Ban hiến pháp năm 1946: Bài 2

0
1020

Nhiều nhà nghiên cứu, xây dựng pháp luật cho rằng: Các Hiến pháp sửa đổi, bổ sung sau này đã có sự thay đổi rất lớn khi quyền lập hiến từ dân được chuyển sang Quốc hội.

>> Bài 1: Bản hiến pháp “vang vọng tiếng dân”

Đó là “sự xa rời rất lớn, rất cơ bản về người chủ đích thực của đất nước”.

Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 ghi rõ: “Được quốc dân trao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội nhận thấy rằng…”.

Quốc hội tự giao quyền lập hiến cho mình?

Như vậy, chủ thể của quyền lập hiến (làm hiến pháp) là quốc dân. Quốc hội được quốc dân bầu ra để ban hành Hiến pháp 1946 là Quốc hội lập hiến, không phải là Quốc hội lập pháp. Còn “Nghị viện nhân dân” ở chương III là Quốc hội lập pháp, “đặt ra pháp luật”; chứ Hiến pháp không quy định Nghị viện nhân dân có quyền lập hiến.

Hiến pháp 1946 không cho phép cơ quan nào của chính quyền đơn phương sửa đổi Hiến pháp. Điều 70 của Hiến pháp 1946 quy định: “Sửa đổi Hiến pháp phải “do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu”, “Nghị viện bầu ra một Ban dự thảo những điều thay đổi” và đặc biệt, “những điều đã được thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.

Nhưng các Hiến pháp sửa đổi sau này lại quy định Quốc hội có quyền lập hiến.

Cụ thể, Điều 43, 44 và 50 của Hiến pháp 1959 ghi: “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, là cơ quan duy nhất “có quyền lập pháp”, có quyền “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp”.

Điều 6 của Hiến pháp 1980 quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”.

Điều 82 của Hiến pháp 1980 và Điều 83 của Hiến pháp 1992 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”…

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I ngày 6-1-1946. Ảnh: Tư liệu

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng đã có sự thay đổi rất lớn khi quyền lập hiến từ dân được chuyển sang Quốc hội. Chỉ có dân mới có quyền đó, song lại chưa hề có văn bản nào chuyển quyền lập hiến của dân sang Quốc hội cả, mà chính Quốc hội tự quyết định giao quyền lập hiến cho mình. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo VietNamNet, ông nói đó là “sự xa rời rất lớn, rất cơ bản về người chủ đích thực của đất nước”, “đã chuyển từ dân chủ thành Quốc hội chủ. Quốc hội vừa lập hiến vừa lập pháp; người ta gọi như thế là vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau

Tại Hiến pháp 1946, quyền năng giữa các cơ quan nhà nước được phân chia khá rõ và nhiều cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế. Ví dụ: “Quyền kiểm soát và phê bình Chính phủ” của Ban thường vụ Nghị viện; quyền của “nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện”; Chủ tịch nước – là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu cơ quan hành pháp có thể từ chối công bố các đạo luật do Quốc hội ban hành và yêu cầu Quốc hội thảo luận lại…

Theo Điều 49 Hiến pháp 1946, Chủ tịch nước có quyền thay mặt cho nước về đối nội, đối ngoại, giữ quyền tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, là chủ tịch Hội đồng Chính phủ, ký hiệp ước với các nước… Điều 50 của Hiến pháp 1946 cũng ghi: “Chủ tịch nước không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc”…

Tuy nhiên, các Hiến pháp sửa đổi sau này đều giảm nhẹ vai trò của Chủ tịch nước, không đề rõ thực chất quyền của một nguyên thủ quốc gia. Chủ tịch nước thay mặt cho nhà nước về đối nội và đối ngoại nhưng thực tế Tổng Bí thư mới là người thống lĩnh lực lượng vũ trang, Thủ tướng Chính phủ thường được coi là người đứng đầu cơ quan hành pháp. Còn cơ quan tư pháp, trong thực tiễn thì nó yếu thế hơn các cơ quan lập pháp và hành pháp và bị chi phối trong xét xử.

