Khôi phục lại giá trị của “thời bao cấp” (kỳ 2)

0
1052
Sự khôi phục của một thời
Những nỗ lực nhằm hồi tưởng lại thập kỷ từ 1975 đến 1986 được bắt đầu vào năm 2005. Những tường thuật chính thống trong lịch sử đương đại của đất nước thường không chú ý đến các sự kiện trong giai đoạn này hoặc hoàn toàn bỏ qua chúng. Ví dụ, sách giáo khoa đại học vẫn thường xuyên chỉ dành vài ba trang hoặc bỏ qua luôn ba sự kiện địa chính trị quan trọng nhất của thập kỉ này: những xung đột biên giới mãnh liệt với nước Cộng hòa Campuchia (nay là Vương quốc Campuchia) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như việc hơn một triệu người Việt Nam vượt biên để tìm đến một cuộc sống khác cho bản thân và gia đình (1).
Tất nhiên, có rất nhiều lý do đằng sau việc những sự kiện này không được nói công khai trước công chúng, chứ chưa kể đến việc đưa vào giáo trình giảng dạy. Những sự kiện này vẫn còn hiện diện rất rõ trong đời sống hôm nay. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong việc thiết lập những hợp tác song phương lâu dài và có hiệu quả với Campuchia và Trung Quốc. Những nỗ lực nhằm đẩy mạnh và làm chặt chẽ mối quan hệ với hai nước này là một phần của quá trình đang diễn ra, theo nhiều thông cáo báo chí đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao (2). Vì lý do này, những tuyên bố chính thống thường ưu tiên những mục đích có thể đạt được thông qua những mối quan hệ song phương thay vì ám ảnh với những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Đây là điều thường diễn ra trước khi quá trình “bình thường hóa” bắt đầu. Cũng có một định hướng tương tự về mặt thời gian trong chính sách của Chính phủ đối với Việt kiều. Nhờ vào một loạt các thay đổi về mặt chính sách, ngày nay Việt kiều không chỉ có thể về thăm quê hương một cách dễ dàng mà còn đóng góp tích cực và có hiệu quả vào “quá trình xây dựng đất nước” bằng nhiều cách khác nhau (3).
Dưới thời Bao cấp. (Ảnh: minh họa – Nguồn: Internet)
Phần lớn người Việt Nam, dù sinh sống ở đâu, đều rất tán thành những tiến triển này. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên thấy rằng việc đặt trọng tâm vào tương lai thường có cái giá của nó. Ít nhất là nó chia (bifurcate) (Duara 1993) nửa sau của thế kỷ XX thành hai giai đoạn riêng biệt (4). Kết quả là những ngôn luận chính thống vừa tiếp tục nhấn mạnh đến chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những người đã tham gia vào cuộc chiến đấu nhằm thống nhất nước Việt Nam bị chia cắt trong chiến tranh chống Mỹ (1959-1975) vừa ca ngợi những thành tựu của các cá nhân đã có những đóng góp lớn lao trong việc “Xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” sau thời kỳ Đổi mới (1986 đến nay) (5). Tuy nhiên cái vẫn còn chưa được nhắc tới là những cái diễn ra giữa hai “sự kiện” lớn này (xem thêm Huệ Tâm Hồ Tài 2001:5-6).
