Tự sự về nỗi đau, sống còn và trách nhiệm (kì 3)

0
778
Một lần nữa chúng tôi lại im lặng. Sau đó tôi nhắc lại lời cảm ơn và vị bác sĩ thay mặt cho đoàn tặng quà cho bà. Bà Hồng nói sẽ tiễn tôi ra xe. Bà nắm lấy tay tôi bằng phần còn lại của cánh tay cụt và chúng tôi bước đi. “Đừng quên chúng tôi”, bà nói, “Khi về nước, thỉnh thoảng hãy nghĩ đến những người mẹ Việt Nam”.
Bà Hồng nói: “Khi về nước, thỉnh thoảng hãy nghĩ đến những người mẹ Việt Nam”.
Ảnh minh họa-Nguồn:Internet
Hôm sau, các nhân viên của Hội Chữ Thập đỏ, vốn đã rất bận khi phải tiếp tôi, những vị khách khác và những cuộc họp, đề nghị đưa tôi đi thăm thành phố. Khi họ hỏi tôi muốn đi đâu, làm gì, tôi nói là nếu có thể và không có gì phiền thì tôi muốn trở lại nhà bà Hồng để xem bà có cái vỏ chăn nào bán không, những đồ vật gì đó bà có thể bán mà không gây phiền toái cho công việc của bà.
Họ nghĩ là điều đó là có thể, nhưng trước hết họ muốn dẫn tôi đi thăm siêu thị – một đại siêu thị – mới được xây gần khu công nghiệp ở ngoại vi thành phố. Nó chiếm một phần lớn tòa nhà thương mại lớn nơi có máy bán bỏng ngô tự động, một cửa hàng kem và một cửa hàng trưng bày xe hơi – tất cả đều tương phản một cách đáng ngạc nhiên và đáng xấu hổ với những khu nhà giản dị và nghèo xác nghèo xơ chúng tôi đã đến thăm tuần trước. Sau khi qua cửa kiểm tra an ninh nơi túi xách của chúng tôi được cho vào một túi nhựa gắn kín lại phòng ngừa việc ăn cắp hàng, chúng tôi lang thang qua những gian hàng đầy ắp hàng hóa, đồ gia dụng và trái cây hay rau quả gói trong plastic: và ý nghĩ của chúng tôi lại trôi dạt ở tận đâu đâu. Khi nhìn thấy hai chiếc hộp đựng tiền quyên góp của Hội Chữ Thập đỏ, chúng tôi như lấy lại được tinh thần. Một hộp đề quyên góp cho đồng bào bị bão lụt, hộp khác cho nạn nhân chất độc màu da cam. Cả hai hộp đều có đến lưng nửa những tờ tiền lẻ. Bà Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh giải thích một cách nhiệt tình cho tôi biết đó là một ý tưởng mới. Mỗi tháng, các hộp quyên góp đã quyên đủ tiền để xây một ngôi nhà cho những người vô gia cư, bà nói.
Khi chúng tôi quay trở lại nhà bà Hồng, bà đón tiếp chúng tôi một cách rất nồng hậu và hoan nghênh yêu cầu mua đồ của tôi với tiếng cười đôn hậu và thắc mắc. Mảnh vải với những ô ghép chưa hoàn chỉnh có thể làm được gì? Nhưng nếu tôi thích, bà sẽ rất vui khi tặng chúng cho tôi; Không, không phiền gì cả. Tôi giải thích là tôi muốn dùng chúng để minh họa cho câu chuyện bà đã kể cho tôi cụ thể hơn và sống động hơn đối với những người sống ở một đất nước khác. Đầu tiên, bà cứ khăng khăng được tặng chúng cho tôi, nhưng cuối cùng bà cũng vui vẻ nhận tiền tôi dúi vào tay.
“Với công sức của mình”, tôi nói, “bà sưởi ấm cho mọi người và tạo ra cái đẹp”
“Vâng”, bà đáp, “Tôi muốn làm ra những sản phẩm đẹp – tất cả phụ nữ đều yêu cái đẹp, tất nhiên! Đôi khi tôi may áo dài. Mọi người trong xóm biết và họ đến đặt may áo dài. Họ đến và hỏi thăm một phụ nữ với cái tay cụt”. Bà Hồng cười và lắc lắc cái đầu, đôi mắt bà ánh lên lấp lánh.
Bà muốn tặng tôi một chiếc vỏ gối, để mỗi khi đi ngủ ở “bên đó” tôi sẽ nhớ đến người em gái ở “bên này”. Một lần nữa bà lại tiễn tôi ra xe, lắc cánh tay tôi và cười. “Hãy nhớ đến người em gái này”, bà nhắc tôi. “Hãy nhớ rằng có một phụ nữ như vậy, với những câu chuyện, và một cánh tay bị mất trong chiến tranh. Nhưng cũng nhớ rằng bà ấy rất yêu thương mọi người, yêu quê hương đất nước và rất yêu đời”.
(Còn tiếp)
Diane Niblack Fox
Người dịch: Trần Thị Thu Hằng
                                                 Người hiệu đính : Trương Huyền Chi và Lương Văn Hy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.