Viết cho em

0
956

Em thân mến!
Thế mà thấm thoắt đã gần bốn năm ngày tôi và em quen nhau. Những kỉ niệm về em trong tôi như mới thoảng đâu đây. Tôi còn nhớ ngày em bối rối hỏi tôi về cách viết nhật kí điền dã trong chuyến đi thực tế đầu đời làm quen với Nhân học dịp tết Cholchnamthmay của đồng bào Kh’mer. Và chắc em cũng chưa quên ngày em ngập ngừng xin lỗi tôi vì không hoàn thành được cuộc phỏng vấn do sợ tiếp xúc với thông tín viên tại Mã Đà. Khi ấy, em ủ rũ nói với tôi rằng có lẽ em không hợp với công việc nghiên cứu. Hình ảnh em ngồi khóc trước mặt tôi và đám bạn vì đến gần hết tuần điền dã mà vẫn chưa tìm được đề tài nghiên cứu sẽ mãi không phai mờ trong tâm trí tôi.
Nếu kể hết ra đây những kỉ niệm giữa tôi và em thì quả thật tôi không thể. Mọi hoạt động thời sinh viên của tôi dường như đều có bóng dáng em; từ việc em cùng tôi dạy lớp học tình thương, việc tổ chức trung thu cho những trẻ mồ côi ở nhi viện, tham gia hội trại Sao Nhân học đến việc tập dợt các tiết mục dân ca dân vũ trong Ngày hội Nhân học. Có thể nói, em là một phần Nhân học trong tôi. Nhân học là nơi mà mối duyên giữa tôi và em được nảy nở và phát triển tốt đẹp mãi cho đến nay.
Em mến! Cũng như bao nhiêu tân sinh viên khác, ngày mới nhập trường, em cũng hỏi tôi Nhân học là gì vậy anh. Em còn nhớ tôi đã trả lời gì không? Tôi đã không trả lời vì… tôi không biết trả lời thế nào. Hôm nay, khi đã là một cựu sinh viên Nhân học, thật lòng, tôi vẫn không thể trả lời em hay bất cứ ai một cách rõ ràng cụ thể “ Nhân học là gì?”.
Tôi biết, ngôn ngữ rất quan trọng. Ngôn ngữ là đường thủy phân phân chia ranh giới giữa con người và con vật. Nếu không có ngôn ngữ, con người không thể sáng tạo ra văn hóa, không thể xây dựng nên một xã hội loài người. Tuy thế, tôi đồng thời cũng nhận ra sự giới hạn và vụng về của ngôn từ. Bởi, những gì sâu kín nhất được thể hiện bằng những lời không được nói ra. Em đừng trách tôi tại sao không nói cho em biết. Tôi muốn em khám phá và cảm nhận nó bằng con tim như chính tôi đã từng làm. Như thế, Nhân học mới là của em.

Ngôn ngữ là đường thủy phân phân chia ranh giới giữa con người và con vật. Nếu không có ngôn ngữ, con người không thể sáng tạo ra văn hóa, không thể xây dựng nên một xã hội loài người. Ảnh: facebook