Vì trải nghiệm của những người Việt Nam đã trải qua những thiếu thốn kinh niên và những khó khăn khác của cuộc sống thường nhật trong thập kỷ này không dễ tích hợp trong một đại trần thuật (meta-narratives) nào, không có mấy công sức được bỏ ra để ghi chép giai đoạn này vào lịch sử chính thống. Xu hướng ấy không chỉ giới hạn trong giới viết sử quốc gia. Nhiều người Việt, tuy không phải là tất cả, mà tôi có dịp trò chuyện trong những chuyến nghiên cứu trước đây thường lướt qua thập kỉ này. Trong những cuộc nói chuyện đó, họ thường dùng những từ như “vô vị”, “buồn tẻ”, và “không có giá trị gì” – mặc dù họ thường nói thêm rằng những năm đó là những năm “không thể quên được” và rằng: những mâu thuẫn của cuộc sống hàng ngày thường làm cho họ “dở khóc dở cười”. Sự bỏ sót này bắt đầu thay đổi năm 2005 khi Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã tổ chức một loạt các liên hoan kỉ niệm ba mươi năm kết thúc chiến tranh chống Mỹ (6). Cùng năm đó, một loạt các tờ báo ngày có tên tuổi như báo Tuổi Trẻ, Hà Nội Mới, Tiền Phong, Lao Động cùng một số báo khác đăng một loạt các hồi kí về cuộc sống hàng ngày trong thập kỉ ngay sau giải phóng. Những bài báo này tiếp tục được đăng cho tới hết năm 2006 và một vài tờ báo này cũng đã nỗ lực nhằm công nhận những đóng góp lớn của hai nhà văn nổi tiếng, Phạm Thị Xuân Khải và Phùng Gia Lộc, hai người do có những bài viết mô tả thời kì khó khăn đó nên sự nghiệp của họ đã gặp phải một số điều không thuận lợi (7). Sự nổi tiếng của các bài báo này đã khiến báo Tuổi Trẻ tập hợp một số bài thành tuyển tập phóng sự với tiêu đề Đêm trước Đổi mới (2006). Tiểu thuyết Gia đình bé mọn của Dạ Ngân (2006), một bức tranh quan trọng về cuộc sống “thời bao cấp,” cũng được đón nhận nồng nhiệt và đã được Nhà xuất bản Curbstone dịch ra tiếng Anh và xuất bản ở Mỹ năm 2009. Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã tổ chức một loạt các hội thảo và các sự kiện để kỉ niệm 20 năm của quá trình Đổi mới, trong đó có nhiều cuộc thảo luận thẳng thắn về những mâu thuẫn kinh tế thời đó đã dẫn tới việc chính thức đưa kinh tế thị trường vào nền kinh tế kế hoạch tập trung (8). Tất cả những sự kiện có vẻ rời rạc và riêng lẻ này đã tạo điều kiện cho sự ra đời của một dòng trần thuật mới, một dòng trần thuật coi những năm giữa 1975 và 1986 như một thời kì đặc thù, một thời kì không những được đánh dấu bởi những khó khăn gian khổ chung mà còn bởi sự sáng tạo và nhạy bén của cá nhân. Cách nhìn mới này rất khác với cái nhìn trước đó, một cái nhìn vốn xem những nỗ lực sau chiến tranh nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội giữa nhiều khó khăn và cấm vận do Mỹ dẫn đầu như một sự tiếp nối cái mâu thuẫn [từ trước năm 1975] bằng những biện pháp có tính hòa bình hơn. Tuy là những đề cập đến “tái tạo và hàn gắn sau chiến tranh” vẫn thường được thấy trong các bảo tàng, thập kỷ 1975-1986 hiện được nhắc đến bằng những thuật ngữ khác (9).
