Tôi đi lượm ve chai – Kỳ 2

0
1047
Trên suốt đoạn đường, tôi bắt đầu dáo dác nhìn, không phải là nhìn cây cối, đường sá, cũng chẳng phải nhìn những dòng sinh viên quần áo tinh tươm hối hả đến trường cho kịp. Chẳng hiểu sao tôi lại thầm cảm ơn những người “vô ý thức vệ sinh” khi quăng chai lọ bữa bãi. Họ quăng bừa bãi dọc đường như thế nên tôi (và những đứa nhỏ này) mới có cái để nhặt, để kiếm tiền.
Nói thì nói vậy thôi, đi gần một tiếng đồng hồ, kiểm kê lại sản phẩm tôi mới nhận thấy rằng, những chai lọ kiếm từ các sọt rác hay dọc đường ít hơn nhiều so với số chai lọ các em xin được từ các phòng trọ. Có lẽ sinh viên ở một số khu trọ khá quen thuộc với các em nên khi thấy tiếng cười đùa của các em là họ vẫy tay vào để đưa các chai lọ mà khi uống nước xong họ để lại cho các em. Bài học cảm ơn tôi dạy các em đã được các em thực hành trong những lúc này. Sau khi nhận được mớ ve chai, chúng cám ơn các anh chị rồi ra một chỗ trống để chia đều cho nhau. Cái nào dư ra thì lại oẳn tù xì. Tôi cũng được tham gia trong phần ăn chia này. Ngoài ve chai, hôm đó cũng có một sinh viên cho các em một đống sách báo cũ và giấy vụn. Những xóm trọ sinh viên dường như khá quen thuộc với tiếng chào hỏi “hôm nay có chai nào không anh?”. Đáp trả của các sinh viên là cái lắc đầu hoặc hành động đứng dậy lục lọi trong phòng xem có thứ gì không. Các em cũng dẫn tôi đi xin nước uống ở phòng trọ mà các em quen. Hơi xúc động tí xíu khi chúng xin nước rồi mời tôi uống trước trong khi môi đứa nào cũng khô ran.
“Sau khi nhận được mớ ve chai, chúng cám ơn các anh chị rồi ra một chỗ trống để chia đều cho nhau. Cái nào dư ra thì lại oẳn tù xì.” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet

Trong khi rất nhiều các bạn sinh viên bằng một hành động nhỏ bé đã giúp đỡ các em thì không ít các phòng trọ treo bảng: “Cấm ve chai đi vào”. Tôi còn nhớ hôm đó, tại một quán nước gần ngã ba Nhân văn – Tự Nhiên, một cặp sinh viên uống nước xong liền vứt chai xuống chân và đứng dậy trả tiền. Mắt tôi sáng lên và nhắm vào mục tiêu. Tôi la “Anh xí hai lon kia”. Mấy đứa nhỏ kêu: “Đừng lấy thầy ơi, cái đó của người ta, người ta chửi đó”. Tôi chẳng tin. Chắc tụi nó không xí được nên ghen tị đây mà. Vả lại tôi nghĩ đó cũng chỉ là rác bỏ đi. Tôi nhặt lại người ta không cảm ơn thì chớ, chứ chửi mắng gì. Tuy nhiên tụi nhỏ có kinh nghiệm, vả lại chắc chúng nói thật. Tôi hơi phân vân nên bước nhẹ nhẹ đến. Vừa cúi xuống nhặt cái lon chưa kịp ngẩng đầu lên thì một  tràng liên thanh nổ lên: “Cái lũ mất dạy, trưa không ở nhà ngủ lại đi rình rập ăn cắp”. Ôi trời, có nhầm không vậy? Tôi nhặt cái lon bỏ không cơ mà. Tôi ngượng quá với tiếng mắng của bà ấy nên vứt lon chạy thẳng ra mấy đưa nhỏ rồi phóng đi thật nhanh. Thì ra những người bán quán ấy sau khi bán nước cho khách xong cũng thu lại các vỏ chai để bán. Những đứa nhặt ve chai đừng hòng được đụng đến. Tôi chợt nhìn lại mình. Tôi cũng nhỏ người như đám trẻ. Da cũng đen do bắt nắng, quần áo thì bẩn do lau chùi tùm lum và cả mồ hôi nữa, nhìn cũng lem luốc lắm. Chắc lúc đó bà chủ quán không biết tôi là sinh viên nên mới mắng chửi vậy. Vậy là tôi làm thằng lượm ve chai cũng khá mà. Một nguyên tắc mà các em “quán triệt” là đi nhặt ve chai chứ không đi ăn xin, tuyệt đối không mở miệng xin tiền và không ăn cắp. Tôi trực tiếp dạy chúng học chữ cũng như lồng vào đó các bài học làm người. Chuyến đi này làm tôi tin tưởng và tự hào hơn về những đứa trẻ này. Tuy vậy, còn khá nhiều người đánh đồng các em lượm ve chai là những kẻ trộm cắp hay ăn xin. Chính định kiến ấy khiến các em bị kì thị, xa lánh thậm chí là chửi mắng nguyền rủa. Định kiến ấy xuất phát từ việc khá nhiều vụ mất trộm là do những người lượm ve chai lợi dung sơ hở ăn cắp đồ. Tuy nhiên, đánh đồng tất cả thì quả thật là thiệt thòi cho các em quá. Theo các em, mấy đứa ăn trộm đó là đám trẻ bụi đời ở Suối Tiên. Những đứa trẻ ấy đi lượm ve chai, bán vé số rồi ăn cắp hoặc xin tiền các sinh viên.

