Nhận được kết quả thi đại học với số điểm khá cao, tôi chắc chắn sẽ đậu vào ngành Nhân học trước khi danh sách chính thức được công bố. Nhưng điều đó khiến tôi không những không vui mà còn làm tôi buồn và thất vọng hơn nữa. Số là sau khi xem kết quả, tôi đã tìm hiểu rõ hơn về trường. Vào trang Web trường ĐHKHXHNV lúc này, tôi mới nhận ra khoa Giáo dục học có bộ môn Tâm lý. Thật ra ngành tôi yêu thích là ngành Tâm lý. Tôi khát khao được hiểu biết về tâm lý. Thú vị và hạnh phúc biết bao khi tôi có thể gỡ rối tâm lý cho nhiều người. Nhưng trong bối cảnh làm hồ sơ, tôi chỉ biết có trường ĐH Sư phạm và ĐH Văn hiến là có ngành tâm lý. Một bên điểm cao, một bên trường dân lập học phí cao. Tôi đã quyết định bỏ Tâm lý để theo Nhân học- một ngành nghe tên hay hay lại thấy có học về vấn đề tôi thích thích là tôn giáo.
Tôi hiểu ra rằng công tác hướng nghiệp là hết sức quan trọng. Chính bản thân tôi nhận định tôi đã chọn nhầm ngành ngay từ đầu. Yêu thích một ngành khác, chẳng hiểu biết tí gì về ngành mình học, tôi giống như một người mù đi giữa rừng rậm. Bất cần. Ngỡ ngàng hơn là sau khi học được vài buổi đầu tiên, tôi đau đớn nhận ra rằng tiền thân của ngành Nhân học là Dân tộc học. Dân tộc học là một trong những ngành tôi loại bỏ đầu tiên khi xem qua quyển tuyển sinh mấy năm trước. Cái tên ngành nghe quê mùa muốn chết. Ngành đó lại thuộc khoa Lịch sử, khô khan thấy mồ. Vậy mà tôi lại đang là sinh viên của ngành “kế thừa” ngành Dân tộc học đó.
Thời gian đầu, tôi thật sự nản. Đến một ngày trong một cuộc hội trại. Tôi trò chuyện với một chị khóa trên. Tôi kể những tâm sự của tôi thì nhận được sự đồng cảm của chị: “Lúc trước chị cũng từng như em vậy đó. Nhưng bây giờ chị yêu ngành Nhân học của mình lắm”. Chị cũng là một người có niềm đam mê ở một lĩnh vực khác. Nhân học là nguyện vọng 2 của chị. Vậy mà chị đã yêu ngành được thì tôi cũng sẽ yêu ngành được. Tôi bắt đầu vứt bỏ những nuối tiếc về ngành Tâm lý, tập trung học và tìm hiểu về ngành Nhân học mới mẻ này. Gia đình, bạn bè, thầy cô ai ai cũng ngỡ ngàng khi nghe tên Nhân học. Nhân học chắc là học làm người!!! Dần dần tôi thấy được những điều thú vị về ngành học. Những thú vị ấy rất đơn sơ, có thể là cảm mến về một người thầy tận tâm với ngành, với sinh viên, một bài học nhỏ trong giáo trình, một câu nói của một nhà Nhân học nổi tiếng,…và đăc biệt hơn là những người bạn.
Có thể nói món quà lớn nhất mà Nhân học tặng cho tôi, ấy là những người bạn. Nếu tôi học ngành khác chắc chắn tôi sẽ có những người bạn khác, sẽ có những niềm vui khác nhưng tuyệt đối không phải là những người bạn này, những niềm hạnh phúc này. Những bữa cơm đạm bạc nơi phòng trọ, những giọt nước mắt chia sẻ về học tập, gia đình và cả tình yêu nữa. Hạnh phúc là những tiếng đọc bài của những đứa trẻ Kh’mer ở lớp học tình thương Hồ đá, thả lòng với những buổi đi dạo, trò chuyện, ăn chè bắp cùng đám bạn nhí nhố. Tôi cũng không quên những buổi tập văn nghệ vui nhộn, hay những lúc “vui hết mình” ở quán karaoke hay “The best of nhạc vàng”, hay không khí rộn ràng chuẩn bị ngày hội Nhân học hoặc lăn lộn với Ngày hội bóng đá Tam kì… Rồi cái tên nhóm học tập của tôi gây xôn xao dư luận: Benedict. Benedict là tên một nhà Nhân học nổi tiếng hay tên của một vị thủ lãnh tôn giáo??? Có thể nói mỗi kỉ niệm với Nhân học gắn liền với những người bạn và ngược lại.
Hoạt động mang đậm dấu ấn Nhân học và bạn bè hơn cả là những chuyến điền dã. Chuyến điền dã đến với cộng đồng tộc người Churu ở Lâm Đồng, hai lần tham dự tết Cholchnamthmay của người Kh’mer ở Trà Vinh, chuyến thực tập cuối khóa ở Trà Kháo hay chuyến đi đến cộng đồng dân cư ở khu vực lòng hồ Trị An… Tôi nhớ những buổi lăn lội theo chân người Churu lên núi lấy đất sét về làm gốm, lên rẫy hái ớt, nhặt cà chua, nhớ lúc cả nhóm nhao nhao chuyển đề tài nghiên cứu, nhớ những bữa cơm cháy, cơm khê nhưng ngập tiếng cười, nhớ cả những buổi tối hát hò bên ánh lửa để khuya về vẫn cười rúc rích trong chăn. Có nhiều người sẽ vẫn còn ôm bụng cười khi nhắc đến hai đêm say sưa bên chóe rượu cần cùng nhau “chén tạc, chén thù”, ngâm thơ uống rượu, nhớ đám bạn sáng ăn rau muống heo để tối đến nấu cháo gà, nhớ những đêm vật vờ bên chiếc đèn cầy viết nhật kí điền dã hay những nụ cười giòn tan của những người dân trong cộng đồng… Tất cả những chuyến đi ấy làm cho tôi gần gũi, yêu mến bạn bè hơn đồng thời cũng yêu mến ngành hơn. Nếu ai đó hỏi Nhân học có gì đặc biệt thì hãy trả lời đó là những chuyến điền dã.
TB: Một vài tấm ảnh đi điền dã do tác giả cung cấp
(Điền dã ở Cầu Kè-Trà Vinh)
(Điền dã ở Trị An-Đồng Nai)
(Điền dã ở Đơn Dương-Lâm Đồng)
Khai Tâm