Xin đừng quên các anh – những chiến sĩ cách mạng

0
1834
Họ đã sống và chiến đấu và bị tù đày ở các nhà tù của chế độ Sài Gòn cũ. Họ đã không hy sinh, không khuất phục trước bom đạn mũi súng, đòn roi tra tấn của kẻ thù. Nhưng họ đã chết tại miền Bắc. Họ ra đi mỗi người một số phận người thì bị rắn cắn chết, người thì bị cảm nắng chết do đi bắt cua, kiếm cá về cải thiện…

Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật, tôi muốn chia sẻ với tất cả các độc giả cả nước. Một sự thật mà nó cứ hiện hữu trong tôi suốt gần 20 năm qua không giải toả được.

Năm 1992 tôi được điều động về công tác tại trường Quân sự tỉnh Hà Tây (cũ). Nay là thành phố Hà Nội phụ trách một tổ công tác có nhiệm vụ trông coi tài sản doanh trại, đất đai hoa mầu của đơn vị. Nơi đây trước kia là doanh trại của Đoàn an dưỡng 587 thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tây đã giải tán. Nhiệm vụ của Đoàn này trong chiến tranh là tiếp nhận những cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu ở các chiến trường Miền Nam bị thương hoặc yếu sức khỏe được đưa ra Bắc để an dưỡng phục hồi sức khỏe. Nếu đồng chí nào sức khỏe còn tốt thì tiếp tục trở lại các đơn vị chiến đấu, đồng chí nào thương binh và sức khỏe yếu thì được giải quyết chính sách về địa phương hoặc chuyển ngành ra các cơ quan của nhà nước. Đồng chí nào bị thương nặng thì được chuyển về các trại điều dưỡng thương binh nặng của tỉnh. Đặc biệt từ năm 1973, Đoàn còn nhận thêm một nhiệm vụ là tiếp đón những anh em bị tù đày ở các nhà tù Mỹ Ngụy được trao trả theo hiệp định đình chiến ngày 27 tháng 1 năm 1973. Số cán bộ chiến sĩ này hầu hết là con em của đồng bào các tỉnh phía nam.

Họ đã sống và chiến đấu và bị tù đày ở các nhà tù của chế độ Sài Gòn cũ. Họ đã không hy sinh, không khuất phục trước bom đạn mũi súng, đòn roi tra tấn của kẻ thù (gậy biệt ly – Vồ sầu đời). Nhưng các anh đã chết tại miền Bắc, ngay gần trung tâm thành phố Hà Nội nếu tính theo đường chim bay khoảng 30 km. Có ba đồng chí trong số đó đã xấu số ra đi cách đây đã 37 năm. Họ ra đi mỗi người một số phận người thì bị rắn cắn chết, người thì bị cảm nắng chết do đi bắt cua, kiếm cá về cải thiện, người thì thắt cổ tự vẫn (theo lời kể của một số người dân địa phương tại đó). Đấy họ đã ra đi chỉ có vẻn vẹn như vậy thôi không còn thông tin nào khác nữa. Suốt 37 năm qua họ đã nằm đó không một nấm mồ, không tên tuổi, không gia đình, không người thân, không một nén hương và không ai biết đến họ…

Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi tại sao? Tại sao…? Hàng ngàn, hàng vạn câu hỏi tại sao vẫn không có lời giải đáp. Bởi vì họ ra đi là thật rồi, họ đã nằm đó là thật rồi… Lúc chiến tranh thì đổ lỗi cho là đất nước còn đang chia cắt. Bây giờ thì sao? Đất nước đã thống nhất đã hơn 35 năm rồi tại sao? Có ai trả lời giúp tôi với.

Họ là ai nếu không phải là liệt sĩ? Cho dù có không được công nhận là liệt sĩ đi chăng nữa thì họ cũng phải được quy tập vào đâu đó, để thông báo với gia đình để họ được chăm lo hương khói. Chiến tranh có thể mất hết một gia đình, cả một dòng họ, một làng, một xã… Nhưng tên làng, tên xã sẽ mãi mãi không thể nào mất được. Cho dù cả nhà họ có mất đi sau cuộc chiến này nhưng đằng sau họ còn cả một dân tộc cơ mà. Một dân tộc anh hùng làm sao không chăm lo nổi hương khói được cho các anh. Biết đâu, ở đâu đó vẫn còn gia đình người thân của họ còn nhưng không có điều kiện đi tìm và không có môt thông tin nào để mà tìm. Cũng có khi sự mất mát quá lớn trong chiến tranh của gia đình họ mà họ vẫn biết ở đâu đó ngoài Bắc ông mình, cha mình… đã nằm ở đó mồ yên mả đẹp rồi mà không có điều kiện thăm nom được. Họ đâu ngờ rằng ông họ, cha họ… đã nằm như thế đã bao năm qua.

