Ruộng đất và số phận của người nghèo
Với môi trường địa lí tự nhiên thuận lợi, người dân trong ấp Bà My sống phần lớn nhờ các hoạt động nông nghiệp như trồng lúa, trồng cây ăn quả hoặc hoa màu. Do đó, đối với những hộ gia đình có đất canh tác, điều kiện tự nhiên thuận lợi là một thế mạnh đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất và giúp tăng thu nhập kinh tế cho hộ gia đình. Nói về việc này, chú Chung Sốc cho tôi biết: “Mình có đất là cái gì cũng làm được, không lo chết đói, có đất mình có thể làm được đủ thứ chuyện, không trồng cái này thì trồng cái khác. Bây giờ nghĩ lại thấy tiếc, giá như ngày xưa tôi đầu tư mua đất thì bây giờ chỉ đem đi bán lại cũng đã rất lời. Ngày xưa một công đất khoảng hai chỉ vàng còn bây giờ giá đất đã lên bao nhiêu, tính một công đất bình thường đã là một cây rưỡi vàng rồi. Ai càng có nhiều đất người đó càng giàu, ngày xưa không ai nhìn được xa, đất đầy dẫy mà không biết mua để dành.” (chú Chung Sốc, 56 tuổi, tổ 7, ấp Bà My, xã Hoà Ân, phỏng vấn ngày 22/5/2010).
Điều đó có thể thấy được một cách rõ ràng hơn khi người dân ở đây xem sự ổn định về mặt kinh tế của mình phụ thuộc vào số lượng đất mà họ có được. Đất đai được xem như tư liệu sản xuất chính của bà con Khmer, người nào giàu có cũng là vì họ được sở hữu nhiều ruộng đất, ngược lại người nào nghèo, đi làm thuê cũng là vì họ không có đất. Khi được tôi hỏi về số đất mà gia đình có được, chị Thạch Thị Dự trả lời: “Nhà cô đâu có đất ruộng đâu con, chỉ có miếng đất cất nhà ở đây ở đây chừng hơn 600m hơn chứ mấy. Mình đâu có đất nên suốt đời cứ phải đi làm mướn cho người ta.” (chị Thạch Thị Dự, 43 tuổi, tổ 2, ấp Bà My, xã Hoà Ân).
Vấn đề sở hữu ruộng đất gần như gắn bó một cách chặt chẽ với hoạt động sản xuất kinh tế của người dân trong khu vực này. Những câu hỏi về ruộng đất bao giờ cũng đi kèm theo sau đó là câu trả lời về kinh tế của hộ gia đình. Những người thiếu hoặc không có đất canh tác như những hộ gia đình ở tổ 2 không có một chọn lựa nào khác ngoài việc đi làm thuê để sống qua ngày. Tuy nhiên, việc làm thuê của những hộ gia đình này không phải lúc nào cũng ổn định mà luôn bấp bênh và mang tính phụ thuộc rất nhiều.
“Mình có đất là cái gì cũng làm được, không lo chết đói, có đất mình có thể làm được đủ thứ chuyện, không trồng cái này thì trồng cái khác” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Đầu tắt mặt tối với việc làm thuê
Việc làm thuê của người dân nghèo bao giờ cũng có từng đó việc, ngày xưa cũng như ngày nay, ai gọi làm gì thì làm đó, cứ theo vụ mùa luân phiên nhau hết đợt gánh dưa thì đi đào đất, rồi dặm lúa cấy lúa, đến mùa gặt thì đi gặt lúa, gánh lúa. Đàn ông ai khoẻ mạnh thì làm bốc vác, dục xình, “đã gọi là làm muớn thì nghề gì cũng làm, miễn là kiếm được cái ăn, chứ bây giờ ở nhà thì lấy cái gì mà ăn” (cô Thạch Thị Dự). Cô Dự còn cho biết thêm, cô sinh ra trong nhà nghèo không có đất, từ nhỏ đến giờ làm không biết bao nhiêu việc. Cô kể : “Mình không có ruộng, cũng không biết cày cấy cho người ta mà ngày xưa tời giờ cô cũng đủ nghề, nghề gì cũng làm hết trơn á. Ngày xưa thì theo mẹ bán bánh bò, lớn lên một tí thì mua khoai mì, luộc bán khoai mì, hết bán ngoài chợ thì bán ngoài ruộng, sau này thì đong gạo đi bán. Lấy chồng, chú đi cắm câu thì cô chuyển sang bán cá, rồi bây giờ tích góp mua được cái tủ lạnh thì ở nhà bán hàng nước vậy thôi.” (cô Thạch Thị Dự, 43 tuổi, tổ 2, ấp Bà My, xã Hoà Ân).
