Những người tham gia vào việc mời cưới khi được hỏi về việc họ quan tâm về điều gì nhất trong đám cưới. Câu trả lời chủ yếu xoay quanh việc đón tiếp khách. Cô Mùi nói: Trong ngày tổ chức đám cưới , cô quan tâm đến việc đón tiếp quý khách, hai họ, xui gia, nhờ các cháu mỗi người một việc chu đáo, nhắc nhở nhà hàng phục vụ tận tình, cô dẫn con đi từng bàn để cám ơn và chào hỏi cá bậc trên cũng như quý khách.
Thái độ tôn trọng và quan tâm tới khách như một cách thức thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa người mời và người được mời. (Ảnh: minh họa – Nguồn: Internet)
Bạn Trường cho biết: Trong đám cưới, mình và vợ thường thăm hỏi và chúc sức khoẻ. Hai bên xui gia thường đi chung với nhau và tiếp khách của nhau, đi giáp vòng hết các bàn cùng cô dâu và chú rể rồi mới tiếp khách riêng. Và không quên khẳng định: việc đi từng bàn tiếp khách là việc đương nhiên phải làm vì đó là luật lệ mà. Việc đó rất quan trọng không thể thiếu được.
Vấn đề tiếp khách ở đây là một vấn đề được hầu hết mọi người trong tư cách là người mời cưới xem trọng, nó biểu thị sự tôn trọng và quý mến khách của chủ nhà. Cô Mùi nói: cô phải tiếp đón một cách chân tình với mọi thành phần khách mời vì người ta quý mến và trân trọng mình thì mới đến dự. Và cô cho biết mình phải thể hiện ra bên ngoài để người ta biết tấm lòng của mình như: nói chuyện, bắt tay hay cử chỉ nào đó tỏ ra thân thiện, nét mặt tươi cười hỏi thăm sứa khoẻ và cám ơn sự hiện diện của họ.
Ngoài ra, tìm hiểu việc tiếp đãi khách còn nói cho biết đối tượng được mời có mối liên hệ như thế nào với người mời cưới. Bạn Trường xác định chỗ ngồi của khách phản ánh tầm quan trọng của một vị khách nào đó đối với gia đình của mình : Một vị khách quan trọng là người được lo chu đáo nhất như được ngồi gần sân khấu như ông bà nội ngoại, những người lớn tuổi, bà con thân thích… Đây là chỗ dành riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Cô Mùi còn cho biết trong hoàn cảnh rất bận rộn của đám cưới, không thể tiếp tất cả các khách một cách chu đáo như nhau. Tuy nhiên, cô luôn quan tâm hơn đối với một số khách mà cô cho là đặc biệt: Khi tiếp khách, cô quan tâm đặc biệt đến các vị vai vế lớn tuổi, họ hàng ruột thịt, rồi đến tất cả quý khách.
Trong nhận thức của người mời cưới, việc tổ chức lễ cưới một cách chu đáo hay không còn là điểm để người ngoài nhìn vào đó để đánh giá gia đình của người mời cưới. Bạn Trường nói: Trong gia đình phải chuẩn bị rất chu đáo cho tiệc cưới. Một mặt là để thông báo cho dòng họ bạn bè thân hữu biết, mặt khác để nở mặt, nở mày. Đám cưới càng lớn càng, càng đẹp và công phu thì sẽ nở mặt nở mày hơn chứ.
Riêng đối với bản thân cá nhân, mỗi đối tượng có một cách chuẩn bị và thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề cũng không giống nhau. Khi được hỏi: Trong quá trình chuẩn bị và thực hiện lễ cưới, bạn quan tâm đến điều gì nhất? Bạn Trường đã trả lời: Mình thấy hồi hộp vì khi mình đừng trên sân khấu thì có rất nhiều người nhìn thẳng vào mắt mình vì vậy mình phải chú ý tới hành động, cử chỉ, lời nói của mình khi mình nói ra. Theo mình biết thì ở nước ngoài có một chứng bệnh mà người ta gọi là sợ đám cưới, có nghĩa là đứng trước đám đông, sợ mình là nhân vật chính mọi người phải chú ý. Bởi vậy khi nghĩ đến đám cưới là mình rất hồi hộp, nhiều khi muốn bỏ trốn đi vậy đó. Cảm giác đó giống như thời cấp một hay cấp hai khi mình chuẩn bị trả bài cho thầy cô giáo mà không thuộc bài vậy đó.
Trong khi cùng câu hỏi đó chú Phương cho biết : Hồi trước chú làm đám cưới, chú chuẩn bị có nghề nghiệp ổn định, đảm bảo cho tương lai , hợp pháp, các thủ tục tôn giáo cũng như xã hội. Trong đám cưới chú cũng quan tâm đến việc mời những người quen biết,, bạn bè, đồng hương.
Bố mẹ đứng ra tổ chức đám cuới cho con cái thường là những người có rất nhiều kinh nghiệm. Không những họ có kinh nghiệm từ đám cưới của chính bản thân mà còn có kinh nghiệm từ các đám cưới từ việc họ đã tổ chức cho những đứa con trước (trường hợp của cô Mùi- cô đã tổ chức đám cưới cho 4 người con truớc đây). Vì vậy thay vì cảm thấy rất hồi hộp như bạn Trường thì cô Mùi ở trong một tâm thế rất chủ động : Vì đám cưới rất bận rộn, nên để chu đáo trong việc tiếp khách dự tiệc, cô thường nhờ các anh chị, các cháu mỗi người phụ trách một việc như ai đón khách thì mời vô bàn, ai tiếp các vị cao niên, ai tiếp các vị khách ở xa ở gần, kể cả xui gia cô đều nhờ tiếp cho đám cưới thêm vui hơn.
