Rong ruổi trên “chú ngựa già” Honda 67 từ Sài Gòn xuống Tiền Giang để rồi bị mất ví, mất điện thoại và công an “hốt” về đồn; đó có thể là đòn đau nhớ đời cho những kẻ ham đi bụi bất cẩn như tôi.
Mất ví ở Mỹ Tho
Sài Gòn nóng bức, ngột ngạt và căng thẳng với những công việc, học hành thường ngày khiến không ít người muốn đi xa một chút tìm cảm giác mới. Với những người trẻ lúc nào cũng “khát” mắt, “khát” tai như tôi thì chuyện xách xe và máy ảnh đi lang thang đây đó quanh Sài Gòn cũng là chuyện hàng tháng. Học xong môn cuối cùng của tuần, buồn buồn, tôi hỏi đứa bạn: “Dưới Tiền Giang có chợ nổi, chùa cổ Vĩnh Tràng, nhiều nhà cổ kiến trúc Pháp, ngoài biển có cát đen và món nghêu thú vị lắm. Đi bụi không?”. Đứa bạn trả lời ngắn gọn: “Đi liền!” Vậy là lên lịch trình và tìm hiểu sơ qua trước những điểm sẽ đến.
8h sáng thứ 7, 2 đứa khởi hành từ Thủ Đức trên chiếc xe đồ cổ và thẳng hướng nam mà tiến. Sau khi chạy hơn 80km thì 13h, chúng tôi đến TP. Mỹ Tho và bắt đầu rong chơi ở thành phố cổ nhất vùng đồng bằng này. Say mê chụp những ngôi nhà cổ hay chạy lăng xăng khắp chợ nông sản Thạnh Trị ven sông khiến khi muốn mua trái cây thì tôi chẳng thấy ví đâu. Nhớ ra rằng mình đã lăn lê xuống đất mà chụp hình hay vừa mới có một người đàn ông đến bắt chuyện từ phía sau, nói được dăm ba câu thì lại lướt đi nhanh. Tôi đã quá bất cẩn khi mà để hết tiền bạc, giấy tờ tùy thân trong ví, và càng bất cẩn hơn khi lại để nó ở phía sau, trong cái túi khá nông!
Vậy là mấy giờ sau đó, chúng tôi làm một “tour” qua trụ sở công an các phường và công an thành phố để báo mất, với hi vọng nhỏ nhoi rằng ai đó sẽ trả lại những giấy tờ quan trọng ấy.
Ra biển, điện thoại không cánh mà bay
Sau khi đón hoàng hôn trên sông Tiền bằng cách vịn tay vào lancan ở công viên ven sông mà ngắm những con thuyền, và uống café tại café Lạc Hồng vốn là nhà cổ thời Pháp ở ngay đó thì chúng tôi lên xe đi thị xã Gò Công. Cái đèn xe không sáng – hậu quả của việc không kiểm tra kĩ trước khi đi. Sau hồi lâu sửa chữa dưới ánh đèn mù mờ thì người thợ đành bó tay và gắn tạm dây bóng đèn trực tiếp vào bình ắc quy, muốn tắt – mở đèn thì cứ chập – ngắt 2 đầu dây điện là xong!
Từ Mỹ Tho đến Gò Công phải mất 35km đường đất đá xen kẽ với đường nhựa chỗ hư, chỗ đang sửa. Ánh đèn phát ra từ nguồn điện lâu ngày không xạc của ắc quy như một con đom đóm khiến tôi suýt đâm vào ổ gà hơn một lần. Đi chậm lại là chắc ăn nhất.
22h, chúng tôi mới đến Gò Công. Nghỉ lại 30 phút rồi lại đi tiếp đến biển Tân Thành cách đó 15km. 23h, chúng tôi đến nơi nhưng nhà dân đã ngủ hết rồi. Đi lang thang kiếm nhà ngủ tạm, chúng tôi gặp một phụ nữ trung niên, hỏi ra mới hay là dì ấy đi cào nghêu từ giờ đó đến sáng luôn. Người phụ nữ tốt bụng chỉ đường đến quán café võng ven biển để ngủ qua đêm. Kế hoạch là 5h sáng sẽ dậy đón bình minh trên biển và đi cào nghêu cùng người dân ở đây. Nghêu là đặc sản có tiếng của vùng này.