Số phận của người làm thuê vất vả đầu tắt mặt tối vậy mà nghèo vẫn hoàn nghèo vì họ không có việc gì là cố định. Ngày xưa, công việc làm muớn cho người ta chỉ làm loanh quanh trong xứ, “đi trong xứ chứ không đi xa. Hồi đó có ai đâu mà xa, mình chỉ mần đằng sau ra đằng trước rồi quay vòng lại.” (bà Thạch Thị Sóc, phỏng vấn ngày 25/5/2010). Còn bây giờ cũng là đi làm mướn mà khó khăn hơn rất nhiều, chú Thạch Phan nói: “Ở xứ mình bây giờ cứ ngồi ở nhà thì không biết việc gì để làm vì không ai thuê mình nữa”. Vì thế họ chỉ còn một cách là phải đi xa, ra các tỉnh khác xung quanh để làm. Nhiều người làm muớn trong xứ mỗi khi có chủ ruộng gọi là họp thành từng băng, từng nhóm có khi từ 20 đến 50 người thuê xe đi để làm, có khi đi đến Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu,… Mỗi chuyến đi như vậy thường rất vất vả. Họ chia thành từng tốp nấu ăn, rồi ngủ ngay ngoài sân của nhà chủ. Những chuyến đi được xem là thành công thì tiền lời tính ra cũng không được bao nhiêu. Người ta trả cho được một triệu thì trừ đi các khoản chi phí xe cộ, ăn uống còn lại cũng khoảng 500 nghìn. Đó là chưa tính đến những chuyến đi thất bại họ phải chịu lỗ, vì người ta gọi mình mà đến nơi lại không cần mình nữa.
Việc làm thuê tuy khó khăn như vậy nhưng không phải lúc nào người ta cũng gọi mình để làm. Một phần vì việc làm thì ít mà người làm mướn quá đông, một phần vì máy móc công nghiệp được đưa vào hoạt động nông nghiệp, năng suất vừa cao, giá vừa rẻ khiến người ta không còn thuê người đi làm mướn nữa. Bác Thạch Thị Sa Giêng nói: “Ngày xưa thì còn cấy, còn cắt lúa chứ bây giờ máy có ăn hết rồi còn đâu nữa mà cắt”. Tôi hỏi anh Thươl về vai trò của máy móc trong sản xuất nông nghiệp ngày nay thì được biết gần như trong hầu hết các giai đoạn của một mùa vụ, người ta đã bắt đầu đưa máy móc vào sản xuất. Từ lúc chuẩn bị sạ lúa cho đến khi thu hoạch, người ta đã phải dùng đến ba bốn loại máy khác nhau để làm. Đầu tiên là máy bươi hoặc máy cày để làm tơi đất. Ở đây người nông dân vẫn còn dùng cách đốt gốc rạ thay cho việc bươi đất, tuy nhiên việc này cũng chỉ có thể làm vào mùa khô mà thôi. Đến khi lúa lên được bảy ngày thì người ta lại bắt đầu cho nước vào ruộng bằng máy bơm nước, rồi chờ cho lúa làm đòng và chín người nông dân dùng máy gặt hoặc máy gặt đập liên hợp để gặt lúa. Vai trò của máy móc đưa vào sản xuất trong nông nghiệp mang lại năng suất ngày càng cao cho người nông dân, giúp cho có thể làm được nhiều vụ hơn. Tuy nhiên, một khi máy móc được đưa vào thì tình trạng thất nghiệp của những người làm thuê cũng vì thế mà gia tăng. Những người có ruộng chỉ cần đến những người làm mướn những lúc nào không thể dùng máy được, như những lúc lúa bị “sập” mà thôi, còn bình thường thì không ai thuê công cắt hay gánh làm gì vì đã có máy móc làm hết.
Lưu Thủy
Các bài viết liên quan:
Nhớ thực tập, nhớ đồng bào Khmer Nam Bộ – Kỳ 1: Băn khoăn với những gia đình Khmer nghèo