Như vậy, có thể vấn đề quan tâm của mỗi cá nhân với tâm thế là nhân vật chính trong đám cuới của mình có thể là khác nhau nhưng với tư cách là người mời cưới, đại diện cho cả gia đình và dòng họ, họ được hướng dẫn hoặc chủ động tỏ thái độ tôn trọng và quan tâm tới khách như một cách thức thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa người mời và người được mời.
Chú Phương đặc biệt quan tâm đến khâu tiếp đón khách và tiếp đãi khách, chú quan sát và cho biết : Khi đi đám cưới, tới nhà riêng hoặc nhà hàng. Khi vào cổng chào, ở đó có cô dâu , chú rể, cha mẹ hai bên đúng đón khách bằng cử chỉ bắt tay thay lời chào xã giao và mời vào bàn, trong quan hệ giao tiếp. Trong đám cuới, đối tượng nói chuyện là cha mẹ, cô dâu, chú rễ là bà con hoặc bạn bè, hoặc cô dâu, chú rễ là người trong quan hệ quen biết. Thường thì nói những câu chúc mừng để đối tượng còn đi nhiều bàn khác. Và để biểu lộ thái độ vinh dự khi được mời tham dự một tiệc cưới, chú còn cho biết mình cũng phải đáp lại bằng một thái độ tôn trọng nào đó : Khi được mời đám cưới, nói chung mình phải thể hiện sự quan tâm, trân trọng.
Sự quan tâm đó được thể hiện một phần nào trong cách thức để ý đến tiền mừng cưới. Tiền mừng cưới ở đây được các đối tượng nhìn nhận không phải như một cái gì buộc phải có qua có lại mà nó bao hàm trong đó sự quan sát khéo léo để có thể cộng vào và chia bớt gánh nặng cho gia đình tổ chức đám cưới. Chú Phương nói : đi đám cưới mình phải bỏ phong bì 200,000 ngàn… Mục đích mừng tiền có hai lý do::Theo chú nghĩ khi tổ chức đám cưới họ phải đặt cổ phần ăn tùy theo thị trường hiện nay 1 phần ăn uống khoảng 100,000 ngàn. Còn 100,000 thì mừng cô dâu, chú rễ, nhưng hầu như người ta dùng tiền này để trang trải cho đám cưới.
Cô Mùi thì nói: Khi cô dự một đám cưới thì cô nghĩ không phải là mình trả nợ sòng phẳng mà là vì tình cảm quý mến mà mình hiện diện, nhưng cô luôn mừng sao để họ có niềm vui và chia sẻ gánh nặng với họ. Cô xem tiệc cưới của họ tổ chức tại địa điểm nào, nếu nhà hàng lớn thì họ tốn nhiều tiền nên cô mừng nhiều hơn, hay đi dự tiệc của thân trong dòng họ thì cô cũng mừng nhiều, còn các trường hợp khác thì cô đi bình thường theo thực tế. Theo cô nếu đi nhà hàng thì 500000/ người. Còn đãi thường thì 200000/ người.
Cũng tương tự như vậy, bạn Trường còn nhấn mạnh hơn đến những ưu tiên cho những người thuộc gia đình dòng họ mình: Khi đi dự đám cưới thì tiền mừng cưới rất quan trọng. Theo mình khoảng 100-200 nghìn là đủ. Đó là bạn bè bình thường. Còn nếu là thân thích hay anh em, bà con thì có thể là 500 nghìn đến 1 triệu hoặc cho vàng. Tiền mừng cưới người trong nhà phải nhiều hơn vì là con cháu anh em trong nhà mà. Tuy nhiên bạn cũng nghĩ: có những người làm ăn cũng đi tiền nhiều hơn vì họ muốn bỏ con tép bắt con tôm đó mà.
Như vậy, giữ gìn và củng cố mối quan hệ không phải chỉ là vấn đề được người mời cưới quan tâm mà nó còn được người với tư cách là khách cộng tác vào, cùng hun đắp để mối quan hệ ngày càng tốt đẹp. Như chính cô Mùi đã nói : Đối với cô, mình sống không phải là một hòn đảo, nên bằng nhiều cách mình phải tạo cho mình nhiều mối quan hệ để hy vọng là những người đó có thể chia sẻ với mình khi vui cũng như lúc buồn.
Ngoài ra, với những người chưa có kinh nghiệm như bạn Trường thì đi tham dự đám cưới và quan sát cách tổ chức đám cưới của người khác cũng là một cơ hội để bạn rút kinh nghiệm cho chính đám cưới của mình sẽ được tổ chức sau này: Khi tham dự tiệc cưới người khác mình quan sát nhiều cách phục vụ nhà hàng, món ăn, sân khấu, nội thất trang trí. Mình muốn làm theo cách tổ chức mà mình cho là hay ở đám cưới mà mình tham dự.
(Còn tiếp)
Ngọc Lưu