Dù muốn dù không, với giấy báo nhập học trên tay, em đã trót bén duyên với Nhân học. Dù em bước đi tiếp trên con đường Nhân học hay bỏ cuộc giữa đường thì trang nhật kí đời em đã có hai từ “ Nhân học”. Điều khác biệt là nó được tô đậm hay mờ nhạt trong em thôi. Em đang bước đi tiếp hay em đang dừng lại? Có lẽ em sẽ thắc mắc tại sao tôi bước tiếp.
Đâu là sức hút của Nhân học khiến tôi bước hết chặng đường dẫu rằng ngay từ đầu tôi đã “ thất vọng” với Nhân học. Hẳn em đã biết ngành học mà tôi thật sự yêu thích và muốn theo đuổi là ngành tâm lí. Nhưng vì nhiều lí do này lí do khác, tôi làm một bộ hồ sơ duy nhất nộp vào ngành Nhân học mà chẳng biết nó dạy cái gì. Tôi đậu vào ngành Nhân học mà chẳng mấy vui mừng khi biết trong trường Nhân Văn cũng có bộ môn Tâm lí mà tôi yêu thích.
Khi ấy, tôi càng thất vọng hơn khi biết được Nhân học là một tên gọi khác của Dân tộc học, cái tên ngành nghe quê một cục mà tôi cực kì dị ứng khi xem trong quyển Những điều cần biết trong tuyển sinh Đại học cao đẳng năm 2004. Tâm trạng tôi chỉ bớt hụt hẫng ê chề sau khi gặp gỡ và trò chuyện với một chị khóa trên trọng dịp Hội trại đầu năm tại Củ Chi.
 Bạn bè cùng lớp vui chơi khá thân với nhau, việc chia sẻ những ưu tư thắc mắc không biết ngỏ cùng ai của nhau khiến tôi cũng cảm thấy có điều gì đó thú vị. Ở mỗi người, mỗi nơi có những điểm hấp dẫn riêng biệt, vấn đề là bạn có đồng ý ở lại và tìm hiểu hay không thôi. Tôi đã quyết định ở lại với Nhân học và khám phá nó.
Mỗi người sẽ có một định nghĩa riêng, một khám phá riêng về Nhân học cho chính mình. Với tôi, Nhân học có thể gọi là một ngành khoa học về đạo đức. Nếu người ta định nghĩa Nhân học là khoa học nghiên cứu về tính người, xã hội người và lịch sử con người thì tôi thấy hấp dẫn bởi “ tính người” trong đó. “ Hiểu người biết ta”, nguồn gốc triết lí của Nhân học văn hóa cũng là một quan điểm nổi bật trong đạo đức và ứng xử. Giữa một xã hội đang thiên về xu hướng hưởng thụ, mọi thứ quy hướng về cá nhân như hiện nay thì quan điểm của Nhân học lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
 Nhân học là ngành khoa học về con người tìm hiểu những nền văn hóa “khác ta”, nhưng mục đích của nó không phải chỉ để hiểu cái “ khác ta” đó nhưng còn để hiểu cái văn hóa của “ ta”. Chẳng phải điều thú vị mà em luôn cảm nhận được trong mỗi chuyến điền dã là những điều “khác lạ” nơi đồng bào địa phương em đến đó sao? Điều luôn đọng lại trong em sau mỗi chuyến điền dã không phải là những giọt nước mắt chia tay, những tình cảm thắm thiết mà đồng bào địa phương dành cho em à?
Tôi không rõ em còn có những suy nghĩ gì sau mỗi chuyến đi ấy không, nhưng với tôi, tôi thấy mình thật nhỏ bé trước vô vàn điều thú vị từ cuộc sống. Sau mỗi chuyến đi, tôi thấy mình ham sống hơn và sống có ý nghĩa hơn, biết đồng cảm hơn. Nguyên tắc điền dã “ cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” cũng là tinh thần mà thế giới đang vun đắp để mọi người có thể chung sống hòa bình với nhau. Cuộc đời em dài ngắn không đo bằng tuổi thọ nhưng đo bằng tình yêu em đã nhận được và trao đi.
