Có những ký ức thời niên thiếu và tuổi trẻ sống mãi trong tâm tư mình và là hành trang để mỗi người bước đi trong đời.
Giấc mơ lớn trên sân ga nhỏ
Đòi hỏi sự hiểu biết xã hội, con người
Kiến trúc sư là một nghề đặc biệt, vì mỗi công trình kiến trúc không chỉ là tác phẩm sáng tạo của một kiến trúc sư mà còn ẩn chứa đằng sau những mối quan hệ xã hội, nhân văn chồng chéo. Một bản vẽ muốn biến thành công trình xây dựng phải có sự hài hòa, tương hợp và thấu hiểu giữa kiến trúc sư vẽ bản vẽ và những người thi công, chủ đầu tư.
Chính vì thế, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành kiến trúc còn cần trang bị cho mình những hiểu biết về xã hội, đời sống cộng đồng, tính cách con người… Nhìn lại thời tuổi trẻ, tôi thấy mình may mắn vì đã chọn đúng nghề và chọn đúng cách để trau dồi nghề nghiệp.
Đó là một buổi chiều mùa hè năm tôi học xong lớp 10. Trên sân ga nhỏ ở tỉnh lẻ, tôi gặp một anh bạn đồng hương đang là sinh viên trường đại học kiến trúc. Anh trân trọng cầm trên tay một bản vẽ bọc ngoài bằng giấy báo. Tôi hỏi và anh cho xem. Đó là một bài tập ở trường kiến trúc. Cảm giác đầu tiên khi tôi nhìn thấy bài tập ấy là sự choáng ngợp. Tôi hỏi: “Có thật sự là anh vẽ không?”. Và khi được xác nhận chính anh ấy vẽ, tôi gần như ngạt thở. Đó là một chi tiết kiến trúc cổ điển được vẽ bằng mực tàu.
Trong mắt thằng bé – tôi lúc ấy – nó đẹp như bức ảnh chụp! Lúc ấy – và cả thời gian về sau nữa – hai chữ “kiến trúc” cứ ám ảnh mãi trong đầu. Về sau, tôi mới biết chính phút giây đầu tiên mà tôi sững sờ nhìn vào bài tập của anh sinh viên ấy cũng là lúc tôi chọn nghề cho mình. Và tôi đã thi vào kiến trúc.
Gia cảnh tôi lúc đó bình thường, cha mẹ làm nông, đủ ăn đủ mặc, không giàu không nghèo. Việc thi vào kiến trúc của tôi ban đầu cũng bình thường, đến khi vào học tôi mới biết được một “sự thật” kinh khủng là chi phí học tập của sinh viên ngành kiến trúc quá cao, gia đình tôi lúc đó mới thấy “choáng” với việc học của tôi.
Một cây bút kim Rotring dùng để vẽ lúc đó đã ngang giá tổng chi phí một tháng ăn, ở, trọ học của tôi. Một sinh viên kiến trúc không chỉ cần một cây bút mà cần cả bộ. Tiền sách tham khảo cũng rất kinh khủng khi một quyển sách dạng gối đầu giường của sinh viên kiến trúc lúc đó có giá bằng ba tháng chi phí ăn ở!
Trong năm học đầu, tôi đã chứng kiến một anh sinh viên làm bài thi tốt nghiệp tốn đến 1 triệu đồng, trong khi chi phí cho một sinh viên ăn ở, học tập lúc đó một tháng chỉ có 4.500 đồng. Hằng tháng sinh viên kiến trúc còn phải làm bài tập nộp cho thầy cô giáo. Chi phí giấy và các loại chiếm khoảng 30% tiền ăn ở của một tháng.
Nguyên cả năm học đầu tiên tôi không có cây bút Rotring nào, nhưng đến cuối năm, khi đi theo các anh sinh viên lớp trước để phụ làm đồ án tốt nghiệp, tôi được cho một cây bút đầu tiên.
