Thầy tôi

0
1386

Mỗi người thầy đọng lại trong tôi dấu ấn rõ nhất và nhiều hơn cả kiến thức chính là những lời khuyên hay đức độ của người thầy thể hiện ở ánh mắt, cử chỉ ân cần và nghiêm khắc.

Thầy tiểu học dạy: “Tích mặc như kim”

Tôi có một người thầy tiểu học rất lạ, đó là một thầy phụ đạo và cũng là anh em thúc bá (con bác ruột) nhưng thầy đã già rồi, khi tôi mới 10, 12 tuổi. Thầy là một cụ đồ, cổ học, giáo sư Bùi Mộng Vũ. Hè về, khi rảnh là ông sang nhà dạy chữ Hán cho tôi. Và đó cũng là một may mắn đặc biệt vì tôi được hưởng một không khí giáo dục cổ học cuối mùa. Việc đầu tiên tôi được học là… không học gì cả mà chỉ đi theo phục vụ cho thầy, còn gọi là “sự sư”. Tức là phải thực sự gắn bó với thầy. Qua phong cách mình phục vụ, thầy chỉnh đốn cho mình cách ăn, ở, làm việc, những bài học lễ phép đầu đời… Những ngày “sự sư” ấy có thể kéo dài tuỳ theo mình tiến bộ như thế nào. Sau mới đến học chữ. Hồi đó, nhà không quá nghèo đến nỗi không có giấy nhưng ông vẫn bắt tôi ra sau nhà tự rọc lá chuối phơi để viết chữ Hán, đầu tiên là chữ hàng ba, sau đến hàng năm, hàng bảy và đến hàng chín là “giỏi” lắm rồi! Lớn lên, ngẫm nghĩ kỹ thì hoá ra thầy muốn mình học cách tiết kiệm giấy mực. Ông dạy mấy chữ mà tôi nhớ mãi: “Tích mặc như kim” – “Tiếc mực như vàng”.

Khi giảng về Luận ngữ, nhiều đoạn ông giảng rất trôi chảy, nhưng có đoạn ông cũng ngập ngừng và bỏ qua những chỗ khó. Hồi nhỏ tôi hay rắn mắt nên truy tới cùng. Ví dụ Khổng Tử gặp bà Nam Tử ở đâu, bà Nam Tử là ai?…, ông bối rối không trả lời được và cuối cùng ông thú nhận: “Thầy tôi dạy sao thì tôi dạy lại vậy chứ tôi không có sách vở đâu mà tra cứu để nói cho chú biết có đầu có đuôi”. Sau này tôi hiểu và cảm thông cho ông và những nhà Nho cùng thời, tuy nhiều kiến văn, thông minh, nhưng biết gì cũng không biết chính xác vì không có tư liệu, không biết rõ căn cội. Khi được đọc cuốn Khổng học đăng của cụ Phan Bội Châu giảng giải cặn kẽ về Tứ thư là do không chỉ cụ Phan học rất giỏi mà cụ còn hơn hẳn các nhà Nho bình thường ở chỗ biết tra cứu, tìm tòi tư liệu.

Lối học xưa thấm đậm tình thầy trò, trong khung cảnh đất nước nghèo nàn, thiếu thốn. Lối học ấy thật thơ mộng nhưng rõ ràng không hiệu quả lắm.

Vào đại học được dạy lòng yêu nước

Vào đại học tôi có hai ấn tượng đáng nhớ. Ở khoa triết trường đại học Văn khoa Sài Gòn có khá nhiều vị linh mục giảng dạy, Tây có, ta có. Thấy những chiếc áo chùng đen nghiêm trang, tôi băn khoăn: “Nơi này dạy triết học hay tôn giáo?” Nhưng khi học, tôi thấy rõ các linh mục dường như đã trút bỏ áo chùng đen và hoàn toàn trở thành một ông thầy dạy triết học và đôi chỗ còn phê phán cả tôn giáo trên cơ sở của các triết thuyết. Tôi nhận ra rằng, tinh thần đại học chính là cần phải có thái độ cởi mở và khách quan. Người ta tôn trọng và đối thoại thẳng thắn chứ không đem vào bài giảng những xác tín riêng, tín ngưỡng riêng. Đó cũng là một quy định cố hữu của đại học.