Mỗi một cuộc gặp gỡ, mỗi lần em tiếp xúc với đồng bào địa phương là mỗi lần con tim em đang lớn dần lên. Những kĩ năng tiếp xúc thông tín viên, phỏng vấn sâu trong Nhân học đã không giúp em dạn dĩ hơn, dễ thấu cảm hơn ư? Nhân học rèn luyện cho em kĩ năng giao tiếp trong mõi lần đi thực tế tức là đang trao cho em chìa khóa của sự thành công đó thôi. Nhân học giúp em phá đi những định kiến, giúp em không bị mắc bẫy bởi những “sự thật được dàn dựng” và hơn hết giúp em giàu có hơn về văn hóa và vốn sống.
Nói thật nhiều nhưng cũng chỉ toàn là lý thuyết suông. Em có thể nhíu mày vặn hỏi tôi: Những điều ấy liệu có thực tế cho bữa cơm, manh áo hàng ngày của em hay không? Những điều ấy có giúp ích cho công việc trong tương lai của em hay không?
Em cũng sẽ hỏi câu hỏi muôn thuở: “ Học Nhân học ra thì làm được gì?”. Có lẽ tôi không phù hợp để trả lời câu hỏi này, vì tôi…cũng chưa có công việc gì cụ thể theo cách nhìn của em. Nhưng sẽ không phải là sự khoác lác hay khoe khoang khi tôi nói với em những công việc mà bạn bè lớp NH07 của tôi đang làm. Học Nhân học ra làm gì? Thưa, ngoài nhỏ bạn được giữ lại công tác bên Phòng giáo vụ Khoa và dăm đứa bạn tiếp tục “se duyên” với Nhân học trong lớp Cao học thì có vô số nghề mà đám bạn tôi đang theo làm. Có lẽ phải kể đến trước tiên là Biên tập viên các trang báo, nhân viên PR, nhân viên trung tâm hướng nghiệp, phát thanh viên đài truyền hình, ca sĩ, MC trong các phòng trà, tụ điểm ca nhạc. Kể cho “ kêu” hơn nữa là giảng viên khoa chính trị, nhân viên thử việc của Văn phòng chính phủ, UBND tỉnh, thành viên Viện nghiên cứu khoa học xã hội miền Nam.
Thậm chí những công việc chẳng liên quan gì đến ngành như trợ lý giám đốc, thư kí, dịch vụ tư vấn bất động sản hay phi công cũng có sự hiện diện của các “đứa con Nhân học”. Em có thể bĩu môi chê rằng những công việc đó trái ngành, trái nghề.
Nhưng tôi và các bạn NH07 không thể phủ nhận những gì đã học được từ Nhân học phục vụ rất nhiều cho công việc hiện tại. Em à, tương lai của em được xây dựng trên nền tảng những kiến thức, những ước mơ, những tài năng được trui rèn từ bé đến nay.
Tôi không đoán được tương lai của em ra sao. Chính em mới là người nắm giữ, quyết định và chịu trách nhiệm về tương lai của mình. Nhưng tôi chắc chắn trong môi trường Nhân học, tất cả những gì tốt đẹp trong em sẽ được nâng đỡ và phát huy nhằm làm bệ phóng giúp em vươn đến thành công khi em thật sự cố gắng.
Tôi có thể nói gì về em.
Tôi tự hào về em, về những gì em đã làm cho Nhân học và cho tôi. Tôi cùng một vài người bạn đã ước ao được nối kết với các bạn bè Nhân học Hà Nội ngay những năm đầu thành lập Bộ môn. Chúng tôi chưa thực hiện được dự định ấy thì đã hết thời sinh viên. Việc em nối kết với các bạn miền Bắc quả thật là một niềm an ủi cho thế hệ già của chúng tôi.
 Xem như tốt nghiệp cũng được mỉm cười mãn nguyện. Em biết không? Nếu con cái là niềm tự hào của cha mẹ thì sinh viên là niềm tự hào của ngành học. Em yêu thương cha mẹ nên em sẽ mở to đôi mắt thật to đầy ánh tự hào để nói rằng em là con của cha mẹ em. Tôi mừng vì em cũng nói em yêu Nhân học. Tôi khá vui khi nghe phong thanh việc em đứng lên giới thiệu với bạn bè rằng “ Tôi là sinh viên Nhân học” hay việc em dự định sẽ mặc một chiếc áo có dòng chữ “ Tôi là sinh viên Nhân học”. 

