Trót mê… đồng hồ Liên Xô

0
1590

Tìm mua một chiếc đồng hồ đeo tay hàng hiệu ở Việt Nam lúc này không còn khó khăn. Người mê đồng hồ chỉ cần bỏ từ vài trăm đến vài nghìn USD là dễ dàng mua những chiếc hạng sang.

Ông Việt Dũng và bộ sưu tập đồng hồ Liên Xô của mình.

Con ngõ sâu dẫn lối tới căn nhà trên phố Trần Hưng Đạo. Ở đó, ngày qua ngày những âm thanh báo giờ từ chuông đồng hồ chưa bao giờ dứt. Trên căn phòng tầng 3, diện tích rộng chừng 15m2, đủ kê chiếc giường nhỏ nhưng người chủ của nó vẫn trân trọng giữ chỗ cho một chiếc tủ kính. Trong đó, chỉ lưu giữ đồng hồ. Những chiếc đồng hồ đeo tay do Liên Xô cũ sản xuất.

Khuôn mặt hơi “lạnh” hằn những nếp gấp thời gian, mới gặp ít ai biết ông Việt Dũng ngoài thời gian làm việc tại tạp chí Công an nhân dân còn là người nhiều tâm huyết đi sưu tầm đồng hồ. Ông Dũng kể, ông “bập” vào đồng hồ, đặc biệt là dòng đeo tay cũ do Liên Xô sản xuất rất tình cờ. Một ngày cách đây 4 năm, cụ thân sinh đưa chiếc poljot 1962 nhờ mang đi lau dầu. Ra hàng, thợ vô cùng ngạc nhiên, “Anh giữ ở đâu được chiếc đồng hồ như thế này? Dân tình đang tìm ghê lắm. Anh bán không?”. Tất nhiên, khi biết giá trị chiếc Poljot 1962 đang sở hữu ông vui vẻ lắc đầu và cũng từ đó sự tò mò, ham thích đã dẫn ông Dũng vào “cuộc chơi” nhiều thú vị.

Mê đồng hồ đeo tay cũ của Liên Xô, với số “vốn” hơn kém 4 năm kinh nghiệm nhưng người đàn ông 55 tuổi này chỉ nhận mình mới “tạm” am tường về thứ đang sở hữu. “Dân công chức như tôi hầu hết ai cũng hoài niệm về quá khứ. Tôi chơi dòng đồng hồ này không phải để mua bán. Đơn giản, mình muốn lưu giữ thời gian, tìm hiểu thêm giá trị văn hóa thời Liên Xô cũ”, ông Dũng tiết lộ.

Đồng hồ Liên Xô

Để “truy lùng” những chiếc đồng hồ đeo tay thời Xô Viết cũ, 4 năm qua ông Dũng không nhớ mình đã đi hỏi mua ở bao nhiêu hàng sửa đồng hồ khắp Hà Nội. Ông vẫn nhớ, có chiếc Poljot được mua nhanh kỷ lục. Mất 5 phút. Đó là khi cửa hàng sửa đồng hồ cũ quen gọi điện thông báo có người muốn bán, lập tức bỏ dở việc ông đến nơi gửi tiền mang đồng hồ về trong thích thú. Cũng có chiếc cực hiếm, Poljot đời 1960, ông “rinh” được về là nhờ qua mối ở những người thợ sửa đồng hồ cũ.

Với những người chơi dòng đeo tay của Liên Xô như ông Dũng, có cái khó mà cũng có cái dễ. Khó do lượng “hàng” hiếm khi số người thích sưu tầm ngày càng đông. Nhưng dễ vì đồng hồ thuộc dòng Liên Xô không thuộc dòng hạng sang như Omega, Seiko hay Tissot, nên giá rất phải chăng. Một chiếc dao động trong khoảng 1-1,5 triệu đồng.

Bộ sưu tập của ông Dũng hiện có 30 chiếc. Trong đó, tập trung nhiều ở những dòng Poljot (10 chiếc), Slava hay Raketa. Nói đồng hồ đeo tay của Liên Xô mang ý nghĩa thời gian cũng đúng. Bởi ở những năm 50, 60 trong thời kỳ chiến tranh lạnh tên gọi của đồng hồ cũng thể hiện ước mơ và tình hình chính trị. Như Poljot có nghĩa là chuyến bay, Slava là vinh quang còn Raketa là tên lửa.

Bộ sưu tập đồng hồ Liên Xô.

Ông Dũng nhớ lại: “Thời kỳ đầu thế kỷ 20, tại miền Bắc ai có đồng hồ thì đó là vật gia bảo trong nhà. Đa số người dùng đồng hồ thời đầu là đồ của Pháp, rồi những năm 50, 60… ở VN mới xuất hiện đồng hồ đeo tay Liên Xô. Nguồn chủ yếu từ những chuyên gia sang làm việc mang theo, tặng hoặc bán lại hay du học sinh tại Nga mua về cho người thân. Khi đó, một chiếc đồng hồ đeo tay đáng giá vài cây vàng”.

Sưu tập đồng hồ không đơn thuần là cất bỏ vào tủ để ngắm nghía mà sưu tầm cũng để sử dụng và tìm hiểu lịch sử. Theo ông Dũng, dòng Poljot, Slava, Raketa hay đồng hồ đeo tay Liên Xô cũ nói chung đều mang đặc điểm rõ nét là phụ tùng được làm rất dầy. Chi tiết thô không đóng dấu nhà sản xuất, không tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, tiếng kim giây chạy tạo âm thanh đanh chắc. Đặc biệt, các dòng đeo tay Liên Xô dừng ở đời năm 1980, từ năm 1981 đã kết thúc kỷ nguyên được Liên Xô sản xuất … Điều đó phần nào biểu hiện dấu ấn của nền kinh tế tập trung thời bao cấp Liên Xô cũ.

Mỗi chiếc đồng hồ đeo tay mang một giá trị riêng. Có chiếc đắt giá bởi nó là chiếc “độc” hoặc cũng có thể nó là chiếc được ra đời từ rất lâu nhưng trong quan niệm của ông Dũng, “món hàng” mình có đều vô giá. “Mỗi chiếc có số phận riêng. Biết đâu, một ngày chủ nhân đầu tiên của chúng tìm được tôi, và lúc đấy giá trị chính là ký ức thời gian được lưu giữ”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.