Cái nhìn hỗn hợp mới này – thường được thể hiện bằng tiếng Việt qua phương ngôn cái khó ló cái khôn, có hai ý nghĩa (10). Nó tạo giá trị cho những cái trước đây bị đẩy ra ngoại biên (marginalized), đồng thời cũng thiết lập một cầu nối về ý tưởng và thời gian giữa hai trần thuật rất khác nhau của một quốc gia mà nếu không có nó thì hai trần thuật này sẽ không bao giờ gặp được nhau. Kết quả của việc này là một quá khứ trở nên khả dụng, dù là sự khả dụng này còn mới tạm thời. Bằng từ “khả dụng” tôi muốn nói đến sự tạo dựng của các trần thuật lịch sử sao cho các sự kiện và giai đoạn trở nên “có ý nghĩa” đối với một đối tượng khán giả cụ thể. Tôi dùng từ “tạm thời” với ý nghĩa chưa được cố định hóa. Ví dụ: thập kỷ này vẫn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau, phổ biến nhất là “đêm trước Đổi mới” hoặc “thời bao cấp.” Hơn nữa, nhiều người vẫn tiếp tục có ý kiến bất đồng về những cột mốc thời gian chính xác của giai đoạn này, vì những nỗ lực nhằm tạo ra một nền kinh tế tập trung đã được bắt đầu từ vài thập kỷ trước ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1954-1975) và vì những thay đổi lớn cho hệ thống này mới chỉ được bắt đầu khi Liên Xô cũ ngừng viện trợ vào năm 1991 (MacLean 2005:333-336). Cho dù còn nhiều bất đồng nhỏ trong quan điểm, nhiều người Việt Nam ngày nay thường coi thập kỷ này là một “giai đoạn” đặc thù và cũng đóng vai trò là cầu nối giữa giai đoạn trước và sau đó. Có lẽ nỗ lực rõ ràng nhất để tạo ra cầu nối đó (cầu nối giữa quá khứ chiến tranh và một hiện tại được thương mại hóa) là đợt triển lãm tại bảo tàng Dân tộc học vào nửa cuối năm 2006 mang tên “Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp (1975-1986)”, với sự cộng tác của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Hà Nội (11). Cuộc triển lãm này được sự tài trợ của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức SIDA (Thụy Điển) và Quỹ Ford, trưng bày gần hai trăm hiện vật do các bảo tàng và nhiều cá nhân, những người đã giữ gìn hoặc sưu tầm cho mượn. Một số hiện vật được trưng bày riêng lẻ, nhưng phần nhiều được đặt vào những bối cảnh sống động mô tả cuộc sống hàng ngày, ví dụ như cảnh xếp hàng trước cửa hàng gạo, một căn hộ chật hẹp trong khu nhà tập thể, vài gói mứt kẹo Tết lèo tèo. Bổ sung cho những hiện vật này, triển lãm cũng chiếu hai bộ phim cộng đồng: “Sự năng động vượt khó” và “Ước mơ bình dị”. Hai bộ phim này đan xen cảnh quay và ảnh tư liệu với những cuộc trò chuyện với lớp người lớn tuổi ở Hà Nội. Họ đã kể lại một cách sinh động cuộc sống thời đó.
Theo tiêu chuẩn của Việt Nam, triển lãm này được đông đảo công chúng hưởng ứng và được giới truyền thông đưa tin rộng rãi. Chỉ riêng trong tuần đầu tiên (16-21/6/2006), trên 2.500 người đã đến xem, trong đó chỉ có 20% là người nước ngoài. Cho đến cuối năm, như tôi đã nói ở trên, hơn một phần tư triệu lượt người đã đến xem trưng bày. Phỏng vấn một số người có mặt tại triển lãm, những nhận xét do những người đến thăm triển lãm viết lại và nội dung của các phương tiện truyền thông giúp chúng ta hiểu được tại sao triển lãm lại thành công đến vậy. Cả ba nguồn tin đều nhấn mạnh sự trưng bày sáng tạo của những hiện vật mà tới nay vẫn nằm ngoài giới hạn của lịch sử chính thống, cũng như việc triển lãm chú trọng vào những trải nghiệm sống của con người. Như vậy có thể nói triển lãm đã tạo ra một không gian xã hội cho “hồi ức chung của những trần thuật đa dạng”. Cũng vì lý do đó, cuộc trưng bày này trở thành một điểm tham khảo hữu ích để có thể khám phá những chủ đề tôi đã đưa ra ở phần mở đầu của bài viết và lí giải sự phù hợp của những chủ đề đó với những mục đích lớn của hội thảo quốc tế này.
