Cô giáo lớp Năm

1
828
Khi còn học lớp một, tôi thường nghe bạn bè cùng lớp và các chị ở gần nhà kể những câu chuyện về một cô giáo dạy lớp Năm rất hay đánh học sinh. Ấn tượng ban đầu của tôi về cô cũng là ấn tượng của họ về cô: sợ hãi. Thời điểm đó, mỗi khối học chỉ có bốn lớp, và tôi cầu mong bốn năm sau, mình đừng bao giờ được xếp vào lớp của cô giáo ấy.
(Cô giáo lớp năm (hình minh họa), Nguồn: Internet)
Thuở đó, trường lớp còn đơn sơ và nghèo nàn. Sân trường là một bãi đất phủ đầy cỏ dại. Cái sân mà khi muốn dọn dẹp, Ban Giám hiệu phải huy động toàn bộ học sinh của trường mang dao vào để làm cỏ. Lớp học được tráng xi măng làm nền thay vì lát gạch, còn bục giảng thì nứt nẻ và sụt lún. Bao quanh lớp học là bức vách mà một nửa là tường gạch, nửa còn lại là vĩ tre đóng sọc chéo để lấy ánh sáng; và do vậy cũng không cần đến cửa sổ. Trời mưa thì học sinh phải đổi chỗ ngồi, sắp xếp lại bàn ghế vì bị mưa dột qua những lỗ thủng trên mái tôn, hay vì bị mưa tạt qua những khung tre. Còn những mùa nước nổi, học sinh phải bì bõm lội nước từ ngoài cổng trường đến lớp học. Căn tin trường là một cái chòi lá với ba gian hàng nằm trên một mô đất. Nơi đó, vào giờ ra chơi, chúng tôi có thể mua bánh dẻo hay xôi vò với giá hai trăm đồng và những ly nước hột é với giá một trăm đồng một ly. Trường không có nhà vệ sinh. Con trai nếu có mắc thì ra những bụi cây ở cuối sân trường, còn con gái thì đi nhờ ở nhà của chú bảo vệ. Ngôi trường thị trấn mà tôi học thời đó nó như thế.
Số là các chị ở gần xóm học lớp do cô chủ nhiệm nên mỗi trưa tan học, tôi đều sang lớp của cô để chờ các chị về. Khi ấy còn khá ngây ngô, tôi đứng ngay trước cửa lớp của cô để vừa xem cô giảng, vừa nhìn các chị học. Những lần đầu cô chỉ nhìn tôi và cười. Rồi một hôm, cô dẫn tôi vào lớp và bồng tôi ngồi vào lòng cô. Tôi biết cô quý tôi. Cô hỏi tôi học lớp mấy? Do ai dạy? Đứng trước cửa lớp của cô làm gì? Chờ ai? Tôi thấy cô giảng thế nào? Rồi cô hỏi tôi có muốn học cùng không, tôi đáp lại là có. Vậy là kể từ lần đó, trưa nào tôi cũng được cô dẫn vào “dự lớp”. Tôi ngồi trên ghế giáo viên, quan sát lớp của cô và quan sát bài giảng của cô, dù khi đó tôi chẳng thể hiểu phép chia có dư hay đường may kiểu móc xích là gì. Nhưng tôi vẫn sợ cô vì có đôi lần, tôi thấy cô khẻ tay mấy anh chị không làm bài tập về nhà hay quên mang vở. Tiếng khẻ nghe chát chúa và cái hình ảnh mấy anh chị ôm tay, khuỵu xuống, mặt nhăn nhó sau khi bị khẻ làm tôi vẫn giữ ấn tượng không tốt về cô. Cây thước mà cô nói là làm từ khi mới đi dạy có một đốm thâm đen ở đầu, và tôi nghĩ đó là kết quả từ việc khẻ tay của rất nhiều học sinh.
Khi các chị đã tốt nghiệp và lên học ở trường cấp hai thì những năm sau đó, tôi không còn ghé qua lớp của cô nữa. Tôi ngày một lớn hơn trong khi hình ảnh cô trong trí nhớ của tôi càng mờ đi. Lên lớp Năm, cả lớp tôi ai cũng lo lắng khi biết cô sẽ chủ nhiệm. Việc đó xảy ra như một sự sắp đặt. Bởi lẽ cả bốn năm học, chúng tôi đều học ở lớp thứ hai. Sang lớp Năm, chúng tôi lại được xếp vào lớp Năm 4, lớp cuối cùng và do cô chủ nhiệm. Thế nhưng, không có ai chuyển lớp vì sợ bị khẻ tay cả.
