Nhớ thực tập, nhớ đồng bào Khmer Nam Bộ – Kỳ 3: Chật vật với cuộc sống mưu sinh tại quê nhà

0
1093
Đối với người Khmer, việc chia ruộng cho con cái khi ra ở riêng là một truyền thống lâu đời. Ruộng đất đối với con cái đó là một tài sản quan trọng mà họ được thừa kế từ cha mẹ họ. Càng về sau, diện tích đất đai càng thu hẹp do dân số tăng, bình quân diện tích đất theo đầu người giảm xuống. Tiến trình kinh tế phân ruộng đất và tăng dân số tự nhiên đưa đến một hệ quả tất yếu là quy mô sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần. Chính điều này ảnh hưởng rất lớn đến người nghèo làm thuê bởi họ không thể tìm được việc làm thuê nông nghiệp vốn là nguồn thu nhập chính của họ tại địa phương. Anh Thươl cho tôi biết: “Ngày xưa đất ruộng rộng bao la, một gia đình canh tác không xuể, nhiều khi phải chia cho người khác làm hoặc mướn người làm còn bây giờ đất đai thu hẹp, một mình mình làm còn thấy không đủ thì huống hồ là mướn ai làm” (anh Thạch Thươl, tổ 3, ấp Bà My, xã Hoà Ân).
 
Hiện nay, với sự hỗ trợ vốn của nhà nước, bà con đồng bào Khmer không có đất canh tác khi quyết định ở lại quê ngoài việc đi làm thuê còn có thêm hoạt động chăn nuôi. Tuy nhiên, vì đất vườn của họ không được lớn và vốn đầu tư vốn cũng không được nhiều nên trong việc chọn lựa cách sản xuất, người dân cũng phải chọn lựa cách thức phù hợp với điều kiện của họ. Chị Ngọc nói:“Mình cũng muốn nuôi heo, nuôi bò như người ta nhưng mình không có điều kiện thì mình tính theo kiểu của mình. Em tính xem, nuôi bò muốn lời phải nuôi từ ba con trở lên mới có lời mà vốn nuôi bò lại nhiều, còn phải làm cả chuồng cho nó, nuôi heo cũng vậy. Nhà chị làm gì có đất để làm chuồng, vốn cũng không có. Nhà nước họ hứa cho vay một triệu mà chờ hoài có thấy đâu. Chị chỉ còn một cách là góp vốn, vay mượn chỗ này chỗ kia để bắt vịt nuôi thêm.” (chị Kim Bảo Ngọc, 29 tuổi, phỏng vấn ngày 23/5/2010).
 
 “Tiến trình kinh tế phân ruộng đất và tăng dân số tự nhiên đưa đến một hệ quả tất yếu là
quy mô sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet 
 
Có thể thấy, trong điều kiện các hộ gia đình không có đất và vốn như hiện nay, chăn thả vịt đuợc xem như hình thức sản xuất phù hợp nhất vì vừa tận dụng được môi trường tự nhiên sẵn có với nguồn nước từ kênh rạch, vừa không mất nhiều vốn cho đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư cho việc chăn thả vịt của bà con thường được làm với quy mô rất nhỏ và với mục đích phụ thêm trong lúc không có ai gọi làm thuê chứ không được xem như một hoạt động sản xuất chính. Vì vậy, nguồn thu nhập mang lại từ đàn vịt không cao, thậm chí còn thua lỗ do bà con ở đây chủ yếu quan tâm đến việc chăn thả theo đàn vịt ăn từ ruộng này sang nhà khác chứ chưa chú trọng đến phòng dịch bệnh. Với quy mô sản xuất nhỏ và mang tính chất hộ gia đình, chỉ cần một thay đổi nhỏ như một đợt dịch cúm gia cầm cũng làm mất đi một khoản chi phí nhất định và tất nhiên làm ảnh hưởng đến thu nhập của hộ. Đó là lí do vì sao, người dân nghèo Khmer mặc dù số vốn vay không nhiều nhưng họ khó có thể trả được cho nhà nước và để tình trạng nợ tiếp tục gia tăng theo thời gian.
 
Ngoài việc chăn nuôi vịt, một số hộ gia đình không có đất khác còn mưu sinh bằng việc mở vài quán hàng nhỏ nhờ tận dụng mặt đường lộ để buôn bán. Tuy nhiên, cũng do đầu tư quá nhỏ nên việc buôn bán này cũng không sinh lời được bao nhiêu. Khi được hỏi về số vốn đầu tư cho quầy hàng tạp hoá đang có, bà Thạch Thị Sa Ngao cho biết: “Tôi cũng không biết tính sao nữa, thì thấy hết cái gì thì mình lấy thêm cái đó, cũng lấy hai ba bọc kẹo, vài dây xà bông về bán cho có bán chứ nếu mà mình nghỉ sau này bán lại cũng khó vì không có khách quen đến mua”. (Bà Thạch Thị Sa Ngao, 63 tuổi, phỏng vấn ngày 20/5/2010).
 
Vì sản xuất các vụ lúa là hoạt động chủ yếu từ xưa đến nay của người dân và tập quán cư trú của người Khmer gắn liền với nông nghiệp nên việc cư trú gần các trục lộ giao thông và việc buôn bán các hàng quán nhỏ không phải để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Cũng vì hoạt động buôn bán không phải là sở trường của người Khmer nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu việc làm của người lao động ở đây.
 
Qua việc tìm hiểu về các hộ gia đình không có đất tại địa bàn tổ 2, ấp Bà My, tôi nhận thấy tình hình kinh tế chung của bà con tập trung chủ yếu vào việc làm mướn nông nghiệp và một số hoạt động khác như chăn nuôi, buôn bán hàng quán với quy mô nhỏ và làm công nhân xa nhà. Ngoài ra không thấy có một hoạt động phi nông nghiệp nào đáng kể. Tôi cho rằng, trong điều kiện của bà con Khmer hiên nay, khi mà các nghành nghề phi nông nghiệp còn chưa phát triển thì việc không có hoặc thiếu ruộng đất là một nguyên nhân dẫn đến nghèo đói.
 
Lưu Thủy
 
Các bài viết liên quan:
 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.