Người Công giáo di cư – Kỳ 4: Cùng xây dựng ngôi nhà chung

0
835
Trong những ngày đầu định cư trên vùng đất mới, mặc dù người dân còn phải lo cuộc sống và làm nhà ở cho gia đình, nhưng tất cả đều rất nhiệt thành tham gia vào công trình xây dựng nhà thờ của giáo xứ.
(Xây nhà thờ, Nguồn: Internet)
Công việc được phân chia cho các giáo họ tuỳ theo số giáo dân nhiều hay ít. Các thanh niên khoẻ mạnh rủ nhau vào rừng, xuống những khe đồi, khe suối sâu, rậm rạp, tìm cho ra những cây gỗ tốt và đủ kích cỡ. Việc đưa được một cột từ dưới khe lên mặt đồi thật là vất vả, sau đó mới hò nhau khiêng về. Ở nhà đã có sẵn toán thợ lành nghề, họ đẽo gọt, bào nhẵn nhụi từng cây rồi đục mộng, cắt mang. Những người kém sức khoẻ hơn thì ở nhà tham gia công việc nhẹ.
Ngày cất nhà thờ như một ngày hội, các thanh niên, thanh nữ khoẻ mạnh đều đến tham gia, nét mặt cha con ai nấy hết sức vui mừng. Theo lệnh của thợ cả, từng vì đã được cất lên trong tiếng reo hò, chẳng mấy chốc các vì đã sừng sững, đứng hiên ngang giữa bầu trời trong sáng. Nhà thờ có chiều dài 45 mét, chiều ngang 10 mét với 4 hàng cột, hai hàng cột cái, hai hàng cột quân được chống kỹ lưỡng.
Ngày lợp tôn chỉ có các thợ lành nghề ở trên, còn số người khác thì ở phía dưới. Từng tấm tôn fibrô cement nặng nề được kéo lên bằng dây thừng, lợp xong tấm này rồi đến tấm khác. Khi đã lợp được 2/3 mái, cha xứ đi ra từ nhà xứ tiến vào trong nhà thờ, nhìn lên mái nhà rồi gật đầu mấy lần, ngài khích lệ những người thợ. Đột nhiên những tiếng răng rắc, rồi một tiếng rầm thật lớn. Cha xứ không rõ chuyện gì liền chạy vội ra, không thấy nhà thờ đâu nữa, mà chỉ thấy bụi mù cuồn cuộn bốc lên. Cha xứ chạy đến nơi, các giáo dân ở chung quanh gần đấy cũng vừa la hét vừa chạy ra. Những người tại hiện trường đều xanh máu mặt, nhất là những ông thợ ở trên nóc nhà bay xuống. Cha cho kiểm tra lại kĩ lưỡng xem có ai thương vong không? Rất may, chỉ có hai người bị thương nhẹ. Thế là bao nhiêu công sức của cả cha lẫn con đều tan thành mây khói, tôn bị vỡ, kèo cột thì vỡ mang, gẫy mộng không còn dùng được nữa. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng. Đến năm 1955, nhà thờ cũng tạm ổn định. Dù chưa kịp cán nền, mọi người vẫn cố gắng hối thúc nhau để kịp ngày Đức Giám Mục ghé lại để làm phép nhà thờ mới.
Cuối năm 1955, khi mùa mưa vừa chấm dứt, những con nắng hanh và lốc xoáy bắt đầu xuất hiện. Một cuộc hoả hoạn đã xảy đến với giáo khu Tràng Quan. Theo các cụ thì đây là một cuộc hoả hoạn lớn chưa từng thấy. Khi lửa đã bắt đầu vào được vách lá, những tàu lá buông vừa cháy vừa bay lên trời cao theo chiều gió như những cánh diều lửa, vì thế lửa lan đi rất nhanh. Nó thiêu rụi toàn bộ nhà cửa của giáo khu Tràng Quan và một phần của giáo xứ Văn Côi. Ngay sau cuộc hoả hoạn, để tránh sự phẫn nộ của một số người, Hiến Binh đã đến dẫn đi người chủ căn nhà là ông Đa Minh Nguyễn Văn Tung. Chính phủ và hai cha cũng đã bắt tay ngay vào việc trợ cấp lương thực, thực phẩm cho dân và giúp cho mỗi gia đình nạn nhân 200 đồng để ổn định lại cuộc sống.
Năm 1955 là một năm đầy gian nan vất vả. Tuy nhiên, vượt qua bao nhiêu gian khổ đó, người giáo dân giờ đây đã có nơi thờ phượng.
Mặc dù đời sống vật chất của người giáo dân trong xứ còn rất nhiêu khê, chưa được ổn định, nhưng đời sống đạo đức của họ thật tuyệt vời. Sớm tối trong thánh lễ hoặc các giờ kinh nguyện đều đầy ắp giáo dân. Thứ năm, thứ sáu, thứ bảy hàng tuần, các đoàn thể chia nhau làm giờ đền tạ, chầu Thánh Thể rất sốt sắng. Mặc dù, đa số các vị trong Hội Dòng Ba đã cao tuổi, nhưng họ không nghỉ trưa mà lại cùng nhau đến Thánh Đường để cầu nguyện.
Cha xứ đặc biệt quan tâm đến hùng tâm dũng chí. Ngài tiến cử ông quản Đaminh Đinh Tuận và bà quản Maria Đỗ Thị Huyền, để các vị trông coi và dạy giáo lý cho các em. Các em chuẩn bị xưng tội lần đầu và chịu phép thêm sức thì được quan tâm đặc biệt về giáo lý. Các em lớn hơn còn được hướng dẫn về các kĩ năng sinh hoạt đạo đức tập thể như: Nguyện ngắm, dâng hoa, dâng hạt…
Hội Bát Am đã được thành lập từ ngoài Bắc, cũng được duy trì và mở rộng, để phục vụ những ngày lễ trọng có tổ chức rước kiệu, hoặc đệm trong lúc tế lễ hoặc ngắm lễ. Bát âm còn được dùng trong nghi thức lễ tang.
Trên đường di cư, cha xứ đã mua được một bộ trống, sâm ban và một số kèn đồng, nên Ngài đã cho thành lập hội kèn. Cha tiến cử ông Phạm Kim Động làm trưởng ban và ông ký Ân người gốc Thuần Tuý ở giáo khu Tràng Quan làm nhạc trưởng, huấn luyện các hội viên.

Để nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, cha xứ thường xuyên kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện và năng đến thăm hỏi những người đau ốm, tàn tật, các gia đình gặp hoạn nạn, giúp đỡ họ về tinh thần, vật chất nếu có thể được. Cha xứ là người đi tiên phong trong việc này. Có những ngày rất bận vì công việc, nhưng cha vẫn dành thời giờ để viếng thăm, phát thuốc, ban các phép Bí Tích, hoặc giúp đỡ tiền bạc cho những hoàn cảnh như trên.

theo Đức Khương
Các bài viết liên quan:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.