Một đêm trọn vẹn

0
1072

Đêm nay có lẽ là một đêm tôi không bao giờ quên bởi vì tôi đã được sống trong một cái không gian âm nhạc tuyệt vời.

Hôm qua, tôi được một chị bạn mời đi tham dự buổi biểu diễn nhạc cổ điển vào tối 28/5/2011. Thực tình, chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến việc được tham dự một buổi biểu diễn nhạc cổ điển. Tôi yêu nhạc, yêu nhiều thể loại nhạc và trong đó có nhạc cổ điển. Tôi thích lắm những bản nhạc cổ điển, bởi mỗi khi nghe chúng, tôi cảm thấy thanh thản vô cùng. Cuộc sống luôn kéo tôi, cuốn tôi và tôi theo nó. Và những bản nhạc cổ điển lãng mạn giúp tôi cân bằng cuộc sống.

Quay trở lại lời mời của chị bạn tôi hôm qua. Buổi nghe nhạc cổ điển này là một buổi “offline” của câu lạc bộ Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn. Buổi “offline” sẽ diễn ra từ sáu giờ tối đến chín giờ tối. Tôi thấy mình thật may mắn. Và tôi nhận lời mời của chị ngay.

Mặc dù tôi “lăn lộn” suốt ngày hôm nay nhưng sự mệt mỏi không làm tôi mảy may đắn đo suy nghĩ về việc có nên đi nghe nhạc cổ điển hay không, bởi đơn giản là tôi yêu nó. Vừa dạy học xong, khoảng sáu giờ kém, tôi vội vã gọi điện cho chị qua đón tôi. Chẳng để tôi đợi lâu, sáu giờ chị tới. Ngoài trời, mưa không lớn nhưng cũng đủ để chúng tôi phải mặc áo mưa. Mặc áo mưa xong, hai chị em vội vàng chạy đến đường Hai Bà Trưng – nơi sẽ diễn ra buổi biểu diễn.

Chúng tôi đến nơi là 6h15, trễ 15 phút so với chương trình. Sau khi đã kiểm tra danh sách đăng ký, chúng tôi đi lên cầu thang để đến khán phòng biểu diễn. Vừa đặt chân lên bậc thang đầu tiên, tôi đã nghe thấy tiếng đàn dương cầm du dương. Tôi không cầm nổi sự háo hức nên bước vội lên cầu thang. Cầu thang ngắn. Trước mắt tôi là một khán phòng không lớn, tối nhưng mọi người vẫn có thể thấy mặt nhau được nhờ ánh đèn vàng mờ. Tôi khá ngợp vì căn phòng tuy nhỏ nhưng chật ních người nghe.

Vừa bước vào khán phòng, tôi được người tiếp tân lịch sự chuẩn bị cho một cái ghế và chị bạn tôi một cái. Chúng tôi ngồi ở hai hàng ghế khác nhau. Thực tình, thông tin tôi nhận được từ chị bạn của tôi trước khi đến đây chỉ là “tụi mình đi nghe một buổi biểu diễn nhạc cổ điển”. Chị biết đến buổi biểu diễn này nhờ một người bạn trong Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn giới thiệu. Chỉ khi tôi bước vào khán phòng, nghe hết bản nhạc thứ nhất do hai nghệ sĩ nữ rất trẻ trình bày, tôi mới biết được nội dung của buổi biểu diễn hôm nay là nhằm Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Franz Liszt (1811-2011).

Trước khi đến đây, tôi lo sợ mình sẽ ngủ gật vì đi cả ngày, quá mệt, nhưng cơ hội nghe nhạc ngàn vàng chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến này không cho phép tôi từ chối lời mời  Thật lạ, chẳng những tôi không ngủ gật như sự lo sợ trước khi đến đây, mà ngược lại, tôi như bị cuốn hồn vào trong từng bản nhạc cổ điển lãng mạn. Tôi bị chị dẫn chuyện hớp hồn. Giọng chị nhẹ nhàng, truyền cảm, từ từ dẫn chúng tôi vào từng bản nhạc. Tôi không thể tưởng tượng được lại có một người Việt rành về âm nhạc cổ điển không chê vào đâu được như chị. Nhờ có những lời dẫn truyện hay những lời giới thiệu khéo léo, “phù thủy” của chị mà tôi có thể hòa mình vào một “bữa ăn” tinh thần tuyệt vời như vậy. Chị giúp chúng tôi từ từ cảm nhận từng bản nhạc cổ điển, để chúng tôi sống trọn đêm nhạc “Franz Liszt, “phù thủy” dương cầm

Bản nhạc thứ hai, tôi quen. Tôi đã nghe bản nhạc này nhiều lần lắm rồi, nhưng không bao giờ tôi chịu nhìn tên của nó, hay chịu nhìn tên tác giả. Đó là bản Liebestraum No. 3 in A-flat major do Liszt sáng tác, và biểu diễn bởi nghệ sĩ: Tuấn Mạnh. Tiếng nhạc làm tôi say đắm, nhắm mắt lại cảm nhận từng âm thanh, từng giai điệu của bản nhạc.

Buổi biểu diễn hôm nay gồm 12 bài chính thức và một bài bonus. Sau khi biểu diễn  bảy bài đầu tiên thì chúng tôi nghỉ giải lao, có dùng nước lọc và một chút bánh. Sau khoảng 15 phút, chúng tôi trở lại ghế ngồi và ổn định để tiếp tục nghe tiếp phần hai.
Tôi đoán, đa số các anh chị nghệ sĩ biểu diễn hôm nay là sinh viên, bởi vì một là nhìn họ rất trẻ, nhiều người khoảng ngang tuổi tôi hoặc hơn tôi vài tuổi, hai là vì trong khán phòng nhỏ này có khá nhiều giảng viên của Nhạc viện thành phố HCM. Trong 13 nghệ sĩ, tôi ấn tượng nhất với anh Tuấn Mạnh. Mặc dù, anh trông rất trẻ, nhưng tài năng thì “rất già”. Anh biểu diễn ba bản nhạc chính thức và một bản nhạc bonus: một là bản nhạc vừa nãy tôi nhắc đến, hai là bản La campanella và cuối cùng là bản nhạc kết thúc chương trình-Hungarian Rhpsody No. 2 in C-sharp minor. Anh có một phong cách rất riêng so với những nghệ sĩ khác. Mỗi khi anh lên phía cây đàn piano để  chuẩn bị biểu diễn là anh lại vặn nhỏ đèn lại, chỉ để ánh đèn vàng mờ mờ, có lẽ anh muốn tạo một không gian huyền ảo. Khi chơi nhạc, anh rất nhập tâm. Anh chơi nhạc bằng tất cả con người anh, không chỉ qua đôi bàn tay, mà còn qua con tim và toàn bộ cơ thể anh. Điều đó làm tôi bị cuốn theo từng bản nhạc anh chơi. Sau mỗi bài anh chơi, mọi người trong khán phòng đều vỗ tay rất to và tràng pháo tay kéo dài rất lâu.
Qua từng bản nhạc, tôi như sống trong một không gian tràn ngập văn hóa Âu châu thời kỳ lãng mạn. Mặc dù tôi phải nhịn đói và mãi đến hơn chín giờ mới ăn tối, nhưng thực sự, buổi tối hôm nay tôi đã được thưởng thức no nê một “bữa ăn” âm nhạc tuyệt vời và tôi sẽ không bao giờ quên.
Mỹ An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.