Việc làm của tôi bao năm qua cũng chẳng giúp gì được cho các anh. Việc duy nhất mà tôi làm lúc bấy giờ là năm 1992 tôi cho mấy đồng chí chiến sĩ chôn mỗi mộ một hòn đá ong (đá đào dưới đất lên để xây nhà) để đánh dấu ba ngôi mộ và báo cáo lên nhà trường, vì họ mới tiếp nhận khu đất này nên cũng không ai biết cả. Trách nhiệm của tôi lúc bấy giờ chỉ được đến thế thôi (phát hiện và thông báo) vì trên tôi có cả một tổ chức. Thế rồi mấy tháng sau tôi được thông báo về nghỉ, chờ đi giám định sức khỏe giải quyết chính sách thế là tôi được ra quân. Thời gian tôi biết và sống cùng các anh có vỏn vẹn 10 tháng thôi, biết các anh khi các anh đã yên nghỉ tại đó là 18 năm rồi và thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Sau nhiều năm lăn lộn với cuộc sống tôi bẵng đi không có điều kiện thăm lại nữa.

10 năm sau (năm 2003) tôi trở lại thì nấm mồ không còn nữa thay vào đó là một lùm cây to mọc kín khu mộ các anh nằm. Tôi nghĩ nếu mình không hành động gì có lẽ vài năm nữa thôi, nhân chứng một ngày một ra đi, tốc độ đô thị hoá tới đây mất rồi, thì không biết điều gì sẽ xảy ra đối với các anh. Tôi đã dùng tiền của mình nhờ người địa phương mua vật liệu và thuê người xây bao quanh mộ các anh (hình ảnh mà các bạn nhìn thấy đó là một góc khu mộ). Tôi làm việc này với hai mục đích: một là giữ lại phần đất để các anh nằm, hai là làm một thông điệp nhắn nhủ cho đồng đội của tôi, của các anh đang công tác tại trường quân sự và Bộ CHQS tỉnh Hà Tây biết là ở đó, tại chỗ này hiện nay đang có đồng đội mình nằm đó khá lâu rồi đấy. Hãy nới lòng trắc ẩn ra và hãy hành động đi khi còn chưa muộn nhưng tiếc thay vẫn bặt vô âm tín.