Với những lý do này tôi đặt cho mình những câu hỏi sau. Thứ nhất, chuyện gì sẽ xảy ra khi các nhà nhân học theo đuổi những đề tài từ trước tới nay đều được coi là phạm vi của các nhà sử học. Thứ hai, bằng cách nào việc nghiên cứu những vấn đề này dưới cái nhìn nhân học giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách lịch sử được tạo ra trong bối cảnh Việt Nam, cũng như hiểu được tại sao những trần thuật lịch sử này lại coi một số giá trị văn hóa, cách hành xử, kí ức, v.v… là xác thực và chính thống, nhưng một số khác lại là không xác thực và chính thống (Pelley 2002, Kim Ninh 2002). Cuối cùng, bằng cách nào việc chúng ta tập trung nghiên cứu nhiều hơn về lịch sử của những cái quen thuộc về văn hóa, ví dụ nghiên cứu về người Kinh của người Kinh, có thể mở rộng và làm phong phú thêm không chỉ về chủ đề mà còn cả về phương pháp cho các nhà nhân học và dân tộc học?
Để tìm hiểu những chủ đề này một cách cụ thể, phần tiếp theo của bài viết sẽ đề cập tới những chuyển biến trong các hoạt động văn hóa gần đây và những hưởng ứng của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đối với những hoạt động này. Sau đó tôi sẽ nói về một vài hiện vật đáng chú ý trong triển lãm “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp (1975-1986)”. Phần phân tích không chỉ giới hạn trong khuôn khổ đặc tính của những hiện vật này mà cũng sẽ bao gồm cả bối cảnh xã hội xung quanh những hiện vật đó. Quan trọng hơn nữa là những câu chuyện mà những hiện vật này gợi lại khi khách tham quan bảo tàng hay những câu chuyện độc giả phản hồi trên mạng internet về những bài báo viết về triển lãm. Những dữ liệu này tạo thành một kho lưu trữ phong phú những kỉ niệm riêng, những trải nghiệm chung, những mảnh được phục hồi của một văn hóa đại chúng, những mẩu chuyện chưa từng được kể, và nhiều hơn nữa. Bài viết này chỉ đề cập đến một phần rất nhỏ của kho lưu trữ này. Những nghiên cứu bổ sung có triển vọng làm nổi bật những gì mà chúng ta có thể thu thập được khi các nhà nhân chủng học nghiên cứu các vấn đề của lịch sử và khi các nhà sử học nghiên cứu các nét văn hóa đời thường cả trong bối cảnh Việt Nam cũng như khi so sánh với những trải nghiệm của người dân ở các nước xã hội chủ nghĩa khác.
(1) Ví dụ: xem Lê Mậu Hãn, Trần Bá Đệ, và Nguyễn Văn Thư, Đại cương Lịch sử Việt Nam (Tập III- 1945-1995) (Hà Nội: NXB Giáo dục, 2000). Giai đoạn giữa năm 1975 và 1986 chỉ được tường thuật lại trong mười chín trang (trang 288-307). Để xem tóm tắt về những điểm chính của giai đoạn Chiến tranh lạnh này, xem Elliot (1981). Thuyền nhân Việt Nam, tên thường gọi của những người này, thường mô tả lý do họ rời Việt Nam bằng những từ này (Cargill và Huynh 2000), khiến chúng ta cần bàn luận thêm xem họ là “tị nạn” theo định nghĩa của luật quốc tế hay “di cư kinh tế” (Tsamenvi 1983).
 (2) Ví dụ, xem những báo cáo trong mục “Các vấn đề quan tâm” tại http://www.mofa.gov.vn/vd_quantam/, xem ngày 31/5/2008. Về nhận định chung của các mục tiêu về chính sách quan hệ quốc tế Việt Nam, xem tóm tắt Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được trình bày lần đầu tiên tại Kỳ họp quốc hội X (18-25/4/2006), có đăng tại http://www.mofa.gov.vn/en/cs_doingoai/ (xem ngày 31/5/2008).