Ngủ võng ven bãi biển, nghe tiếng sóng vỗ và gió thổi khá là thú vị. Người bạn đồng hành nói vui: “Đúng là ăn bờ ngủ bụi thật rồi!”
Sáng dậy sớm, chúng tôi lại vội vàng xách máy ảnh ra biển chụp hình. Lúc này, thủy triều đã rút xuống rất xa, để lại trên bãi cát đen những đường cong mỏng manh hình sin uốn lượn như muôn sợi chỉ dài dặc chạy ven theo bờ biển. Xa xa, người dân đang đi cào nghêu mà trong số đó có không ít trẻ em. Một tay họ cần túi lưới hay thùng nhựa, một tay cầm cây gậy chuyên để cào nghêu hay đôi khi cũng có người dùng tay không. Chúng tôi liền đi theo chụp hình và bắt nghêu cùng. Những người dân ở đây thật hiếu khách. Họ cho chúng tôi leo lên chòi canh nghêu mà ngắm biển, thậm chí còn tặng cho hơn 1 kg nghêu làm quà miền biển.
Tôi liền rút điện thoại ra định nhắn tin khoe với bạn bè ở thành phố thì chẳng biết nó ở đâu nữa. Quay lại quán café võng hỏi thì họ nói không có thấy. Vậy là lại đi tong cái điện thoại. Rơi ở ngoài biển hay ở quán café cũng không biết nữa. Đến lúc này đây thì tiền bạc và sự liên lạc của tôi đã hoàn toàn phụ thuộc vào người bạn đồng hành.
Nhưng cuộc du ngoạn vẫn tiếp diễn như thường. 1 kg nghêu đem vào quán ăn nhờ họ luộc lên cho rồi chấm muối tiêu thật tươi sốt. Các món ăn khác ở đây cũng thật rẻ và ngon.
Bị công an “hốt” về đồn!
Sau buổi sáng đi bắt nghêu ở biển Tân Thành và buổi chiều đi chụp hình rất nhiều ngôi nhà cổ kiến trúc Pháp, các hội quán của người Hoa, đình Trung, tượng đài và lăng Trương Định… ở Gò Công thì 18h30 ngày Chủ nhật đó, chúng tôi lên đường về lại Sài Gòn. Cái đèn xe vẫn leo lét như hôm trước lại cộng thêm vòng bi bị hư vì trước đó ít tra dầu mỡ nên phải đến 2h sáng chúng tôi mới về được đến chợ Bến Thành. Mệt. Và thêm 1 chút lãng mạn nên chúng tôi đã dựng xe ngay vòng xoay phía trước chợ Bến Thành và định sẽ ngồi nghỉ 5, 10 phút. Bất chợt, tiếng ai đó đánh thức tôi thoát khỏi giấc ngủ gật gù 5 phút và kêu lên xe về … đồn! Lúc này thì tôi đoán chắc rằng chiếc xe dã chiến của tôi sẽ ra đi cùng một đống tiền phạt. Trong người không còn giấy tờ, tiền bạc, cũng chẳng còn nhớ nổi số điện thoại của người thân khiến tôi không thể nào chứng minh được mình là ai. “Cháu biết là cháu sai rõ ràng rồi. Vậy nên tùy các chú quyết định, cháu chẳng dám cãi”
Sau 30 phút được giáo huấn, bị dọa giam xe, giam người chờ hôm sau mời nhà trường lên giải quyết thì các chú cũng thở phào: “Thôi, tôi tha. Ra lấy xe, chạy thẳng về nhà, đừng có dừng lại nữa đấy”. Hai đứa cảm ơn rối rít rồi chạy thẳng về nhà. Một bài học nhớ đời về nếp sống văn minh đô thi.
Những cảm giác mới mẻ, rất nhiều cảnh đẹp và ấn tượng về con người Tiền Giang hiền hòa đã được chúng tôi thu vào trong ống kính máy ảnh và cánh cửa tâm hồn. Và những “tai nạn” kia không chỉ là những bài học xương máu cho những chuyến đi bụi sau này mà còn là những kỉ niệm vui khiến chúng ta nhớ nhiều hơn về những miền đất đã từng đi qua.
tranbinhkb
(bài đã đăng trên Thể thao & Văn hóa Online)