Cần có cơ chế bảo hiến

Ông Nguyễn Cảnh Bình, soạn giả cuốn Hiến pháp Mỹ ra đời như thế nào?, nhận định: “Hiến pháp của nước Mỹ là bản hiến pháp lâu đời nhất và nổi tiếng nhất với trên 200 năm lịch sử, trong khi các bản hiến pháp hiện nay của Pháp, Đức, Nhật, Nga đều mới mẻ và có thời gian tồn tại chưa lâu. Tôi cho rằng tính ổn định cao của Hiến pháp Mỹ có nguyên nhân cơ bản là nước Mỹ bảo vệ hiến pháp rất chặt. Theo tôi, cả quá trình biên soạn lẫn quá trình áp dụng và bảo vệ hiến pháp trong thực tiễn đều giữ vai trò vô cùng quan trọng”.

Đối với Việt Nam, TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, nguyên Trưởng tiểu ban biên tập Hiến pháp 1992, nguyên thành viên của Ban Thư ký soạn thảo Hiến pháp 1980, trong một lần trả lời báo Sài Gòn Tiếp Thị năm 2007 đã nhận xét chúng ta “không có truyền thống hiến pháp và có thể đó là lý do khiến cho hiến pháp của ta rất hay thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử”. PGS-TS Nguyễn Đăng Dung, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng thẳng thắn nhận định rằng: “Những Hiến pháp sau này – 1959, 1980, 1992 có chăng chỉ là sự sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển của thời hiện đại theo nhận định của Đảng, của giai cấp cầm quyền”.

Do chưa có cơ chế bảo hiến, Hiến pháp của Việt Nam thường bị thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử và cũng dễ bị vi phạm. Chẳng hạn, nhìn lại Luật Cải cách ruộng đất (thông qua ngày 4-12-1953) có thể thấy nó trái với Điều 12 của Hiến pháp 1946 về đảm bảo quyền tư hữu tài sản, nói cách khác là nó “vi hiến”. Hoặc năm 1989, thực hiện Đổi mới, chúng ta mở cửa cho tư bản nước ngoài đầu tư trong khi Hiến pháp 1980 quy định: “Nhà nước độc quyền về ngoại thương”. Mở cửa cho đầu tư nước ngoài là một chính sách đúng nhưng nếu muốn hợp hiến thì đúng ra là phải sửa Hiến pháp trước.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng đề nghị có cơ chế bảo hiến, thành lập một cơ quan độc lập, một tòa án đưa ra những phán quyết khi Hiến pháp bị vi phạm.

Nhiều cái đã có từ Hiến pháp 1946

Những bản Hiến pháp sau này có sự ảnh hưởng rất lớn của lý thuyết XHCN, chúng ta gọi thời kỳ đó là thời kỳ tập trung, bao cấp, kế hoạch hóa, tất cả đều đưa về nhà nước. Cái quan trọng nhất là chúng ta không thừa nhận sở hữu tư nhân (cho đến Hiến pháp 1992). Tất cả những điều đó tạo nên sự trì trệ, làm hạn chế sự phát triển của đất nước.

Đành rằng bản Hiến pháp 1959 có những tác dụng nhất định trong việc tập trung mọi nguồn lực cho cuộc chiến để giành độc lập. Nhưng sau khi giải phóng xong thì nó không tạo đà cho sự phát triển, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội của thập niên 80 thế kỷ trước. Nếu so sánh với bản Hiến pháp 1992 thừa nhận sở hữu tư nhân, thừa nhận nền kinh tế thị trường… thì thực ra những cái đó đã có từ Hiến pháp 1946.

PGS-TS NGUYỄN ĐĂNG DUNG, ĐH Quốc gia Hà Nội

Văn Tiến (Pháp luật TP.HCM)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.