Khi nhà giáo lịch sử đã nghỉ hưu Đoàn Thịnh nâng chén với cậu con trai Đoàn Bắc trong một bữa cơm chiều đông năm ngoái như thường lệ, ông không nghĩ rằng thời điểm đó sẽ “đi vào lịch sử”
Viên chức ăn “cơm văn phòng” bên hồ Tây thời Pháp thuộc
“Bố, con sẽ tổ chức tặng bố một triển lãm ảnh về Hà Nội xưa vào tháng 9 trước đại lễ nghìn năm” – đặt chén rượu nhỏ đã cạn xuống mâm, kiến trúc sư trẻ nói… “Ừ” – ông Thịnh đáp lơ đãng. “Một triển lãm 2.000 bức ảnh về Hà Nội con sưu tập từ nhiều nguồn bố ạ. Sau đó toàn bộ ảnh bố có thể đem tặng Bảo tàng Hà Nội” – cậu con trai tiếp lời.
“Lúc đầu bố tôi có vẻ chưa tin lắm – Đoàn Bắc nhớ lại – Một là không tin tôi có thể có nhiều ảnh về Hà Nội đến thế, hai nữa cụ cũng không tin tôi có thể tổ chức được một triển lãm. Tôi không vội, cứ mấy ngày lại cho ông xem thêm một loạt ảnh Hà Nội. Rồi ông tin”.
600 từ khóa, 3.000 bức ảnh
“Có nhiều ảnh cùng chụp một địa điểm song thời gian hoặc vị trí khác nhau, nên tôi bàn với Bắc biên tập lại thành câu chuyện lịch sử. Cùng là người mê nhiếp ảnh và lịch sử nên bố con tôi thống nhất với nhau khá dễ dàng” – ông Đoàn Thịnh chậm rãi nói, tay xoay xoay chén trà nhỏ cỡ chén rượu trong bữa cơm hôm nào.
Tuy đã có trong tay 2.000 bức ảnh được tặng, cho, tự tìm kiếm từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng phải đến lúc đó cuộc rượt đuổi tư liệu mới thật sự bắt đầu. “Đầu tiên, tôi phải dựng đề cương, xếp những bức mình đã có vào đó, rồi lại tiếp tục tìm kiếm trên Internet ảnh cho những chủ đề còn mỏng” – anh Bắc kể.
“Tôi đã phải thay 500-600 từ khóa để tìm kiếm thông tin trên mạng – chàng kiến trúc sư nhíu mày nhẩm tính – Chẳng hạn, khi làm về món ăn Hà Nội, tôi lần đọc những câu chuyện Hà Nội về phở: phở bán rong, phở gánh… để phác thảo những câu văn nhất định có về phở. Sau đó, chọn từ khóa trong những câu văn đó rồi dịch sang tiếng Pháp. Với phở, từ khóa là phở, bát chiết yêu, gánh hàng, mũ phở… Tư liệu về Hà Nội cổ chủ yếu bằng tiếng Pháp – thứ tiếng tôi không biết. Thế là lại phải nhờ tra cứu sách vở, hỏi han bạn bè”.
Khi số ảnh thu về đã hơn 3.000 tấm, hai cha con ông giáo cùng ngồi với nhau để thu gọn chúng lại. Một phần ba số ảnh phải bỏ đi. “Nếu tham, câu chuyện bằng ảnh sẽ rất loãng. Chúng tôi giới hạn mốc thời gian từ năm 1831 khi bắt đầu có tên Hà Nội cho đến chiều 10-10-1954 – khi thủ đô giải phóng” – ông Thịnh cho biết.
Cũng có khi một ảnh lấy từ hai nguồn khác nhau lại có hai chú thích mâu thuẫn hoặc không khớp nội dung ảnh. “Một bức ảnh chụp ảnh múa sư tử trên phố có chú thích tiếng Pháp là phố hàng thợ mộc. Mặc dù vậy, căn cứ vào bản đồ thời Pháp tương ứng với thời người ta mặc loại quần áo ấy thì hoàn toàn không có tên phố như trên. Sau khi phóng to hết mức các chi tiết trong ảnh thì thấy trên phố bán rất nhiều chân nến bằng gỗ. Tìm hiểu thêm, chúng tôi biết đó chính là phố Hàng Quạt” – anh Bắc phân tích.
Hoàn tất chỉnh lý, bộ sưu tập hơn 2.000 bức ảnh in theo nhóm trên 120 panô lớn được chia thành năm phần: Toàn cảnh Hà Nội xưa, Đất Thăng Long kẻ chợ, Hà Nội thời Pháp thuộc, Con người và cuộc sống ở Hà Nội xưa và Những giai đoạn lịch sử.
Mỗi phần lại có những nhánh nhỏ, chẳng hạn Con người và cuộc sống ở Hà Nội xưa gồm các chủ đề: Tầng lớp thường dân, Quan lại và binh lính, Phong cách người Hà Nội, Thú ăn và chơi ở Hà Nội, Phong tục và lễ hội, Các loại hình nghệ thuật.