Khu mộ của các chiến sĩ. Ảnh và clip: Nguyễn Viết Bội Năm 2005 khi cả nước ta hào hùng kỉ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước một niềm vùi tràn ngập từ Bắc vào Nam. Tự hào quá, anh hùng quá, nhưng cái tự hào đấy, anh hùng đấy được giành lại từ đâu? Máu xương của đồng bào, đồng chí, đồng đội bao thế hệ đã ngã xuống để giành được. Thế mà các anh đã nằm ở đó như thế đấy: không một nấm mồ, không tên tuổi, không gia đình, không người thân, không một nén hương và không ai biết đến họ. Một lần nữa tôi lại tiếp tục viết thư gửi các cơ quan sau: – Truyền hình Việt Namm, mục “Nhắn tìm đồng đội”. – Báo Quân đội nhân dân. – Cục thương binh liệt sĩ Bộ LĐ và TBXH – Cục chính sách Bộ Quốc Phòng. – Phòng chính sách Quân khu Thủ Đô. – Phòng thương binh liệt sĩ – Sở LĐ và TBXH tỉnh Hà Tây. Từng ấy cơ quan tôi đã gửi đi nhưng không có cơ quan nào phản hồi bằng văn bản cả. Duy nhất có một đồng chí tên là Bình, thiếu tá đang phụ trách chính sách tại Ban CHQS huyện Chương Mĩ lúc bấy giờ (2005) duy nhất có một lần đến gặp tôi. Tôi có hỏi thông tin nào để anh biết đến nhà tôi thì anh ấy trả lời là anh có thư gửi lên trên tôi đến để xác minh thực hư. Tôi trả lời mọi việc thì tôi đã nói rất rõ trong đơn rồi nếu anh không có đơn thì tôi in cho anh một bản và tôi nói với anh là tôi sẽ cùng với các anh làm việc này. Nếu phải đi xa để xác minh thì tôi sẽ lo phương tiện. Với hàng loạt cơ quan mà tôi gửi gắm thông tin, những gì tôi nhận được chỉ vẻn vẹn có thế thôi không có thêm thông tin nào nữa. Năm 2010, trước thềm Đại lễ 1000 Thăng Long – Hà Nội (vào khoảng tháng 5 gì đó) tôi đã viết bài nhắn tin lên trang mạng
nhantimdongdoi.org, được các anh chị đăng tin và trả lời tôi qua lại vài lần và đến bây giờ thì mọi việc vẫn còn đang nằm trong bế tắc, chưa có tia sáng nào cả. Vì vậy tôi muốn đăng tin lên Bảo tàng Ký ức Xã hội – baotang.kyucxahoi.com để chia sẻ với bạn đọc cả nước đồng thời muốn lưu giữ một thông tin biết đâu mai ngày nếu ai đó có lòng trắc ẩn. Con cháu gia đình họ có đọc được thông tin này và quyết tâm đi tìm các anh về. Bao nhiêu lời nói cũng không thể đủ được. Bao nhiêu câu hỏi tại sao vẫn chưa có lời giải. Chỉ còn lương tâm và trách nhiệm của chúng ta, những người đang sống là hãy trả lại tên cho các anh, trả lại quê hương và người thân cho các anh. Chiến tranh đã kết thúc hơn 35 năm rồi nhưng còn biết bao liệt sĩ của chúng ta chưa về được quê hương và còn bao nhiêu người đồng đội đang trăn trở, dằn vặt ăn không ngon, ngủ không yên, còn đau đáu nỗi đau khi chưa đưa được đồng chí của mình về quê hương. Liệt sĩ là máu, là xương, là nước mắt của dân tộc. Độc lập tự do ngày hôm nay đã thấm máu, thấm da thịt của những anh hùng liệt sĩ. Vì thế việc tìm kiếm và đưa liệt sĩ về quê hương là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trước tiên tôi viết đơn này kêu gọi trách nhiệm của những ai đã từng làm công tác chính sách, cán bộ thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tây trước kia, nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ từ năm 1974 đến nay. Người còn công tác thì phải tìm kiếm hồ sơ lưu trữ, người đã nghỉ hưu thì phải cung cấp số liệu và thông tin vì chỉ có họ là có thông tin chính xác nhất (điều này thì công tác cán bộ của quân đội làm rất tốt việc lưu giữ hồ sơ cán bộ qua các thời kì). Các cơ quan ban ngành của Thành phố Hà Nội hãy vào cuộc đi chiến tranh đã lùi xa rồi. Thời gian không chờ một ai, liệt sĩ đã hy sinh cho chúng ta được sống, được hưởng thụ thành quả của cách mạng. Có cơm no áo ấm, có nhà cao cửa rộng, có địa vị xã hội, có chức có quyền… Nếu chúng ta quên trách nhiệm của mình với liệt sĩ là chúng ta đã sống trái đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam và đi ngược lại với chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước. Rất mong nhận được sự quan tâm, đồng thuận của các cơ quan ban ngành trong cả nước và sự quan tâm của độc giả gần xa.
Địa chỉ phần mộ: thôn Văn Sơn, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mĩ, Hà Nội (Hà Nội đi Hà Đông đi Xuân Mai đi Miếu Môn theo QL21 cách Xuân Mai 9 km hỏi thôn Văn Sơn. Phần mộ cách QL 21 khoảng 700m nằm trên khu đất hiện nay Ban CHQS huyện Chương Mĩ đang quản lí.)
Mọi chi tiết xin liên hệ theo địa chỉ sau : Nguyễn Viết Bội: SN L2 – ngõ 20 – Ngô Quyền – P. Quang Trung – Q. Hà Đông – TP. Hà Nội – ĐT: 0983210988 – 01649444868.
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2010
Nguyễn Viết Bội

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.