Vẫn biết rằng tuổi của con là tuổi rất dễ bị bệnh, những cơn bệnh của con dù có người cho là vạch vãnh, nhưng đều mang đến cho ba mẹ những cảm giác lo lắng, buồn rầu.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng mà ba và mẹ đã đưa con đến bệnh viện Nhi Đồng 2 không biết bao nhiêu lần. Có những lần đưa con đi khám, nhưng cũng có những lần con phải nằm viện để điều trị bệnh sốt xuất huyết.
Ba nhớ lần đó, ngày 8-7-2010, cả gia đình mình đưa cậu út đi thi đại học tại địa điểm thi gần nơi ba làm việc. Thế là ba và mẹ tranh thủ đưa con đi chơi ở Thảo Cẩm Viên. Lần đầu tiên, con được thấy voi, cọp, sử tử, chim công …thật ở ngoài đời chứ không phải trên tranh ảnh. Nhìn con thích thú khiến cho ba và mẹ cảm thấy hạnh phúc. Thấy buồn cười khi nghe con nói: “ba ẵm con, có gì còn cứu con” khi con và mẹ đi xem chuồng báo. Một ngày đi chơi với con thật vui, thật ý nghĩa và đáng nhớ vì ngày đi thi đại học của cậu út con là ngày đầu tiên con đi chơi ở Thảo Cẩm Viên.
Nhưng niềm vui cũng kịp tắt khi ngày hết. 9 giờ tối, con sốt thế là kéo dài một chuổi thời gian lo lắng và buồn rầu. Có những lúc con sốt ngấp nghé 41 độ, may mà đưa vào bệnh viện kịp còn không thì theo bác sĩ nói: “cơ địa cháu khỏe, chứ trẻ khác là bị giật [động kinh] rồi. Mà bị giật thì ảnh hưởng đến sau này lắm”. Bác sĩ cho thuốc rồi cho đi về hẹn tái khám và dặn những biểu hiện theo dõi của bệnh sốt xuất huyết. Và đúng như rằng con đã phải nhập viện để chữa trị bệnh sốt xuất huyết. Có những lúc bệnh nặng con ói ra máu làm ba và mẹ hoang mang. Đó là lúc tưởng chừng “xui xẻo” tận cùng đến với ba. Con bị bệnh nặng, máy vi tính (laptop) để trong bao lô bị trộm vào tới bệnh viện lấy đi. Nhưng việc mất máy tính cũng không khiến ba buồn làm vì con có biểu hiện khỏe lại. Thôi thì nói theo dân gian: “của đi thay người”.
Sau hơn một tuần chăm sóc con, ba có thêm kinh nghiệm nuôi trẻ bị bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết. Đó là kinh nghiệm sống mà ba phải trả bằng những lo âu và buồn rầu.
Tưởng con khỏi bệnh xong là khỏe, đúng một tháng sau (8-9-2010) con lại bị sốt, miệng nở. Bác sĩ nghi con bị “tay chân miệng” . Ngày nào cũng phải tái khám, và lấy máu xét nghiệm nhưng xét nghiệm không thấy có dấu hiệu bệnh. Mệt mỏi ba đưa con về hỏi thăm những người lớn tuổi có kinh nghiệm nuôi con trẻ để họ cho lời khuyên. Họ nói ngay không cần chuẩn đoán, cháu bị sỉ nục, chữa đông y là hết. Ba cẩn thuận đi hỏi anh Google, để biết sỉ nục là gì? Anh Google cho một list các bài viết và đúng là biểu hiện của con là bệnh viên nứu răng, mà đông y gọi là bệnh sỉ nục.
Thế là ba kết hợp vừa đông và tây y để chữa cho con. Tình hình là có tiến triển và thế là vui. Ba lại có thêm một tri thức và kinh nghiệm sống từ việc nuôi con.
Bình Dương, ngày 13-8-2010
Nguyễn Đức Lộc