Gánh phở rong với hai người bán |
“Xiết bao là nhớ tơi bời”
“Làm triển lãm tặng bố – một người Hà Nội gốc, tôi cũng muốn tri ân tác giả không quen biết của những bức ảnh này – chàng trai từng vẽ truyện tranh từ khi học mẫu giáo, từng có tranh được Bảo tàng Mỹ thuật VN mua, cho biết – Những người ấy tôi không biết ai để cảm ơn, quốc tịch Pháp có, Mỹ có, Anh có… Có người đã mất sau khi chiến tranh Đông Dương kết thúc, nhưng vẫn đau đáu dặn lại con cháu phải mang bức hình mình chụp sang tặng lại cho người Hà Nội. Người cháu trong một chuyến du lịch đã chuyển tấm ảnh cho một hướng dẫn viên du lịch, sau đó anh này tặng lại tôi”.
“Nếu như bộ sưu tập có đến ba phần tư tác giả là người nước ngoài thì cũng ngần ấy người sưu tập đã lưu giữ chúng, họ đều rất trẻ. Có bức tôi lấy lại từ diễn đàn “chị em” eva, có bức lại trên diễn đàn chơi tem, có bức từ diễn đàn ôtô, xe máy Việt. Và cũng bởi thế, tôi sẽ trình diễn nó theo lối mới từ âm thanh đến hình ảnh”. Đoàn Bắc dự định sử dụng công nghệ loa tranh – những bộ loa có màng căng bằng vải có in ảnh. Khi hoàn tất, mỗi chiếc loa sẽ giống như một khung tranh. Mỗi phần của triển lãm sẽ có một loa phát âm nhạc được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sáng tác riêng. Ảnh động cũng sẽ được sử dụng trong triển lãm này.
Trước khi triển lãm ảnh được tổ chức chính thức tại Hà Nội vào tháng 9, ông Đoàn Thịnh cho biết sẽ có một triển lãm thu nhỏ tại TP.HCM. “Sau khi kết thúc phần hậu kỳ tại Sài Gòn, theo yêu cầu của nhiều bạn bè, chúng tôi sẽ tổ chức một trưng bày nhỏ phần rút gọn của sưu tập tại Hội Nhà báo TP.HCM vào nửa cuối tháng 8” – ông nói.
Tại cả hai nơi, rất nhiều ghế đẩu sẽ bày rải rác trong phòng trưng bày để người xem có thể xem triển lãm cả ngày. Bên cạnh đó khách tham quan cũng có thể đăng ký rửa những bức ảnh mình thích để làm kỷ niệm. “Giống như ở Bảo tàng Louvre (Pháp) vậy” – Đoàn Bắc nói giọng hào hứng.
Còn ông giáo già lại trầm ngâm. Xiết bao là nhớ tơi bời – như lời bài hát Nhớ về Hà Nội, trong đầu ông Thịnh lúc này có lẽ những cảnh phim quay chậm đang chạy nối tiếp: thời thơ ngây với những trò chơi giờ không còn cùng bạn bè hàng phố, thuở nam sinh với những sự biến lịch sử long trời, phút an bình khi ông bước lên bục giảng và mới đây nhất, bữa rượu cách đây gần một năm – con trai ông thổ lộ sẽ tặng cha triển lãm ân tình.
Kể từ bữa rượu ấy đã bao nhiêu dự án tiền tỉ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long được đem trình rồi bị bác. Còn cậu con trai ông, chỉ có “vốn liếng” với “tính thanh khoản” không cao là tình yêu Hà Nội, đã miệt mài tìm kiếm, chỉnh lý để bộ sưu tập thành hiện thực.
Một hôm nào đó đến với Ký ức Hà Nội xưa, người xem chắc sẽ nhận ra tình yêu thâm trầm và hồn nhiên ấy nơi cha con ông giáo và bao người Hà Nội nay…
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 17-7, ông Kim Quốc Hoa, tổng biên tập báo Người Cao Tuổi – đơn vị bảo trợ “Chương trình giới thiệu và bàn giao bộ sưu tập Ký ức Hà Nội xưa 1931-1954”, cho biết: “Trong tuần tới, chúng tôi sẽ liên lạc để làm việc lần nữa với Bảo tàng Hà Nội. Trong lần gặp gỡ trước, phía bảo tàng tỏ ra rất ủng hộ và sẵn sàng tiếp nhận bộ sưu tập. Bảo tàng Hà Nội sau đó sẽ trình lên cơ quan chủ quản theo đúng thủ tục hành chính”. Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Bảo tàng Hà Nội, cho biết bảo tàng sẵn sàng liên kết triển lãm. Chỉ có điều gia đình và các nhà tài trợ sẽ phải tự thu xếp kinh phí vì tình hình tài chính của bảo tàng rất eo hẹp. |
Linh Đan
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 18/7/2010