Được một thời gian, tôi cảm thấy hết sức thoải mái khi học lớp của cô. Chúng tôi bị cấm nói chuyện riêng nhưng không bị cấm tranh luận. Chúng tôi tranh luận với nhau và với cô mọi lúc trong giờ học, bất kể là môn gì. Nhất là trong giờ của môn Tập đọc, chúng tôi được tự thiết kế buổi học cho mình, còn cô chỉ là người quan sát. Lớp phó học tập là người cầm trịch cho môn này. Ban đầu, bạn ấy sẽ mời một bạn trong lớp đọc bài. Nếu bài dài thì bạn ấy sẽ mời nhiều bạn hơn để đọc. Rồi cả lớp sẽ thảo luận để trả lời tất cả các câu hỏi có sẵn trong sách giáo khoa. Sau đó, mọi người sẽ nghĩ ra những câu hỏi có liên quan đến bài đọc để thách đố nhau trả lời. Phần tranh luận sôi nổi nhất là ở đây. Cuối cùng, cả lớp sẽ cùng thảo luận để rút ra đại ý của bài đọc và cô sẽ chỉnh sửa đại ý đó. Dĩ nhiên, không ít lần cô phải can thiệp vào những cuộc tranh luận “nảy lửa” hay vấn đề tranh luận bị lạc đề. Những cuộc tranh luận nghịch ngợm như Yết Kiêu lặn lâu được vì đeo bình hơi?, hay trong ánh lửa bập bùng thì tác giả có thể thấy lông từ đôi chân của người bà? là những điều tôi nhớ mãi về lớp Năm 4.
Chúng tôi cũng bị khẻ tay như các anh chị của những khóa trước. Mọi người lớp tôi đều bị cô khẻ vì những sai phạm, không có ai ngoại lệ. Lần đó, tôi bị khẻ tay vì không làm bài tập làm văn về nhà. Điều này làm tôi cảm thấy xấu hổ với chính mình và với bạn bè, dù tôi chỉ là một trong rất nhiều người bị khẻ. Lúc đó, tôi đã nhận ra, khẻ tay dù rất đau nhưng không phải là cái làm tôi thấy mình sai và sửa lỗi; mà chính cảm giác xấu hổ mới làm việc đó. Tôi không giận cô vì làm đau mình, nhưng thời điểm đó tôi cũng không đủ sâu sắc và bao dung để thầm cảm ơn cô vì đã răn dạy tôi. “Tất cả từ từ rồi sẽ qua và mọi người sẽ quên đi cái cảnh mình bị cô khẻ tay. Việc bây giờ là đừng để cho cha mẹ biết chuyện này và đừng để chuyện này xảy lần nữa.” – tôi nghĩ.
Lên cấp hai, tôi tiếp xúc với nhiều thầy cô hơn vì mỗi môn học có một giáo viên phụ trách. Do vậy, thời gian tôi gần gũi với họ khá ngắn, kể cả giáo viên chủ nhiệm. Tôi bắt đầu làm quen lại với kiểu học “nhồi sọ”. Hiếm hoi lắm tôi mới được có một cuộc tranh luận với bạn bè hay với thầy cô trong giờ học. Thế nên, tôi mất đi những cảm giác thoải mái mà mình có trước đây, và tôi bắt đầu rụt rè, ít nói. Nhưng tôi không thể so sánh để biết mình đã mất đi những gì khi có những thay đổi đó, vì tôi còn quá nhỏ.
Những năm trước, tôi đều ghé thăm cô vào ngày Nhà giáo Việt Nam và mùng ba tết. Từ lúc tôi bắt đầu vào Đại học thì việc này không còn nữa. Lần này tôi về thăm nhà, bất giác nhớ lại, mình từng có một người mẹ mà mình để quên đâu đó trong ký ức.

Khánh Hưng

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.