổi tối, nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh đến buốt xương dù chúng tôi có mang theo chăn, tất, áo ấm, bao tay nhưng cũng không thể xua tan cái lạnh ở độ cao hơn 1000 m so với mặt nước biển. Quấn mình trong chiếc chăn bông, chúng tôi ngồi viết nhật ký điền dã một cách nghiêm túc và hăng say sau một ngày dài tìm tòi và học hỏi. Bàn tay run run vì lạnh, răng đánh lập cập nhưng tôi rất thú vị vì đã tiếp cận được một nền văn hoá mới lạ và đầy bổ ích. Thời tiết tuy có phần khắc nghiệt nhưng đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên thì luôn lạc quan rất thân thiện và dễ gần. 

Tại đây, tôi học được biết bao điều tốt đẹp về cuộc sống bình dị của người dân Churu chất phác, hiền lành, quanh năm chuyên cần lam lũ với ruộng rẫy hoa màu  Ảnh: CF

Qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng với sự giao lưu văn hoá của các dân tộc anh em, đồng bào Churu vẫn giữ được những nét văn hoá đặc sắc, những cốt cách, tinh hoa của dân tộc mình. Điều đó thể hiện rõ nét nhất qua ngôi nhà sàn truyền thống trên các bản làng cao nguyên. Tại đây, tôi học được biết bao điều tốt đẹp về cuộc sống bình dị của người dân Churu chất phác, hiền lành, quanh năm chuyên cần lam lũ với ruộng rẫy hoa màu.
Nét đẹp văn hoá của họ thể hiện rõ nhất qua nghệ thuật làm đồ gốm cổ truyền và đời sống âm nhạc đặc sắc. Nét đẹp đó tạo nên bản sắc truyền thống vô cùng độc đáo và đóng góp không nhỏ vào sự đa dạng, phong phú của văn hoá Việt Nam nói chung; đồng thời là tư liệu lịch sử quý giá cho ngành Nhân học.

Tạm biệt cao nguyên Di Linh đầy nắng gió, tạm biệt bông dã quỳ vàng rực ven đường, trên các hàng rào, bờ cây, bụi cỏ. Cái màu vàng thật ấn tượng ấy cùng với hình ảnh em bé Churu dắt trâu về vào buổi chiều tà, bà mẹ già nơi phố núi cao nguyên bên bếp lửa 
hồng trong giá buốt cao nguyên sẽ còn đọng lại mãi trong nhật ký hành trình và tâm tưởng của tôi.

Tôi đã học được những gì về Nhân học? Tôi đọc sách, tôi nghiên cứu văn hoá của các tộc người và viết thu hoạch về những gì tôi học. Ảnh: CF

Tôi đã học được những gì về Nhân học? Tôi đọc sách, tôi nghiên cứu văn hoá của các tộc người và viết thu hoạch về những gì tôi học. Tôi học được nguồn gốc tộc người, tổ tiên chúng ta là những Homo Sapiens từ trong hang tối dần dần phát triển đến thời đại văn minh. Tôi nghiên cứu con người từ trong quá khứ cho đến nay đã thay đổi ra sao? Những miền đất lạ, những dòng sông, những dãy núi điệp trùng – nơi mà con người đã sống và phát triển mạnh mẽ, đóng góp những nét đẹp văn hoá cho nhân loại.
Nhân học là một quá trình trải nghiệm phong phú và thú vị. Mang ba lô lên vai và đi cùng với rất nhiều sổ và bút để ghi chép những điều kì diệu mà tôi mới khám phá được. Dường như tôi quên mất chính mình vì mải mê kiếm tìm. Một cửa sổ mở ra thế giới. Tôi đã tham gia hành trình khám phá những nền văn hoá đặc sắc của các dân tộc anh em. Tôi đã có những chuyến phiêu lưu tuyệt vời và sẽ chẳng bao giờ rời vị trí của mình – người theo đuổi ngành Nhân học đầy hấp dẫn.

Hoa Dừa (CF).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.