Thấy tôi khá mệt nên các em ngỏ ý về sớm. Thằng Tí đòi đi nhặt tiếp nhưng bị thằng Phi đá cho một cái vào đít. Vậy là hôm nay có mặt tôi nên chúng về sớm và không dám đi xa. Thằng Thương buộc dây kéo lê cái bao ve chai dọc đường, thằng Tí chạy theo. Thằng Phi thì vác bao trên vai. Tôi cũng khá mệt với bọc “sản phẩm” trên lưng vừa la í ới sợ hai thằng nhóc kia đụng xe. Trên đường về gặp mấy đứa anh em cùng trong đám lượm ve chai và cùng lớp, chúng đang chơi trò ném lọ. Vậy là, chúng ùa vào chơi ném lọ. Mỗi đứa đặt một lọ ở trên một cái mức, sau đó dùng dép ném, mỗi lần ném một cái, lọ nào ngả thì được lấy, ném đến khi nào hết lọ trên mức thì hết lượt. Tôi cùng bọn nhỏ chơi đến gần 4h chiều. Lúc đó thằng Tí và bé Tuyền chơi thua gần hết nên nghỉ để chừa lại mấy cái mang về. Những chai lọ lượm về sẽ gom lại. Đến khi nhiều nhiều rồi chở ra bán cho vựa ve chai quen thuộc ở ngã ba. Ngoài ra, một số đứa lớn 13, 14 tuổi còn đi đào các cây sắt ở các nhà đang đập phá. Tôi còn lại mấy chai nên chia cho mỗi đứa vài cái. Kết thúc ngày đi lượm ve chai. Kể từ hôm đó, tôi có thêm một thói quen mới, một công việc mới: đi ra đường bắt đầu chú ý hơn những sọt rác hay các chai lọ ven đường. Tôi cũng thu gom các chai lọ tại một số phòng trong kí túc xá, cuối tuần lại nhét vào ba lô mang đem cho các em. Chúng túm lại, nhận rồi chia nhau rộn ràng như một món quà thật sự làm tôi cũng vui lây. Gần ba năm gắn bó với những vui buồn của bọn trẻ. Tôi hạnh phúc khi nghĩ lại những bài học tôi dạy cho chúng và chúng dạy cho tôi. Bây giờ có lẽ chúng vẫn đang rong ruổi trong những ngõ ngách của các dãy trọ, đôi mắt chúng cũng đang dáo dác nhìn vào những thùng rác, đôi tay đang cào bới những thứ người khác bỏ đi để có cái tồn tại. Và rồi thế nào nữa…
Khai Tâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.