Một vị giáo sư là người dạy cho tôi lòng yêu nước chính là thầy Nguyễn Văn Kiết, dạy triết học cổ điển Đức. Đó là một người thầy rất khó tính và cực kỳ nghiêm khắc, sinh viên sợ ông như sợ cọp. Một hôm thầy đang dạy thì có một nhóm sinh viên xin phép vào tổ chức bầu cử đại diện lớp để đưa vào danh sách ban chấp hành của trường. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy thái độ hết sức trân trọng của thầy vì nghĩ ông sẽ đuổi ra vì đang giờ dạy. Đến khi bầu xong thì ông lại chúc mừng kết quả rất trang trọng. Sau đó ông giảng về Fichte, một triết gia người Đức nổi tiếng với “những bài diễn văn dành cho dân tộc Đức” sục sôi tinh thần yêu nước trước hoạ xâm lược của Napoléon. Đang giảng về những bài diễn văn ấy, bỗng ông quay xuống hỏi sinh viên: “Ngày hôm nay, ai sẽ là người đọc diễn văn cho dân tộc Việt?” Tất cả chúng tôi đều kinh ngạc khi nghe thầy hỏi, vì chưa bao giờ nghĩ rằng thầy dính dáng đến thế sự. Câu hỏi đầy tính chính trị của thầy đánh động tất cả chúng tôi. Mấy tháng sau, thầy vào chiến khu, làm phó chủ tịch liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam . Sự ra đi của thầy là bất ngờ lớn đối với sinh viên thành phố, và, với riêng tôi, để lại một dấu ấn không thể phai mờ.

Ấm áp tình thầy trò trời Âu

Sang Đức mấy năm trời mà tôi thấy mình vẫn chẳng hiểu gì mấy những gì được học, có lẽ vì nó cao xa và rối rắm quá chăng. Một lần, bí quá, tôi phải lên gặp tiến sĩ F. Schmidt, một giáo sư phụ giảng và chuyên hướng dẫn cho những sinh viên mới. Tôi bày tỏ băn khoăn của mình: “Khi còn học ở Sài Gòn, em mê Heidegger lắm nhưng sang đây lại thấy không khí khác hẳn, người ta đang bàn nhiều về xã hội, về Macxit trong cao trào chống chiến tranh Việt Nam . Phải bắt đầu từ đâu?” Nghe xong, ông cười và bảo: “Anh bạn ạ, cao trào của triết học hiện nay là trường phái Frankfurt . Nhưng nếu lấy ngay sách các ông ấy đọc thì chẳng hiểu gì cả. Việc đầu tiên anh bạn nên làm là phải biết gốc tích của một trường phái, một trào lưu từ đâu mà ra, từ đó mới phăng ra được. Chứ cứ đọc sách lung tung, bạ đâu đọc đó, chìm đắm trong mớ hỗn độn ấy thì sẽ không biết đường đâu mà mò”. Nhờ sự hướng dẫn kịp thời mà tôi nhận ra, trong các ngành khoa học xã hội, nhân văn, phải chịu khó nghiên cứu nguồn cội trước, từ đó mới dễ đi vào và tiếp thu những cái về sau.

Có một chuyện mà tôi không bao giờ quên về người thầy sau cùng của tôi. Ông là một trong số ít triết gia uy tín hàng đầu thế giới. Hồi đấy, nghe đến tên ông là sinh viên đều kính nể, và tôi không nghĩ có lúc dám bén mảng đến tìm ông. Vì thế khi muốn được ông nhận hướng dẫn mình, tôi đã rất… sợ khi nghĩ đến việc lên gặp ông tại phòng riêng. Tôi hồi hộp và trong đầu lộn xộn với bao thứ để có thể trả lời ông từ những câu hỏi khó nhất. Vậy mà câu đầu tiên, ông hỏi tôi: “Anh sống thế nào? Ngành triết nghèo lắm, rất khó có trợ cấp hay chỗ làm để có lương. Việc đầu tiên là tôi phải giúp anh ổn định chuyện cơm áo rồi tiếp theo mới làm gì thì làm”. Câu hỏi của thầy khiến tôi trở thành một cậu trò nhỏ khờ khạo, đáng thương trước một người thầy, người cha đang thật sự lo lắng cho con mình. Từ đó, tôi nhận ra, không phân biệt Đông, Tây gì, những người thầy đúng nghĩa là thầy đều chỉ cho học trò cách học, mong cho học trò tiến xa hơn mình, rất thương và quan tâm đến cái thiết thực trong cuộc sống của người trò, kể cả đời sống cá nhân, tình cảm.

Những kỷ niệm đáng nhớ trong đời học tập của mình, cho tôi hiểu thực sự: Thầy là bệ phóng, là nền móng của giáo dục. Heidegger có câu nổi tiếng được Bùi Giáng dịch rất hay: Không tự mình bước tới bờ hương chín thì cõi mật không tụ về trong trái. Vâng, nhưng, không quên kẻ trồng cây và chăm bón nó để “cõi mật” có thể tụ về…

Bùi Văn Nam Sơn
Nguồn: Sài Gòn Tiếp thị

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.