(3) Để tham khảo danh sách các chính sách gần đây, xem http://www.quehuong.org.vn/en/ nr061129085334/nr061206101549/ (xem ngày 30/5/2008); Bộ Ngoại giao Việt Nam, “Người Việt sống ở nước ngoài,” http://www.mofa.gov.vn/en/vd_quantam/nvnonn/ (xem ngày 1/6/2008).
 (4)Theo Duara, lịch sử chia nhánh (bifurcated history) nghiên cứu xem những tường thuật khác nhau, và thường trái   ngược nhau về quá khứ thường bị tường thuật nổi bật nhất (dominant), vốn lấy quốc gia là một đơn vị phân tích, làm lu mờ và/hoặc trưng dụng thế nào.
 (5 Xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Cách Đảng Cộng Sản đón nhận “thị trường” một cách thận trọng cần được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, vấn đề này nằm ngoài phạm vi của bài này.
 (6) Mặc dù cả Đảng Cộng sản và nhà nước đều không thể được coi là một thực thể thống nhất và dính kết đến mức có thể suy nghĩ và hành động như một cá thể con người, tôi dùng cả hai từ trong những trường hợp mà cả hai đều cố thể hiện bản thân với tư cách như vậy. Xem thêm MacLean (2005:xvi-xx); Verdery (1991); Gupta (1995).
 (7) “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?” (1988) của Phùng Gia Lộc đã tạo ra rất nhiều thư từ, phần nhiều trong số đó rất có tính phê bình, gửi đến biên tập báo Văn Nghệ, liên quan đến cách ông mô tả cái đói nghèo ở nông thôn, một làng nhỏ ven sông Chu, Xã Phú Yên (Thọ Xuân, Thanh Hóa), cũng như cách các cán bộ địa phương dùng để thu thuế nông nghiệp (Phùng Gia Lộc 1995). Để biết thêm về những nỗ lực gần đây cho việc đánh giá lại ý nghĩa của phóng sự này, xem thêm các bài báo đăng trên Tuổi Trẻ Online, tại http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=114622&ChannelID=89. Bài thơ “Mùa Xuân Nhớ Bác” (28/3/1986) của Phạm Thị Xuân Khải cũng gây ra những tranh luận tương tự và đưa ra những câu hỏi nhạy cảm về cuộc sống sau chiến tranh. Theo những thông tin được đưa ra tại cuộc trưng bày, tác giả và những người đồng ý cho đăng bài thơ này đã gặp phải rất nhiều khó khăn sau khi bài thơ được công bố. Để biết thêm về bài thơ này cũng như những ảnh hưởng của nó và ý nghĩa lịch sử, xin xem thêm Tiền Phong Online (2006).
 (8) Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức ba hội nghị bàn tròn cấp cao trong năm 2005 và 2006 để thảo luận những vấn đề liên quan.
 (9)Tôi tri ân Christina Schwenkel đã nhắc cho tôi về những đề cập đến “tái tạo và hàn gắn chiến tranh” tại các bảo tàng (trao đổi riêng, 18/12/2007).
 (10) Trong thời kỳ này, vì những khan hiếm thường xuyên, có người dùng nước tiểu của mình để thay phân hóa học mà bón vườn rau (ngày ấy, nước tiểu được dùng để bón rau). Vì thiếu xăng dầu, nên nhiều người lái xe buýt chuyển máy chạy bằng dầu diesel của họ thành máy dùng than (xe than) để chuyên chở hành khách và hàng hóa từ thành phố này sang thành phố khác (phỏng vấn vào tháng 7 và tháng 8, 2006).
 (11) Giáo sư Nguyễn Văn Huy, giám đốc của Bảo tàng Dân tộc học là người chịu trách nhiệm triển lãm này. Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, một nhà nghiên cứu cũng làm việc tại bảo tàng Dân tộc học, đã trực tiếp xây dựng phòng trưng bày.
 (Còn tiếp)
Ken MacLean
Người dịch: Hương Ly
Nguồn: Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận Nhân học

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.