Bài học làm việc nhóm
Một nét đẹp gần như đã thành truyền thống của sinh viên kiến trúc là việc người đi trước rước người đi sau bằng cách sinh hoạt thành những nhóm 5-7 sinh viên các khóa, từ mới tinh đến “ma cũ” năm cuối. Tôi cũng gia nhập một nhóm các anh sinh viên đi trước, cùng các anh đi làm thêm, rồi phụ việc cho các anh khi anh lớn nhất thi tốt nghiệp. Hoạt động của một nhóm đủ các lớp như vậy có tác dụng rất tốt đến đời sống tinh thần lẫn vật chất của sinh viên. Một mặt tôi học được nhiều ở các anh về chuyên môn, có cơ hội cọ xát thực tế, mặt khác các anh cũng giúp đỡ đàn em về vật chất. Nhiều sinh viên gia cảnh khó khăn đã đi tiếp con đường học vấn nhờ sự trợ giúp của các đồng nghiệp tiền bối đó.
Năm 1975, tôi đang sống đời sinh viên và đã nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới, hăm hở tham gia hoạt động Đoàn, bên cạnh đó là đi làm thêm cùng các anh khác để tiếp tục học tập. Chúng tôi làm thêm ở các văn phòng kiến trúc, vẽ và thiết kế mỹ thuật, một số người khác thì làm thêm ở các xưởng đồ mộc, vẽ biểu bảng, tô màu…
“Thời nào cũng vậy, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thấu hiểu, chia sẻ, những giá trị nhân văn luôn và cần thiết phải là nền tảng cho bất kỳ người trẻ nào muốn khẳng định mình trong sáng tạo và công việc.”
Có một việc làm thêm đặc biệt hấp dẫn sinh viên kiến trúc là đưa ý tưởng, thực hiện triển khai các gian hàng cho các công ty tại hội chợ, triển lãm… Những hoạt động này luôn cần một tập thể và chúng tôi đã học được rất nhiều từ làm việc tập thể. Sáng tạo, ý tưởng về một công trình kiến trúc là việc của cá nhân nhưng thực hiện chúng là việc của tập thể. Chính vì thế kỹ năng làm việc nhóm là vô cùng quan trọng với những bạn trẻ nào muốn học ngành kiến trúc.
Và tôi nghĩ không chỉ thời của tôi mà thời nào cũng vậy, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thấu hiểu, chia sẻ, những giá trị nhân văn luôn và cần thiết phải là nền tảng cho bất kỳ người trẻ nào muốn khẳng định mình trong sáng tạo và công việc.
Bước ngoặt cuộc đời
Thời điểm có tính bước ngoặt với nhận thức của tôi trong chuyên môn và sự nghiệp diễn ra vào năm 1979. Khi đó, tôi đang học năm cuối thì nhận được một thông báo về cuộc thi Kiến trúc nông thôn của UIA – Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế dành cho sinh viên ngành kiến trúc và những kiến trúc sư trẻ.
Sau khi nộp bài vòng 1, tôi được thông báo mình lọt vào vòng 2. Biết tin tôi vô cùng mừng rỡ. Và thật không ngờ năm đó Việt Nam có ba người đoạt giải, duy nhất có tôi là sinh viên, hai người còn lại là kiến trúc sư đã hành nghề. Lúc đó, niềm vui và tự hào làm tôi bớt mặc cảm tự ti về chuyên môn kiến trúc của người Việt Nam nói chung và của bản thân. Đó không chỉ là một giải thưởng mà còn là cơ hội rất tốt để nhìn lại chính mình.
Khi tôi làm bài dự thi, các bạn và các em sinh viên đã mang đến nào là tóp mỡ, mì gói, gạo, nước mắm, cá khô đến đồ nghề, mực viết để giúp tôi thực hiện bài thi của mình. Vinh dự ấy cũng là của những bạn bè và các em sinh viên lớp sau nữa. Họ trở nên tự tin hơn. Cho đến giờ này tôi vẫn tin đường mình đi dù có khó khăn nhưng nếu biết cố gắng và biết làm việc tập thể thì sẽ có ngày hái quả ngọt.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất – Lâm An ghi
Nguồn: Tuổi Trẻ