Nhớ thực tập, nhớ đồng bào Khmer Nam Bộ – Kỳ 4: Phải chăng là tội của cái nghèo?

0
938
Những hộ không có đất hoặc thiếu đất canh tác, khi xét theo mức thu nhập bình quân trên đầu người thường được xếp vào danh sách các hộ nghèo. Các hộ gia đình như vậy thường nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía nhà nước thông qua chính quyền địa phương. Bà con ở đây nhìn chung rất biết ơn nhà nước vì những sự hỗ trợ dành riêng cho họ. Đối với các hộ gia đình nghèo, nhà nước giúp được cái gì thì mừng cái đó. Vì thế, trong các buổi họp dân không cần biết vì lí do gì, khi đi họp các gia đình này thường mang theo sổ hộ nghèo để nếu có chương trình gì của nhà nước thì họ được nằm trong diện được hỗ trợ. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người dân với chính quyền địa phương không phải vì thế mà không có những bất cập, đặc biệt là trong vấn đề thông tin. Nhiều bà con không được đưa giấy mời hoặc có thông báo chính thức từ những người có trách nhiệm trong tổ mà đa phần, bà con truyền tai nhau để biết về thông tin. Chị Ngọc nói: “Sáng nay chị đang nhổ cỏ trong vườn thì có hàng xóm qua nói đi họp ở chùa biết. Dù gì thì cũng phải báo cho người ta biết sớm một hai ngày để người ta còn thu xếp, như chị, chị làm ở nhà thì còn bỏ mà đi được còn như người khác đi làm thuê báo đột xuất như vậy ai dám bỏ việc mà đi họp” (chị Kim Bảo Ngọc, 29 tuổi, phỏng vấn ngày 25/5/2010).
Các hộ gia đình nghèo vì điều kiện kinh tế khó khăn luôn có nhu cầu được giúp đỡ, nhiều khi vì thế dẫn đến tình trạng so sánh phân bì giữa nhà này với nhà kia gây mất đoàn kết trong nội bộ xóm. Chị Ngọc cho biết, ngoài việc những người có trách nhiệm trong ấp không báo tin cho bà con biết thì nhiều người trong xóm với nhau: “Ai thương thì cho mình hay, ai không thương thì thôi, đến khi nhà này biết tin đi đăng kí thì được hỗ trợ còn nhà nào không biết thì đành chịu chờ qua đợt khác”.
 “Những hộ không có đất hoặc thiếu đất canh tác, khi xét theo mức thu nhập bình quân trên đầu người thường được xếp vào danh sách các hộ nghèo.” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Chính quyền nhân dân trong ấp ra sức phấn đấu khuyến khích bà con thoát nghèo. Tuy nhiên, tình trạng hộ thoát nghèo thì ít mà hộ nghèo phát sinh lại gia tăng. Trong năm qua, toàn ấp chỉ có 11 hộ thoát được nghèo nhưng có đến 29 hộ nghèo mới phát sinh. Tình trạng các hộ nghèo vẫn không được giải quyết dù nhà nước đã hỗ trợ cho họ rất nhiều các chính sách. Đây vẫn được xem là một bài toán lớn, khó lòng được giải quyết một sớm một chiều. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là vì các hộ gia đình nhận được sự hỗ trợ của các chính sách, đặc biệt là nguồn vốn, nhưng họ không biết phải đầu tư sản xuất bằng cách nào để đồng vốn có thể sinh lời. Những người thuộc diện hộ gia đình nghèo vốn dĩ không có đất để sản xuất, trong khi các ngành nghề phi nông nghiệp không cần đến đất đai lại chưa phát triển khiến cho họ không tìm được việc làm. Chính vì thế, nhà nước dù đã đầu tư rất nhiều vốn nhưng đồng vốn bà con nhận được không những không sinh lời mang còn bị tiêu pha cho các chi phí khác dẫn đến nợ nần không trả được.
Một số bà con nghèo có ý chí vươn lên còn cố gắng xoay sở cách này cách khác để làm ăn. Ngược lại, một số bà con vì tâm lí sợ nợ nần suốt đời nên đành chấp nhận cuộc sống nghèo đói. Khi được hỏi về vấn đề vay vốn để đầu tư cho sản xuất, chị Thạch Thị Dự nói: “Số mình lỡ nghèo kiếp này rồi thì cứ đến đâu hay đến đó chứ cô cũng không muốn vay mượn gì ai. Cô chỉ cầu xin cho kiếp sau mình cũng có ruộng đất như người ta để mình không còn đi làm mướn nữa.” (chị Thạch Thị Dự, phỏng vấn ngày 24/5/2010).
Xuất phát từ niềm tin có luân hồi, chuyển đổi số kiếp trong giáo lí Phật giáo, bà con nghèo ở đây thường mang tâm lí tự ti, không cố gắng vươn lên trong sản xuất. Họ thường trông chờ vào sự may rủi của số phận. Bà con nghèo cũng có thói quen với cách làm từ trên xuống, quen chấp hành mệnh lệnh. Mặt khác vì chưa có thói quen trong việc bàn bạc, lấy quyết định, hoặc kiểm tra nên thường có tâm lí dựa dẫm, phụ thuộc, thậm chí ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Ngoài ra, mang trong mình văn hoá của người phương Đông, bà con thường có não trạng sợ quyền lực, sợ thất bại, ngại có ý kiến, ngại rủi ro, không dám thử nghiệm. Người dân nhiều khi còn e dè trước những sinh hoạt tập thể, chưa ý thức được quyền làm chủ, thiếu tự tin, hay tự ti về số phận, năng lực và trình độ của mình. Đôi khi vì không muốn làm trái với truyền thống, nhiều bà con chỉ thích làm theo tập quán và niềm tin từ đó không muốn thay đổi cuộc sống của mình.
Lưu Thủy
Các bài viết liên quan:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.