Người Khmer ở Trà Vinh nói riêng và ở Việt Nam nói chung là một tộc người có truyền thống nông nghiệp lâu đời. Trên cơ sở kế thừa những nền văn hóa rực rỡ, kết hợp với sự phát triển tự thân và tiếp thu những yếu tố văn hóa của các tộc người khác, người Khmer đã không ngừng phát triển và đổi mới để tạo ra bản sắc văn hóa của tộc người mình.
Tổ chức xã hội
Hiện nay, người Khmer và các tộc người khác ở Trà Vinh đều đặt dưới sự quản lý hành chính của nhà nước các cấp như ấp, xã, huyện, tỉnh. Nhưng đơn vị cư trú truyền thống của người Khmer là Phum và Srock.
Phum là đơn vị cư trú của người Khmer có từ năm đến bảy, hoặc từ chín đến 10 hộ gia đình. Tên của phum không có tên gọi riêng mà phổ biến thường lấy tên của người lập ra phum để làm tên phum. Là một đơn vị cư trú nhưng đồng thời phum cũng là một thiết chế xã hội dựa trên quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân. Do vậy, những người sống trong phum bao gồm khoảng từ ba đến bốn thế hệ của những người bà con thân thuộc về cả phía cha hoặc phía mẹ. Phum còn là đơn vị xã hội tự quản nhỏ nhất của người Khmer, đứng đầu là một Mê phum – người có uy tín và trách nhiệm với các công việc đối nội, đối ngoại của phum.
Bên cạnh đơn vị cư trú phum người Khmer còn cư trú theo đơn vi srock – một đơn vị cư trú lớn hơn. Srock của người Khmer là một tập hợp bao gồm nhiều phum lớn nhỏ khác nhau. Thông thường, srock được xác định qua vị trí của một ngôi chùa và tên gọi riêng của nó. Việc quản lý xã hội truyền thống của srock được dựa trên cơ chế quyền lực của cộng đồng và tổ chức Phật giáo Nam tông. Đứng đầu srock là một Mê srock, giúp việc cho một Mê srock là một ban quản trị được dân bầu ra. Bộ máy này thực hiện các chức năng đối nội, đối ngoại và tiếp xúc với nhà chùa để duy trì sự ổn định của xã hội, làm cho mối quan hệ của các thành viên trong cộng đồng được đảm bảo. Bên cạnh ban quản trị do nhân dân bầu lên thì cũng có tổ chức của nhà chùa Nam tông, bao gồm một vị sư cả và các sư phó. Nhà chùa gần như định hướng tư tưởng cho người dân trong cộng đồng. Triết lý nhà Phật được tiếp nhận như những triết lý sống trong hành vi và cách ứng xử của người dân. Do vậy, không nắm quyền quản lý hoàn toàn mọi công việc của một srock, nhưng tổ chức nhà chùa được kính trọng nhất và là linh hồn của một sock.
(Ảnh minh họa-Nguồn: Internet)
Ngày nay, vẫn tồn tại bộ máy tự quản srock Khmer, nhưng không còn các Mê phum, Mê Srock nữa mà chỉ còn lại bộ máy quản lý của nhà chùa. Bộ máy quản lý của nhà chùa không chỉ có các sư Nam tông, mà còn bao gồm cả một số người có uy tín cao trong srock gọi là Achar được nhân dân bầu ra để cùng với các sư chăm lo đời sống tinh thần cho họ. Như vậy bộ máy quản lý chùa bao gồm các sư quản lý về tư tưởng và những người Achar gọi là ban quản trị chùa.
Nhiều nơi ở Trà Vinh, có những trường hợp một srock trùng với một ấp, có sự tồn tại của cả hai hệ thiết chế xã hội truyền thống của người Khmer và nhà nước. Do vậy người dân vừa phải tuân thủ theo những luật pháp quy định của thiết chế nhà nước, nhưng đồng thời vẫn sinh hoạt, đặc biệt là sinh hoạt tín ngưỡng – tôn giáo theo thiết chế xã hội cổ truyền.
(Còn tiếp)
Nhóm tác giả