Nhóm nh09 điền dã Trị An, với sự hướng dẫn của Nh07. Ảnh: facebook

Nhiều lần tôi đã nói với em, tình yêu phải được chứng minh bằng hành động. Trong mỗi tôn giáo, họ đều có những phương thế truyền giáo nhằm quy tụ thêm nhiều tín đồ. Có thể họ truyền giáo bằng cách phổ biến kinh sách, giáo lý về tôn giáo đó, treo băng-rôn, hình ảnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc tổ chức các buổi lễ hội,…
Nhưng cách truyền giáo hiệu quả nhất vẫn là bằng chính đời sống của mỗi người tín đồ. Những người ngoài tôn giáo ấy sẽ nhìn cách sống, cách ứng xử của tín đồ mà có sự phân định có nên gia nhập tôn giáo đó hay không.
Do vậy, em muốn Nhân học phát triển không có cách nào hiệu quả bằng việc em phải minh chứng cho mọi người thấy em là một sinh viên Nhân học như thế nào. Em đang góp phần xây dựng Nhân học như tôi đã từng. Nhưng sinh viên chỉ có một thời, rồi thì em cũng dứt áo ra đi, rồi thì “ xa mặt cách lòng”, rồi thì Nhân học cũng chỉ là quá khứ trong em…
Tôi không thể tin rằng em bảo em yêu Nhân học nhưng lại không lo cho tương lai của Nhân học. Có thể ví von em là tương lai của tôi. Vậy em có tương lai chưa? Em đã làm gì để tương lai của em sáng sủa hơn không? Tôi đã tự hào về em. Vậy em hành động những gì để sau này em có thể mỉm cười tự hào về thế hệ đàn em mà em đã dốc hết tình hết sức vun vén.
Tôi có dịp gặp gỡ một anh kiến trúc sư người Pháp trong một buổi giao lưu. Sau khi tôi giới thiệu tôi tốt nghiệp ngành Anthropology, anh đã thốt lên sửng sốt trước mặt mọi người. Anh ta có vài người bạn học ngành đó và khá nể ngành này.
Chắc em cũng phần nào hiểu được tâm trạng “ kiêu ngạo” của tôi lúc đó như thế nào trước những con mắt ngơ ngác của các bạn xung quanh. Đó là bên Pháp và người Pháp.
Tôi có dám tin tưởng có một ngày nào đó khi tôi giới thiệu cho bạn bè Việt Nam rằng tôi tốt nghiệp ngành Nhân học thì tôi cũng nhận được những phản hồi tích cực, trầm trồ thán phục như thế hay không tất cả là nhờ các sinh viên Nhân học.
Rồi em cũng sẽ tốt nghiệp, sẽ đi làm, sẽ lập gia đình. Em nói với đồng nghiệp, kể với con cháu em rằng em đã từng học Nhân học và nhận được phản hồi tích cực hay không tùy thuộc vào đóng góp hôm nay của em xây dựng chỗ đứng của ngành Nhân học trong xã hội.
Do quỹ thời gian eo hẹp và ít thuận tiện, tôi không còn thường xuyên gặp em hay tham gia các chương trình hội họp, văn nghệ, cắm trại của Khoa như trước. Tôi cũng ít dịp về lại Thủ Đức thăm Hồ Đá đi dạo với em và đám trẻ Kh’mer, hiếm còn cùng em lang thang làng đại học rồi ngồi ở thềm trường Khoa học Tự nhiên trò chuyện đến khuya hay cùng ngồi ăn cơm với nhau trong phòng trọ chật hẹp nữa. Em à! Em đã tự hào về Nhân học, đến lúc em phải làm cho Nhân học tự hào về em đi. Chúc em những ngày là sinh viên Nhân học thật tuyệt!
Gửi đến nhân vật “em”, những sinh viên Nhân học, cách riêng, đôi chút tình cảm đặc biệt hơn dành cho NH09 


Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường

MS: 05

Khai Tâm NH07
Nhân Học Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.